Nước sông Hồng tiếp tục xuống thấp, công trình thủy lợi "đắp chiếu"

Thứ Năm, 30/04/2009, 11:15
Trong khi mực nước sông Hồng thời gian gần đây liên tục xuống thấp đến mức kỷ lục gây hạn nặng cho 3 tỉnh Hà Nội, Phú Thọ và Ninh Bình thì nhiều công trình thủy lợi ở Hà Nội lại bị bỏ không, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân là do khi thiết kế, xây dựng các trạm này, người ta đã không tính đến chuyện mực nước sông Hồng có thể xuống thấp tới mức kỷ lục.
Hơn 40.000 ha lúa nguy cơ mất trắng do hạn nặng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, đã có khoảng 40 nghìn hécta trong tổng số 500 nghìn héc ta lúa Đông Xuân ở miền Bắc đang gặp khó khăn về nước tưới do nhiều ngày qua trời không có mưa. 3 địa phương bị hạn nặng nhất là Hà Nội, Phú Thọ và Ninh Bình.

Ngoài 3 địa phương nêu trên, tại miền Bắc còn nhiều địa phương như: Mường Khương, Bắc Hà, Simacai (Lào Cai), Chi Lăng (Lạng Sơn)… cũng đang hạn nặng do 2 - 3 tháng nay không hề có một giọt mưa, ruộng vườn khô cằn, xơ xác. Nước cho sản xuất thiếu, nước sinh hoạt của bà con cũng không đủ. Có nơi, người dân phải đi xa 4 - 5km để xin, mua nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, nước sông Hồng cạn trơ đến đáy nên nhánh sông Đáy chảy qua địa phận các tỉnh, thành từ Hà Nội - Ninh Bình cũng cạn, các trạm bơm đặt dọc sông Đáy không thể bơm được nước vào nội đồng.

Nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Hồng xuống quá thấp là do vừa qua, các địa phương đều thiếu nước và tổ chức bơm hút nước từ sông Hồng vào tưới dưỡng cây cối hoa màu. Trong khi lượng nước từ thượng nguồn chảy về không đủ bù đắp lượng nước bị mất, làm cho dòng sông khô cạn. Một số huyện Phúc Thọ, Sơn Tây... nguồn nước tưới phụ thuộc rất nhiều vào sông Đáy, do đó, trong vài tháng qua, tình trạng thiếu nước tưới đã xảy ra.

Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như hiện nay, khả năng mất mùa hoàn toàn có thể xảy ra bởi hầu hết diện tích lúa Đông Xuân đang chuyển sang giai đoạn đứng cái làm đòng, trong điều kiện thiếu nước tưới chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Mực nước sông Hồng liên tiếp những năm gần đây đều cạn trơ đáy vào mùa khô. Thậm chí, có những thời điểm, có thể đi bộ từ bờ sông qua bãi giữa của sông Hồng. Không chỉ gây khó khăn cho các phương tiện đường thủy đi lại mà việc mực nước xuống thấp đã làm vô hiệu hóa nhiều công trình thủy lợi vốn được đầu tư hàng tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Lan Châu, Phó  Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong thời gian tới, mặc dù vẫn tiếp tục không có mưa song mực nước trên sông Hồng sẽ nhích lên khoảng 2m do các hồ thủy điện sẽ tăng lượng xả để đảm bảo đủ điện năng cho mùa hè. Nhưng, thực tế là từ trước đến nay, ngành Điện chỉ quan tâm đến công tác sản xuất điện, chưa thật sự quan tâm đến sản xuất nông nghiệp.

Sông Hồng ngày càng cạn. Ảnh: N.Y..

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho biết, để đảm bảo đủ nước tưới, Bộ sẽ tăng cường làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên kế hoạch xả nước tại 3 hồ thủy điện là Tuyên Quang, Thác Bà và Hòa Bình nhằm đảm bảo đủ nước cho hạ du.

Những công trình thủy lợi hàng chục tỷ đồng nằm "đắp chiếu"

Trong khi hàng ngàn ha lúa đang trông chờ nước thì nhiều công trình thủy lợi khác ở Hà Nội lại bị bỏ không, lãng phí hàng chục tỷ đồng. Trạm bơm Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) là một ví dụ điển hình. Theo một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Phúc Thọ, trước năm 1994, tại xã Xuân Phú có một trạm bơm, nhưng do dòng chảy từ thượng lưu sối vào bờ hữu Hồng nên nó đã bị cuốn trôi. Sau đó, người ta lắp đặt tạm 10 máy bơm dã chiến tại khu vực này thay thế trạm bơm cũ, rồi sau này xây dựng trạm bơm mới.

Đến năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự án cải tạo "làm sống lại dòng sông Đáy" hay còn gọi là Cụm công trình đầu mối sông Đáy, do đó khi xây dựng trạm bơm Xuân Phú mới phải tính toán theo đúng thiết kế của Cụm công trình này.

Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ Lợi (Sở NN&PTNT) cho biết, cụm công trình đầu mối sông Đáy vẫn đang trong quá trình xây dựng dở dang, do đó cửa lấy nước vào cống Cẩm Đình bị bồi lắng nên ảnh hưởng lớn đến việc lấy nước vào sông Đáy tưới tiêu cho cây trồng của các huyện phía dưới hạ lưu.

Hệ lụy là các công trình khác trong đó có trạm bơm Xuân Phú bị ảnh hưởng theo. Người dân bức xúc vì trạm bơm mới đã hoàn thành hơn 1 năm nhưng chưa hề bơm được một giọt nước nào vào đồng ruộng.

Điều đáng nói là trước khi xây dựng hạng mục móng phần thượng lưu cửa cống Cẩm Đình, tại các buổi tiếp xúc, cử tri huyện Phúc Thọ đã nhiều lần chất vấn khả năng cốt đáy dương 3 của cống cao hơn mực nước sông Hồng, nhưng phản ánh này đã không được quan tâm.

Ngoài trạm bơm Xuân Phú, trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây) cũng trong tình trạng tương tự. Trạm bơm này được xây dựng từ những năm 1930, mực nước thiết kế tại bể hút khoảng dương 5,2 mét.

Trạm bơm này có 4 máy công suất 10.000m3/giờ, và năm 2003 được xây dựng thêm 1 trạm bơm dã chiến với 21 máy công suất 21.000m3/giờ. Nhưng thực tế, trạm bơm dã chiến này mới chỉ bơm được một nửa công suất với điều kiện mực nước sông Hồng ở trên 3,5 mét. Cả tháng qua, mực nước xuống dưới 3,5 mét trạm bơm dã chiến này cũng không thể bơm được, hậu quả trên 13.000 héc ta lúa thiếu nước tưới.

Đã đến lúc, Hà Nội cần phải đưa ra bài toán cải tạo, hạ thấp đường ống lấy nước của các trạm bơm xuống thấp hơn. Song, để làm được việc này lại cần nguồn kinh phí không nhỏ.

Điều này cho thấy, khi đầu tư xây dựng các trạm bơm, nếu có sự tính toán kỹ lưỡng và tầm nhìn xa, chắc chắn không có chuyện trạm bơm nằm đắp chiếu gây lãng phí hàng chục tỷ đồng trong khi đồng ruộng đang "khát cháy"

Chi Linh
.
.
.