Nữ VĐV PARA Games: Sẻ chia cho những cuộc đời bất hạnh

Thứ Năm, 11/05/2006, 13:40

Rời các giải đấu dành cho người khuyết tật, trở về cuộc sống đời thường với khoản tiền thưởng, tiền bồi dưỡng gần 100 triệu đồng, Đặng Thị Ngọc Ánh thực hiện một ước mơ cháy bỏng: Tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Sinh ra trong một gia đình có tới 7 anh chị em, Đặng Thị Ngọc Ánh bị mắc chứng tật bẩm sinh. Thương gia đình nghèo khó, 16 tuổi, chị quyết định theo học nghề may để có thể sống tự lập. Đầu năm 1998, Ánh về Đà Nẵng mở một tiệm may nhỏ gần nhà.

Là người luôn biết vượt lên chính mình, thế nên không đơn thuần lặng lẽ với công việc may vá, những lúc rảnh, Ánh còn tham gia tập luyện những bộ môn thể thao. Với chị, sức khỏe mới là điều đáng quý nhất của đời người và đặc biệt cần thiết đối với người khuyết tật. Thành quả cho niềm đam mê ấy là hầu hết các giải thi đấu thể thao trong thành phố chị đều giành được: HCV môn cầu lông, HCB môn bơi lội tại giải thể thao dành cho người khuyết tật tổ chức tại Quảng Trị.

Chị kể: Hạnh phúc đáng nhớ nhất của cuộc đời chị là lần tham dự giải đấu thể thao quốc gia dành cho người khuyết tật được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2002. Lọt vào chung kết môn cầu lông, chị gặp phải đối thủ ngang tài ngang sức. Dồn tâm trí cho séc đấu quyết định, nhưng chính lúc này thì sự cố lại đến, chị bị ngã quỵ chân. Phải vất vả lắm mới cầm hòa được tỷ số ở séc đấu này. Để phân thắng bại, trọng tài quyết định cho 2 VĐV tiếp tục thi đấu. Thật bất ngờ, với một động tác lăn người để vớt pha cầu khó, chị đã hạ được đối phương và giành chiếc HCV. Lúc bấy giờ, bên ngoài tiếng hoan hô vang dội và phút chốc mọi người đã ào ra sân đấu để chúc mừng chị.

"Hạnh phúc tràn đầy, tôi ôm lấy mọi người òa khóc như một đứa trẻ lên ba" - chị Ánh nhớ lại. Kỳ diệu hơn cũng trong giải thể thao năm ấy, chị còn giành thêm cho đội Đà Nẵng chiếc HCB ở môn bơi lội.

Niềm vui nối tiếp vinh quang, năm 2003, ASEAN PARA Games II được tổ chức tại Việt Nam, chị tiếp tục đem chiến thắng về cho đất nước bằng hai chiếc HCB: 1 cá nhân, 1 đồng đội môn cầu lông. Giờ đây, cái tên mà mọi người vẫn thường trìu mến gọi - "Ánh quả cầu bò" đã được bình chọn là 1 trong 2 VĐV khuyến tật bộ môn cầu lông tiêu biểu của Việt Nam.

Thực hiện ước mơ

Rời các giải đấu trở về cuộc sống đời thường với khoản tiền thưởng, tiền bồi dưỡng gần 100 triệu đồng, chị thực hiện một ước mơ cháy bỏng là mong muốn làm sao tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Trong căn nhà chừng 50m2 đơn sơ, còn quá đỗi thiếu thốn, bé nhỏ so với mấy chục con người và máy móc, thế nhưng, bao giờ ở đấy cũng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Chỉ tay lên khoảng tường được gắn đầy những tấm bằng khen cao quý, chị Ánh tâm sự: Cũng mới khoảng hơn hai năm kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động đến nay, đã có 63 em được chị tiếp nhận vào học và dạy việc lành nghề. Trong đó, hầu hết là các em bị khuyết tật và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trải khắp các tỉnh miền Trung. Số em vừa mới xin vào học việc, ngoài tiền ăn ở, sinh hoạt của học viên, mỗi tháng chị còn giúp đỡ thêm 100 nghìn đồng để động viên, khích lệ tinh thần học tập.

Chị cho biết thêm, riêng số các em đã thành thạo nghề thì trừ tiền ăn ở cũng dành dụm được khoảng 700 nghìn mỗi tháng. Tuy nhiên, vẫn còn ngặt nỗi "Hiện tại, đang có khá nhiều bộ hồ sơ xin vào học việc, nhưng do điều kiện cơ sở còn nhỏ, thiết bị máy móc, nơi ăn ở của các em chưa mấy thuận lợi nên tui cũng chưa biết phải xoay xở ra sao"!

Ước mơ giúp các em mồ côi, khuyết tật xóa đi sự mặc cảm, tự ti về những khiếm khuyết, thiếu thốn của bản thân, trăn trở với những khó khăn về vật chất để được chia sẻ với những mảnh đời không mấy may mắn bằng cả trái tim yêu thương cháy bỏng của mình - điều đó dù chị không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu tâm tư của chị: Nếu như có được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, có lẽ ước mơ cống hiến, làm việc và chia sẻ hạnh phúc của mình cho những mảnh đời bất hạnh của Ánh chắc chắn được chắp cánh vươn xa hơn!

Xuân Thành
.
.
.