“Nữ chúa rừng” dưới chân núi Lang Biang

Chủ Nhật, 01/10/2006, 08:18
Nhỏ nhắn, khuôn mặt tròn phúc hậu, chẳng ai ngờ người phụ nữ ấy lại được xưng tụng: "Nữ chúa rừng" Lạc Dương. Chị tên Trịnh Thị Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, người gần 30 năm gắn mình với màu áo xanh, từng bị lâm tặc "tuyên án tử hình" vắng mặt.

Chị là một trong hai nữ Hạt trưởng trong ngành Kiểm lâm Việt Nam.

Đội tuần tra lưu động của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng gồm 6 thành viên tinh nhuệ. Vì tính chất nặng nhọc của nó nên chỉ có chị Trịnh Thị Truyền là nữ. Cũng vì là nữ nên chị Truyền cũng hiếm khi phải đi tuần tra, công việc chính của chị là lấy lời khai, lập biên bản, tham mưu xử phạt các vụ vi phạm. Nhưng ân oán với lâm tặc thì ngày càng nhiều theo những chồng hồ sơ mà chị xử lý. Lâm tặc chỉ biết, nhớ và điểm tên người lập biên bản, ra quyết định xử phạt.

Rừng và máu

Đầu những năm 1990, giai đoạn hoành hành dữ dội nhất của lâm tặc trên những cánh rừng thuộc tỉnh Lâm Đồng, những mảng rừng bị bóc trắng đến tàn nhẫn. Đội tuần tra liên tục thức đêm ngủ ngày theo lịch "làm việc" của lâm tặc. Nhiều đêm, đội nhận được hàng chục tin báo về phá rừng từ nhiều huyện, thấy anh em nam làm không xuể, chị Truyền xin đi cùng. Thế là, nhiều đêm, chỉ kịp hôn lên trán các con say ngủ, lặng lẽ nhìn chồng, chị khuất vào màn đêm. Mỗi đợt truy quét từ 5-7 ngày, cơm vắt, lương khô, chị và các đồng nghiệp cũng chẳng khác mấy những người lính năm xưa, cũng súng, võng, nồi niêu, cũng băng rừng, lội suối trong đêm.

Sự nguy hiểm đến tính mạng luôn đe dọa anh em kiểm lâm. Đội trưởng Lý đếm không xuể những lần bị lâm tặc chặn đường hù dọa, răn đe. Có tên còn hỏi thẳng rằng nhà anh có thể chứa bao nhiêu ký thuốc nổ. Cũng tích cực và quyết liệt không thua Đội trưởng Lý, Truyền cùng với người Đội trưởng của mình đã bị lâm tặc “tuyên án tử hình” vắng mặt. Chúng truyền tai nhau rằng, muốn "trị" đội tuần tra, kẻ "phá" bát cơm của chúng, chỉ cần "thịt" Lý và Truyền là xong.

Người đàn bà thép

Nữ "chúa rừng" hay "người đàn bà thép", người ta đã gọi chị như vậy từ khi chị nhậm chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương.

Dù đã được báo trước, cả Hạt kiểm lâm Lạc Dương cũng không hết ngỡ ngàng khi trông thấy chị, họ đã tự hỏi rằng: "Hạt trưởng đây sao, tưởng ai, chỉ là một phụ nữ nhỏ bé thế này thì làm được gì?". Chị đọc được những ánh mắt e ngại ấy. Một bài phát biểu rất ngắn gọn, rồi chị đưa ra một bản quy định lề lối làm việc mới, chặt chẽ, nghiêm khắc, rõ ràng.

Một nhân viên tiết lộ: "Những ngày mới về, chị "siết" lính chặt kinh khủng, có người tuyên bố thẳng, làm việc với chị Truyền có ngày đứt dây thần kinh". Nhưng chị thì tâm sự: "Biết những đời Hạt trưởng trước ở đây, nhân viên quen lề lối làm việc vô tổ chức, chính lẽ ấy mà dẫn đến công việc bê bối, người dân coi thường, lâm tặc xem thường. Mình là Hạt trưởng, lại là nữ giới, càng phải cho người ta thấy, phải làm gương để nhân viên làm theo, kiểm lâm không phải là những người dễ bị coi thường".

Để quản lý địa bàn tốt, người nữ Hạt trưởng đã dành gần 2 năm để đi hết đường ngang ngõ tắt những cung rừng thuộc huyện Lạc Dương. Nghe thì đơn giản, nhưng bạn đọc thử tưởng tượng, một phụ nữ bé nhỏ, 2 năm, hàng trăm hécta rừng, những khu rừng nguyên sinh, đồi, dốc, nắng mưa, thú dữ, vắt, sốt rét rừng. Người Lạc Dương có câu cửa miệng: "Ruồi vàng, ve chó, gió Lạc Dương", để nói đến chuyện rừng thiêng nước độc ở nơi đây, trên bắp tay của chị vẫn hằn những vết sẹo do ruồi vàng, ve chó. 

Chị tâm sự, chị không sợ ruồi vàng hay lâm tặc mà sợ nhất... cháy rừng. Vụ cháy rừng thông Lạc Dương năm 1997, đối với chị là một nỗi ám ảnh thực sự. Năm ấy, cũng là năm mà nước ta xảy ra vụ cháy rừng Cà Mau, dư luận khi ấy tập trung vào trận cháy rừng lịch sử ở Cà Mau, ít người biết, cùng thời điểm đó, có những người lính kiểm lâm hàng tuần liền không ngủ để cứu khu rừng khác thuộc tỉnh Lâm Đồng. Chị là người phụ nữ cứng rắn đến lạnh lùng, ấy thế mà khi quyết định cho đốt rừng để cứu rừng, chị lại khóc như một đứa trẻ. Chị kể rằng, đấy là quyết định khó khăn nhất của chị.

Tôi tình cờ nghe câu chuyện về chị từ một lâm tặc về "hưu". Anh ta kể rằng, anh chỉ nghĩ đơn giản, rừng của chung, ai có sức thì phá. Chị Truyền chính là người đã lập biên bản xử phạt anh ta khi chị còn làm ở đội tuần tra, nghe gia cảnh nghèo khó của anh, chị đã bỏ tiền túi mua cho anh và những người khác mấy ổ bánh mì và những gói thuốc rẻ tiền. Cái tình người ấy khiến sau này mỗi khi theo người ta vào rừng, anh chỉ đi lượm những cành cây về làm củi bán, kiếm bạc lẻ nuôi vợ con.

Hạt Kiểm lâm Lạc Dương nằm ngay dưới chân Lang Biang, ngọn núi cao hơn 2.000m. Đứng ngay cửa sổ phòng làm việc của Hạt trưởng, sẽ thấy hai đỉnh cao nhất của Lang Biang, truyền thuyết của người Lạch kể rằng, đây chính là bộ ngực của người phụ nữ đang nằm ngủ, cũng vì thế mà Lang Biang còn được gọi là núi Bà. Sau khi chị Truyền về làm Hạt trưởng, công việc suôn sẻ, rừng ít bị tàn phá, người ta "suy" ra rằng, có lẽ dưới chân núi Bà chỉ chịu phụ nữ làm chúa rừng mà thôi

Thuận Thiên
.
.
.