Nỗi lòng của các tiếp viên hàng không

Thứ Tư, 11/01/2006, 13:05

Có lần một nữ tiếp viên hàng không bị một hành khách nam dùng điện thoại đánh vì can tội… nhắc anh ta không nên gọi điện thoại lúc máy bay đang ở trên không.

Thời gian gần đây, các tiếp viên hàng không luôn bị các hành khách "mắng vốn" về các chuyến bay trễ giờ, trễ chuyến. Rồi những lời than phiền về kiểu khuyến mại "giảm giá vé, nhưng lại cắt bớt khẩu phần ăn và các dịch vụ khác". Mặt buồn hiu, Minh Hằng, một tiếp viên hàng không bay chuyến Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh kể: "Chuyến tối nay trễ tới hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi  bị bao vây trong tiếng trách móc, đôi chỗ có những người nóng tính còn la ó đòi ăn tối trước khi cất cánh, một số đòi trả vé…". Một tiếp viên đã có thâm niên 6 năm trong nghề tâm sự: "Hành khách đâu biết rằng việc trễ giờ, cắt bớt các dịch vụ đâu phải do chúng tôi".

Sự phát triển của ngành Hàng không khiến các tiếp viên ngày càng phải đón tiếp nhiều người lần đầu tiên đi máy bay. Ngày nay, không chỉ các quan chức hay nhà giàu mới đi được máy bay mà ngay cả những người có thu nhập trung bình cũng có thể đi máy bay. Sự đa dạng hóa nảy sinh nhiều vấn đề phiền hà cho tiếp viên hàng không, nhiều người chẳng nghe cách làm thế nào để bớt bị ù tai, mà cứ hét toáng lên đòi xuống đất, có người nhất định đòi mở cửa thoát hiểm khi đang ở trên không. Nhiều người còn đòi mở cửa ngắm mây bay. Và không phải ai cũng trật tự lên máy bay, tự cất đồ lên giá, không phải ai cũng lặng lẽ cài dây an toàn.

Một tiếp viên ấm ức kể: "Có lần, tôi mang thức ăn qua, một khách nam nhéo vào đùi tôi, sợ quá đi một hơi. Thấy tôi sợ, anh ta càng làm tới, đi theo tôi và định giở trò sàm sỡ. Tôi phải dọa sẽ mời an ninh hàng không lên làm việc, anh ta mới thôi". Trình độ văn hóa của hành khách cũng không giống nhau, nhiều người ồn ào đôi khi còn cười hô hố, gọi nhau í ới, nhắc họ thì họ nhìn chằm chằm, hoặc chửi lại rất tục tằn. Có lần một nữ tiếp viên hàng không bị một hành khách nam dùng điện thoại đánh vì can tội… nhắc anh ta không nên gọi điện thoại lúc máy bay đang ở trên không.

Ở Việt Nam, tiếp viên hàng không được coi là nghề có thu nhập khá (khoảng 15 triệu đồng/tháng). Nhưng nếu nhìn vào lịch bay và so với những tiêu chuẩn như ngoại hình đẹp, thông thạo ngoại ngữ thì thấy mức lương này cũng là thỏa đáng.

Thúy Hạnh đã trong nghề 2 năm cho biết: Trước kia tôi làm PR cho một công ty quảng cáo lương 2.000 USD/tháng gấp đôi lương bây giờ, nhưng vì giấc mơ được làm tiếp viên hàng không thôi thúc quá, tôi đã dự thi và trúng tuyển. Bây giờ, một ngày bình thường của Hạnh là những chuyến bay liên tiếp. Có những ngày bay tới 4 chặng, chẳng có thời gian nghỉ. Đó là chưa kể những chuyến bay dài đi Nga, đi Australia, đi Pháp...

Đa số tiếp viên hàng không là nữ, phải làm ca khá vất vả. Họ phải đi đi lại lại, thậm chí không có thời gian mà rửa mặt. Ngoài công việc ra, trong những giờ giải lao, tiếp viên hàng không còn liên tục phải nạp kiến thức vì liên tục có những kỳ thi giữa các khóa học trong năm. Quy luật đào thải ở nghề này là rất cao. Tỷ lệ bỏ việc của các tiếp viên hàng không thường ít được công bố.

Nghề tiếp viên hàng không ở ta còn nhiều khắc nghiệt, chưa kể những tiêu cực, cám dỗ khác. Nhiều tiếp viên hàng không khi đã được bay đường xa thường mang tư tưởng bằng mọi cách để "lấy lại vốn". Cụm từ "hàng xách tay" cũng từ đây mà có. Các loại hàng mà các tiếp viên hàng không thường "đánh" về là thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại di động rồi bỏ mối lại cho các đầu nậu.

Trong vòng quay buôn bán, nhiều tiếp viên hàng không đã xách hàng ngoài quy định, bị sa thải. "Nhưng đó chỉ là mảng tối nhỏ của một nghề phục vụ. Nếu làm việc chăm chỉ và yêu quý nghề thật sự thì bạn vẫn luôn bay cao, bay xa theo đúng nghĩa". Một cựu tiếp viên hàng không đã tâm sự như vậy khi nói về nghề của mình

Ngọc Hân
.
.
.