Nỗi đau "cái chết trắng" ở Pù Lôm

Chủ Nhật, 03/09/2006, 08:10
Hầu hết thanh niên ở đây đã chuyển hộ khẩu vào... nhà giam! Ngàn vạn phận người khác đang trong khổ cảnh bị "ma trắng" từ chóp núi Pù Lôm vây bủa. Ngàn vạn con người ở huyện lỵ Tương Dương đã trở thành nô lệ của thứ "thuốc trắng" chết người và đồng tiền phi pháp.

Huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An có 21 xã, thị trấn, 173 bản nhưng chỉ duy nhất 1 bản không dính dáng đến ma túy. Pù Lôm được cắt nghĩa theo ngôn ngữ của người Mông là đồi gió, người Thái là vùng đất thiêng. Nhưng từ lâu, Pù Lôm không còn thiêng nữa! Ngọn núi này có độ cao hơn 1.000 mét, nằm về phía Tây thị trấn Hòa Bình, Trung tâm huyện lỵ Tương Dương đã trở thành điểm tập kết ma túy của bọn tội phạm hoạt động thường xuyên ở vùng Tam giác vàng.

Quanh chân núi Pù Lôm là làng mạc, đồng ruộng của người Kinh, người Ơ Đu, người Thái, người Khơ Mú, người Mông. Bà con các dân tộc sống rất gắn bó, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng ròng rã hơn 10 năm trở lại đây, đại họa liên tục ập xuống đầu họ, kể từ khi bọn tội phạm ở vùng Tam giác vàng phát hiện ra núi Pù Lôm có địa hình hiểm trở.

Lực lượng Quân đội và Công an Nghệ An đã rất nhiều lần tổ chức truy quét bọn tội phạm ma túy ở đó nhưng không thể triệt xóa được tụ điểm này do phía biên giới Lào có nhiều đường tiểu mạch dẫn đến chóp núi, ngược lại phía Việt Nam hầu như không có đường đến.

Do vậy, muốn tiêu diệt bọn chúng, các chiến sĩ phải đi vòng từ phía Lào, trong khi bọn tội phạm có đầy đủ các loại vũ khí và rất liều lĩnh, sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ người lạ mặt nào đến đó mà không báo trước. Ngoài ra, bọn tội phạm đã lợi dụng trên đỉnh núi có một bãi đất bằng (người Thái gọi đó là Piêng mơ mô), xây dựng nên một "cứ điểm ăn chơi" với đủ loại hình trụy lạc và bệnh hoạn có trên trái đất này.

Để bảo vệ được "cứ điểm" đó, các tay trùm người Mông đã tìm cách tiếp cận, mua chuộc bà con, cài cắm họ thành hệ thống tai, mắt tin cậy. Về sau, bọn chúng thuê bà con đưa ma túy đến tận các bản để tiêu thụ, với tiền thù lao khá hậu hĩnh(!)... 

Nỗi  đau "màu trắng"

Ông Cụt Văn Ba, Chủ tịch UBMT xã Lượng Minh (Tương Dương) cho biết, đã hơn 10 năm nay, núi Pù Lôm ở trong tầm kiểm soát của giặc (ám chỉ bọn tội phạm ma túy - PV). Lũ giặc đã gieo rắc một lượng lớn "thuốc trắng" xuống xã Lượng Minh, để cho nhan nhản con nghiện, kẻ buôn, người bán và vận chuyển ma túy nối tiếp nhau phải chuyển hộ khẩu vào… nhà giam!

Số người được xem là không liên quan đến tội phạm ma túy cũng không thoát ra được nạn dịch "ma trắng". Bất cứ nơi đâu ở đây cũng gặp con nghiện, nghiện nhiều đến nỗi dân làng trồng cây gì, nuôi con gì cũng bị mất trộm. Năm 2005, chỉ riêng xã Lượng Minh đã thống kê được hơn 150 triệu đồng tài sản bị mất trộm, chủ yếu là trâu, bò, dê và thóc! Cũng trong năm đó, hàng chục con nghiện trên địa bàn Tương Dương đã chết do nghiện hút nặng…

Trái với dòng Nậm Nơn thơ mộng chảy qua các làng mạc của xã Lượng Minh, đâu đó trước cổng làng chúng tôi gặp những cảnh tượng hết sức u buồn, không ít thanh niên lờ đờ vì khói thuốc, số khác là những gương mặt bặm trợn phóng xe máy như bay. Lúc chúng tôi rời bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, cũng là lúc Công an huyện Tương Dương dẫn 2 đối tượng cùng tang vật về trụ sở làm việc. Lô Thị Bảo và Vi Văn Hoàng bị bắt vì hành vi tàng trữ và buôn bán ma túy…

Ông Cụt Văn Ba nán lại trên chiếc cầu treo bắc qua bản Vẻ, nhìn đôi trai gái bị còng tay, chùng giọng: "Đó chỉ là 2 trong hơn 3 nghìn nhân khẩu của xã Lượng Minh có liên quan đến ma tuý. Ma túy đã làm nát bét cả vùng đất này, ma tuý nhiều đến độ có bản chỉ toàn trẻ con, phụ nữ và người già; đám thanh niên trai tráng đã chuyển hộ khẩu vào… nhà giam hết cả!".

Tôi chợt nhớ đến bài thơ "Bản không chồng" của một ai đó trong số hơn 3 nghìn người ở xã Lượng Minh đã sáng tác nên nó, từng tồn tại nhiều năm nay ở huyện miền núi Tương Dương buồn bã này. Và rồi tôi có ý định đi tìm tác giả của bài thơ nhưng lại thôi bởi theo như lời khuyên của ông Cụt Văn Ba, thì biết đâu chính tác giả của bài thơ đó cũng đang phải chịu án tù...

Phan Thanh Bình
.
.
.