Nơi có người ngủ cũng đeo... khẩu trang

Thứ Bảy, 01/03/2008, 09:48
Ở Phong Khê (Bắc Ninh), nhà nhà, người người đua nhau làm giấy, họ làm ăn kinh doanh tự phát, nên chưa chú trọng vào đầu tư xử lý nước thải, khiến con sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm nặng nề. Bởi sống gần dòng sông ô nhiễm, bốc mùi nặng nên người dân nơi đây luôn phải đeo khẩu trang, kể cả lúc ngủ.

Sự bùng nổ của các khu công nghiệp, hiện đại hóa các làng nghề tại nhiều nơi trong thời gian qua đã đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ cho nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bắc Ninh. Tuy nhiên, đằng sau đó lại là một mối lo lớn về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nhiều tới đời sống, sinh hoạt của không ít hộ dân và gây ra bệnh tật. Sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại nặng từ sự ô nhiễm môi sinh gây ra.

Một ngày đầu xuân 2008, chúng tôi về làng nghề Phong Khê (TP Bắc Ninh) nơi có truyền thống làm nghề giấy dó bên sông Ngũ Huyện Khê. 10 năm trước, dòng sông hiền hoà chảy cùng với tiếng động của các nghệ nhân làm giấy thủ công. Nhưng 10 năm sau, khung cảnh của vùng đất nơi đây đã khác; gần như nhà nghiên cứu môi trường nào cũng biết vùng đất này giờ đây bị ô nhiễm nặng bởi các nhà máy giấy.

Dọc con đường bê tông trên bờ Ngũ Huyện Khê để đi tới xã Phong Khê đập vào mắt chúng tôi là một màu đen. Con sông một thời người dân thường ngụp mình trong dòng nước để tắm, giặt, lấy nước để ăn thì giờ chỉ còn là một dòng nước đen kịt, đặc sánh. Đi trên bờ sông trong cái giá rét 9 - 100C, mà vẫn cảm thấy khó chịu bởi mùi ô nhiễm từ các tạp chất và nếu vào mùa hè thì có lẽ mùi khó chịu bốc ra còn kinh khủng hơn rất nhiều.

Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Toán, xã Vạn An, người có ngôi nhà gần con sông, cách làng nghề Phong Khê vài km than thở: "Chúng tôi đã chịu cảnh ô nhiễm này nhiều năm rồi, đã có nhiều kiến nghị lên xã, lên huyện (nay là thành phố) nhưng đâu vẫn vào đó. Sống gần dòng sông ô nhiễm, bốc mùi nặng nên chúng tôi luôn phải đeo khẩu trang, kể cả lúc ngủ".

Vào trụ sở UBND xã Khúc Xuyên (TP Bắc Ninh) nằm cách xa bờ sông khoảng gần một km, không khí ô nhiễm đỡ ám ảnh hơn.

Gặp chúng tôi là nguyên Chủ tịch UBND xã (mới nghỉ một thời gian ngắn), anh Nguyễn Văn Lâm, hiện anh là Trưởng thôn xã Khúc Toại bức xúc nói: "Chúng tôi đã sống trong cảnh ô nhiễm nhiều năm rồi". Anh cho rằng, nguồn ô nhiễm này không ở  đâu khác mà do các nhà máy giấy ở Phong Khê gây ra.

Trước kia, khi nơi đây chỉ làm giấy thủ công thì dòng sông không bị ô nhiễm, nhưng kể từ ngày người dân địa phương xây dựng các nhà máy với công suất lớn, thì các chất thải tràn về. Nước sông ô nhiễm nặng ngấm vào nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước dùng cho nông nghiệp.

Kết quả phân tích mẫu nước ngầm tại Phong Khê ở độ sâu 40m đã xuất hiện hóa chất coliform và feca coliform. Nước thải tại đây có chỉ số coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 11 - 16,8 lần. Hàm lượng khoáng, dầu mỡ cao, khiến nguồn nước sông ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,1-5,6 lần.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh sau khi khảo sát tại khu vực làm giấy Phong Khê cho thấy, chất hữu cơ COD tại đây vượt tiêu chuẩn cho phép 1,5 lần, BOD vượt tiêu chuẩn 1,2-1,3 lần, hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn là 1,6 - 2,2 lần… Năng suất cây trồng vật nuôi cũng bị ảnh hưởng.

Ông Lâm dẫn chúng tôi đến nhà chị Hồng trong thôn để chứng kiến nguồn nước giếng khoan nhà chị bị ô nhiễm nặng, lọc nhiều lần nhưng nước vẫn ngả màu vàng và có mùi. Đi gặp một số người dân và lãnh đạo một số xã: Vạn An, Trà Xuyên thì họ đều bức xúc trước cảnh ô nhiễm này.

Ông Lê Văn Bậc, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Khê cho hay, ở Phong Khê nhà nhà, người người đua nhau làm giấy, họ làm ăn kinh doanh tự phát, đa số các cơ sở chưa chú trọng vào đầu tư xử lý nước thải. Nhiều người bị mắc các bệnh về da, hô hấp, tiêu hóa…

Nguy hiểm hơn là những năm gần đây đã có người bị chết vì ung thư. Lúa gạo của thôn cấy trên diện tích gần 200ha khi ăn cũng bị nhiễm mùi hăng hắc, ngai ngái… Tới thôn Dương Ổ có 137/867 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng từ giấy phế liệu, ngoài ra, còn có nhiều hộ gia đình chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan: phân loại, vận chuyển, đóng gói giấy, thùng giấy liên quan…

Theo tính toán của các hộ làm giấy, để làm ra thành phẩm một tấn giấy phế liệu cần 9kg sút, 30 - 40 lít nước javen, ngoài ra còn phun hóa chất thơm NK từ Trung Quốc… Việc chưa xử lý triệt để nguồn nước thải tất yếu môi trường bị ô nhiễm.

Xã Phong Khê có 496 mẫu đất nông nghiệp, được tưới bởi 100% nước thải nên năng suất trồi sụt, 30% đất tại đây không thể canh tác được vì ô nhiễm, người dân Phong Khê vẫn đang phải ăn uống nguồn nước ô nhiễm nặng...

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, trong 180 doanh nghiệp sản xuất giấy tại Phong Khê, thì có 170 doanh nghiệp đang vi phạm về an toàn vệ sinh môi trường, ngoài ra, 200 dây chuyền sản xuất giấy mỗi ngày cho ra lò hàng chục tấn giấy thành phẩm, song tuyệt nhiên không có hệ thống xử lý nước thải nào.

Trước thực trạng ô nhiễm nặng, năm 1999 - 2000, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh đã triển khai xây dựng bể lắng lọc nước tại Phong Khê. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt của các cơ sở sản xuất cùng với nhiều vấn đề phát sinh trong triển khai nên dự án bị chết giữa chừng. Dự án ngăn cản nước thải chưa ra đời nên hàng ngày, hàng giờ người dân quanh sông vẫn phải sống chung với nước thải

Văn Nguyễn
.
.
.