Nữ sinh nghèo vùng biên nuôi giấc mơ làm bác sĩ

Thứ Hai, 09/07/2018, 08:45
Từ ánh đèn dầu leo lắt nơi biên giới xa xôi, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Quỳnh Trang (19 tuổi, ngụ ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) đang hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ tại Trường Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh. Nhưng đó là chặng đường lắm gian truân khi gánh nặng cuộc sống đang bủa vây em từng ngày…


Căn nhà tôn trống huơ, trống hoác cũng là nơi bao năm qua, 3 mẹ con Trang rau cháo có nhau. Quanh năm quay quắt với nghèo đói, ăn bữa nay phải lo bữa mai bằng số tiền làm thuê, cuốc mướn; không vườn rẫy, tài sản đáng giá của gia đình Trang là cái tivi và chiếc xe máy cũ kỹ làm phương tiện đi lại. 

“Cha mẹ chia tay khi em mới 11 tuổi.  Hàng ngày, mẹ em phải cặm cụi cạo mủ và lượm điều thuê kiếm tiền nuôi cả 3 miệng ăn. Tuy khó khăn, mẹ em vẫn cố gắng thắt lưng buộc bụng, chắt chiu, gom góp từng đồng để nuôi các con ăn học”, Trang sẻ chia.

Thương thân mẹ oằn trĩu vì gồng gánh nuôi con, Trang nuốt nước mắt vào trong và tự nhủ với lòng sẽ gắng học thành tài. Trong 12 năm liền, Trang đều là học sinh giỏi và mang về nhiều thành tích đáng nể cho ngôi trường vùng biên. 

Trang nghẹn ngào kể thêm: “Đầu năm 2017, điện mới về tới ấp Thạnh Tây. Thời gian trước đó ấp chưa có điện, 12 năm học là khoảng thời gian em gắn bó với  ánh đèn dầu lay lắt. Cũng chính ánh đèn tù mù ấy đã thắp sáng ước mơ của em. Ngoài việc học, em thường xuyên bóc mủ trên lô cao su phụ mẹ. Khó khăn là vậy nhưng em quyết tâm không chùn bước”.

Mẹ con Trang cạo mủ cao su kiếm sống qua ngày.

Thời gian như con thoi, mùa tuyển sinh đại học năm 2017, với số điểm 27,75 đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trang vinh dự đỗ vào Trường Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, một trong những ngôi trường danh giá. 

Gói ghém hành trang rời vùng quê hẻo lánh, Trang lên thành phố để hiện thực hóa ước mơ làm bác sĩ. Nhưng áp lực “cơm áo, gạo tiền” từng ngày đè nặng, phần nào ngăn cản ước mơ của cô bé nghèo. 

Hình ảnh cô sinh viên nghèo dễ mến vật lộn mưu sinh giữa đô thị phồn hoa bằng đủ thứ nghề từ gia sư đến nhân viên bán hàng bách hóa để kiếm tiền trang trải việc học khiến nhiều người thương cảm. 

“Từ quê nghèo lên phố thị, nhiều lúc em thấy lạc lõng. Mẹ nghèo không thể chu cấp thường xuyên. Hàng ngày, em phải bươn chải với nhiều nghề để sống. Học phí ngày càng tăng khiến em lo lắng, sợ không có tiền để theo đuổi giấc mơ”, Trang sụt sùi.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng thôn ấp Thạnh Tây, cho biết ông rất xúc động và tự hào khi cháu Trang là một trong những học trò nghèo vượt khó vùng quê biên giới. Cháu Trang trở thành tấm gương sáng để các em nhỏ trong vùng noi theo. 

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tìm phương án giúp đỡ gia đình cháu Trang giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”, ông Hiền nói.

Đ.Trung-C.B
.
.
.