Nuôi ước vọng để về với bản

Chủ Nhật, 25/02/2007, 14:38

Mặt bầu bĩnh, mắt trong veo, vóc dáng rắn rỏi, đó là những đứa trẻ người Mông mồ côi xuống từ những bản làng xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái mà chúng tôi mới gặp.  Những khuôn mặt giống giống nhau của anh em nhà họ Chàng và họ Hờ cứ ám ảnh chúng tôi.

Từ bài văn của cậu bé mồ côi Hờ A Vàng

"Trong nhà em, người lớn tuổi nhất là anh của em, bây giờ anh là chủ trong gia đình. Anh em hàng năm chỉ chăm lo việc đồng áng. Hôm thì anh lên ruộng xem lúa, hôm thì anh xuống chợ mua phân bón cho lúa nên thời gian anh ở nhà rất ít, hầu như chỉ vào buổi tối... Anh của em nói: "Anh muốn có một ngôi nhà vững chắc hơn để cho cả nhà sống thấy thoải mái và khỏe mạnh, không như ngôi nhà rách nát này khi trời mưa to mình rất sợ nó bị sập đổ".

Hè vừa qua, em được anh xuống đón về thăm nhà, lúc sắp xuống đây để học, anh nói với em rằng: "Mấy hôm nữa không có anh ở bên nhưng phải vâng lời các cô chú đã nuôi dưỡng mình và các thầy cô giáo đang và đã dạy dỗ mình. Phải cố gắng học tốt để sau này còn có miếng cơm ăn, không phải như anh lúc nào cũng chạy đi chạy lại, nắng mưa đều phải đi làm hết. Mấy năm trước anh bỏ học là vì bất đắc dĩ, bố mẹ mất hết, không có ai làm chủ trong nhà nên anh mới bỏ học. Bây giờ em đã được Nhà nước nuôi dưỡng và cho đi học, phải cố gắng học tập cho tốt, phải nhắc nhở hai em học hành cho tử tế".

Bài văn của cậu bé Hờ A Vàng mà tôi đọc được trong cuốn vở tập làm văn lớp 6 thật xúc động. Lời văn có vẻ vụng về, nhưng nó là lời tâm sự thật, phản ánh cuộc sống thực của Vàng và các anh em.

Còn đây là tâm sự của cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Lý, Trường THCS Yên Thịnh, TP Yên Bái: "Đọc bài văn của Vàng, tôi đã khóc. Tôi cũng đưa bài văn cho các cô giáo trong trường đọc và ai cũng rất xúc động trước suy nghĩ và hoàn cảnh của em".

Bài văn của Vàng được cô giáo chấm điểm 8 với lời phê: "Em có suy nghĩ làm bài. Bài viết có cảm xúc tốt. Cô mong em vững vàng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tốt".

Chúng tôi đã gặp Hờ A Vàng (12 tuổi) và hai em trai của cậu là Hờ A Sánh (9 tuổi), Hờ A Lao (8 tuổi) trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái. Ba em được đưa vào đây sau sự mất mát lớn nhất trong đời, đó là mất cả cha và mẹ trong một tai nạn giao thông thảm khốc.

Quê các em ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, sống giữa núi rừng ngút ngàn, trên những quả đồi mà cuộc sống quanh năm nghèo khó. Bố mẹ vất vả nuôi 4 anh em trai nhưng không đủ ăn. Năm 2002, bố mẹ Vàng theo ôtô lên thị xã vay vốn xoá đói giảm nghèo. Chiếc ôtô chở bố mẹ của Vàng không qua nổi con đèo, lao xuống vực thẳm.

Đến câu chuyện của anh em nhà họ Chàng

5 anh em ruột, 5 đứa trẻ mồ côi, lớn nhất 15 tuổi, bé nhất 5 tuổi luấn quấn bên nhau trong cái vẻ thất thần vẫn còn vương trên nét mặt. Thời gian có thể xoa dịu nỗi đau nhưng không xoá lành được vết thương. Với những đứa trẻ non nớt này, vết thương còn lại chính là khoảng vắng thiếu cha, thiếu mẹ. Không có gì bù đắp được.

Năm anh em họ Chàng.

Đứa bé 5 tuổi Chàng A Sang hỏi anh nó, Chàng A Tu (15 tuổi): "Nhà mình ở đâu?". Anh nó bảo: "Nhà mình ở thôn Giàng A Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu". Từ nhà nó tới trung tâm xã hết cả buổi sáng. Từ trung tâm xã xuống đến trường học cũng mất hơn nửa ngày. Nhà nó có 8 anh em, đông con nhưng bố mẹ nó vẫn cho các con mình đến trường để học cái chữ.

Sáng còn quá nhỏ để nhớ chuyện cách đây 4 năm. Hôm đó, bố mẹ nó đi xuống thị xã mua máy khâu. Trên đường về, ôtô lao xuống vực. Cả bố lẫn mẹ nó đều thiệt mạng. Anh Tùng, cán bộ bảo trợ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Yên Bái cho chúng tôi biết: Để đến nhà họ, các anh phải đi bộ 7 tiếng đồng hồ. Nhìn những đứa trẻ ngơ ngác, không ai cầm được nước mắt. Các ban, ngành tỉnh Yên Bái quyết định đưa chúng về sống tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh.

Tạm biệt làng bản đến nơi ở mới mang theo nỗi buồn mất cha mẹ và quyết tâm thay đổi số phận. Khi chúng tôi hỏi ước mơ của chúng, đứa cho biết sẽ là bác sỹ, đứa bảo sẽ là thầy giáo. 5 anh em chúng nay đứa học lớp 3, đứa lớp 4, đứa lớp 8…

Xa bản, xa làng, những đứa trẻ người Mông với nỗi đau thiếu cha mẹ đang hàng ngày cố gắng học tập nhằm thỏa nguyện mong ước của bố mẹ lúc sinh thời. Và điều căn bản mà những người làm công tác xã hội, những thầy cô đang hàng ngày nuôi dạy chúng là muốn chúng trở thành người giúp ích cho cộng đồng khi về với bản làng

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.