Nữ giáo viên cắm bản ở Pá Hu

Chủ Nhật, 06/03/2016, 10:38
Gần 20 năm làm giáo viên cắm bản, những ngày tháng xa gia đình đằng đẵng, một tháng về nhà được 2-3 lần thăm chồng con, đôi lúc khiến cô giáo Huân thấy thiệt thòi vô cùng...


Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học và THCS Pá Hu (Trường Pá Hu), huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nằm trên một ngọn đồi mà chiếc xe của chúng tôi phải lao xuống một con dốc dựng đứng rồi trườn ngược lên mới tới nơi. Tiếng trẻ bi bô đọc bài vọng ra ngoài dãy núi, nơi có những thửa ruộng bậc thang vàng óng. 

Khung cảnh thanh bình như bao ngày khác trong năm mặc dù gần đến ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Những nữ giáo viên mà chúng tôi gặp ở Pá Hu chưa một lần được nhận hoa của học trò nhưng không phải vì thế mà niềm nhiệt huyết gieo chữ của họ giảm đi.

Ngôi trường nhỏ bé nằm ngay trên đỉnh núi, mỗi lớp có 20 học sinh, đứa thì mặc áo đồng phục của các bạn học sinh miền xuôi gửi lên, đứa thì mặc nguyên bộ quần áo dân tộc Mông, Thái ngồi nghiêm trang nghe cô giáo giảng bài. Dù là lớp 3 nhưng trông chúng chỉ như học sinh lớp 1 ở thành phố. 

Ngó vào quyển vở để trên bàn, chúng tôi ngạc nhiên bởi nét chữ tròn trịa và đẹp chẳng kém gì học trò dưới xuôi. Ở lớp học này chúng tôi được biết, có em nhà cách đây 8km mà đường chỉ đi bộ. Ngày đầu tới trường, vì nhớ nhà, em chỉ ngồi khóc đòi về. Thầy cô phải động viên, thuyết phục mãi em mới chịu học.

Nữ giáo viên ở Pá Hu đang miệt mài gieo con chữ.

Điểm trường bán trú km16 nằm cách trường trung tâm hơn 6km hiện giáo viên cắm bản đều là nữ. Điểm trường có 321 học sinh cả tiểu học và THCS. Cô Nguyễn Thị Duân, chủ nhiệm lớp 5A cho biết: “Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng được cái học sinh đều ngoan, chăm học, đó là niềm vui của chúng tôi”. 

Sinh ra ở thị xã Nghĩa Lộ, sau khi lập gia đình, cô Duân về ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Điểm trường mà cô dạy học cách nhà 30km, một tháng về nhà được 2 - 3 lần thăm chồng con. 

Gần 20 năm làm giáo viên cắm bản, những ngày tháng xa gia đình đằng đẵng, đôi lúc cô thấy thiệt thòi vô cùng. Cô Duân có 2 con đang bước vào tuổi lớn, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ, những đêm nằm thương con, cô đã rơi bao nhiêu nước mắt. Nhưng duyên nợ với những đứa trẻ vùng cao Pá Hu chẳng thể dứt được bước chân cô rời đi. Hôm nay đứa này ốm, mai đứa kia nghỉ học, cô thay mẹ chăm sóc chúng, chạy lên nương tìm chúng về lớp. 

Chặng đường gần 20 năm đằng đẵng cô không nhớ hết có bao nhiêu gian lao vất vả để đưa chúng tới trường, nhưng cô chỉ biết rằng mình phải cố gắng hết mức để làm tròn trách nhiệm của một người giáo viên cắm bản. Cô Duân là giáo viên dạy giỏi nên kiến thức cô truyền đạt cho học trò đều rất dễ hiểu và chúng gắn bó, yêu thương cô như người mẹ hiền.

Thiệt thòi lớn nhất với giáo viên cắm bản ở Pá Hu đó là xa gia đình. Họ chăm sóc những đứa trẻ dân tộc ở Pá Hu, nhưng lại lo lắng ở nhà ai chăm sóc cho con mình? Họ chỉ biết phấn đấu cho công việc, chỉ biết yêu thương những đứa trẻ này hơn để bù đắp thiệt thòi mà các con họ không được hưởng. 

Nằm nép mình bên dãy núi, điểm trường Cang Dông thấp lè tè với những mái lá cũ lợp đan xen. Trận rét kỷ lục cuối năm ngoái, điểm trường bị băng tuyết bao phủ, cô trò tưởng chừng như đóng đá, phải đốt củi sưởi ấm để học bài. Khu nhà lắp ghép dành cho giáo viên đã xuống cấp, gió chỉ chực thổi tung, rét đến thấu xương thịt.

Cô giáo Lê Ánh Nguyệt dạy lớp ghép 1 và 3 cho biết: “Chỉ sợ học sinh rét quá không đến trường, mình và các cô giáo khác luôn phải động viên các con. Thậm chí, phải mang áo ấm cho các con mặc thêm, mang chăn cho các con đắp”. Cô giáo Nguyệt nhà ở TP Yên Bái cách nơi dạy học trên 100km, vì thế chồng cô phải xin vào trường làm cho gần vợ. Thế nhưng, hai vợ chồng vẫn phải ở xa nhau vì nơi cô dạy học cách chỗ chồng 5km, một tuần họ mới được gặp nhau một lần. 

Pá Hu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, 50% dân số là hộ nghèo. Theo ông Thào A Chu, Phó chủ tịch UBND xã thì hành trình vận động trẻ đến trường cực kỳ khó khăn. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đường đi lại xa xôi, vào mùa mưa tỷ lệ đi học chỉ đạt 97%. Pá Hu có 5 điểm trường, có 22 nữ giáo viên đến từ các tỉnh cả miền xuôi và miền ngược. 

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình gieo con chữ của các nữ giáo viên nơi đây, thầy Nguyễn Thế Hợp, Phó Hiệu trưởng nhà trường trầm tư cho biết: “Ở các điểm trường đều có nhà công vụ, nhưng xây dựng từ năm 1995 đến nay đều đã xuống cấp. Vào mùa đông, nhiệt độ ở Pá Hu thường dưới 10 độ C, nhà lắp ghép không đủ ấm. Ngoài giờ dạy học, họ phải đi 400m đến khe suối lấy nước. Gặp ngày trời mưa thì nước đục không ăn uống được. Các cô giáo quanh năm phải ăn đồ khô vì ở bản điện yếu không bảo quản được thực phẩm”. 

Cuộc sống của nữ giáo viên ở Pá Hu bộn bề khó khăn nên điểm trường số 9 ở thôn Háng Càng cách cơ sở chính 20km, Ban giám hiệu đã cử 2 thầy giáo người Mông lên đây dạy học. “Trên đó đường đi lại và cơ sở vật chất cực kỳ khó khăn nên chúng tôi không thể bố trí nữ giáo viên giảng dạy được” – thầy Hợp giải thích.

Giống như hàng nghìn giáo viên cắm bản vùng cao khác, cuộc sống của 22 nữ giáo viên Trường Pá Hu đều trông chờ vào đồng lương. Ngay đến ngày trọng đại của chị em phụ nữ như 8-3, họ cũng vẫn miệt mài bên từng trang giáo án. Thầy Hợp nói với chúng tôi, nữ giáo viên ở đây không có hoa, không có quà vào ngày 8-3. 

Để động viên các cô, ngoài buổi tọa đàm do Công đoàn nhà trường tổ chức thì các thầy giáo đã đóng góp mời các cô một bữa cơm thân mật. Dù thiệt thòi rất nhiều so với giáo viên miền xuôi và ở thành phố, nhưng nhờ có sự hy sinh to lớn của các thầy cô giáo cắm bản mà bao nhiêu thế hệ học trò vùng cao mới biết đến cái chữ, biết đến ánh sáng tương lai từ những bài học nhân cách đầu đời.

Trần Hằng – Việt hà
.
.
.