Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm chay

Thứ Ba, 07/09/2010, 09:44
Những căn bệnh thời đại như tiểu đường, huyết áp đã khiến nhiều người băn khoăn về chế độ ăn uống. Nhiều người đã chọn cho mình giải pháp ăn chay, khuynh hướng ăn chay hiện nay ngày càng được mở rộng, đang trở thành một "mốt" mới trong suy nghĩ của người dân.

Các cửa hàng đồ chay mọc ra ngày càng nhiều với những món ăn chay được chế biến đa dạng, hấp dẫn. Nhưng, những loại thực phẩm này mức độ an toàn và chất lượng đảm bảo đến đâu?        

Loạn các loại thực phẩm chay ngoại nhập

Vừa thấy chúng tôi hỏi mua thực phẩm làm đồ chay trong chợ An Đông (TP HCM), chị bán hàng đon đả chảo mời: "Hàng nhập từ Đài Loan, Thái Lan, toàn là thực phẩm chay cao cấp, ngon, giòn, ngọt". Từ lời quảng cáo của chị, chúng tôi thấy nhiều loại thực phẩm chay được đóng thành từng thùng carton hay đựng trong những bịch hàng lớn. Khi chúng tôi hỏi chị bán hàng về nguồn gốc, xuất xứ của những mặt hàng này thì chị gạt đi, chỉ trả lời chung chung là hàng được nhập theo đường biên giới đã được đóng thùng sẵn(?).

Tìm hiểu thêm về những mặt hàng chay tương tự tại các chợ khác như Bến Thành, Bình Tây đều thấy những thực phẩm này hiện đang tiêu thụ rất mạnh. Vấn đề đáng quan tâm là những loại thực phẩm này hầu hết không có hạn sử dụng và chưa qua kiểm tra của các cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ có hàng chay ngoại nhập không rõ nguồn gốc mà hàng nội cũng có nhiều vấn đề phải bàn. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngoại trừ một số cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm chay như Âu Lạc, Kim Chi có ghi thành phần trên hộp, còn các cơ sở nhỏ lẻ chủ yếu sản xuất thực phẩm dạng bao bì đóng gói.

Trên thực tế, chất lượng của các loại sản phẩm này rất đáng báo động. Để chế biến được những sản phẩm chay có mùi vị hấp dẫn, đa dạng, các cơ sở sản xuất phải sử dụng một số loại hóa chất như đường hóa học, bột màu để tạo mùi vị như thật và người tiêu dùng sử dụng các loại sản phẩm này thường xuyên mà rất mơ hồ không biết rõ mức độ độc hại của nó như thế nào.

Thực phẩm chế biến đồ ăn chay bày bán tại chợ An Đông (TP HCM).

Cần đặt an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu

Ngày nay, ăn chay không chỉ do tín ngưỡng mà nhiều người ăn chay để cân bằng thực phẩm (động vật - thực vật), để chữa bệnh… Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người chuyển sang ăn chay và xu hướng ăn chay đang lan rộng trong xã hội.

Bác Vũ Đình Hào, nhà ở Gò Vấp, một khách hàng thường xuyên của tiệm cơm chay tâm sự: "Thấy người ta nói thức ăn chay được chế biến từ thực vật có thể ngăn ngừa được nhiều bệnh. Tôi bị máu nhiễm mỡ nên ăn chay để phòng bệnh chứ không phải do tín ngưỡng".

Nhiều người nghĩ rằng ăn chay là ít béo, ít năng lương, nhưng thức tế thức ăn chay có hàm lượng dầu rất cao trong các món chiên, xào. Đồ ăn chay chủ yếu chế biến từ bột, mì… nên có rất nhiều chất bột, đường. Đáng nói hơn, các thực phẩm chay khác như cơm, hủ tiếu mỳ chay, bì cuốn, cari chay… do các quán tự chế biến thủ công nên vấn đề về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng như chuyện khuất mắt thì ăn rất khó kiểm soát.  

Thời gian qua, các cơ quan chức năng mới chỉ có những đợt kiểm tra định kỳ để xử lý một vài trường hợp vi phạm. Và với thực trạng rất đáng báo động như hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có biện pháp nào để kiểm tra, quản lý chất lượng, thành phần của các thực phẩm chay.  

Để lựa chọn được những loại thực phẩm chay an toàn, người tiêu dùng cần xem xét nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, quan sát kỹ màu sắc, cách bảo quản các loại thực phẩm chay bày bán trên thị trường…

Chu Tước
.
.
.