Nỗi oan của người bị nghi là tội phạm quốc tế

Thứ Bảy, 14/05/2005, 07:37
Một số trường hợp công dân Việt Nam ra nước ngoài công tác bỗng dưng bị cảnh sát nước bạn nghi là... tội phạm bị truy nã qua mạng lưới Interpol. Lòng tự trọng của họ bị tổn thương, lại phải chịu đựng bao con mắt dò xét, nghi ngờ của những người xung quanh. Nhưng quan trọng hơn cả, những rắc rối này có được giải quyết kịp thời để họ tiếp tục thực hiện trách nhiệm và phận sự của mình

Những người hâm mộ tài năng của trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng trên sân cỏ đều sửng sốt khi nghe tin anh cùng đồng đội đến Liban tham dự giải Cúp bóng đá châu Á, bị cảnh sát nước bạn ách lại và không cấp visa với lý do: Dũng đang nằm trong danh sách điều tra tội phạm truy nã quốc tế. Rồi mọi người lại nhận được tin: Dũng bị oan. Vì sao lại có sự trục trặc như vậy?

Theo tài liệu của Văn phòng Interpol Việt Nam thì lý do phía Liban đưa ra là họ tên của Dũng trùng với tên của một đối tượng đang bị Interpol Australia truy nã với tội danh tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Interpol Việt Nam đã nhanh chóng xác minh và gửi hồ sơ cá nhân của Nguyễn Mạnh Dũng đến Liban để kiểm tra lại, đồng thời đã yêu cầu Ban Tổng thư ký Interpol can thiệp, xác nhận giúp. Trước những động thái tích cực này, khoảng 2 tiếng sau, Dũng đã được làm thủ tục nhập cảnh, cùng đồng đội kịp thời tham gia trận đấu...

Gặp rắc rối như Dũng còn có Nguyễn Thị Thanh An, vận động viên thuộc tốp đầu của làng cờ vua thành phố Hồ Chí Minh và Đội tuyển quốc gia. Năm 2003, cô đạt thành tích Vô địch Sea Games 2003 (cá nhân và đồng đội); năm 2004 được phong danh hiệu “Đại kiện tướng thế giới”... Với trình độ chuyên môn như vậy, An thường xuyên “mang chuông đi đánh xứ người”, được ra nước ngoài thi đấu, cọ xát. Thế nhưng, trong không ít lần đi, An đã bị lực lượng phụ trách cửa khẩu các nước ách lại bởi cô cũng bị nghi là đối tượng truy nã quốc tế.

 

Tháng 6/2004, An cùng 2 vận động viên nữ được cử tham dự giải Cờ vua thế giới ở một nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga. Ngay từ khâu làm thủ tục tại Việt Nam, trường hợp của An đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng vì có Đại sứ quán Nga tại Hà Nội nên Liên đoàn Cờ vua đã can thiệp và xin cấp visa cho An vào những ngày cận kề giải. Tuy vậy, khi sang đến sân bay Liên bang Nga, trong khi những người cùng đoàn được qua trạm kiểm soát dễ dàng thì An bị lưu lại, ngồi một mình trong một căn phòng nhỏ suốt nửa tiếng vì trục trặc giấy tờ.

 

Nhưng mọi rắc rối đối với cô vận động viên nhỏ bé này vẫn chưa dừng lại, cô tiếp tục bị “sốc” khi cùng HLV sang Liban tham dự giải “Vô địch nữ châu Á” tháng 12/2004. Đây là một giải đấu vô cùng quan trọng với cá nhân cô, bởi An là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự và được coi là hạt giống số 3 của giải. Mới sang đến Malaysia, An đã bị lực lượng cảnh sát nước này giữ lại kiểm tra suốt gần 2 ngày.

 

Tâm lý mỏi mệt, nhưng cô vẫn hy vọng mọi rắc rối sẽ qua, vì Liên đoàn cờ vua Liban hứa sẽ lo thủ tục làm visa khi cô sang đến nơi. Vậy mà khi đặt chân đến sân bay Dubai, một lần nữa cô và huấn luyện viên lại nhận được thông tin từ cảnh sát nước bạn: An không thể nhập cảnh vì bị nghi là tội phạm buôn bán ma túy quốc tế. Không những không được tham dự giải đấu, An còn được người của nước bạn “đưa” về Việt Nam. Tuy không phải người yếu đuối, nhưng An vẫn bị suy sụp.

Tự mình phải bảo vệ chính mình

Theo Đại tá Phạm Hữu Hỗ, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam, những trường hợp bị nhầm lẫn với tội phạm quốc tế như các vận động viên Dũng, An xảy ra tương đối nhiều vì sự khác biệt trong cách gọi và ghi họ tên của người Việt Nam với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này sẽ dẫn đến những kết cục đáng tiếc còn do chính bản thân người Việt Nam chúng ta đã không biết tự bảo vệ mình, khi thấy bị lực lượng cảnh sát kiểm tra, giữ lại là sợ, chẳng dám phản đối.

 

Nhiều người đi nước ngoài công tác, lao động xuất khẩu nhưng vốn ngoại ngữ quá kém, có khi chỉ bập bẹ được vài câu sai cấu trúc khiến cảnh sát nước bạn ngẩn tò te, chẳng hiểu gì. Hơn nữa, kiến thức về luật lệ của nước sở tại, cũng như thông lệ quốc tế của họ chưa được trang bị cẩn thận nên rất lúng túng khi có sự cố xảy ra. Vì thế đáng lưu ý chính là cách xử lý, giải quyết tình huống của những người trong cuộc.

 

Có 3 phương án Đại tá Phạm Hữu Hỗ đưa ra nhằm giúp những người gặp trục trặc tại các cửa khẩu quốc tế: Khi bị nghi là tội phạm truy nã quốc tế, nếu mình thực sự vô can (xin nhấn mạnh điều này) thì điều đầu tiên là phải yêu cầu cảnh sát nước bạn kiểm tra các yếu tố tiếp theo xem có trùng với kẻ tội phạm hay không. Trong lệnh truy nã quốc tế của các đối tượng bao giờ cũng có 7 yếu tố sau: họ tên; ngày tháng năm sinh; nơi sinh; ảnh; đặc điểm nhận dạng; số hộ chiếu (hoặc số CMND); vân 10 ngón tay.... Nếu là hai con người khác nhau, dù có sự trùng lặp ngẫu nhiên đi chăng nữa chắc chắn sẽ không thể giống hệt nhau.

 

Trong trường hợp không biết ngoại ngữ, người gặp trục trặc phải đề nghị được liên lạc với lãnh sự quán nước mình tại đây, hoặc phải lập tức gọi điện về Văn phòng Interpol Việt Nam nhờ can thiệp. Cách đây mấy năm, một đồng chí cán bộ của ta khi sang Italia tham dự một hội nghị cấp cao, cũng bị ách lại khi cả họ, tên của ông trùng với một kẻ tội phạm có lệnh truy nã quốc tế. Do thông hiểu, ông đã điện thoại cho Đại sứ quán Việt Nam đề nghị giải quyết. 4 tiếng sau, mọi nghi vấn của lực lượng cảnh sát nước bạn đã được giải tỏa, họ phải xin lỗi vì đã để xảy ra sự cố trên.

Và điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là vai trò vô cùng quan trọng của Văn phòng Interpol Việt Nam trong công tác đấu tranh và giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm quốc tế. Khi gặp trục trặc trong những trường hợp như đã nêu, hãy liên lạc với Văn phòng Interpol Việt Nam, địa chỉ: 46 phố Trần Phú, Hà Nội, số điện thoại: 047336305 trong thời gian nhanh nhất

Thu Hoà - Hương Giang
.
.
.