Núi Rồng đêm thức

Thứ Ba, 15/10/2013, 00:00
Mộ Đại tướng nằm lưng chừng núi, những vòng hoa lặng lẽ được đặt lên. Khi đến đây, tôi nghe lưu truyền rằng, khu vực Vũng Chùa có địa thế độc nhất vô nhị. Không chỉ đẹp về phong cảnh, thế núi, hướng biển, mà nơi đây còn chứa đựng nhiều câu chuyện và di tích rất đặc biệt. Tên gọi Vũng Chùa bởi ngày trước có dấu tích của một ngôi chùa linh thiêng nhưng thời gian và chiến tranh, bão lũ đã xóa mất dấu tích ngôi chùa này. Cũng ở khu vực này có một giếng nước ngọt không bao giờ cạn mà người dân vẫn gọi là giếng Ao Quân.

Những câu chuyện, hình ảnh trong đêm viếng Đại tướng về nơi an giấc nghìn thu tại núi Rồng, Vũng Chùa, Quảng Bình khơi dậy những giá trị nhân văn lắng đọng lòng người...

Tôi bỏ vội chiếc ba lô lên vệ đá ven đường, chiếc ba lô gùi trọn một ngày rong ruổi giữa biển người nhích về phía Vũng Chùa. Trăng đầu tháng chếch phía biển, thứ ánh sáng không đủ vằng vặc dát vàng xuống vùng đất non thiêng xứ Quảng nhưng thật kỳ lạ, những gợn mây đen cứ tản đi đâu cả, tản ra rồi mất hút giữa vời vợi trời đêm, để lại đó sắc vàng thanh tao và dịu êm.

Dường như ý trời thuận ý người, thiên nhiên núi sông như thể trầm thiêng chốn bồng lai thiên cổ, không chút gợn bụi trần. Sắc thu bởi vậy trong veo và tĩnh lặng, khó thể ngờ giữa biển người như nêm cối tỏa khắp núi Rồng, khắp mọi nẻo đường đến với Vũng Chùa lại hiện diện không gian thanh tịnh, không đặng tiếng ồn ã đời thường.

Con người, xe cộ vẫn đủ hình dạng như mọi cảnh tắc đường thường thấy ở phố phường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhưng khi mà phần hồn triệu nỗi lòng như một đang hướng tâm về danh tướng huyền thoại, vị tướng trở thành điểm tựa tinh thần, minh chứng sức mạnh “đại nghĩa thắng hung tàn”, hôm nay theo quy luật lá vàng rụng về cội, trong tâm khảm lòng người kết điểm tâm giao.

Trên quãng đường về đây, tôi nhìn thấy trong mắt hoe đỏ những chị dân công hỏa tuyến ngày nào nỗi lòng khắc khoải, những cựu chiến binh da sạm nắng hằn những đường viền trắc ẩn, quá nửa ngày đói lả mà hai tay vẫn tư lự ôm chân dung vị tướng huyền thoại.

Những người nông dân áo nâu, áo sòng lội qua mấy bậc ruộng đi tắt sang Vũng Chùa, dẫu chân lấm bùn, áo vải đơn sơ vẫn mộc mạc chỉnh sửa lại cho nghiêm ngắn, chỉnh tề trong buổi linh thiêng. Những gương mặt trẻ, anh chị công nhân, thương nhân, mới hôm qua thôi còn gay gắt với những bươn bả đời thường, hôm nay đã trầm lắng bên nắng chiều, đăm đăm mắt đỏ.

Khi đường ách quá xa, nhiều vị lãnh đạo là Bộ trưởng, Thứ trưởng, những sĩ quan trên vai quân hàm cấp tướng đến từ Hà Nội xuống xe, trầm lặng tìm lối đi giữa muôn vạn người rồi tất tưởi lội ruộng, leo núi vượt mấy cây số để đến nơi an táng Đại tướng... Một vị tướng mồ hôi đầm lưng áo, bế em nhỏ qua bờ rào rồi quay lại dìu người bà từ phía sau, nói khẽ “mời cụ đi lối này”...

Chứng kiến không cảnh ấy, tôi nghĩ, phải chăng chính tấm gương đạo đức của Đại tướng đã hun đúc những tấm gương bình dị? Tôi nhớ, trong một lần trả lời phóng viên báo chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có một đoàn nhà văn, nhà báo Tiệp Khắc nhận xét: “Quân đội của các đồng chí thật lạ. Tôi thấy không có sự khác biệt giữa vị tướng với người lính”.

Nhà báo này kể lại, hôm đó, khi lội theo một con suối vào sở chỉ huy đã nhìn thấy đồng chí Tổng tham mưu phó nhường ngựa cho một chiến sĩ đau chân để xách giày trong tay, cùng lội suối với mọi người. Đại tướng trả lời: “Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ của những người đồng chí, những người bạn chiến đấu. Một người chỉ huy không chỉ làm kế hoạch, chỉ đạo mà cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư nguyện vọng của người lính”.

Muôn người xúc động trong lễ an táng Đại tướng tại Vũng Chùa.

Cứ vậy, đêm thanh tịnh buông xuống non thủy Vũng Chùa. Chính cái đêm linh thiêng này, tôi diện kiến những điều mà dường như khó thấy trong điều kiện bình thường, nó tái hiện phần nào về tình cảm con người của mấy thập niên trước, khi cả dân tộc đang chìm trong bão đạn chiến tranh.

Biết tôi là phóng viên báo chí lạc giữa trùng người, một bác níu lấy ba lô hỏi chuyện rồi nhất mực bảo không thể ngồi đây mà đợi xe, để tới đêm vãn người, bác cho đi xe nhờ xe máy, khỏe thì lái, mệt cứ ngồi sau ôm ba lô, đặng thế nào sáng sớm mai cũng ra Hà Tĩnh.

Tôi chưa thể trả lời thì một người nói giọng đất Quảng, chất phác, hẳn là người xã nhà: “Các chú đi vô hay đi ra, bây chừ xe không thể đi được, đợi lúc nữa qua nhà bác ăn cơm ngủ tạm, sáng mai hẵng về”...

“Các chú đi vô hay đi ra” gợi nhớ câu hỏi bình dị của người Bình - Trị - Thiên hồi bom rơi đạn lạc năm xưa. Tôi ở xa đến đây, có quen chi ai, họ chẳng đặng lòng, nhìn thần người đã tin và mời lại. Điều ấy khiến sau đó tôi thấm thía mãi, khi mà giữa cuộc sống đầy bôn bả lâu nay, người ta mải bươn chải ngỡ hết thật rồi chất bình dị, mộc mạc, thương người. Giờ là lúc điều ấy tái hiện, ở sắc thái nào đó gần với tình đồng bào, đồng chí trong chiến tranh”.

Bác Võ Nguyễn Thị Nguyệt khi cùng đồng đội đi xe máy từ Trần Phú, TP Hà Tĩnh vào đây, mở ba lô lấy những lương khô, nước uống, trái cây đưa cho tôi mà nói rằng “đến với Đại tướng, chúng ta đều chung một nỗi lòng, không cứ quen hay lạ”.

Bác Nguyệt vào bộ đội từ hồi con gái, tham gia Binh đoàn Trường Sơn mở đường. Trên những chặng đường Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, còn đó hồi ức các nữ bộ đội Trường Sơn và thanh niên xung phong vác cuốc mở đường, lấp hố bom với những trận khốc liệt ở phà Long Đại, đường 10, đường 9 Nam Lào, đặc biệt những năm tháng mở đường ở đèo Pù Li Nhích.

Trong dòng người viếng Đại tướng dưới chân núi Rồng, nữ bộ đội Trường Sơn hồi ức: Năm 1972, bom Mỹ giội xuống trường Quân chính, trường Y tá ở Xuân Đỉnh, Lệ Kỳ, chị Tuyến quê Đồng Lộc, làm y tá ở đơn vị, trúng bom nằm lả bên mép nước. “Khi đó tầm 4h chiều, tôi hoảng hốt tìm cách hô hấp nhân tạo rồi bế chạy một mạch về trạm, dùng bộ quần áo còn nguyên lành mặc lại cho chị, nhưng sáng hôm sau, chị đã ngừng thở. Đồng đội khi đó chạy bom cả, tôi chỉ kịp gọi mấy người về khâm liệm rồi lịm đi...” - người cựu binh già rớm lệ mỗi khi nhắc chuyện cũ người còn, người mất.

Năm đó, Võ Nguyễn Thị Nguyệt đi báo công và ít tháng sau được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thăm Binh đoàn Trường Sơn, cùng việc kiểm tra tình hình chiến đấu, Đại tướng thăm hỏi anh, chị em lái xe, mở đường và Nguyệt là một trong những gương mặt được lựa chọn để hát những ca khúc về Trường Sơn huyền thoại.

Giờ đây, Đại tướng đã về đất mẹ, bạn chiến binh người còn, người mất, bác Nguyệt song hành cùng người bạn nhập ngũ một thời của mình là Võ Thị Hoa (khối 4, thị trấn Thạch Hà) mỗi lần rong ruổi xe máy vào Bình - Trị - Thiên thắp nén hương tri ân đồng đội.

Hồi chiều, khi ngồi trên chuyến xe từ sân bay Đồng Hới, một phụ nữ vẫy lại, xin cho bà cụ đi nhờ về Vũng Chùa. Cụ bà thở nhọc bước lên xe, tôi dành phần ghế ngay bên cạnh. Câu chuyện của cụ khiến tất thảy những người có mặt trên xe đều bất ngờ.

Cụ mở túi bóng gói cái áo với mấy giấy tờ trong hộp thuốc sắt Thăng Long, trong đó có cuống vé máy bay đề Trần Thị Yên - tên cụ. Không thể ngờ, cụ bà đã 85 tuổi từ Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc lại có thể bắt ôtô xuống Hà Nội rồi một mình lên sân bay Nội Bài mua vé vào Đồng Hới, lại từ Đồng Hới tất tưởi đón xe về Vũng Chùa. Cụ Yên nói phải giấu con cháu kẻo họ không cho đi, rồi đến đâu tự hỏi đường ở đó.

“Khi mua vé máy bay, thấy tôi già cả, đi một mình, cô bán vé lo ngại nhưng tôi bảo cứ lấy vé ngay để tôi đi Vũng Chùa viếng Đại tướng” - cụ nghẹn giọng. Tắc nghẽn, xe phải dừng lại cách Vũng Chùa mấy cây số, chúng tôi không thể ngăn cụ ngồi lại, bàn chân gầy guộc mà dẻo dai, cụ bước xuống chen vào biển người “tôi phải đến vái Đại tướng, hôm nay không được thì ngủ lại bìa rừng, mai tôi vào”.

Cụ bà Trần Thị Yên, 85 tuổi, kể lại “hành trình thần tốc” vào viếng Đại tướng.

Khi chập choạng tối, tôi lả người vì sức nặng ba lô quá nửa ngày kẹt giữa biển người không gì bỏ bụng. Năm cô gái, cô nào cũng mặc trang phục đen, chít khăn tang bên tay áo. Các cô dựa lưng vào nhau bên vệ cỏ ven đường, dưới chân đường vào núi Rồng, chia nhau mấy mẩu bánh mì.

Tôi đang trầm tư nghĩ về phía biển, bỗng một giọng nói: “Ăn đi anh, nỏ làm khách chi mô”. Mẩu bánh mì và chai nước suối còn phân nửa, tôi nhìn sâu vào đôi mắt cô gái đến từ Đại học Vinh “Không quen cũng được mời răng?”. Tôi nhận ra những cặp mắt trong trẻo đã hoe đỏ dưới trăng mờ...

Mộ Đại tướng nằm lưng chừng núi, những vòng hoa lặng lẽ được đặt lên. Khi đến đây, tôi nghe lưu truyền rằng, khu vực Vũng Chùa có địa thế độc nhất vô nhị. Không chỉ đẹp về phong cảnh, thế núi, hướng biển, mà nơi đây còn chứa đựng nhiều câu chuyện và di tích rất đặc biệt. Tên gọi Vũng Chùa bởi ngày trước có dấu tích của một ngôi chùa linh thiêng nhưng thời gian và chiến tranh, bão lũ đã xóa mất dấu tích ngôi chùa này. Cũng ở khu vực này có một giếng nước ngọt không bao giờ cạn mà người dân vẫn gọi là giếng Ao Quân.

Ở đây, ngọn núi hình dáng và vị trí rất đặc biệt, đầu Rồng hướng ra biển, nếu nhìn từ biển vào sẽ thấy tựa như hai mắt rồng, vì thế người dân gọi núi Rồng. Nếu nhìn từ phía Bắc sang sẽ thấy được hình mũi của con Rồng đầu hướng ra biển, còn chếch sang hướng Đông Nam là đảo Yến, cách đất liền hơn 1 hải lý.

Chính bởi vậy, Vũng Chùa - đảo Yến là một nơi rất phong thủy, tựa lưng vào dãy Hoành Sơn, trước mặt là biển Đông, có đảo Yến là bức bình phong để chắn giữ phần mộ của Đại tướng, đồng thời đây là trung điểm giữa hai đầu đất nước, giáp với phía Nam đèo Ngang giữa hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh.

Trở về đất mẹ và chọn vùng đất thủy sơn hữu tình để an giấc nghìn thu, ấy cũng là nét văn hóa của người nước Nam mình. Tôi nhớ câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở Hương Sơn, Hà Tĩnh về việc chọn nơi an nghỉ của bậc danh y Hải Thượng Lãn Ông ngày trước.

Người dân truyền rằng, những năm tháng trước khi mất, danh y Hải Thượng Lãn Ông tâm nguyện sẽ được nằm lại bên dòng sông Phố hiền hòa, thơ mộng, nơi gắn với những kỷ niệm thời ấu thơ, quê hương và gia đình. Vì vậy, ông nói với con cháu và người dân rằng, khi ông mất, chọn ngày gió nhẹ thả diều. Hễ diều rơi ở chỗ nào thì lấy nơi ấy làm nơi an nghỉ của ông. Người dân đã làm theo điều ấy, mộ của ông hiện nay ở khe Nước Cắn, chân núi Minh Tự, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một vị trí non nước hữu tình, nhìn về dòng sông Ngàn Phố trong xanh.

Hôm nay, với núi Rồng, Vũng Chùa, bức hình Đại tướng trong một lần về thăm quê, mắc võng nằm đu đưa giữa chiều yên ả bên bờ biển xanh vô tận lại hiện về trong tôi, con người và không gian thắm đượm tình quê.

Đêm chầm chậm trôi, trăng giờ đã chếch lên mỏm núi. Dòng người phía đường đã vãn dần nhưng quanh khu mộ vẫn trầm mặc biển người. Đây đó có ngọn nến thắp lên, có những tiếng thì thào trong gió. Người ta lót bụng, đêm sẽ nằm lại đây.

Gió từ biển lộng vào. Mảnh đất này người đời nói đẹp, còn tôi còn nghĩ những điều khác. Đất núi Rồng, dải Hoành Sơn với Đèo Ngang này đã là vùng địa linh gắn với những cuộc chiến tranh giữ yên bờ cõi, nơi mà thi nhân xưa ngắm trùng mây sông núi dễ trải lòng. Tiếng thơ Bà Huyện thuở nào vọng về chim quốc, gia gia, tiếng của hồn thiêng non nước, lay động lòng người muôn thuở.

Con người kiếp sinh, kiếp tử mà mấy nghìn năm đất nước chinh chiến bao lần, gắn với những tướng quân huyền thoại, những Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Giờ Đại tướng nằm đây, và trăm năm, nghìn năm nữa, người nước Nam mình mỗi lần viếng mộ lại hun đúc thêm tình yêu mãnh liệt với đất nước, non sông...

Đăng Trường
.
.
.