Nơi gieo niềm tin cho số phận tật nguyền

Thứ Ba, 28/02/2006, 08:36

Chúng tôi đến Trung tâm Hy Vọng khi buổi học hàng ngày của trẻ em khuyết tật bắt đầu. Mặc dù đã xác định trước các tình huống bất thường, nhưng sự nhốn nháo của lớp học vẫn làm chúng tôi khó xử. Những khuôn mặt ngây ngô, những ánh mắt ngây dại, những việc làm kỳ quặc, những tiếng ú ớ... tạo nên một "hợp xướng" láo nháo.

Trước cửa, một em học sinh cao lồng ngồng, mặt mũi nhăn nhó, cứ nhất định đòi đi về, không chịu vào học mặc cho các cô giáo ra sức khuyên bảo. Phải mất một lúc lâu em học sinh bị bệnh đao đó mới chịu vào lớp, ngồi xuống ghế, nhưng cứ ngọ nguậy không yên. Chỉ khổ cho cô giáo trẻ cứ loay hoay hết dỗ em này đến em khác...

Đó là một buổi học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật mang tên Hy Vọng của quận Ba Đình, Hà Nội. Hầu hết học sinh ở đây đều bị các bệnh đao, bại não, di chứng màng não, viêm não, tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam... Các em không ý thức được hành động của mình, vì thế, dạy dỗ những học sinh này quả là một công việc vô cùng vất vả.

Bác sỹ Bùi Thúy Nga, Giám đốc trung tâm cho biết: Có những em đang ngồi học thì lên cơn động kinh, hét ầm lên, đập phá đồ đạc, cắn xé các bạn xung quanh. Lúc đó, cả những cô giáo dạy ở lớp khác cũng phải xúm lại tìm cách kiềm chế cơn kích động của các em, tập trung sự chú ý của em vào một hướng khác. Cô Nga tâm sự: Đã tiếp xúc nhiều với những em học sinh tật nguyền nhưng nhiều hôm, nhìn các cháu lên cơn, cô không cầm được nước mắt... Cũng bắt đầu từ tình thương, từ tấm lòng vị tha này mà cô đã mở Trung tâm Hy Vọng dành cho trẻ em khuyết tật.

Vốn là bác sỹ nhi ở Ủy ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em quận Ba Đình, năm 1987, khi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em sáp nhập vào Bộ GD-ĐT, bác sỹ Nga được chuyển sang làm quản lý giáo dục. Sau nhiều lần đi kiểm tra, dự giờ ở các lớp học, cô bắt gặp những ánh mắt trẻ thơ lơ ngơ lạc lõng giữa những đứa trẻ bình thường. Cảm nhận được những thiệt thòi của các em, cô đã cất công đi tìm hiểu và được biết: chỉ riêng ở quận Ba Đình nơi cô công tác có 18 trường học thì trường nào cũng có ít nhất 7-10 em bị đao, có trường lên tới 17 em. Sau một thời gian dài ấp ủ, nghiên cứu, năm 1994, cô Nga làm báo cáo gửi lên Bộ GD-ĐT, yêu cầu phải có trường riêng cho những số phận không may.

Các cháu ở Trung tâm nuôi dạy trẻ tàn tật Hy Vọng.

Năm 1997, Trường Tiểu học Bình Minh dành cho trẻ em khuyết tật của TP Hà Nội được thành lập. Những ngày đầu thật khó khăn, cô Nga đã phải bỏ hơn 2/3 tiền lương hưu của mình để thuê lớp học. Lúc này, cô Thu và cô Bình, là hai người bạn thân của cô Nga, tình nguyện đến dạy không lương. Ba cô giáo vật lộn với gần chục em học sinh tật nguyền trong ngôi nhà chỉ có mấy chục mét vuông: đồ ăn thì phụ huynh tự đóng góp; giường chiếu, xoong, nồi, xô, chậu... cô Nga mang từ nhà lên. Thế rồi lớp học cũng đông dần lên. Sau ba lần chuyển địa điểm, cô Nga đã mở được Trung tâm Hy Vọng ở 290 Kim Mã với sự góp sức của cả gia đình: con gái lớn thì cho mượn đất, cậu con trai thứ là kỹ sư nhận thiết kế nhà, cô con gái thứ hai, cũng là bác sỹ, hỗ trợ chuyên môn và quan trọng nhất là rất nhiều bạn bè của cô tìm đến xin làm tình nguyện. Chồng cô, Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng, giảng viên Trường Đại học Tổng hợp (cũ) thì tìm nguồn tài trợ từ một tổ chức nhân đạo của Mỹ... Bây giờ, trung tâm đã có những trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Trung tâm có 16 cán bộ giáo viên với hơn 40 học sinh...

Cô Nga tự hào cho biết, nhiều em sau một thời gian học, bệnh tình đã đỡ hẳn. Chị Vũ Thị Minh, một phụ huynh tâm sự: "Khi sinh cháu không may bị bệnh, tôi cứ nghĩ cuộc đời mẹ con tôi thế là hết. Từ khi cháu vào Trung tâm Hy Vọng, được sự chăm sóc tận tình của các cô giáo, bệnh tình của cháu khá lên nhiều. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng gửi gắm con em mình vào trung tâm và tôi hy vọng rằng, sẽ có một ngày nào đó, cháu có thể tự làm những sinh hoạt cá nhân như một người bình thường..."

Lệ Thuỷ
.
.
.