Nơi gấu hoang được giải cứu và được sống

Thứ Năm, 09/05/2013, 23:56
Trải qua những tháng ngày đau thương, bị hành hạ, bị tàn sát đẫm máu, bị đe dọa xẻ thịt rao bán bởi con người, hàng trăm con gấu hoang đã được giải cứu đưa về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Tại đây, sau những ngày bị ngược đãi, những chú gấu mặt trăng, gấu chó đáng thương đã được làm lại cuộc đời, được sống những quãng tươi đẹp và “xây dựng gia đình”.

Cuộc đời mới của những chú gấu

Bradly và Lintron “mồ côi” mẹ khi vừa mới lọt lòng, nếu không được Bộ đội Biên phòng huyện Sa Thầy phát hiện, có lẽ hai chú gấu mặt trăng bé nhỏ ấy đã phải chịu số phận hẩm hiu.

Nhớ lại cuộc giải cứu gấp gáp trong đêm, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, năm 2011, khi các anh Bộ đội Biên phòng đang đi tuần tra ở khu vực giáp biên giới Lào và Campuchia thì gặp Bradly và Lintron đang co ro, ngơ ngác khi gấu mẹ vừa bị cánh thợ săn tàn sát.

“Vì Bradly và Lintron còn quá nhỏ, tính mạng sẽ bị đe dọa nếu như không có mặt kịp thời, chúng tôi đã đặt vé máy bay ngay trong đêm và lặn lội suốt 16 tiếng đồng hồ mới có mặt tại Đồn Biên phòng huyện Sa Thầy. Ngay sau đó, tiến hành vệ sinh, khám bệnh, thuốc men, đắp mền, sưởi ấm cho hai chú gấu tội nghiệp” - Ông Tuấn chia sẻ.

Vượt hàng nghìn km để cứu hộ đã gian nan, việc chăm sóc và đưa gấu trở về trung tâm còn khó hơn. Bradly và Lintron vừa mới lọt lòng mẹ nên phải có chế độ chăm sóc đặc biệt.

Ông Tuấn tâm sự: “Đêm đó và cả ngày hôm sau trên đường trở về chúng tôi phải thay nhau thức, cứ 2giờ phải cho gấu uống sữa và khám một lần. Rất nhiều khách sạn đã thẳng thừng từ chối vì chúng tôi đem theo gấu. Đến khi bị từ chối quá nhiều và không còn nơi nào để tá túc, chúng tôi buộc phải giấu chúng vào trong túi và nghỉ tại một khách sạn ở Huế cho đến sáng hôm sau và trở về trung tâm”.

Sau khi được đưa về trung tâm, anh em gấu Bradly và Lintron được nuôi trong khu cách ly 45 ngày với một thực đơn riêng biệt. Trong khu vườn rộng lớn hơn 12ha, anh em nhà gấu Brady, Lintron được coi là may mắn khi được đưa đến đây để bắt đầu sống những quãng đời tươi đẹp. Những ngày khủng khiếp đã qua đi, hai chú gấu con bé bỏng được lớn lên trong sự yêu thương của con người nên trưởng thành và lớn rất nhanh, chúng hiếu động và ham nghịch ngợm.

Tại đây chúng được xây nhà, khu vui chơi, leo trèo trong công viên và có một thực đơn ăn uống riêng. Một khách du lịch châu Âu đã “trót yêu” vẻ dễ thương nên đặt cho hai chú gấu cái tên rất ngộ nghĩnh là Bradly và Lintron. Anh em nhà gấu Bradly giờ đã là thành viên trong mái nhà gấu, nơi mà rất nhiều các số phận gấu đáng thương khác được làm lại cuộc đời.

Suốt 14 năm gặm nỗi căm hờn trong cũi sắt chật hẹp và bị ngược đãi dã man ở Huế, Zebedee có một kí ức kinh hoàng và hận thù con người. Bị người chủ cũ hành hạ để lấy mật gấu, Zebedee đã không may bị viêm túi mật, bị mù mắt và bị móm răng. Bệnh tật, ốm yếu, cứ tưởng như cuộc đời Zebedee sẽ khép lại trong cũi sắt nhưng thật may mắn, số phận đã mỉm cười với chú gấu bất hạnh này khi được giải cứu.

Những ngày đầu được cứu, Zebedee như một con thú hoang. Zebedee như phát điên, gào lên thảm thiết và không cho bất cứ ai lại gần, nếu như cố tình lại gần, gấu lấy các chi tấn công lại. Sau hơn một năm được vuốt ve, âu yếm, được thưởng ăn sinh tố, cà rốt, táo, lê, tự do leo trèo trong khu vui chơi… Zebedee hiền như một đứa trẻ, không còn oán hờn con người như trước. Hiện Zebedee đã có số cân nặng lí tưởng 150kg (lúc cứu hộ chỉ nặng 30kg), cuộc đời đã mở sang trang mới.

Những gấu Bubu, Cat, Snoppy, Jasper và gần 100 chú gấu không tên khác, mặc dù được đưa đến đây từ nhiều vùng đất khác nhau: Huế, Quảng Ninh, Lai Châu, Bình Dương... nhưng chúng có chung một thân phận đó là đã trải qua những ngày tháng đau thương, bị ngược đãi, bị hành hạ, xẻ thịt, rao bán khắp nơi.

Quá khứ kinh hoàng đã bị xóa tan khi chúng có mặt nơi núi rừng hùng vĩ Tam Đảo, nơi mà nhiều chú gấu đã từng bị tổn thương được thay đổi số phận và làm lại cuộc đời. Hàng trăm con gấu được giải cứu về đây, con thì bị gãy chân trái, chân phải, con bị nhổ hết răng, viêm túi mật, bị viêm da, nhiễm trùng…

Ông Tuấn cho biết: “Những đau đớn về thể xác có thể dần dần chữa khỏi trong một mai nhưng đối với những chú gấu bị tổn thương tinh thần, bị đối xử tàn ác trong quá khứ, hờn giận con người thì vết thương ấy không thể chữa trị một ngày, hai ngày mà có khi phải đến 2, 3 năm, với loại thuốc đặc trị là sự yêu thương và tình yêu chân thành. Gieo yêu thương đó chính là sứ mệnh của chúng tôi”.

Đàn gấu đang sinh sống an toàn tại trung tâm.

Hành trình giải cứu gấu

Bất cứ cuộc điện thoại nào thông báo về việc cứu hộ gấu, dù xa hay gần đều được nhân viên tư vấn cách bảo vệ tính mạng gấu tạm thời, ngay sau đó đội cứu hộ gấu sắp xếp hành lí lên đường ngay. Một đội cứu hộ gấu gồm 4 người, trong đó có các chuyên gia, bác sĩ thú y. Hành lí đem theo là những chiếc lồng sắt, dụng cụ gây mê, đồ khám bệnh, sữa và thức ăn rau, củ, quả…

Ông Tuấn xúc động: “Mỗi hành trình là một câu chuyện dài về thân phận và quá khứ của gấu, con nào con nấy đều bị hành hạ, bị đối xử tàn tệ. Chứng kiến cảnh những chú gấu bị gãy chân, bị đánh vỡ mũi, bẻ gãy răng… mà thấy xót thương vô cùng”.

106 chú gấu ở đây mỗi con mang một thân phận và một câu chuyện đặc biệt. Có những cuộc hành trình giải cứu gấu ngay trong đêm, có những cuộc hành trình xa xôi mất đến 2 - 3 ngày, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng khi bị gấu tấn công.

Ông Tuấn còn nhớ mãi cuộc giải cứu gấu ở Hà Nam vào năm 2007 khi con gấu quá hung dữ, vì suốt 13 năm bị nhốt trong một cũi sắt nhỏ tối tăm chỉ vừa thân gấu, trên người hằn sâu những vết thương to, cả dưới bụng cũng chằng chịt các vết mới đâm. Con gấu cứ quay cuồng, hung dữ, kêu gào thảm thiết và tấn công lại nhóm cứu hộ. Sau nhiều giờ loay hoay không thành, nhóm phải thuê cần cẩu để nhấc cũi sắt lên và đưa ra xe ôtô.

Hơn 6 năm nuôi ở trung tâm, nay gấu trở lên hiền lành, dịu dàng và điều đặc biệt mà đội cứu hộ rất “cưng” ở chú gấu là sở thích nghe nhạc và tiếng chim hót vào buổi sáng.

Không phải hành trình nào nhóm cứu hộ cũng may mắn, có những lần vượt qua bao dãy núi cao, những quãng  đường vòng vèo để cứu hộ nhưng khi gặp thì gấu đã chết do sức khỏe quá yếu và bị đánh đập quá dã man. Cả nhóm lại trở về trong nỗi buồn nhiêu khê bên xác chú gấu.

Theo thống kê, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã giải cứu được 106 cá thể gấu, trong đó có 99 gấu mặt trăng và 7 gấu chó và đã xây dựng được 4 khu nhà gấu chuyên biệt. Mỗi chú gấu khi cứu hộ về đều được nuôi trong khu cách ly 45 ngày để theo dõi tình trạng bệnh tật. Sau đó, nếu sức khỏe tốt chúng được đưa ra các khu bán tự nhiên và thoải mái rong chơi, hòa nhập với “gia đình gấu”.

Tại trung tâm, các chú gấu được khám chữa bệnh định kì trong bệnh viện gấu, được cung cấp cành cây xanh để trang trí “ngôi nhà gấu”, được leo trèo, chơi trò chơi trong các mê cung gỗ, giải trí với bể bơi viền đá. Đặc biệt, mỗi gấu có thực đơn riêng với khối lượng 3 - 5kg rau quả ngon như: táo, lê, khoai, cà rốt, cà chua… 

Hoàng Thị Quyên, nhân viên của tổ chức Động vật châu Á tâm sự: “Chúng tôi chăm sóc gấu giống như chăm sóc một con người, và yêu chúng giống như tình yêu với những đứa trẻ. Với tình yêu nồng nàn, chúng tôi đã chữa lành vết thương tinh thần và xóa mờ kí ức kinh hoàng về những ngày bị ngược đãi trong quá khứ”.

Chị Quyên kể thêm, mỗi chú gấu lại có một sở thích ăn uống, vui chơi khác nhau. Có những ngày chúng ốm, các nhân viên phải thức đêm để chăm sóc. Cần thiết phải đưa ngay sang bệnh viện gấu để cấp cứu kịp thời. Mới làm việc được 3 năm, chị Quyên đã thuộc vanh vách từng tên chú gấu và từng bệnh của mỗi con: BuBu thì bị xương khớp, Cat bị gãy chân, Jasper bị viêm túi mật, Zebedee bị móm răng…

Được đầu tư xây dựng từ năm 2005 với kinh phí hơn 3,3 triệu USD, nằm trên thung lũng Chắt Dậu, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo ra đời với mục đích giải thoát những con gấu không may mắn, đưa chúng trở lại thiên nhiên, bảo tồn loài gấu đã được liệt vào sách đỏ trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đây là nơi cứu hộ gấu vào loại hiện đại nhất châu Á, thuộc dự án của Tổ chức Động vật châu Á. Tại đây các chú gấu được duy trì mức sống “thượng lưu” với sự chăm sóc đầy đủ của các bác sĩ. Nhiều chú gấu may mắn, có các nhà tài trợ yêu quý nhận “đỡ đầu” và hỗ trợ tiền để nuôi gấu tốt hơn. Trung tâm cứu hộ gấu có thể nuôi tối đa 200 cá thể gấu. Trong thời gian tới, nếu như con số này tăng lên, ông Tuấn cho biết, sẽ sẵn sàng kiến nghị lên Bộ Nông Nghiệp và các ban lãnh đạo để xin mở rộng quy mô cứu hộ lớn hơn.

Những ngày này, không khí ở Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đang rất vui vẻ vì được chào đón nhiều cá thể gấu mới ra đời trong quá trình “ghép đôi” các chú gấu trưởng thành. Các chú gấu con này được đưa vào một khu nuôi riêng biệt trong niềm vui của những người cứu hộ gấu. Vậy là đã có những chú gấu con được ra đời với tuổi thơ êm đềm nơi đây và sẽ được sống những quãng đời tươi đẹp hơn bố và mẹ của chúng.

Gian nan đưa gấu trở về tự nhiên

Ông Tuấn Bendixsen cho biết, trước hết gấu sẽ vẫn được nuôi và bảo vệ tại Trung tâm còn việc đưa gấu về tự nhiên vô cùng khó, bao gồm cả một lộ trình dài, với các kế hoạch phòng trừ rủi ro. Đặc biệt, môi trường thiên nhiên ở Việt Nam chưa thực sự an toàn để chúng tôi đưa gấu về với thiên nhiên hoang dã.

Trao đổi với PV, Bà Jill Robinson, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức động vật châu Á hi vọng: “Trả gấu về lại với tự nhiên là mục đích cuối cùng của việc cứu hộ gấu. Trong giai đoạn tới, chúng tôi vẫn chưa thể đưa gấu về với tự nhiên vì môi trường tự nhiên Việt Nam chưa an toàn và việc săn bắt, tàn sát gấu vẫn rất phổ biến”.

Dùng mật gấu có thể gây tử vong

Đó chính là khẳng định của Dược sĩ Phạm Hinh, Phó chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khi nói về việc sử dụng mật gấu không đúng cách.

Ngoài ra, theo dược sĩ, việc sử dụng mật gấu có thể bị vàng da, mệt mỏi, giảm hồng cầu trong nước tiểu, suy yếu chức năng của gan và thận, đặc biệt có thể gây bất lực ở nam giới.

Ở Việt Nam, có 32 cây thuốc, thảo mộc có sẵn trong tự nhiên, có tác dụng thay thế hoàn toàn cho mật gấu: cây mật gấu, ngải cứu, hồng hoa, nghệ, tam thất, ích mẫu…

Hướng Dương
.
.
.