Kỷ niệm 74 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2014)

Nơi đầu tiên tung bay cờ đỏ sao vàng

Chủ Nhật, 23/11/2014, 10:58
Men theo con đường nhỏ ẩn mình dưới những vườn cây sum suê dọc theo bờ kênh Nguyễn Thành gần chân cầu Long Định (QL1A), đi hơn 4 km là đến khu di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa tỉnh Tiền Giang. Cô bạn “nhà đài” dân Vĩnh Kim tự hào khoe rằng, đây là vùng đất “vàng” của lịch sử Tiền Giang. Vì, xã Long Hưng (huyện Châu Thành) có đình Long Hưng do Tả quân Lê Văn Duyệt lập nên, có đền thờ bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập) từng là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - người phụ nữ duy nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Nhà bia xã Long Hưng ghi danh 614 liệt sĩ và cũng là quê hương của 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh. Đây cũng là nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng trong ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23/11/1940…

Tháng 7/1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng, do đồng chí Tạ Uyên -Bí thư Xứ ủy chủ trì, tổ chức tại nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) ở xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho cũ đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam kỳ, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa cần phải có một lá cờ để tập hợp, hiệu triệu quần chúng. Xứ ủy quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của cuộc khởi nghĩa và phân công họa sĩ Nguyễn Hữu Tiến sáng tác mẫu cờ, bí mật may tại hiệu may Ba Lễ ở Sài Gòn. Lúc này Hội nghị Trung ương VII nhận định, điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, nên đề nghị Xứ ủy Nam kỳ chưa phát động. Trung ương cử đồng chí Phan Đăng Lưu quay trở lại miền Nam để tạm hoãn cuộc khởi nghĩa. Nhưng khi về đến Sài Gòn, thì đồng chí bị địch bắt. Lệnh khởi nghĩa lúc đó đã phát đi không thu hồi được. Đêm 22 rạng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Mệnh lệnh của Xứ ủy gửi đến trạm giao liên Trung Lương của Ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho vào 20h ngày 22/11/1940 ghi rõ: “0h ngày 23/11 sẽ đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các đồn, thị trấn, nhà việc, cắt đứt các đường giao thông, nhất là lộ 4 Đông Dương, chặn đường không cho địch kéo về ứng cứu Sài Gòn. Sau khi ta chiếm được Sài Gòn thì quân khởi nghĩa của Xứ sẽ kéo về tỉnh phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm tỉnh lỵ”.

Tại Mỹ Tho, cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền diễn ra quyết liệt nhất tại xã Long Hưng (Châu Thành). Sách “Mỹ Tho - Gò Công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (1940)” ghi nhận: “Ngay trong ngày 23/11/1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người tham dự tại đình Long Hưng để ra mắt nhân dân. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình Long Hưng”. Đình Long Hưng được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh chọn làm trụ sở với cờ đỏ sao vàng tung bay và khẩu hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” treo tại mặt tiền ngôi đình. Đồng chí Phan Văn Khỏe - Bí thư tỉnh, Trưởng ban Khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thị Thập - Thường trực và đồng chí Nguyễn Văn Thường phụ trách quân sự. Hội đồng tòa án cũng được thành lập đặt trụ sở tại đình xét xử những tên tề gian, địa chủ, ác bá và tay sai thực dân Pháp trong vùng...

Cây bàng trong khu di tích đình Long Hưng.

Chính quyền cách mạng chỉ tồn tại 49 ngày thì bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Lịch sử Long Hưng không bao giờ quên sự kiện oanh liệt, quyết tử vào ngày 4/1/1941 khi địch dốc toàn lực lượng tập trung bao vây vùng đồng Cây Me, gò Trâm Bầu. Biết không thể chống lại quân địch, các đồng chí lãnh đạo chủ trương cho du kích rút khỏi vòng vây, chỉ còn lại 4 đồng chí: Lê Văn Giác - Bí thư chi bộ Long Hưng, Nguyễn Văn Ghè - Tỉnh ủy viên, Lê Văn Quới - Quận ủy viên Châu Thành và đồng chí Nguyễn Văn Quân - cán bộ Quận ủy Châu Thành ở lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sau đó rút gươm tuẫn tiết, quyết không đầu hàng địch.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), bọn phản động tìm mọi cách chống phá chính quyền cách mạng non trẻ. Tổ chức đảng Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt đòi thay đổi Quốc kỳ, Quốc ca. Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Hồ Chủ tịch đã phát biểu: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Chính lá cờ đó đã cùng với phái đoàn chính phủ đi từ Châu Á sang Châu Âu, từ Châu Âu về Châu Á. Lá cờ đó đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì, trừ 25 triệu đồng bào cả nước thì không ai có quyền đòi thay đổi Quốc kì và Quốc ca. Màu cờ đỏ tượng trưng cho xương máu của đồng bào ta đấu tranh chống đế quốc, phát xít để có độc lập, tự do. Đó là lá cờ của toàn dân, chứ không phải riêng của bất kỳ một đảng, phái nào...”.

Dịp kỷ niệm 65 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nâng cấp, mở rộng khu di tích lịch sử quốc gia đình Long Hưng với tổng kinh phí 4,6 tỉ đồng. Cổng chính và ngôi đình xây năm 1996 được “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy dời sâu vào trong để tạo nên cảnh quan. Đồng thời xây thêm nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập – một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Hằng năm, đến ngày 23/11, khu di tích lịch sử đình Long Hưng lại trở thành ngày lễ hội tưng bừng của người dân trong vùng, để nhắc nhớ và tự hào về truyền thống quê hương, hào khí Nam kỳ khởi nghĩa. Lá cờ đỏ sao vàng trong nhiều thập kỷ qua luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay

Hoàng Châu
.
.
.