Nơi gửi niềm tin của người nhiễm bệnh

Thứ Ba, 15/04/2008, 10:28

Mỗi ngày, Trung tâm Tham vấn cộng đồng quận 4 (TTTVCĐ) (396/27 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4) tiếp nhận từ 35-50 "khách hàng" đến tham vấn xét nghiệm. Trong đó đông nhất vẫn là các "khách hàng" sử dụng ma túy, gái mại dâm…

Để đạt được những hiệu quả trên xứng đáng là nơi gửi niềm tin của người nhiễm bệnh cần phải nói đến công sức của lực lượng giáo dục viên đồng đẳng (GDVĐĐ), những người trực tiếp được các "khách hàng" gửi niềm tin.

Với địa bàn phức tạp, nhiều thành phần dân lao động từ các nơi tập trung về cho nên quận 4 trở thành khu nhiều tệ nạn xã hội. Trong đó tình trạng mại dâm, ma túy phát triển rầm rộ dẫn đến số người có nguy cơ bị mắc bệnh AIDS cao.

Nhằm đẩy lùi tình trạng trên, năm 1996, UBND quận 4 quyết định thành lập Trung tâm Tham vấn cộng đồng nhằm tạo sự thuận lợi và cảm nhận thân thiện cho nhóm người có nguy cơ mắc bệnh đến sinh hoạt và nhận các dịch vụ hỗ trợ.

Bước đầu mới thành lập, trụ sở của TTTVCĐ đặt trong một con hẻm trên đường Xóm Chiếu với diện tích vỏn vẹn 56m2 và lấy tên là quán cà phê Niềm Tin với hoạt động chính là can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao.

Để tiếp cận được với những nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm, người nhiễm HIV mà 2 nhóm chỉ có gần 10 giáo dục viên đồng đẳng nên công việc ban đầu của trung tâm hết sức khó khăn. "Để giới thiệu được một "khách hàng" đồng ý đi đến các trạm y tế phường xét nghiệm, tham vấn đôi khi phải trần ai lắm! Có "khách hàng" sau khi nghe tham vấn, tuyên truyền nhiều lần nhưng mãi đến một tháng, ba tháng hay có khi cả năm mới thấy vào trung tâm để xét nghiệm"- một cộng tác viên giáo dục đồng đẳng cho biết.

Rồi từ từ, khi niềm tin đã được đặt đúng chỗ, những khách hàng nằm trong nhóm có nguy cơ cao đã tìm đến trung tâm để được hướng dẫn xét nghiệm điều trị và theo dõi nên trung tâm ngày càng nhiều khách tìm đến. Năm 2000, nhận thấy trụ sở không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên TTTVCĐ chuyển trụ sở về số 396/27 Nguyễn Tất Thành phường 18, quận 4.

Tháng 6/2004, Ủy ban Phòng chống AIDS thành phố chọn quận 4 là 1 trong 9 quận của TP Hồ Chí Minh được triển khai dự án "Tăng cường chăm sóc và tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng" của Quỹ toàn cầu tại TP Hồ Chí Minh với thời gian là 1 năm.

Để mở rộng các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc, phòng ngừa và giám sát HIV/AIDS cho các đối tượng có nguy cơ cao, được sự đồng ý của UBND quận 4, Ủy ban Phòng chống AIDS thành phố đã chọn quận 4 để triển khai dự án "Củng cố và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, phòng ngừa và giám sát HIV/AIDS cho các đối tượng có nguy cơ cao".

Đến năm 2006, để chuẩn bị đón những học viên là người sau cai nghiện từ các trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm tái hòa nhập cộng đồng, TTTVCĐ được bổ sung thêm dự án "Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng" do FHI (Hoa Kỳ tài trợ).

Còn nhiều dự án lớn mà TTTVCĐ quận 4 đang triển khai nên hoạt động của TTTVCĐ ngày càng đa dạng. Từ khi triển khai các dự án, TTTVCĐ đã đưa được hơn 700 người tái hòa nhập cộng đồng, giới thiệu cho họ học nghề, tìm việc làm, giới thiệu vay vốn.

Anh Nguyễn Hùng Dũng (giám sát viên) tại TTTVCĐ thổ lộ: "Điều quan trọng nhất phải kể đến các giáo dục viên đồng đẳng và các cộng tác viên đang làm việc tại trung tâm. Từ số lượng chưa tới 10 người hiện nay TTTVCĐ có 21 giáo dục viên đồng đẳng, 7 tư vấn viên xét nghiệm HIV, 14 người làm trong phòng khám ngoại trú. Công tác hỗ trợ người sau cai nghiện có 4 nhân viên quản lý phối hợp với 15 cán bộ chuyên trách, 45 cán sự xã hội tình nguyện… với lực lượng như vậy cộng thêm mỗi phường trong địa bàn quận 4 có 3 người tham gia tiếp cận với những người sau cai nghiện để giúp họ ổn định tâm lý, sức khỏe và hỗ trợ các điều kiện dịch vụ".

Đang được xây mới nhiều hạng mục cơ sở vật chất khang trang, TTTVCĐ quận 4 đang triển khai toàn diện các công tác can thiệp, dự phòng, tham vấn, xét nghiệm, điều trị cho người có nguy cơ mắc bệnh cao, người có HIV để từng bước giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. TTTVCĐ quận 4 đang là nơi gửi niềm tin cho những người nhiễm bệnh

Nghinh Phong
.
.
.