Nước mắt ngày vui thống nhất

Thứ Hai, 27/04/2015, 18:00
Ba tôi là cán bộ của tổ chức Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) thành phố Mỹ Tho (Thành đoàn Mỹ Tho). Ba là cán bộ hoạt động hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ba tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo Thành đoàn Mỹ Tho xung kích tuyên truyền vận động người dân vùng dậy giành chính quyền; kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn buông súng đầu hàng…

Vào giờ phút cuối cùng của cuộc tháo chạy, địch bắn loạt đạn chặn đường để bảo vệ đại tá tỉnh trưởng thoát xuống tàu ra biển. Ba trúng đạn hy sinh lúc 20h30 ngày 30/4/1975, ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh 30 năm. Lúc ấy ba 43 tuổi.

1. Ông nội tôi mất sớm, để lại bà nội tôi với 4 người con (thực ra là 7 người nhưng khi tôi biết thì 3 người đã mất vì bệnh). Ba tôi là con trai lớn, đến cô tôi và 2 người em trai. Hai chú tôi vừa đến tuổi quân dịch đều được nội tôi gửi vào chiến khu hoạt động cách mạng. Riêng ba ở nhà vì “lo” được giấy miễn dịch lý do sức khỏe. Ba có nghề sửa chữa các loại máy móc nhưng chủ yếu là radio, cassette… Ba mở tiệm sửa máy tên bảng hiệu là Minh Đức.

Đồng chí Trần Văn Trầm.

Nhà tôi ở trong khu chợ nhỏ thuộc vùng địch tạm chiếm. Trước nhà tôi, bên kia sông là đồn địch với khoảng một đại đội địa phương quân. Hằng ngày, đám lính địa phương lân la trước nhà tôi để tán tỉnh, chọc ghẹo mấy bà cô họ thuê nhà tôi làm tiệm may quần áo. Cả đám lính Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 sau mỗi trận ruồng bố cũng dừng trước nhà tôi, uống rượu bia, nói chuyện tục tĩu, chửi thề và kể chuyện chiến trận.

Ba mở tiệm sửa máy, nhưng ít khi ông ở nhà. Thỉnh thoảng ba đi đâu đó vài ngày, vài tuần nói là đi làm ăn. Thực chất lúc này ba được tổ chức giao nhiệm vụ lợi dụng thế hợp pháp của mình và điều kiện tiếp xúc với đám lính địa phương quân để nắm thông tin tình hình địch. Tiệm sửa máy Minh Đức chính là địa chỉ liên lạc của ba với tổ chức Thành đoàn Mỹ Tho.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tôi đang học lớp 7 trường tư thục ở Mỹ Tho. Một lần cuối tuần về nhà, ba kêu tôi vào buồng trong. Ba đóng cửa lại rồi nói nhỏ: “Cách mạng sắp thành công rồi, con phải ráng học để sau này phục vụ cách mạng”… Rồi ba lấy trong áo ra cuốn sách nhỏ đưa tôi. Ba nói: “Con đọc rồi giữ cẩn thận…”.

Ba đi ra, tôi đọc tựa đề “Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh”. Tôi lật vài trang đầu thấy nói về lịch sử của tổ chức Đoàn Thanh niên, nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần đầu tiên tôi được ba “tuyên truyền” về lý tưởng thanh niên. Ba tôi là người nghiêm khắc và ít nói. Với tôi ba càng kiệm lời. Ba chỉ nói những điều ba thấy thật cần thiết. Bởi vậy quyển sách ba đưa và lời dặn dò của ba đối với tôi hết sức quan trọng.

Cũng trong thời gian này má bệnh nặng. Do lao lực, cực nhọc để lo cho chúng tôi ăn học. Má bị lao phổi, ho ra máu. Biết má bệnh, ba lo lắm. Ba đưa má đi khám bệnh chăm sóc chu đáo nhưng ở nhà được vài hôm, có việc ba lại đi. Ngày 27/4/1975, ba vừa đi đâu đó về. Ba ngồi nói chuyện với má, dặn dò má phải thường xuyên uống thuốc, không được bỏ cữ, phải chích đủ liều kháng sinh mới hết bệnh…

Thấy tôi đứng ở cửa, ba gọi tôi vô buồng như lần trước, ba nói: “Con lớn rồi, phải ráng phụ lo cho má. Ba không thường xuyên ở nhà chăm sóc má. Con và chị Hai giúp má lo cho các em… Ba hoạt động cách mạng, cách mạng sắp thành công rồi, nếu ba có chết, cách mạng sẽ nuôi con. Mai mốt quân giải phóng về có hỏi con làm gì, con nói con là sinh viên, học sinh…”. Chiều tối hôm ấy ba đi. Tôi không nghĩ những gì ba nói với tôi hôm nay là lời trăn trối, lời nói sau cùng của ba gửi gắm cho con trai…

2. Ngày 21/4/1975, quân giải phóng chọc thủng phòng tuyến thép của địch ở Xuân Lộc và ồ ạt tiến về Sài Gòn. Trước tình hình hết sức khẩn trương đó, ngày 25/4/1975, Thành đoàn Mỹ Tho tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Bí thư Trần Chí Nam. Đồng chí Hoàng Phương Truyện (Năm Ngọc) Ủy viên Thường vụ khu đoàn khu 8 được phân công tham dự.

Lực lượng Thành đoàn TP Mỹ Tho phát loa kêu gọi địch ra hàng ngày 30/4/1975.

Sau khi nghe nhóm trưởng các nhóm của Thành đoàn như: Nguyễn Chí Công, Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Thành Chương (Năm Châu), báo cáo tình hình đồng chí Trần Chí Nam chỉ đạo các cánh của Thành đoàn cần phải đẩy mạnh hoạt động trong nội ô, bám chắc các mục tiêu quan trọng của địch, tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy khi có lệnh của cấp trên.

11h30 ngày 30/4, trên sóng phát thanh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, tuyên bố đầu hàng, kêu gọi binh sĩ buông vũ khí… Trước thời cơ thuận lợi đó, trong khi lực lượng chủ lực của khu đoàn còn đang ở tuyến vành đai thành phố Mỹ Tho, Thành đoàn đã nhanh chóng bố trí và triển khai lực lượng đoàn viên tích cực chủ động, đứng lên phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương.

Ba được phân công trong nhóm của đồng chí Nguyễn Quốc Cường sử dụng xe Jeep của Trưởng ty Thông tin chiêu hồi bỏ lại cùng với 3 xe Jeep khác chạy dọc theo các tuyến đường chính trong nội ô, phát lời kêu gọi binh lính địch đầu hàng và động viên nhân dân nổi dậy giành chính quyền, giải phóng thành phố; đồng thời công bố 10 điều chính sách đối với vùng giải phóng. Trong đoàn xe ấy, ba trực tiếp cầm lái và đọc lời kêu gọi. Trên xe còn có 4 thanh niên xung kích vừa được ba giác ngộ cũng hăng hái tham gia.

Anh Nguyễn Quốc Cường (sau này là Giám đốc Sở TDTT tỉnh Tiền Giang) khi còn sống kể lại: “Khoảng 20h30, đoàn xe đến ngang trại Hải quân Chương Dương. Lúc này, Đại tá, Tỉnh trưởng tỉnh Định Tường Nguyễn Văn Hai đang xuống tàu hải quân để trốn chạy về hướng biển (cửa Tiểu). Để bảo vệ cho tỉnh trưởng, đại úy thủy quân lục chiến Phan Văn Để đã ra lệnh cho bọn lính thuộc quyền dùng súng đại liên bắn vào đoàn xe… Đúng lúc xe của đồng chí Trần Văn Trầm trờ đến, loạt đạn ghim thẳng vào xe. Đồng chí Trầm trúng đạn. Chiếc xe theo đà chạy thêm một đoạn rồi lũi vào gần cánh cổng dinh tỉnh trưởng”.

Anh Phạm Văn Hoàng, một thanh niên xung kích đi cùng xe bị thương gãy chân, 2 thanh niên khác bị thương nhẹ do mảnh kính xe… Anh Hoàng nhớ lại: “Nghe loạt đạn xé tai, lập tức xe chao đảo rồi lũi vào lề. Tôi thấy anh Ba Trầm gục xuống, máu loang khắp người”…

3. Ba tôi hy sinh trong ngày cả nước vui mừng đón tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Niềm hạnh phúc vỡ òa ở hàng triệu trái tim người dân Việt Nam về một đất nước từ nay sạch bóng quân thù, non sông liền một dãy… trong ngày vui ấy thì cả nhà tôi ngập tràn nước mắt. Má tôi nhớ lại giọng nói thân tình của ba mới cách đây mấy ngày: “Em nhớ uống thuốc đều, đừng bỏ cữ,… Em nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng làm quá sức…”.

Người dân tiễn đưa đồng chí Trần Văn Trầm.

Bây giờ ba vĩnh viễn đi rồi, má sẽ không còn nhận được lời động viên an ủi của ba. Bà nội thì ngậm ngùi nói trong nước mắt: “Nghe tin giải phóng, bà mừng vì các con của nội ở chiến khu về, anh em gia đình sum họp, không ngờ vào phút cuối cùng, mong ước của nội không trọn vẹn”.

Anh Trần Chí Nam, Bí thư Thành đoàn Mỹ Tho (sau này là Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Tiền Giang), xúc động nói: “Đồng chí Trần Văn Trầm là cán bộ trí vận do đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Thường vụ Thành đoàn phụ trách, là cán bộ dũng cảm, gan dạ và rất linh hoạt trong công tác. Lợi dụng thế hợp pháp, đồng chí Trầm được giao nhiệm vụ liên hệ trong căn cứ và nội ô, chuyển tài liệu, tin tức. Khi cần thiết, đồng chí Trầm còn chuyển vũ khí (súng ngắn, mìn) ra vào nội thành…”.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa X, lúc ấy là Phó Bí thư Thành đoàn Mỹ Tho nhớ lại: “Tối 30/4, tôi cùng anh em đang thu gom vũ khí của đám cảnh sát ngụy và phòng vệ dân sự ở phường 5 Mỹ Tho thì hay tin đoàn xe bị tấn công và anh Ba Trầm hy sinh. Đây là một mất mát lớn của Thành đoàn Mỹ Tho. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Thành đoàn là lực lượng đi tiên phong trong việc đánh chiếm thành phố Mỹ Tho. Ngay trong ngày toàn thắng máu của cán bộ Thành đoàn vẫn còn đổ vì nền độc lập thống nhất đất nước.

40 năm đã trôi qua, lời ba dặn lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Tôi vẫn nhớ như in cái dáng thâm thấp đậm đà của ba, cả bước đi nhanh nhẹn và giọng nói âm vang ấm áp. 10 năm sau ngày ba hy sinh, căn bệnh lao cũng đưa má đi theo ba. Anh em chúng tôi đùm bọc nhau đều đã trưởng thành. Mỗi dịp vào ngày vui thống nhất của cả nước chúng tôi lại nhớ ba. Niềm tin của ba vào cách mạng và Đảng đã truyền cho chúng tôi sức mạnh và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống. Nhớ ba, anh em chúng tôi đã sống xứng đáng với lời dặn dò “Học tập để phục vụ cách mạng”.

Kim Thẩm
.
.
.