Gặp mặt những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7:

Nước mắt của niềm tự hào và tri ân sâu sắc

Thứ Sáu, 25/07/2014, 12:59
Tháng 7 về, nỗi nhớ thương đồng đội lại ùa về với những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm nào cũng vậy, khi cả nước đang một lòng thành kính, tri ân tới những người con đã anh dũng hy sinh máu xương vì độc lập tự do bình yên của Tổ quốc, Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam cũng tổ chức gặp mặt những đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ, thờ cúng liệt sĩ, các đồng chí từng bị tù đày trong các nhà lao của địch và bị nhiễm chất độc da cam dioxin, sáng 24/7.

Trong niềm tri ân sâu sắc, đại diện Ban liên lạc đã nhớ về những tháng ngày gian khổ, những công lao to lớn của đồng đội trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Họ đã góp phần tô thắm ngọn  cờ “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng CAND Việt Nam. Được biết, trong số 300 hội viên của Ban liên lạc, có 45 đồng chí là thương binh, 15 đồng chí là con liệt sĩ và là người thờ cúng liệt sĩ, có 3 đồng chí bị tù đày, 18 đồng chí bị nhiễm chất độc da cam dioxin (trong đó có 5 đồng chí là thương binh).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn 10 ngàn cán bộ Công an đã chi viện cho chiến trường miền Nam, trong bối cảnh vô cùng cam go, quyết liệt, khó khăn gian khổ… Những người chiến sĩ ấy đã sát cánh cùng với cán bộ An ninh miền Nam chiến đấu kiên cường, dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ. Họ đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến đấu đó nhiều cán bộ chiến sĩ CAND đã hy sinh, nhiều đồng chí thương binh đã để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường… Có đồng chí đã ra đi mãi mãi vì bệnh tật, sức khỏe yếu. Những người có mặt hôm nay, may mắn trở về với cuộc sống đời thường, họ đã phát huy tốt phẩm chất của người lính dũng cảm năm xưa, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Dù sức khỏe hạn chế nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, luôn khiêm nhường và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Trong số những người con của liệt sĩ Công an đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc, chúng tôi đã gặp chị Phạm Thị Thúy Mỳ. Năm nay chị Mỳ đã 66 tuổi nhưng trên gương mặt chị vẫn rực sáng tình yêu thiết tha cuộc sống. Chị hiểu, cuộc sống thanh bình hôm nay là sự hy sinh biết bao xương máu của cha anh đã ngã xuống. Trong đó có người cha thân yêu của chị và những người con gái một thời cống hiến tuổi thanh xuân nơi chiến trường khói lửa. Cha chị, liệt sĩ Phạm Văn Lưu trước đây công tác ở Công an tỉnh Nam Hà (bây giờ là Hà Nam).

Đồng chí Lê Thường (bên phải) và đồng chí Phạm Thị Thúy Mỳ (bên trái) tại buổi gặp mặt ngày 24/7.

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã cùng đoàn cán bộ Công an lên đường chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ ác liệt nhất, để lại hậu phương người vợ hiền và 5 đứa con nhỏ (đứa út mới 1 tuổi rưỡi). Khi ấy Mỳ mới là cô gái 16 tuổi, là chị cả của các em, hàng ngày giúp mẹ làm lụng công việc gia đình và chăm sóc các em nhỏ. Vậy mà, khi nghe tin cha hy sinh ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, cô đã lên Công an tỉnh Hà Nam nằng nặc xin được gia nhập lực lượng Công an, lên đường vào Nam chiến đấu để trả thù cho cha. Lá đơn tình nguyện của cô gái trẻ ấy đã viết bằng máu và giả chữ ký của mẹ với lòng thiết tha được đi chiến đấu… Cuối cùng cô đã được toại nguyện. Mỳ được cử đi học cơ yếu và trở thành chiến sĩ thông tin liên lạc, băng rừng lội suối dưới làn mưa bom bão đạn để vào mặt trận Trà My (Quảng Nam). Có thời kỳ ốm rụng hết tóc nhưng Mỳ vẫn vượt qua tất cả, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ở nơi chiến trường khói lửa, cô đã có một mối tình đẹp với chàng trai Nguyễn Ngọc Tâm (là đồng nghiệp) ở quê lúa Thái Bình.

Cùng gan góc nơi chiến trường khói lửa, và đến khi đất nước thanh bình họ lại cùng nhau về mái trường T36, là giáo viên truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ CAND. Bây giờ, cháu con đã đủ đầy, gia đình hạnh phúc, nhưng chị Mỳ vẫn không nguôi nhớ về người cha thân yêu. Cứ vào dịp 27-7 hằng năm là chị lại cùng các em mua tới hơn 300 bông hoa, trở về nghĩa trang quê nhà ở xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam thành kính thắp nén nhang lên mộ cha và cho tất cả những liệt sĩ ở nghĩa trang này…

Và, trong buổi gặp mặt hôm nay chúng tôi đã thấy một người đàn ông tóc bạc trắng chậm chạp dắt chiếc xe đạp điện để cẩn thận dưới bóng cây và thong thả đến bên những đồng đội năm xưa. Đó là bác Lê Thường, 80 tuổi, trước khi nghỉ hưu từng công tác ở Viện Khoa học Công an. Bác Thường vẫn nhớ từng chi tiết về ngày ấy, ngày rời mái trường C500 vào chi viện chiến trường miền Nam. Quê ở Hà Tĩnh, chàng trai miền Trung dạn dày nắng gió tha thiết được gia nhập lực lượng Công an, tháng 12/1964, Lê Thường đã hăm hở cùng đoàn quân ra trận tại mái trường C500 thân yêu (nay là Học viện An ninh nhân dân). Gửi  gắm một thời tuổi trẻ xông pha nơi lửa đạn tại chiến trường Thừa Thiên - Huế, dù hiểm nguy luôn kề cận.

Đất nước thanh bình, đồng chí Lê Thường về công tác tại Viện Khoa học Công an cho tới ngày nghỉ hưu (năm 1989). Nhưng, nỗi buồn cứ đeo bám ông tới tận bây giờ. Những tưởng hòa bình trở về là hưởng hạnh phúc, tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp, xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Hỡi ôi, 2 lần vợ ông mang thai thì đều bị… sảy. Hốt hoảng đi khám, bác sĩ cho biết ông đã bị nhiễm chất độc da cam nên không thể có con. Nỗi buồn này khó chia sẻ cùng ai, đó cũng là thời kỳ hai hàm răng trắng nõn của ông rụng hết, móm mém như cụ già. Bệnh tật cứ  ù ù kéo đến. Người lính trở về những mong một cuộc sống bình yên, nhưng lại phải đối diện với nỗi buồn hiu hắt. Buồn mãi rồi cũng đến ngày vui, vợ chồng ông đã xin một bé gái về nuôi nấng chăm sóc cho vui cửa vui nhà. Nay con gái nuôi đã 17 tuổi, học hành chăm chỉ và giúp bố mẹ bát cơm miếng cháo những khi trái gió trở trời. Trong lời kể của người cha ấy, tôi đã thấy niềm hạnh phúc và hy vọng mỗi ngày…

K.Quý - T. Uyên
.
.
.