Nỗi đau chiến tranh qua từng nấm mộ

Thứ Tư, 04/07/2007, 18:26
Có không ít hài cốt tìm thấy còn hằn ghi những mảnh bom, mũi đạn. Có liệt sĩ hy sinh trong lúc bị thương nặng ở rừng sâu nhưng không có điều kiện để cứu chữa, thi hài các anh được tìm thấy còn nguyên chiếc bát ăn cơm ụp trên vết thương ở đầu rồi băng gạc tạm thời...

>> Những nấm mồ vô danh với nghĩa tình đồng đội

Lần theo chân những chiến sĩ đi quy tập hài cốt liệt sĩ, tôi chứng kiến cảnh nước mắt tuôn rơi của những người đang sống khi phát hiện tội ác chiến tranh còn hằn ghi trên thi hài các liệt sĩ. Có những mảnh đạn xuyên sườn, những vết bom cày xới hằn nguyên trên xương thịt và còn có cả xiềng xích gông cùm trên thân xác các nạn nhân...

Nhiều kỷ niệm khó quên

Những chiến sĩ làm công tác quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ kể rằng, mỗi lần khai quật mộ liệt sĩ thường có khá nhiều di vật còn chôn vùi trong lòng đất. Từ những cái thường gặp mang nét đặc trưng như dép cao su, mũ tai bèo đến những di vật riêng tư của các chiến sĩ giải phóng quân.

Thượng úy Lê Thanh An, Đội K51 kể rằng, trong đợt quy tập mộ liệt sĩ năm 2004 ở Campuchia có 53 hài cốt, trong đó có một di vật của liệt sĩ để lại khá ấn tượng và đáng nhớ nhất là chiếc ca nhựa vẽ hình cây dừa với đôi nam nữ và khắc ghi dòng chữ: "Việt Nam nhất định thắng, Mỹ nhất định thua, miền Nam sẽ giải phóng".

Còn Trung úy Nguyễn Tất Thắng, Đội K51, kể về đợt quy tập lần thứ 8, năm 2006 ở Campuchia, các chiến sĩ đã phát hiện nhiều hài cốt liệt sĩ là những phụ nữ tuổi đời còn rất trẻ đã nằm yên trong lòng đất như người đang ngủ. Di vật là những chiếc khăn mùi soa còn nguyên vẹn thêu dòng chữ: "Trung hậu, đảm đang".

Đội K52 phát hiện nhiều hài cốt liệt sĩ ở Pleiku, Gia Lai.

Trong đợt quy tập mộ liệt sĩ ở nước bạn Lào, năm 2004, các chiến sĩ Đội K53, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum đã vượt qua đỉnh Pu Lông (bản La Nhao Tay, huyện Xa Mạc Khi Xay, tỉnh Atôpơ, Lào) để tìm kiếm cất bốc 24 hài cốt liệt sĩ đã bị chôn vùi ở đây. Và trong lần quy tập này, các chiến sĩ Đội K53 đã tìm thấy có tới 75 di vật bị chôn vùi trong hố sâu.

Theo các nhân chứng kể lại, năm 1970, ở hang núi Pu Lông hiểm trở trên độ cao 1.111m này có khoảng 30 bộ đội Việt Nam đóng quân, nhưng do bị quân đội Mỹ phát hiện nên đã cho máy bay giội bom vùi lấp các chiến sĩ ta. Sau hàng chục năm giải phóng, những người lính K53 mới được người chỉ đường và tìm đến.

Trong số nhiều di vật, có những bức thư làm rơi nước mắt các chiến sĩ sau mỗi lần đọc. Bức thư của Hoàng Tần (HT84638 TQ90) viết cho anh trai Hoàng Văn Nghiêm ở bản Xả, xã Thượng Minh, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Thái (cũ) nhưng chưa kịp gửi, có đoạn viết: "Em lúc ở Kon Tum, Gia Lai và hiện ở bên Lào. Những lúc đi chiến trận khi ăn cháo, ăn măng, trèo đèo lội suối, ngủ rừng...".

Một bức thư khác cũng của Hoàng Tần gửi cho người con gái mang tên Nông Thị Phong ở cùng quê: "Phần em tuổi đã lớn rồi, xây dựng gia đình đi, anh muốn em có chỗ đứng vững vàng để đỡ vất vả và suy nghĩ. Em lớn lên tuy không nói với anh, nhưng anh cũng hiểu được ở em...".

Thật xót thương là những bức thư viết cùng ngày 10/10/1970 ấy chưa kịp gửi cho người thân, còn gói chặt trong túi nilon thì chiến sĩ Hoàng Tần đã hy sinh...

Những tội ác chiến tranh

Các chiến sĩ Đội K51 kể rằng, có không ít hài cốt liệt sĩ tìm thấy còn hằn ghi những mảnh bom, mũi đạn. Có liệt sĩ hy sinh trong lúc bị thương nặng ở rừng sâu nhưng không có điều kiện để cứu chữa, thi hài các anh được tìm thấy còn nguyên chiếc bát ăn cơm ụp trên vết thương ở đầu rồi băng gạc tạm thời...

Trung tá Võ Hương, Đội K52, người chinh chiến với công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ năm 1994 đến giờ cho biết, anh đã chứng kiến quá nhiều đau thương của các liệt sĩ bị vùi chôn trong lòng đất.

Trong đợt quy tập năm 1997 tại Pleiku, Gia Lai, các chiến sĩ Đội K52 đã phát hiện một hố chôn chung cả 88 liệt sĩ bị địch vùi lấp trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hay ở Ia Nan, Đức Cơ, Gia Lai, quân giặc đã sát hại cả tiểu đoàn bộ đội ta bằng chất độc, rồi bỏ vào từng bọc nilon lớn đem ủi lấp thành từng đống rất dã man, trong đó có cả một nhà báo cũng bị giết ở đây. 

Vụ tìm thấy 48 hài cốt liệt sĩ chôn tập thể ở Kon Tầng, Mang Yang, Gia Lai được người dân kể rằng, khi ấy quân giặc chở cả xác chết và cả người còn sống đổ xuống hố rác rồi lấp chung. Tương tự như vụ tìm thấy 7 hài cốt liệt sĩ ở cầu Lệ Cần, Đắk Đoa, Gia Lai cũng trong tình cảnh xót thương như vậy.

Một người lao công từng làm nhiệm vụ chôn người ở đây đã không dám kể lại sự thật mà cứ giả khùng giả điên khi các chiến sĩ Đội K52 tìm gặp để nhờ chỉ hố chôn tập thể. Sau khi thuyết phục, người đàn ông ấy đã thú thật, vì sự ép buộc mà ông đã đào hố chôn cả người đã chết và người bị thương còn sống vào cùng một chỗ, sau đó dùng kẽm gai bùng nhùng phủ lên và san bằng đất.

Thật đau đớn nữa là khi các chiến sĩ Đội K52 phát hiện hàng trăm hài cốt liệt sĩ ở khu vực phường Hoa Lư, Pleiku, Gia Lai vào năm 2006, nơi gần nhà tù Mỹ, chính quyền Sài Gòn trước đây ở Pleiku, Gia Lai. Trong những chiếc hộp sọ của các liệt sĩ, các khuỷu tay, chân còn dính chặt những chiếc đinh gỉ sét qua thời gian năm tháng.

Trên những tấm xương còn sót lại, có người đã từng bị đóng gần chục chiếc đinh dài chục cm ở các điểm huyệt của cơ thể. Thời gian qua đi, thịt xương đã hòa vào lòng đất, nhưng những chiếc đinh sắt chứa đầy tội ác kia vẫn còn tồn tại, bám riết.

Nhìn cảnh tượng này nhiều người cứ rưng rưng nước mắt. Sự chết chóc và tàn ác của nhà tù nơi đây một thời đã qua, nhưng đến tận bây giờ nhiều người sống xung quanh vẫn mãi bị ám ảnh và kinh hoàng.

Nhiều người kể lại, hồi những năm 1968, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn sau mỗi lần càn quét, bắt bớ thường đưa những chiến sĩ cách mạng về đây giam cầm và tra khảo tàn nhẫn. Cứ mỗi buổi sáng ra ở khu vực trại tù này đều có những hố chôn mới, trong đó có cả những hố chôn tập thể.

Trung tá Võ Hương tâm sự: "Hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ do Đội K52 tìm thấy ở Gia Lai và Campuchia trong thời gian qua đã phần nào cho thấy nhiều minh chứng về tội ác của chiến tranh còn mãi hằn ghi".

Thay cho lời kết

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi đau thương, mất mát bởi chiến tranh để lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam vô cùng to lớn và không thể lấy gì bù đắp hết được.

Vì chiến tranh đã có biết bao lớp thế hệ cha anh ngã xuống cho mảnh đất Việt Nam thân yêu nở hoa kết trái hôm nay. Những người con anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã ra đi mãi mãi nhưng đến tận hôm nay còn có không ít liệt sĩ mà gia đình, người thân và đồng chí, đồng đội chưa tìm được mộ.

Chúng ta thật đau đớn bởi chiến tranh và không thể nào quên ơn các liệt sĩ. Vì thế, chúng ta hãy sống tốt đẹp hơn cho đất nước nở hoa, để khỏi mang tội vong ơn với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam hôm nay

Ngọc Như
.
.
.