Nơi che chở cho những mảnh đời bất hạnh

Thứ Bảy, 23/08/2008, 16:29
Ngay sau ngày cưới, H., quê ở Hải Phòng đã phải hứng chịu bạo lực từ phía người chồng có máu me cờ bạc... Lo sợ cho tương lai của mình và các con, H. bí mật dắt 2 con bỏ trốn và tìm đến Trung tâm Phụ nữ và phát triển. Khi được đón nhận vào đây, H. như tìm thấy tổ ấm mới cho mình.
 >> 1.001 kiểu bạo lực gia đình

Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2007, Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tin cậy của những người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình và bị buôn bán.

Tìm lại sự bình yên

Nạn nhân khi đến Trung tâm sẽ được đón tiếp tại phòng tham vấn, từ đó sàng lọc các nạn nhân bị buôn bán và bị bạo lực gia đình có nhu cầu trợ giúp để tái hoà nhập dựa trên những tiêu chí đã được Trung tâm xây dựng. Hai ngôi nhà bình yên có địa điểm gần toà nhà Trung tâm, địa chỉ không thông báo rộng rãi trong cộng đồng với mục đích đảm bảo an toàn cho các thành viên. Mỗi nhà đồng thời có thể cung cấp nơi ăn, nghỉ cho khoảng 20 phụ nữ và trẻ em.

Để hỗ trợ hiệu quả và đảm bảo an ninh cho các thành viên, thường xuyên có 6 cán bộ xã hội, 6 bảo vệ và 4 quản gia thay phiên nhau trực 24/24h tại hai nhà.

Ngoài ra, ở Trung tâm còn có một nhà trẻ, nơi trông giữ các cháu từ 3 đến 6 tuổi là con của các nạn nhân, giúp mẹ các cháu yên tâm chữa trị vết thương, trị liệu tâm lý hoặc học nghề, đi làm… Tại đây, trẻ được chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện theo chương trình xây dựng phù hợp với độ tuổi bằng phương pháp mới.  

Cách đây không lâu, dư luận rất bất bình và căm phẫn trước hành vi bất nhân của Nguyễn Công Chính ở thôn Tu Hoàng, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Chỉ vì ghen tuông, sau khi đánh đập vợ đến mẻ đốt sống, anh ta đã nhốt vợ mình là chị Trần Thị U., 30 tuổi, vào chuồng chó cùng 2 con chó dữ.

Sau khi được giải cứu, chị U. đã được Hội Phụ nữ huyện Từ Liêm gửi đến Ngôi nhà bình yên để được bảo vệ. Với vết thương khá nặng, chị đã được cán bộ phụ trách Ngôi nhà bình yên chăm sóc tận tình, chu đáo. Đến nay, chị đã tự đi lại và chăm sóc bản thân.

Con trai 4 tuổi của chị cũng được đưa vào ở cùng mẹ. Hàng ngày, cháu được gửi vào lớp mẫu giáo. Nỗi sợ hãi đã ám ảnh cả vào đứa trẻ khi ở lớp, cháu chỉ thích chơi trò Công an bắt tội phạm và luôn miệng: Công an bắt hết những người đánh vợ đi tù. Trong thời gian chờ cơ quan pháp luật giải quyết, Ngôi nhà bình yên thực sự là nơi che chở cho mẹ con chị U.

Ở Ngôi nhà bình yên, chúng tôi đã gặp ba mẹ con chị Nguyễn Thị H., 26 tuổi, quê Hải Phòng. Chị H. kể lại cuộc đời mình trong nước mắt: Ngay sau ngày cưới, H. đã phải hứng chịu bạo lực từ phía người chồng có máu me cờ bạc. Làm được bao nhiêu tiền, người chồng lại lột sạch để ném vào đỏ đen. Đồ đạc trong nhà cứ dần đội nón ra đi, đến cái giường cũng không có để nằm, 3 mẹ con H. phải trải chiếu trên nền đất.

Đã có thời gian, H. chọn giải pháp ly thân để mong chồng thay đổi tính nết, sống có trách nhiệm với gia đình. Anh chồng cũng hứa hẹn, thề thốt sẽ sửa chữa. Thương các con, chị H. quay về. Nhưng chỉ được dăm bữa, người chồng vẫn chứng nào tật ấy. Không chỉ đối xử tàn bạo đối với vợ, những lúc thua bạc, chính những đứa con thơ dại cũng trở thành nạn nhân để anh ta trút giận.

Lo sợ cho tương lai của mình và các con, H. bí mật dắt 2 con bỏ trốn và tìm đến Trung tâm Phụ nữ và phát triển. Khi được đón nhận vào đây, H. như tìm thấy tổ ấm mới cho mình.

Hiện tại, H. được giới thiệu đi làm giúp việc với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Đứa con lớn 6 tuổi được xin vào học lớp 1 Trường tiểu học Đông Thái, cháu nhỏ được gửi vào nhà trẻ tại Trung tâm. Những hôm H. đi làm về muộn, các cô bác ở Trung tâm đón và đưa các cháu về tận nhà.

Tội nghiệp 2 đứa trẻ. Hình ảnh của bố chúng đã trở thành ác mộng. Thời gian đầu, cứ nghe có người nhắc đến bố, đứa lớn liền cầm tay em chạy, giọng hốt hoảng: "Bố đến đấy, chạy đi thôi".

Sau 1 tháng ở Ngôi nhà bình yên, những đứa trẻ cảm nhận được đây thực sự là ngôi nhà mà bao lâu nay chúng vẫn mơ ước. Đã lâu lắm rồi, ba mẹ con mới có những phút giây vui vẻ, tràn ngập tiếng cười. Khi đã tìm được sự bình yên trong tâm hồn, chị H cũng có thời gian để suy xét và lựa chọn giải pháp tốt nhất cho cuộc sống tương lai của ba mẹ con.

Đừng thờ ơ với phụ nữ bị bạo hành!

Chị Lê Thị Ngọc Bích, cán bộ Phòng tham vấn, Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, những người phụ nữ tìm đến đây thực sự đã rơi vào bước đường cùng. Nhưng với thời gian ở tối đa là 18 tháng, Ngôi nhà bình yên dù sao cũng chỉ là nơi trú ngụ tạm thời, trong tình huống khẩn cấp cho các nạn nhân khi tất cả những giải pháp khác không có hiệu quả. Vì vậy, để tìm ra hướng giải quyết cho cuộc sống tương lai của nạn nhân là điều cán bộ của Trung tâm luôn trăn trở.

Tư vấn cho phụ nữ bị bạo lực gia đình tại Trung tâm Chăm sóc phụ nữ - BV Đức Giang.

Đến với Ngôi nhà bình yên, nạn nhân được tư vấn, hướng dẫn kỹ năng sống giúp họ tự tin đương đầu tháo gỡ những mâu thuẫn vợ chồng. Thành công lớn nhất của Ngôi nhà bình yên là giúp họ nâng cao nhận thức về quyền của người phụ nữ, hiểu được sự cam chịu bạo lực từ phía người chồng là một sai lầm và cần thiết phải tìm đến sự giúp đỡ của những người xung quanh, vượt qua rào cản tâm lý "xấu chàng hổ ai" để lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực của người chồng đến các cơ quan chức năng.   

Bên cạnh đó, công tác tư vấn cho người gây ra bạo lực nhận thức được hành vi sai trái của mình là một biện pháp tích cực đã được cán bộ Phòng tham vấn thực hiện để giúp những người phụ nữ trở về gia đình.

Trường hợp chị Nguyễn Thị M., 40 tuổi, chủ một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội là một ví dụ. Chị M. được người nhà đưa đến Ngôi nhà bình yên khi bị người chồng chỉ vì ghen tuông bệnh hoạn đã đe dọa đến tính mạng của vợ và những người bênh vực.

Sau khi xác minh, cán bộ Phòng tham vấn đã phối hợp với Công an phường sở tại và vận động hai bên gia đình cùng họp bàn giải quyết. Bản thân người chồng đã ý thức được hành vi bạo hành của mình đối với vợ là vi phạm pháp luật, làm cam kết không tái diễn hành vi bạo lực và xin được đón vợ về đoàn tụ. Sau một thời gian tạm lánh ở Ngôi nhà bình yên, chị M đã trở về chung sống với chồng, không phải chọn giải pháp ly hôn.

Ngôi nhà bình yên là một trong những bước đột phá của công tác phòng chống nạn bạo hành trong gia đình. Nhiều nạn nhân sau khi rời Ngôi nhà bình yên, khi trở về với cộng đồng đã tìm được lối thoát cho bản thân, đặc biệt họ đã trở thành những tuyên truyền viên đến với những người phụ nữ đang bị bạo hành khác, giúp họ đấu tranh và tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức.

Tuy nhiên, đây là một mô hình hết sức mới mẻ và không tránh khỏi những bước khó khăn trong quá trình hoạt động. Những rào cản về văn hoá khiến những người phụ nữ tự đến Ngôi nhà bình yên cũng không nhiều.

Bên cạnh đó, tính chất nhạy cảm của vấn đề cũng là một cản trở bởi không thể vừa đảm bảo việc giữ bí mật cho nạn nhân, lại vừa thông tin rộng rãi về địa chỉ và các dịch vụ của Ngôi nhà bình yên để nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng.

Bạo lực gia đình, ngoài nỗi đau về thể xác và tinh thần mà người phụ nữ phải chịu đựng thì chính những đứa trẻ trong gia đình cũng trở thành nạn nhân gánh chịu hậu quả. Dẫu là nơi che chở cho những mảnh đời bất hạnh nhưng tất cả cán bộ của Trung tâm không ai muốn có thêm nhiều phụ nữ tìm đến Ngôi nhà bình yên.

Tất cả những người phụ nữ đều có quyền được bảo vệ, được sống hạnh phúc. Bên cạnh sự dũng cảm, bứt phá rào cản tâm lý để đấu tranh với nạn bạo hành của chính nạn nhân thì sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng trong việc phát hiện, giúp đỡ những phụ nữ bị bạo hành là hết sức cần thiết

.
.
.