“Nước mắt” doanh nhân trong cơ chế “xin - cho”

Thứ Tư, 28/03/2007, 17:52
Vụ án "chạy" quota tại Bộ Thương mại đã làm lộ rõ mảng đen trong cơ chế "xin - cho". Nhiều doanh nghiệp trả lời HĐXX rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác là phải "hối lộ" nếu không muốn phá sản. Phải chăng, các doanh nghiệp chỉ là nạn nhân của cơ chế "xin - cho"?...

Ngày 13/3/2006, TAND TP HCM đã đưa ra xét xử vụ án "Lê Văn Thắng, Mai Văn Dâu cùng đồng phạm can tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, làm môi giới hối lộ" tại Bộ Thương mại và một số tỉnh, thành.

Vụ án đã được báo chí, dư luận đặc biệt quan tâm, bởi có sự tham gia của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và các thành viên trong gia đình, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Thương mại và nhiều vị quan chức, cùng nhiều giám đốc các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may.

Nhà giàu cũng khóc

Ngày 14/3 vừa qua, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm có hành vi làm môi giới hối lộ, đưa hối lộ liên quan đến bị cáo Lê Văn Thắng, là bị cáo Trần Thu Lan, nguyên Phó giám đốc Công ty May và Thương mại Á Châu về hành vi đưa hối lộ cho bị cáo Thắng số tiền 23.000USD.

Tại tòa, bị cáo Lan khai, thông qua sự quen biết và giới thiệu của bị cáo Bùi Thị Huyền Nga (nguyên cán bộ Công ty May Sài Gòn), từ giữa năm 2003, do Công ty Á Châu thiếu hạn ngạch, Lan đã hỏi Nga có quen biết ai ở Vụ Xuất nhập khẩu không thì Nga trả lời có quen với Lê Văn Thắng, Vụ phó và Nga đồng ý dẫn Lan ra Hà Nội gặp Thắng để đưa tiền xin hạn ngạch. Sau đó, Lan đã đi Hà Nội tổng cộng 17 lần, trong đó có 9 lần đi cùng Nga đến gặp Thắng và một số cán bộ, chuyên viên của Bộ Thương mại.

Trước HĐXX, bị cáo Lan đã thành thật khai nhận, hầu hết các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp hạn ngạch dệt may tới Bộ Thương mại nhưng không có... phong bì lót tay thì việc khó có kết quả. Trần Thu Lan gặp Thắng mỗi năm chừng 5, 6 lần.

Khi trả lời HĐXX, Trần Thu Lan đã bật khóc nức nở: “Hợp đồng tôi đã ký với khách hàng, nếu hàng không “đi” được, doanh nhiệp chúng tôi có nguy cơ phá sản, hàng trăm công nhân mất việc, tôi mới phải “cậy nhờ” đến anh Thắng (Vụ phó Vụ XNK Lê Văn Thắng), tôi mới phải đưa tiền".

Lan thú thật rằng, muốn có quota thì phải có “quà lót tay”. Không có lót tay, có nghĩa hồ sơ của doanh nghiệp sẽ bị "ngâm" vô thời hạn. Lan khai: “Vì việc cấp hạn ngạch quá khó hiểu, gây chậm trễ nên vừa qua, công ty chúng tôi đã phải bồi thường 2 triệu USD cho đối tác”.

Chính vì biết rõ, nếu không đi “cửa sau”, thiệt hại còn lớn hơn gấp nhiều lần so với chuyện hàng bị ngâm và mất uy tín với đối tác, thậm chí còn có nguy cơ bị kiện ra tòa và bồi thường hợp đồng gấp nhiều lần so với số tiền “lót tay” cho quan chức.

Nhiều doanh nghiệp đã phải “tiếp cận” cả người thân của các “quan” để có thể trình quà “lót tay”; bị cáo Võ Thị Thanh Hằng (Công ty Hoàng Trí) đã phải "cung phụng" cho phu nhân của Thứ trưởng Mai Văn Dâu hơn 42 triệu đồng khi bà này vào TP HCM.

Không ít người đánh hơi được những phi vụ béo bở, nhờ mối quan hệ với các “quan” để trở thành “cò” quota.

Ngày 13/3/2007, ngày đầu tiên diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chạy quota dệt may tại Bộ Thương mại, dù HĐXX chỉ dành hơn 90 phút để thẩm vấn hai bị cáo Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Cương trong nhóm có hành vi làm môi giới hối lộ, đưa hối lộ trong việc xin cấp quota dệt may cho các công ty Sundace, L-One, L-Yard, Đế Vương, nhưng lời khai của hai bị cáo này đã phần nào "lột trần" những hành vi "chi" và "ăn" trong đường dây chạy quota này.

Tại phiên tòa, Bùi Văn Tuấn khai nhận sau khi ký các hợp đồng “chạy quota”, thông qua quen biết, Tuấn tìm gặp Nguyễn Cương, nguyên Phó ban Quản lý các KCN và KCX TP HCM để nhờ Cương “chạy” giúp vì qua một cán bộ Sở Thương mại TP HCM, Tuấn biết rõ Cương có quan hệ rất thân tình với ông Mai Văn Dâu (Cương có thời gian giữ chức Phó giám đốc Sở Thương mại TP HCM) người nắm quyền sinh sát trong việc phân bổ hạn ngạch. Bị cáo Tuấn thừa nhận đã đưa cho Cương 4 lần tiền, tổng cộng 140.000 USD để Cương “quan hệ” với các quan chức Bộ Thương mại.

Tuấn cũng khai nhận, một lần bỏ 5.000 USD trong một bộ vest trị giá 380 USD cho bà Nguyễn Diên Hồng, vợ ông Mai Văn Dâu; đưa 5.000 USD cho con trai ông Dâu là bị cáo Mai Thanh Hải khi Hải đi công tác tại TP HCM.

Theo lời bị cáo Tuấn, việc đưa tiền và quà cho cha con ông Dâu do Nguyễn Cương “mách nước”, ngoài ra, để lấy lòng Mai Văn Dâu đồng thời “khiến” ông Dâu xúc tiến nhanh việc xem xét cấp hạn ngạch, Nguyễn Cương chỉ đạo Tuấn “giới thiệu” ông Dâu đến mua 4 lô đất dự án tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Trong một lần công tác vào TP HCM, Tuấn đã xuất tiền mua một lô đất cho vợ chồng ông Dâu tại Thủ Thiêm. Trong phi vụ này, Tuấn khai ông Dâu “dặn” không được để ông đứng tên mà để vợ là bà Nguyễn Diên Hồng đứng tên.

Bị cáo Nguyễn Cương khai nhận đã 4 lần đưa tổng cộng số tiền 6.000 USD cho Mai Văn Dâu, trong đó có 2.000 USD bị cáo gửi riêng cho Mai Thanh Hải. Khi HĐXX hỏi: “Tại sao tại CQĐT và cho đến trước phiên tòa này diễn ra, bị cáo khai rằng đã đưa cho ông Dâu 38.000 USD”. Khá bối rối, Cương trả lời đứt đoạn: “Dạ. Tại vì... lúc bị bắt bị cáo sức khỏe yếu, tinh thần không tốt nên mới khai như vậy, nay ra tòa, bị cáo xin... khai lại”.

Tòa viện dẫn, khi ở CQĐT bị cáo khai đưa tiền cho ông Dâu tổng cộng 6 lần, lần 1 đưa 10.000 USD, lần 2 đưa 5.000 USD, lần 3 đưa 8.000 USD, lần 4 đưa 5.000 USD... tổng cộng 6 lần đưa tiền cho ông Mai Văn Dâu lên tới 38.000 USD. Nay bị cáo khai lại là không đưa cho Mai Văn Dâu số tiền 38.000 USD. Vậy tại sao bị cáo nhớ kỹ từng lần đưa tiền như vậy? Bị cáo Cương đắn đo một lúc rồi trả lời: “Dạ tại lúc bị giam giữ, sức khỏe của bị cáo không tốt, lại già yếu nên đã khai không chính xác”.

HĐXX: “Trong suốt quá trình điều tra, bị cáo luôn khẳng định đã đưa 6 lần tiền cho Mai Văn Dâu tổng cộng là 38.000 USD; bị cáo còn khai đưa cho Lê Văn Thắng nhiều lần tiền để nhờ lo hạn ngạch cho các công ty tổng cộng 30.000 USD?". Vẫn điệp khúc “sức khỏe yếu”, bị cáo Cương khẳng định rằng không đưa tiền cho ai khác, chỉ đưa cho bị cáo Dâu 6.000 USD.--PageBreak--

Trước thái độ quanh co và không thành khẩn, lời khai tại tòa nhiều mâu thuẫn với lời khai trong hồ sơ của bị cáo, HĐXX, đại diện VKS đã phải nhiều lần nhắc nhở, lưu ý với bị cáo Cương về các tình tiết tăng nặng nếu bị cáo cố tình khai báo không thành khẩn.

Nhận hối lộ trong thế… bị động

Lê Văn Thắng là người được phân công đại diện cho Bộ Thương Mại, cùng tổ điều hành liên ngành đề xuất xét cấp hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ. Chính vì thế, Thắng được giới xuất khẩu dệt may coi như một “ông trùm” quota. Thắng cũng chỉ nhận “hướng dẫn” việc cấp hạn ngạch quota tại nhà riêng.

Thắng khai đã nhận của Trần Thu Lan 11 lần với tổng số tiền là 15.000 USD. Thắng cũng nhận 5 lần tiền tổng cộng 3.000 USD của Trần Kim Dung (Giám đốc Công ty Á Châu - hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã).

Trước tòa, không hề quanh co, Lê Văn Thắng cũng thừa nhận việc nhận tiền hối lộ của Trần Thu Lan, tiếp xúc với doanh nghiệp tại nhà riêng là vi phạm... đạo đức. Nhưng chỉ bởi Trần Thu Lan đã “đột nhập” bất ngờ đến nhà riêng của bị cáo, đưa quà biếu “dấm dấm dúi dúi” nên việc nhận hối lộ, bị cáo ở trong thế... bị động.

Thắng khai: “Bị cáo Lan đưa tiền, quà cho tôi hoàn toàn tự nguyện, bị cáo không bao giờ ép buộc chị ấy biếu xén cũng như không hề hứa hẹn gì. Nhận quà như thế, bị cáo thấy... nhục lắm, nhưng do sau đó nhiều ngày bị cáo không gặp được chị Lan để... trả lại”.

HĐXX hỏi ngay: “Hồ sơ người ta đưa bị cáo nhận; tiền, quà người ta đưa bị cáo cũng... nhận. Nếu một lần thì có thể tạm tin là bị cáo bị “ép” nhận. Còn ở đây, bị cáo gặp người ta đến 17 lần, nhận tiền, quà biếu đến 11 lần và sau đó những hồ sơ xin cấp hạn ngạch của người ta đều trôi chảy thì làm sao có thể giải thích? Bị cáo Thắng vẫn khẳng định: “Bị cáo nhận quà trong thế bị động. Bị cáo Lan đến nhà bị cáo chơi rồi để... quên phong bì lại".

Khi được hỏi là bị cáo có “hứa hẹn” gì với Trần Thu Lan không? Thắng phủ nhận. Đến khi công tố viên gọi Trần Thị Lan lên đối chất. Bị cáo Lan xác nhận, trong một lần đưa hồ sơ cho Thắng, Thắng có nói “yên tâm, để anh lo”. Lúc này Thắng mới im lặng.

Điều bất ngờ là trong phần thẩm vấn của mình, bị cáo Mai Văn Dâu đã phản cung, phủ nhận các cáo buộc trong bản cáo trạng của VKS, Mai Văn Dâu chỉ thừa nhận có nhận từ doanh nghiệp một bộ áo vest và... 1 chai rượu. Trước đó, ông Dâu cũng thừa nhận trước CQĐT là có nhận của bị cáo Nguyễn Cương 4 lần tiền, tổng cộng 6.000 USD. Trong lời khai lại của mình tại tòa, Cương cũng đã khẳng định điều này.

Mai Văn Dâu khai rằng, trong biên bản đối chất với Nguyễn Cương bị cáo đều khai có nhận số tiền trên, vì khi ấy, CQĐT hứa cho ông được... tại ngoại. Khi vị hội thẩm đặt câu hỏi: “Các bản tường trình, bản khai nhận đều do bị cáo tự viết, làm sao có chuyện CQĐT yêu cầu? Việc bị cáo khai nhận 6.000 USD có phải do bị ép cung?". Mai Văn Dâu trả lời: “Do bị cáo bệnh, cán bộ điều tra yêu cầu nên phải viết”.

Vị hội thẩm đã trích bút lục trong hồ sơ của bị cáo Dâu rằng: “Trong quá trình làm việc với CQĐT, tôi không bị ai ép cung hoặc dùng nhục hình, có đúng không?”. Bị cáo Dâu: “Dạ”. Vị hội thẩm tiếp tục trích dẫn một bút lục khác: “Trong quá trình điều tra, tôi đã nhận thấy sự sai lầm. Nay cho phép tôi nộp lại 6.000 USD để khắc phục hậu quả”.

Vị hội thẩm đã hỏi vặn bị cáo Dâu vì sao lại có những lời khai khác nhau như thế, nếu không nhận tiền tại sao lại xin trả lại để khắc phục hậu quả. Ông Dâu trả lời: “Bị cáo chỉ hy vọng sớm được tại ngoại để chữa bệnh”. Nói xong, Mai Văn Dâu có biểu hiện đứng không vững, khác hẳn hôm đầu tiên có mặt tại phiên tòa với dáng vẻ khỏe khoắn.

Vị đại diện VKS liền hỏi Mai Văn Dâu: “Bị cáo nói không nhận tiền, quà của Nguyễn Cương, nhưng vì sao lại giúp Cương tận tình? Nhiều lời khai của các bị cáo và các đương sự cũng cho thấy rõ hành vi nhận 6.000 USD của bị cáo là có căn cứ”. Trước cách nói quanh co của Mai Văn Dâu, vị hội thẩm đã nói rõ: “Việc khai báo như thế nào là quyền của bị cáo. Còn việc xem xét đánh giá thuộc thẩm quyền của HĐXX. Lời khai của các bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo”.

Nguyễn Cương khai đã đưa những đại diện doanh nghiệp đến nhà riêng của ông Mai Văn Dâu và gặp gỡ ông Dâu khoảng 4, 5 lần, thường vào những ngày cuối tuần theo lịch hẹn của ông Dâu. Sau những lần hẹn này, đại diện những doanh nghiệp do Cương giới thiệu đến đều gửi hồ sơ xét cấp hạn ngạch và ông Mai Văn Dâu đã có bút phê vào góc trái hồ sơ: “K/C Vụ XNK...”.

Bị cáo Lê Văn Thắng khai rằng, khi đã có bút phê của lãnh đạo Bộ thì Vụ XNK đều phê chuẩn. Từ sự thân thiết với Nguyễn Cương, ông Dâu đã rất ưu ái cho các công ty Sunde và L-One, Đế Vương, L-Yard, những doanh nghiệp mà Nguyễn Cương khai đã nhận tiền và trích một phần cho Mai Văn Dâu. Đây là minh chứng rõ nhất về “quyền lực” thật sự của bị cáo Dâu.

***

Trong một lần trả lời câu hỏi của HĐXX, Mai Văn Dâu nói rằng: “Tôi là một cán bộ được Đảng và Nhà nước đào tạo. Tôi đã tập trung hết sức lực phụng sự công việc”. Câu nói này của ông Dâu đã làm cánh phóng viên ngồi quanh khán phòng bật cười.

Ông không nhớ rằng, khi ông còn đương chức, rất nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn khắp nơi kêu cứu về thủ tục xét cấp quota mang tính ban phát, làm khó nhiều doanh nghiệp. Càng “làm khó” doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đi “xin”, mà muốn xin được thì phải “biết chi”.

Với cơ chế "xin - cho" như thế, những doanh nghiệp trong vụ án này, như Trần Thị Lan, Võ Thị Thanh Hằng, Lai Wai Hung chỉ là nạn nhân về hành vi đưa hối lộ trong tình thế... bị động.

Xin chưa xét tới chuyện ông Dâu có ăn hối lộ hay không, đấy là chuyện của HĐXX, nhưng việc để doanh nghiệp lâm vào cảnh dở khóc dở cười như thế, với tư cách Thứ trưởng Bộ Thương mại khi ấy, thiếu trách nhiệm như thế, ông Dâu có thể thốt lên câu: “Tôi đã tập trung hết sức lực phụng sự công việc” hay không?

Những giọt nước mắt của bị cáo Lan có “thực” hay không, nhưng những lời nói thật của bị cáo đã khiến phiên tòa đôi lúc phải chìm trong im lặng!

Thuận Thiên
.
.
.