Trung tâm Nuôi dưỡng người có công với cách mạng TP Đà Nẵng:

Nơi ấm áp nghĩa tình

Thứ Ba, 06/04/2010, 09:48
"Bên cạnh có bầu có bạn, lại luôn được ân cần chăm sóc nên mẹ rất vui. Tuổi già thường hay nghĩ ngợi. Nhưng vào đây mẹ đã tìm thấy sự bình yên trong lòng"- Bộc bạch chân tình của cụ Nguyễn Thị Tại (82 tuổi) cũng là tự sự của những cụ đang sống tại Trung tâm nuôi dưỡng người có công cách mạng (NDNCCCM) TP Đà Nẵng…

Nằm trong một không gian tĩnh lặng bên cạnh bãi biển Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm như là mái nhà chung của những người con đất Quảng trung kiên từng một thời cống hiến tuổi trẻ, công sức, máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Như nhiều cụ ông, cụ bà ở trung tâm này, thời xuân sắc, cụ Tại cũng tham gia cách mạng, ngay tại quê nhà ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, Quảng Nam và sau này thoát ly, tham gia công tác dân y tại căn cứ cách mạng ở vùng núi Quảng Nam. Chồng cụ cũng là du kích thời kháng Pháp. Năm 1956, ông bị địch bắt giam, chuyển qua nhiều nhà tù rồi hy sinh trong nhà lao Hội An.

Cụ có hai người con. Người con gái mất sớm. Lớn lên trong không khí quê hương hực lửa đấu tranh chống lại tội ác của Ngô Đình Diệm, của đế quốc Mỹ, anh con trai của cụ cũng tham gia cách mạng và đã hy sinh. Đất nước hòa bình, tham gia công tác một thời gian nữa thì được nghỉ theo chế độ hưu trí.

Đây là khoảng thời gian cụ vô cùng trống trải, nặng nề bởi trong nhà thiếu vắng bóng những người thân thương nhất. Năm 1995, cụ được mời vào ở Trung tâm NDNCCCM. Vào đây, được các hộ lý, y tá chăm sóc ân cần, chăm từng bữa ăn giấc ngủ, được gần gũi nhiều người từng là bạn chiến đấu, công tác, cụ đã vơi nỗi cô đơn và tìm được sự bình yên trong lòng.

Chúng tôi vào thăm phòng ở của một số cụ. Cứ 2 cụ ở chung một phòng khoảng 25m2 có công trình phụ khép kín. Tất cả đều sạch sẽ, ngăn nắp, có máy quạt, tivi. Trên các bức tường trong phòng là những huân chương, huy chương, bằng khen, cả bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh chồng, con của các mẹ và cả ảnh các cháu học sinh nhận phần thưởng, ảnh đám cưới của cháu  các cụ. Tất cả tinh tươm, ấm cúng, thân thuộc như chính trong mỗi gia đình.

Bên ngoài sân là khoảng không gian thoáng mát với cây cảnh, ghế đá để các cụ dạo chơi. Tối trước giờ ngủ, nhiều cụ còn rủ nhau chơi cờ tướng, chơi tứ sắc hoặc cùng nhau ngâm thơ, hát vè. Sắp đến kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, câu chuyện của các cụ trong những ngày này không thể thiếu những trận đánh, những kỷ niệm của một thời áo vá cơm đùm đi theo cách mạng…

 Những ngày lễ, Tết, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận huyện đều đến Trung tâm để thăm hỏi, động viên các cụ. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, Đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng, THPT cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn nghệ.

Trong khuôn viên Trung tâm có một nhà thờ nhỏ để lo việc hương khói sau khi các cụ qua đời. Hiện Trung tâm nuôi dưỡng 60 cụ, gồm 5 Bà mẹ VNAH, 20 thân nhân liệt sỹ, 1 lão thành cách mạng, 1 thương binh nặng, còn lại là thương bệnh binh các loại và người có công, được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba trở lên. Tuổi đời bình quân của các cụ là 78. Có 20 cụ hơn 85 tuổi, trong đó có hai Bà mẹ VNAH 101 tuổi và 105 tuổi.

Ngoài việc hỗ trợ thêm tiền ăn 250 ngàn đồng/người/tháng, hằng năm UBND TP Đà Nằng còn cấp kinh phí xấp xỉ 1,4 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động của Trung tâm. Hằng năm, Trung tâm còn đón 30 đoàn với trên 1.200 người là đối tượng chính sách đến điều dưỡng (mỗi đợt 10 ngày). Đến với Trung tâm NDNCCCM TP Đà Nẵng, mọi người đều có cảm giác gần gũi, thân thương.

"Chừ nhiều tuổi rồi không mong gì nữa, chỉ có tâm nguyện sau khi chết được để bát nhang tại trung tâm để có bầu có bạn". Nhiều cụ đã bảo với chúng tôi như thế. Đối với các cụ, Trung tâm NDNCCCM TP Đà Nẵng thật sự là mái nhà ấm cúng của mình

Thân Lai
.
.
.