Nửa cuộc đời khắc khoải tìm ân nhân, đồng đội

Chủ Nhật, 28/07/2013, 19:57
Chiến tranh đã lùi xa, tạm đủ để những mầm sống mới nảy nở, phủ rộng cả những vùng đất chết bởi đạn bom và chất độc hóa học. Những người lính trở về với bộn bề đời sống thường nhật. Hành trang họ mang theo là những vết thương mới lành hoặc chưa kịp lành trên cơ thể và cả biển ký ức về một thời máu lửa mà ở đó có không ít nghĩa nặng, họ tự nhận như những món nợ nghĩa còn thiếu với đồng đội, người thân. Để rồi, gần như cả phần đời còn lại cứ đau đáu đi tìm, mong được trả nghĩa, tri ân.

Câu chuyện xúc động của cựu chiến binh Hoàng Văn Nhượng, nguyên là lính đặc công nước thuộc C17, Z20, Đoàn đặc công biệt động 367, Bộ Tham mưu miền (B2) là một trong những trường hợp như thế.

Thực ra, trước khi tìm đến Báo Công an nhân dân, người lính đặc công nước của Z20, Hoàng Văn Nhượng đã tìm đến khá nhiều cơ quan chức năng, từ lãnh đạo địa phương mà ông nhớ mang máng là quê hương của những người đồng chí đồng đội cho đến người thân quen và cả chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam. Thế nhưng, cho đến thời điểm ngồi kể lại với chúng tôi, người cựu chiến binh năm nào vẫn chưa tìm thêm được một thông tin hay dòng địa chỉ về những người đồng đội, đồng chí mà ông coi là ân nhân đã giúp ông được tái sinh tại chiến trường Campuchia từ năm 1972.

Ngày ấy, ông còn là cậu thiếu niên của huyện Phù Cừ, tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên). Vừa học xong lớp 7, ông giấu gia đình, khai tăng tuổi để được vào bộ đội.

Nhập ngũ, Hoàng Văn Nhượng được tuyển vào lực lượng đặc công nước, C17, Tiểu đoàn 5, Bộ Tư lệnh Đặc công 305, huấn luyện tại Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng. C17 chỉ chừng 70 đến 80 người, trong đó có 2 người ông đặc biệt nhớ. Một người tên Khởi, dáng thấp, nhỏ, mặt xương, cao khoảng 1,6m, tính khá vui nhộn, hình như quê ở Hưng Hà, Thái Bình. Một đồng đội khác tên Hùng, thấp đậm, trắng, có vẻ thư sinh, đằm tính, ông chỉ nhớ mang máng là quê ở Kim Thi, Hưng Yên. Tất cả tham gia huấn luyện từ cuối năm 1968 đến 24/1/1970 thì lên đường vào Nam chiến đấu. 3 tháng hành quân ròng rã, đơn vị đặt chân đến Tây Ninh.

Chiến trường ác liệt, có những thời điểm người lính không còn đủ thời gian để... buồn với những hy sinh, mất mát nhưng có những ký ức đeo đẳng suốt cuộc đời. Sau trận đánh đầu tiên, đơn vị của Hoàng Văn Nhượng sáp nhập vào đơn vị mới: Z20, Đoàn đặc công biệt động 367, Bộ Tham mưu miền (B2) rồi tham gia đánh trận liên miên. Đầu tháng 3/1972, Z20 được lệnh hành quân từ KongPongSpư vòng về gần tỉnh Kandan, vùng tạm chiếm của Campuchia, vừa đi vừa đánh hỗ trợ quân giải phóng.

Gần trưa 24/3, đơn vị được lệnh xuất phát đánh Đài Phát thanh Campuchia. Hoàng Văn Nhượng được phân công vào mũi đi đầu có nhiệm vụ bắt sống giám đốc đài và buộc hắn đọc lời kêu gọi nhân dân nổi dậy. Gần 1h đêm, mũi tiến công áp sát hàng rào bảo vệ. Mục tiêu bị triệt hạ nhanh chóng. Suốt 1 giờ kêu gọi đầu hàng nhưng không nhận được tín hiệu của tên giám đốc, đơn vị quyết định đánh sập trụ sở và các cột ăng ten rồi rút quân. Gần 8h sáng, con lộ lớn, ranh giới kiểm soát cuối cùng trên vùng địch đã ngay trước mắt.

Đúng lúc ấy, người đồng đội phía trước ông vọt qua đường bị hy sinh bởi loạt đạn của đoàn xe địch càn tới. Ông cũng bị thương, viên đạn găm vào phổi nhưng vẫn vừa đánh vừa rút. Cứ chạy vài trăm mét lại nghỉ, đến chiều thì sức bắt đầu cạn. Thoáng thấy một ngôi nhà gỗ và nhóm người dân lố nhố ở cửa một căn hầm, ông gom hết sức chạy lại, ra dấu cầu cứu. Nhóm người ra sức xua đuổi vì sợ đám lính càn tới giết cả nhà. Ông nhào đại vào đống rơm gần đó núp. Lát sau, phổi đỡ bị ép, dễ thở hơn, lại chạy...

Không biết ông thiếp đi bao lâu thì bị dựng dậy bởi tiếng quát: Đơn vị nào mà nằm đây, chạy đi, muốn chết à? Đoán biết đồng đội, ông gom hết sức tàn vụt dậy chạy theo. Bị thương không thể thở được nên cứ chạy vài chục mét lại nằm thở. Vừa may, một người đồng đội phía sau vượt lên, dìu theo. Đó chính là Hùng, người đồng đội cùng đơn vị huấn luyện tại Thủy Nguyên, Hải Phòng 2 năm trước. 5h chiều, cả hai tập hợp về vườn cây thốt nốt. Ở đây còn có thêm khoảng chục người khác, trong đó có cả Khởi. Tất cả là lính đặc công nhưng thuộc Z15, đơn vị phối hợp cùng Z20 đánh đài phát thanh đêm trước.

6h chiều, chỉ huy đơn vị quyết định tìm cắt bưng mở đường máu. Hoàn cảnh ngặt nghèo, địch truy lùng ráo riết, rất khó có thể rút về an toàn, chưa nói đến việc đem theo thương binh. Lo lắng, tủi phận, đau đớn về thể xác, Hoàng Văn Nhượng bật khóc, năn nỉ Khởi: “Trước khi rút, mày cứ bắn một phát để tao chết nhẹ nhàng. Nếu sống về Bắc nhớ nhắn về địa chỉ...”.

Trong cuộc sống, có những tình huống, khoảnh khắc thoáng qua nhưng lại là lằn ranh xác tín ai là anh hùng thực sự. Hoàn cảnh của Hoàng Văn Nhượng thời điểm này là một trong những khoảnh khắc như thế. Ông còn nhớ rất rõ khi ấy, lời nhắn nhủ chưa thốt hết, người đồng đội có tên Khởi đã ngắt ngang: “Mày đừng có lo, tao sống thì mày sống”. Không chỉ động viên, Khởi còn luôn tay xoa bóp cho người đồng đội, dù rằng, trong thâm tâm có thể chính anh cũng không chắc đã bảo toàn được tính mạng của chính mình. Cho đến hôm nay, ngồi kể lại phút giây ấy, người cựu binh Hoàng Văn Nhượng vẫn không khỏi xúc động. Ông bảo rằng cũng không nghĩ là mình sẽ sống sót nhưng chính cảm giác ấm áp của tình người đã tiếp sức cho ông rất nhiều.

Về phía Khởi và Hùng khi ấy, họ vừa quyết liệt phản đối việc để thương binh ở lại, vừa chặt cây làm cáng, đề nghị đồng đội yểm trợ. Ý kiến được tán thành. Đoàn người chỉ vận độc chiếc quần xà lỏn với vũ khí lặng lẽ cắt bưng mà đi trong đêm. Không biết di chuyển như thế bao lâu, chỉ đến khi láng máng nghe tiếng bịch bịch, ông Nhượng đoán biết đoàn đang vượt qua lộ. Sau lộ là bưng ngập trắng nước và đầm hoang. Ào xuống là nước ngập gối, có khi đến ngang bụng. Khởi và Hùng vẫn kiên trì cáng bạn mò mẫm trong đêm. Mệt không thể cáng nổi, cả hai thả bạn vào chiếc võng dù kéo lết theo. Bùn, nước như chiếc gậy lạnh giá của thần chết thọc thẳng vào vết thương trên cơ thể Hoàng Văn Nhượng.

Đau đớn về thể xác, nhìn 2 người đồng đội mệt lả lê từng bước, khoảng cách với các đồng đội khác ngày càng xa, những phút chợt tỉnh hiếm hoi trên suốt hành trình, ông đều bật khóc. Ông khóc không chỉ vì vết thương mà khóc vì cảm động và thương bạn. Đến 4h chiều, cả 3 đến được một khoảnh đất cao ráo, nằm cách trạm quân y của Đoàn đặc công biệt động 367 khoảng 2km. Đặt đồng đội nằm lại đấy, Khởi, Hùng về báo các y sĩ đến đưa về chữa trị.

Nhìn những xơ ranh bùn lẫn máu hút ra từ vết thương và tình trạng sức khỏe ngày càng cạn kiệt của người lính, bác sĩ Chưng (người Hà Nội), các y tá của Trạm quân y và cả các đồng đội không ai nghĩ ông sẽ sống được. Nhưng, một lần nữa họ vẫn cố hết sức chữa trị với phương châm “còn nước còn tát”. Bằng tình yêu thương và sự chăm sóc chữa trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ Trạm quân y 367, họ đã giành giật lại mạng sống cho ông chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

Cứ ngỡ rằng thời gian sẽ như phép nhiệm mầu phủ mờ tất cả, nhưng trận đánh đài phát thanh năm xưa vẫn chưa bao giờ phai mờ trong ký ức Hoàng Văn Nhượng. Ông bảo rằng sau trận đánh, được chữa trị, tiếp tục cuốn vào guồng quay chiến tranh cho đến những năm tháng thời bình ông vẫn tự hứa sẽ tìm lại bằng được những ân nhân, đồng đội của mình. Có thể những người lính ấy đã hy sinh, cũng có thể họ may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, có khi họ nghĩ ông đã hy sinh, nhưng ông vẫn tha thiết được gặp lại người đồng đội mang tên Khởi, Hùng và cả bác sĩ Chưng một lần để được nói lời cảm ơn. Trường hợp xấu nhất, nếu họ đã hy sinh, ông cũng rất mong, qua Báo Công an nhân dân, thân nhân của họ sẽ lên tiếng để ông được một lần đến gia đình thắp nén hương tri ân những người đã cho ông cuộc đời thứ hai này.

Mọi thông tin xin gửi về Báo Công an nhân dân, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh, số 6 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh hoặc liên lạc trực tiếp với ông Hoàng Văn Nhượng theo số điện thoại: 0903804673

Ngọc Nguyễn
.
.
.