Các cơ quan tố tụng tại TP HCM:

Nỗ lực trong công tác chuyên môn thể hiện trách nhiệm trước nhân dân

Thứ Sáu, 20/05/2011, 13:21
Vừa qua Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ Quốc đã giới thiệu ba đồng chí là lãnh đạo các cơ quan hành pháp và tố tụng của TP HCM làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Báo CAND đã có giới thiệu về ba đồng chí.

Ông Phạm Văn Gòn,Phó Viện trưởng Viện KSND TP HCM: Nâng cao chất lượng tranh tụng trong mỗi phiên tòa

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp, Viện KSND TP HCM thụ lý kiểm sát điều tra gần 40.000 vụ án, đề nghị truy tố hơn 30.000 vụ. Tuy vụ án thụ lý tăng cao theo mỗi năm và tính chất phức tạp ngày càng nhiều, đặc biệt đối với các vụ án hình sự, nhưng thời gian qua ngành Kiểm sát TP HCM chưa để xảy ra vụ nào phải bồi thường oan sai theo Nghị quyết 338.

Để có được kết quả ấy, với cương vị là lãnh đạo Viện KSND TP HCM, phụ trách 3 mảng kiểm sát xét xử án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; kiểm sát thi hành án dân sự và kiểm sát việc kiểm sát khiếu nại, tố cáo, ông Phạm Văn Gòn đã cố gắng tối đa để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ông Phạm Văn Gòn bộc bạch: "Để làm được điều này, trong hơn 2 năm qua, đều đặn mỗi tháng, tôi trực tiếp tham dự từ 2-4 phiên toà cải cách tư pháp luân phiên ở TAND các quận, huyện. Đối với những phiên toà này, yêu cầu được đặt ra cho kiểm sát viên giữ quyền công tố là anh phải tranh tụng đúng nghĩa với phía luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo để làm sao bên "gỡ tội" phải tâm phục, khẩu phục. Mà muốn vậy thì người kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật những văn bản pháp luật mới và đặc biệt phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án sao cho phải nằm lòng từng chi tiết nhỏ. Khi thấy có gì khúc mắc, thiếu chặt chẽ, còn sót người, lọt tội thì lập tức chủ động phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ từng khâu với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh kiến thức rộng, kiểm sát sát sao thì người kiểm sát viên còn phải có đức độ, cái tâm trong sáng và hình thức, diện mạo, cách diễn đạt cáo trạng, tranh tụng cũng phải hết sức linh hoạt và chừng mực. Nói chung là phải cố gắng làm sao để tất cả các kiểm sát viên có ý thức tự nâng tầm của mình để đáp ứng yêu cầu cao trong tình hình mới. Bằng kinh nghiệm hơn 35 năm công tác trong ngành Kiểm sát, tôi có thể nắm được ưu, khuyến điểm của từng kiểm sát viên, từ đó có thể hướng cho họ cách khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh để ngày một hoàn thiện mình".

Liên quan đến việc được Ủy ban Trung ương MTTQ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, ông Phạm Văn Gòn cho biết: "Nếu được cử tri tín nhiệm bầu chọn làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có ý kiến với Quốc hội để xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, góp phần thực hiện thiết thực quyền, lợi ích của nhân dân và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước".

Đại tá Lê Đông Phong
Đại tá Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP HCM: Đã sẵn sàng bảo vệ an toàn cho ngày bầu cử

Ngày 19/5, phát biểu với phóng viên Báo CAND về việc triển khai công tác giữ gìn an ninh trật tự trong đợt bầu cử, Đại tá Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP HCM cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND TP HCM khóa VIII về tổ chức cuộc bầu cử, từ giữa tháng 2/2011 đến nay, Công an TP HCM đã triển khai công tác nắm tình hình, xác minh nhân sự phục vụ bầu cử, đảm bảo an ninh trật tự việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử…

Đã triển khai đến các đơn vị, Công an các quận, huyện thực hiện công tác bảo vệ an toàn các điểm niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên; bố trí lực lượng tuần tra canh gác, tổ chức mật phục và giám sát chặt chẽ, không để xảy ra xóa, xé, viết nội dung xấu vào danh sách ứng cử viên, danh sách cử tri. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lựa chọn các điểm bỏ phiếu đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự… Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng chống cháy nổ; cảnh giác và góp phần ngăn ngừa những kẻ cơ hội rải tờ rơi, viết, vẽ khẩu hiệu phản động tại các khu vực trọng yếu, khu đông dân cư, các điểm tiếp xúc cử tri, các điểm bỏ phiếu…

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự giao thông trên địa bàn thành phố đã và đang được các đơn vị thuộc Công an TP HCM thực hiện liên tục và quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn cho ngày bầu cử: Công an các quận, huyện tiến hành gọi hỏi, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật thuộc diện giáo dục tại cộng đồng dân cư ngằm ngăn ngừa chúng tái phạm; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các đợt thu gom gái mại dâm, người nghiện ma túy, người sống lang thang, ăn xin, bụi đời… vào các cơ sở xã hội để góp phần làm trong sạch địa bàn.

Với quyết tâm trên, tình hình tội phạm hình sự và tai nạn giao thông đang được kiềm chế và kéo giảm. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2011, toàn địa bàn TP HCM xảy ra 2.130 vụ phạm pháp hình sự, giảm 87 vụ so với cùng kỳ; tai nạn giao thông tháng sau luôn giảm hơn tháng trước trên cả 3 mặt là số vụ, số người chết và số người bị thương.

Về việc được Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, Đại tá Lê Đông Phong bày tỏ: "Nếu được đắc cử, với cương vị và lĩnh vực công tác của mình, cùng với quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tích cực thực hiện với trách nhiệm thật cao trong chức trách, nhiệm vụ hiện nay để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP HCM".

Ông Huỳnh Ngọc Ánh
Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP HCM: Tích cực đấu tranh chống tham nhũng; giảm án tồn đọng; không để oan sai trong công tác xét xử

Trao đổi với Báo CAND, ông Huỳnh Ngọc Ánh, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP HCM cho biết: Tòa án TP HCM mỗi năm giải quyết từ 45.000 đến 50.000 vụ án các loại, chiếm 1/5 lượng án toàn quốc. Trong khi đó với biên chế 1.000 cán bộ, nhân viên cho thấy, mỗi thẩm phán phải giải quyết bình quân khoảng 10 vụ án mỗi tháng, đây quả thực là một khối lượng công việc quá sức với các thẩm phán. Chính vì thế lượng án còn để quá hạn theo luật định là không thể tránh khỏi.

Những năm gần đây, ban lãnh đạo TAND TP HCM nhận thức được yêu cầu bức xúc của nhân dân, khi để một vụ án kéo dài làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ nên đã có nhiều biện pháp tích cực, cụ thể là hằng tháng lãnh đạo toà án đều có kiểm tra đôn đốc những vụ án quá thời hạn giải quyết mà không có lý do chính đáng thì thẩm phán và lãnh đạo đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm.

Đối với những vụ án khó khăn, phức tạp trong việc đánh giá chứng cứ thì tập thể Ủy ban Thẩm phán hằng tuần sẽ được tập trung nghe và trao đổi với thẩm phán để tìm ra sự thật khách quan, đánh giá đúng vấn đề để thẩm phán có niềm tin, có cơ sở phán quyết một cách đúng đắn, khách quan, kịp thời. Mặt khác, lãnh đạo toà án tiến hành kiểm tra, rà soát những vụ án quá hạn theo luật định, nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì tạm đình chỉ giải quyết chờ kết quả của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền.

Từ những việc làm trên mà những năm vừa qua, TAND TP Hồ Chí Minh đã giải quyết được trên 70% số án quá hạn theo luật định so với những năm trước.

Trao đổi về vấn đề oan sai trong công tác xét xử, ông Huỳnh Ngọc Ánh cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, đã không để xảy ra oan sai trên địa bàn TP HCM. Để làm được điều đó, ngay từ đầu, khâu phân hồ sơ, bố trí thẩm phán, thụ lý nghiên cứu hồ sơ đã được cân nhắc để phù hợp với trình độ năng lực, kinh nghiệm của từng thẩm phán. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thẩm phán, họ phải tự chịu trách nhiệm trước phán quyết của mình cho nên bản thân thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, thận trọng, áp dụng luật cho đúng tính chất, mức độ của vụ án.

Nếu thẩm phán chưa có niềm tin chắc chắn thì cần phải đưa ra trao đổi với tập thể để có sự đánh giá khách quan hơn, tiếp thu ý kiến của những thẩm phán giỏi, phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể, từ đó tạo ra niềm tin nội tâm cho chính người thẩm phán đó trước khi phán quyết vụ việc, từ đó hạn chế được oan sai trong công tác xét xử.

Ngoài ra, lãnh đạo TAND TP HCM nhiều năm qua đã chủ động tiến hành công khai hóa các hoạt động xét xử của Toà án  để góp phần vào công tác đấu tranh chống tham nhũng nhũng nhiễu trong chính ngành Tòa án. Trong những năm tới, TAND TP HCM sẽ nỗ lực hơn nữa để đáp ứng những kỳ vọng của người dân

Song Hải (thực hiện)
.
.
.