Nỗi đau của một gia đình

Thứ Bảy, 18/06/2005, 07:46

Bị trù úm do dám đấu tranh, gia đình ông Xướng đã phải tha hương cầu thực 22 năm nay. Trong hoàn cảnh đó, gia đình ông liên tục bị hành hung, đầu độc... Đến quyền công dân cơ bản là có giấy chứng minh nhân dân cũng không được thực hiện.

Đó là gia đình ông Nguyễn Ngọc Xướng, nguyên quán xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Hưng. Năm 1978, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông gồm có 5 người đã tình nguyện từ Hải Hưng đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Nông trường Sông Ray 4 nằm trên địa bàn xã Sông Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Sự cần mẫn của họ đã biến khu vực hoang hóa rộng lớn ngày nào giờ xanh um với những vườn cây trái và cánh đồng lúa tốt tươi.

Khi phát hiện ra một cán bộ của nông trường bớt xén tiêu chuẩn, chế độ của gia đình công nhân, ông Xướng đã tố cáo việc này lên Ban giám đốc. Thật trớ trêu, sau khi “thụ lý” hồ sơ, Ban giám đốc chẳng những không kiểm tra, xử lý mà còn ghép cho ông tội vu khống.

Sau đó, và khoảng giữa năm 1983, lấy cớ gia đình ông không nộp đủ chỉ tiêu giao khoán sản phẩm, Ban giám đốc nông trường ra quyết định thu hồi đất canh tác, buộc thôi việc cả 5 lao động trong gia đình ông và trục xuất khỏi nông trường.

Rời nông trường với hai bàn tay trắng, ông Xướng và gia đình bắt đầu chuỗi ngày dài tha phương cầu thực: Mỗi người một ngả làm mướn kiếm bữa cháo, bữa rau; khi gom góp được ít tiền thì tụ về căn chòi lá ở xã Sông Ray để trú chân và đi kiện đòi lại sự công bằng.

Tháng 9/1984, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã cử đoàn thanh tra liên ngành xem xét vụ khiếu nại của gia đình ông Xướng. Đoàn công tác kết luận, việc Ban giám đốc Nông trường Sông Ray 4 buộc thôi việc 5 lao động trong gia đình ông Xướng là hoàn toàn sai và đề nghị Ban giám đốc Nông trường quốc doanh Đồng Nai (cơ quan chủ quản của Nông trường Sông Ray 4) thu nhận lại lao động và hoàn trả các chế độ, tiêu chuẩn đã bị nông trường ngừng cung cấp.

Tiếp sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn số 74 ngày 13/2/1985 chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc này nhưng nông trường vẫn không thực hiện.

Dù UBND tỉnh nhiều lần yêu cầu giải quyết nhưng đơn vị này vẫn bất chấp chỉ đạo của cấp trên. Ông Xướng tiếp tục khiếu nại, ngày 24/10/1987, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố Nông trường Sông Ray 4 trước tòa để xét xử dân sự vụ án mà ông Xướng là nguyên đơn. Quyết định này vẫn giống như chuyện đùa vì sau đó chẳng thấy đưa ra xét xử.

Ông Xướng lại đi kiện đến Tỉnh ủy Đồng Nai. Thừa ủy nhiệm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy có Công văn số 438/CV ngày 1/3/1998 gửi cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết: “Quy rõ trách nhiệm việc không thi hành quyết định của UBND tỉnh là ở cấp nào, ai chịu trách nhiệm và xử lý thích đáng”. Nhưng Ban giám đốc Nông trường vẫn phớt lờ mà cũng chẳng thấy bị xử lý gì.

Đến mức, ngày 19/9/2000, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Ban pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, đây là một vụ việc điển hình về việc không chấp hành kỷ cương pháp luật nên cần phải có biện pháp mạnh để giải quyết. Vậy mà vụ việc vẫn rơi vào thinh không.

Cuối tháng 5/2005, chị Nguyễn Thị Bình, người con thứ 2 của ông Xướng có gửi đơn đến Báo CAND kêu cứu vì người em của chị là Nguyễn Thị Hiền đang gặp nạn. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, chị Hiền là công nhân trong Công ty TNHH  chăn nuôi - thức ăn gia súc Thanh Bình (Đồng Nai), bị tai nạn lao động vào ngày 27/4/2005 nhưng bị Ban giám đốc Công ty bỏ mặc tại bệnh viện. Bức xúc trước thực tế này, chúng tôi đã tìm gặp gia đình ông Xướng thì mới phát hiện được vụ việc trên.

Vợ chồng ông hiện thời đang ở trong căn nhà mượn tạm của người khác nằm trên địa bàn phường Tân Hòa (Biên Hòa) cùng với người con gái út là chị Hiền. Hai người con gái lớn của ông cũng ở trọ gần đó, ngày ngày đi làm mướn làm thuê để lấy tiền chữa bệnh tâm thần cho đứa em trai. Trước đây khi còn khỏe, hai ông bà còn lê bước đi ăn xin. Nay phần vì sức khỏe quá yếu, phần bà bị tâm thần, lúc tỉnh lúc mê nên mọi sự trông chờ vào chị Hiền.

Kể từ khi chị bị tai nạn, ông bà phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm lúc vài ký gạo, lúc mấy bó rau. Vừa đau khổ, vừa tuyệt vọng, ông Xướng nói: “Bi kịch dường như luôn chầu chực ở bên cạnh gia đình tôi. Đã ngần ấy năm sống trên cõi đời này tui chưa thấy ai khổ hơn mình. Người ta chỉ nghèo tiền nghèo bạc là đã cơ cực lắm rồi, còn gia đình tui thì khổ đau đủ thứ”.--PageBreak--

Sau khi rời khỏi nông trường, gia đình ông Xướng bị kẻ xấu liên tục ám hại bằng cách bỏ thuốc độc vào thức ăn gia súc, đập phá phương tiện đi lại và cuối cùng là đốt luôn căn chòi mà gia đình ông đang ở. Rồi con trai ông là Nguyễn Ngọc Vinh bị đánh chấn thương sọ não. Nhưng điều khó hiểu là sau hai tuần điều trị tại bệnh viện, con ông đã bị mất tích cho đến ngày hôm nay.

Tiếp sau đó, vào năm 2000, đứa con trai kế là Nguyễn Ngọc Phương cũng bị kẻ xấu đánh đập dã man, tàn phế và hiện đang điều trị tại bệnh viện tâm thần ở Tp. HCM... Xâu chuỗi lại các vụ việc ấy, người ta có thể đặt câu hỏi, rằng đây là một âm mưu thâm độc, trả thù một cách hèn hạ của những kẻ đã từng bị ông tố cáo vì liên quan đến tiêu cực?

Đáng nói hơn là trong hơn 22 năm qua, các con ông vì không có chứng minh thư nhân dân (do hộ khẩu nông trường không giao trả) nên khi đi làm việc hay tạm trú ở đâu cũng phải nhờ người quen bảo lãnh.

Thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 27/5/2003, UBND huyện Xuân Lộc đã có văn bản báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Xướng, cho biết, việc giải quyết hộ khẩu cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Xướng, Công an huyện Xuân Lộc đã thực hiện xong vào tháng 4/2002. Tuy nhiên, có nhiều lý do mà các con ông vẫn chưa liên hệ để làm chứng minh thư nhân dân.

Về việc giải quyết chế độ 5 người cho gia đình ông Xướng, tại thông báo này cũng nêu rõ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp với nhiều ban, ngành và thống nhất chấp nhận thanh toán chế độ cho gia đình ông Xướng với số tiền trên 35 triệu đồng. Nguồn kinh phí thanh toán do Xí nghiệp Nông nghiệp và Dịch vụ nông nghiệp Sông Ray chi trả. Tuy nhiên, sau đó xí nghiệp này có báo cáo cho rằng vì không tìm được gia đình ông Xướng nên số tiền nói trên đã gửi vào Kho bạc Nhà nước huyện Xuân Lộc.

Ông Xướng ngậm ngùi: “Nếu theo bản báo cáo này của UBND huyện Xuân Lộc thì việc 5 người trong gia đình chúng tôi bị đuổi việc và hơn 20 năm trời sống tha phương đã được đền bù bằng... 35 triệu đồng! Nhưng cái mà chúng tôi cần được giải quyết là danh dự gia đình phải được khôi phục, có việc làm cho con cái để ổn định lâu dài và làm rõ những uẩn khúc quanh việc nhiều người trong gia đình chúng tôi bị đánh đập dã man và một đứa con bị mất tích, đồng thời nghiêm trị những kẻ đã gây ra cảnh ly tán cho gia đình tôi hàng chục năm qua”.

Về việc không liên hệ nhận 35 triệu đồng tiền đền bù, ông Xướng giải thích: “Hai vợ chồng tôi già cả, bệnh tật không đi xa được. Còn mấy đứa con không đứa nào có chứng minh thư nhân dân thì lấy tư cách gì mà liên hệ với cơ quan chức năng. Vả lại, gia đình tôi trốn chui trốn lủi thế này mà còn bị trả thù, nếu ra mặt thì chắc gì đã yên thân”.

Còn chị Nguyễn Thị Bình thì không giấu được sự lo âu, sợ hãi. Chị nói, nếu không có sự bảo vệ của pháp luật thì gia đình sẽ tiếp tục sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Hiện tại chị đang tiếp tục thay cha gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng cấp trung ương với hy vọng sẽ có ngày gia đình sẽ được đoàn tụ và sống ấm êm, hạnh phúc bên mảnh ruộng, thửa vườn ở nơi thường trú là ấp 5, xã Sông Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Người em gái kế của chị Bình cũng mơ đến một ngày như thế để ra sức làm lụng mà nuôi nấng đứa con gái (năm nay 14 tuổi) cho tốt hơn để bù đắp lại khoảng trống tình thương của người cha đã mất. Quan trọng hơn là nó được làm chứng minh thư nhân dân để tiện cho việc học hành, đi đó đi đây và kể cả việc làm giấy kết hôn khi đến lúc lấy chồng!

Mã Thanh Phong
.
.
.