Nuôi con chữ ở vùng cao trong mùa mưa lũ

Thứ Sáu, 24/11/2017, 08:10
Nằm ở địa bàn xã vùng cao Trà Don, Trường phổ thông dân tộc bán trú – THCS Trà Don cách trung tâm hành chính huyện Nam Trà My gần 15km. Địa hình hiểm trở, đường sá đi lại quanh co, cheo leo bên sườn núi, băng qua những cánh rừng già thâm u.

Sau trận mưa lũ do ảnh hưởng bão số 12, nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện Nam Trà My lên trường đã bị tắc nghẽn do có quá nhiều điểm bị sạt lở.

Tình cờ gặp thầy Võ Đăng Chín là hiệu trưởng điểm trường ở Trà Don về trung tâm huyện họp, tôi liền “níu áo” xin thầy Chín cho được cùng đi lên trường. Đường đi đã bị tắc nghẽn nên chúng tôi phải nhờ vào đôi chân của mình mà leo dốc, vượt đèo, lội suối.

Trên đường đi, mưa rừng vẫn thi nhau trút nước. Vừa bám chân từng bước trên con đường mòn trơn trượt, thầy Chín vừa kể rằng, sau đợt mưa lũ trên cung đường này xuất hiện hơn 15 điểm sạt lở. Đất đá cùng cây cối gãy đổ lấp đầy mặt đường. Có những điểm đường bị sạt lở thành hố sâu hoắm…

Ngày chủ nhật, các thầy cô giáo điểm trường Trà Don vẫn tranh thủ dạy tăng cường cho các em học sinh.

Đường đi bị ngắt ra thành nhiều khúc, hiểm nguy rình rập nên nhà trường đành phải giữ các em học sinh ở lại để đảm bảo an toàn.

“Bình thường các em học sinh nội trú cứ đến chiều thứ 7 là về. Song những ngày mưa lũ, để phòng tránh nguy hiểm đến các em, nhà trường đã giữ các em ở lại và cử giáo viên chăm sóc cho các em”, thầy Chín tâm sự.

Khi chúng tôi đến điểm trường xã Trà Don, trò chuyện với thầy, cô giáo nơi đây mới hay, thời điểm mưa to, gió lớn thì bất ngờ lũ ống từ trên núi cuồn cuộn đổ xuống cuốn phăng 15m bờ tường của trường. Trong tiếng nước chảy ầm ầm của lũ ống, tiếng gió rít mạnh, gào thét từ các cánh rừng xung quanh khiến ai cũng lo sợ.

Đã vậy, nguồn điện bị cắt đứt, thông tin bị tê liệt nên thầy và trò nhà trường chỉ biết đóng chặt cửa, ôm nhau nằm trong từng góc tường mà trong lòng thấp thỏm không yên. Thầy giáo Lê Nguyễn Chí Thạch, giáo viên dạy môn Ngữ văn, nói rằng các thầy cô giáo trải qua hơn 1 tuần sống trong lo sợ như thế.

Đêm xuống, họ nằm ôm các em học sinh mà vỗ về, an ủi để các em vượt qua nỗi sợ hãi, nỗi nhớ nhà chứ thực ra trong lòng của mình cũng đâu thể nào yên. Do quá sợ hãi nên nhiều em học sinh đã khóc nghẹn.

“Nhiều em khóc đòi về nhà, dỗ cách nào cũng không được. Đến khi các em mệt quá chìm vào giấc ngủ, chúng tôi vẫn thức canh. Làm giáo viên mà thấy học sinh của mình khóc vậy thì xót lắm. Nhưng biết làm sao, giữa đêm tối với sự vây bủa bởi mưa gió gầm rú của núi rừng…”, khuôn mặt rắn rỏi của thầy Thạch phảng phất bao nét ưu tư…

Rồi thầy Thạch nói tiếp: “Cũng may mà trường được xây kiên cố, thầy cô giáo cũng đã dự trữ lương thực từ đầu mùa mưa nên các em học sinh đã không bị đói, bị lạnh”. Khi tôi ngồi nói chuyện với thầy Thạch, các em học sinh cứ nhìn tôi lạ lẫm. Có thể chúng không nghĩ ra được vì sao đường tắc nghẽn mà tôi lại lên được đến đây.

“Con nhớ nhà lắm cô ơi, nhưng mưa to kèm lũ ống nên thầy cô không cho con về. Hơn 2 tuần rồi, con không được gặp bố mẹ. Con nhớ các em con lắm”, em Trần Thị Nhi Tín (học sinh lớp 6.1) đôi mắt đỏ hoe nhìn tôi như một sự khẩn cầu.

Trời vẫn mưa nặng hạt nhưng thương học sinh đã mấy hôm không có được bữa ăn đầy đủ, thế là các thầy cô điểm trường Trà Don lại lặn lội tìm vào nhà người dân để hỏi mua bí ngô, đu đủ, rau xanh mang về cải thiện thêm cho bữa ăn chỉ toàn mì tôm. Rồi như thường lệ, họ lại tất bật soạn giáo án để chuẩn bị cho những buổi lên lớp.

“Đường đi bị tắc nghẽn nên nhiều em học sinh học bán trú chưa thể đến trường. Nhưng để đảm bảo giờ lên lớp, đảm bảo kiến thức cho các em, thầy cô của nhà trường cũng chấp nhận dạy cho gần 160 em học sinh ở lại trường. Những học sinh còn lại sẽ được bồi bổ kiến thức sau khi đường được thông tuyến”, thầy Thạch bảo tôi như thế…

Trong chuyến công tác tại huyện vùng cao Nam Trà My sau đợt mưa lũ, tôi còn ghé Trường Tiểu học Kim Đồng ở xã Trà Mai. Dù đường sá đi lại còn khó khăn, bùn non trơn trượt, thế nhưng các lớp học ở đây đều đã được đảm bảo.

Thầy Nguyễn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy một số khu vực trên địa bàn xã bị sạt lở khiến cho việc đi lại ách tắc nhưng sau mưa lũ, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên cùng với chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động đưa các em đến lớp.

“Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cán bộ thôn vận động các em quay trở lại lớp sau thời gian vừa rồi. Đến hôm nay, các điểm trường cũng đều đã ổn định”, thầy Ngọc chia sẻ.

Thầy Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, sau tình hình mưa bão xảy ra vừa qua, hiện nay các trường trên địa bàn huyện đã đi học lại bình thường. Chỉ còn một số học sinh do đường xá còn cách trở, nhiều gia đình còn khó khăn do bão lụt nên chưa đến lớp.

Phòng GD&ĐT huyện cùng các thầy cô ở các trường đã đến từng nhà ở các thôn, nóc để vận động phụ huynh cho con em đi học trở lại. Đồng thời, chỉ đạo cho các trường tập trung khắc phục các thiệt hại về cơ sở vật chất, như tường rào, cổng ngõ; dọn dẹp vệ sinh môi trường để đảm bảo cho công tác dạy và học ở vùng cao này. (H.V)

Hà Vy
.
.
.