Nón "nghị lực"

Thứ Tư, 26/05/2010, 09:02
Đất nước ta từ Nam đến Bắc có khoảng chục làng nón từng nổi tiếng một thời. Trong đó có làng Phú Cam, bên bờ Nam sông An Cựu (TP Huế).

Nón Phú Cam xưa nổi tiếng, cả làng cùng làm nghề, nay chỉ còn hơn chục nhà, nhưng cũng không thường xuyên. Bởi vì nhu cầu dùng nón lá của người dân giờ không còn nhiều như trước. Nhưng một người con gái tật nguyền 30 năm qua vẫn cặm cụi gìn giữ thương hiệu nón Phú Cam, bằng thương hiệu Nón Thúy đặc biệt.

Nón "nghị lực"

Tôi gọi nón chị Phạm Thị Thúy làm là nón "nghị lực", vì chỉ bằng một tay chị đã làm nên thương hiệu mà bất cứ ai đến thăm làng Phú Cam đều tìm đến chị. Khi tôi đến thăm chị ở một con hẻm nhỏ đường Trần Phú, chị vẫn ngồi nhà chằm nón bằng một tay, nhưng lanh lẹ, chuyên nghiệp tuyệt vời. Thúy trẻ hơn tuổi 42, xinh xắn và là người không thích thương mại. Chị thích an lành ở ngôi nhà nhỏ của mình, chằm nón và sinh sống bình dị.

Chị Thuý cần mẫn chằm nón.

Chị Thúy kể rằng, năm Mậu Thân chạy giặc, mẹ mang thai chị, lại phải lo cho mấy người con còn nhỏ. Có lẽ vì thế mà khi sinh ra, Thúy đã thiếu mất một bàn tay. "Từ nhỏ đã nhìn thấy người làng chằm nón và thích thú, năm lên 10 mẹ dạy tôi chằm và chằm từ đó cho đến nay. Khi làng nón Phú Cam thịnh vượng, mấy chị hàng xóm cứ đến đây chằm cùng cho vui. Vì thế mà tốc độ làm tăng lên. Thừa được cái nào, mẹ cho để có tiền mua quần áo, thích lắm.

30 năm nay, ngày ngày tôi cặm cụi, cần mẫn ủi từng thớ lá, nức từng đường kim. Nhưng tôi không làm thương mại, nếu tôi chịu làm như người ta thì đã giàu rồi" - chị Thúy tâm sự. Để hoàn thiện một chiếc nón phải trải qua nhiều khâu rất công phu, kỹ lưỡng. Từ khâu ủi lá, chọn, cắt và ghép đến khâu, nếu không cẩn thận thì không thể làm được những chiếc nón đẹp, tròn căng, tinh xảo. Vậy mà chỉ bằng một tay trái, có sự trợ giúp của cánh tay cụt, chị Thúy đã làm được những chiếc nón đẹp mắt thực sự.

Vạn sự khởi đầu nan, ban đầu chị Thúy đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mến, mẹ Thúy kể rằng, khi Thúy còn học lớp 4, lớp 5, mỗi khi rảnh rỗi thường lấy những chiếc nón rách, những cây kim gãy mũi để tập chằm lại. Một thời gian dài sau, Thúy nức được đường chỉ, dần dần phân loại được lá, xếp lên gọn ghẽ trên khuôn chằm... khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Đó là những ngày Thúy vui sướng nhất và tin rằng, mình có thể làm để đỡ đần mẹ, khi cha đã hy sinh trong chiến tranh.

Chị Thúy nói: "Ngày đó khó khăn lắm, có khi tôi phải đi xin những chiếc kim gẫy, dùng đầu kim có lỗ để dùng lại. Tiền bán nón ngày đó chẳng đáng là bao, nhưng tôi vẫn thích làm. Đến sau này người ta bỏ, tôi vẫn làm".

Nhìn những chiếc nón chị Thúy làm, nó đẹp không thua kém nón của những bạn nghề lành lặn. Các vành nức được xây lá thanh mảnh mà chắc chắn. Không ai nghĩ đó là sản phẩm của người thiếu hẳn một bàn tay. Không chỉ đơn thuần có sản phẩm nón lá, chị Thúy còn sáng tạo làm thêm nón bài thơ, nón thêu cũng từ bàn tay tật nguyền. Chị bán chủ yếu cho du khách nước ngoài. Thu nhập của chị từ nón vì thế đủ để chị và mẹ sống một cuộc sống thanh thản. Điều đặc biệt là, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước mỗi lần đến Huế đều tìm vào nhà chị để thỏa trí tò mò và được trực tiếp chứng kiến người phụ nữ tật nguyền chằm nón Huế thơ mộng. Chị không còn phải mang nón đi bán dạo hay phải bỏ mối cho tư thương nữa, nhưng nón Thúy theo khách du lịch đi khắp nơi. Chị Thúy vui vì điều đó.

"Tôi là người làng nón"

Chị Thúy nói rằng, nón Huế, nón Phú Cam đã xinh ở dáng lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá. Nón bài thơ là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng ở riêng Huế. Nó không chỉ đơn thuần là vật đội đầu để che mưa che nắng mà còn là vật để làm duyên, trang điểm thêm cho vẻ đẹp dịu dàng, đáng yêu của những cô gái Huế. Vì thế chiếc nón Huế đã đi vào nhạc, vào thơ, vào những bức tranh, bức ảnh. Những văn nghệ sỹ đến, làm nên tác phẩm rồi đi mà vẫn hẹn lòng quay lại bởi niềm hứng khởi trước những vẻ đẹp duyên dáng dịu dàng của người con gái Huế cùng mảnh đất Huế thân yêu.

Tôi hỏi chị Thúy rằng, sao nón "Thúy" trở nên có thương hiệu trong lòng khách nước ngoài đến vậy? Chị kể rằng có một du khách Australia một lần đến thăm nhà chị, nhờ chị làm nón. Sau 2 giờ chiếc nón hoàn thành, vị khách trầm trồ khen ngợi và yêu cầu chị Thúy làm thêm một chiếc nữa nhưng lồng thêm vào nón chữ "Thúy". Ông khách đó mang chiếc nón trên về nước, khoảng thời gian sau có một đoàn du khách Australia tìm đến chị Thúy và đề nghị chị biểu diễn cách chằm nón và cho thêm chữ "Thúy" trên nón. Cũng từ đó, nhiều khách nước ngoài đến đều đòi lồng thêm chữ "Thúy", nếu không cũng phải ký vào chiếc nón chữ "Thúy".

Bà Mến, mẹ chị Thúy nói: "Gần 10 năm qua, du khách đến đông lắm. Thúy túi bụi bận khách hà. Nhà chật ơi là chật". Tháng 6/2004, chị Thúy có đến Yokohama (Nhật Bản) với tư cách là khách mời đại diện của nghề nón truyền thống Việt Nam trong Lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tại Nhật Bản. Chị mang sang Nhật 200 chiếc nón Huế, chỉ hơn một ngày lễ hội đã bán gần hết trong khi lễ hội diễn ra cả tuần. Chưa biết xoay xở ra sao thì anh Minh, Phó Giám đốc Việt Nam Airlines, ghé đến thăm gian hàng của chị. Biết chuyện, lập tức anh điện về Huế lo giúp. 24 giờ sau khoảng 300 chiếc nón Huế nữa đã có mặt tại Nhật Bản và đã được bán hết.

Cuộc sống tuy không khá giả, nhưng chị Thúy không chịu làm thương mại. Chị bảo mình là con làng nón, chỉ làm nón thôi chứ không làm thương mại. Nếu làm thương mại thì chị đã giàu có rồi. "Bởi vì tôi không thích làm thương mại, không thích kiếm tiền một cách xô bồ. Mẹ và các anh trai tôi cũng không muốn tôi như thế. Thì thôi cứ sống ở nhà cho khỏe" - Thúy cười nói, rất yêu đời. Khi tôi hỏi chuyện tình duyên của chị, thì chị nói thời trẻ cũng có một số người đàn ông tìm đến, nhưng chị không muốn. Chị khẳng định: "Tôi yêu và kết duyên với nón rồi!"

Đinh Vân
.
.
.