Nỗ lực phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ Năm, 11/01/2007, 12:04

Cục Thú y đã chính thức xác nhận dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, Kiên Giang, khiến 40 con vịt bị chết. Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã có 41 xã, phường, 17 huyện, thị của 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang xảy ra dịch CGC trong thời gian 21 ngày, đa số gia cầm bị cúm là vịt.

Đồng bằng sông Cửu Long

Ổ dịch phát hiện trên 34 con gà nhiễm CGC tại ấp 6, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, Hậu Giang vào ngày 3 và 4/1 được xem là diễn biến mới và đáng quan ngại nhất ở ĐBSCL.

Trong hai đợt dịch CGC năm 2004, 2005, hai địa phương là Long Mỹ và Vị Thủy xảy ra 4 ca tử vong mà xuất phát điểm. Ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang phân tích: Gần như loại trừ khả năng phát tán ổ dịch CGC từ Long Mỹ sang địa bàn Vị Thủy, như vậy nguyên nhân dịch CGC trên gà phải chăng là do phân chim di trú lây nhiễm hoặc do đây là gia cầm chưa tiêm phòng nên gặp mầm bệnh dễ nhiễm(?).

Các ngành chức năng đã nhìn nhận: Phòng chống dịch CGC trên đàn vịt chạy đồng là khó khăn nhất. Bởi khó kiểm soát và tiêm phòng với cách nuôi "chạy đồng" gần như là thói quen của người chăn nuôi gia cầm nơi đây. Trong khi đó, gà thì được nuôi tại chỗ nhưng không được tiêm vaccine, đây là kẽ hở nguy hiểm và là lời cảnh báo nguy cơ lây lan dịch CGC nhanh.

Trước thực tế này, tỉnh An Giang triển khai khẩn trương 5 biện pháp cấp bách phòng chống dịch CGC như: tăng cường truyền thông, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đàn gia cầm, kiểm soát giết mổ và quản lý các sản phẩm gia cầm, hỗ trợ mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học an toàn. Trong đó quản lý chặt việc tiêm phòng vaccine đối với số gia cầm ấp nở mới ngay tại lò.

Quảng Ngãi

Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, Quảng Ngãi hiện có hơn 2 triệu con gia cầm; công tác tiêm phòng cho gia cầm trong năm 2006 đã hoàn tất và đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm phòng năm 2007. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 50.000 con gia cầm chưa kiểm soát được việc tiêm phòng.

Để đối phó với dịch cúm gia cầm có khả năng bùng phát trở lại, đặc biệt là trong mùa đông này, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo 14 trạm thú y cơ sở và chính quyền các địa phương tăng cường giám sát đàn gia cầm được tiêm phòng, không cho chăn thả tự do, chạy đồng…

Tuy nhiên, gia cầm vẫn đang được bày bán một cách công khai mà không có cơ quan chức năng nào tổ chức kiểm tra, kiểm dịch. Đi dọc các chợ thuộc các xã như Bình Nguyên, thị trấn Châu ổ, Bình Đông, Bình Thạnh...(huyện Bình Sơn), mấy ngày qua gia cầm được các tư thương tập trung về khá lớn.

Không riêng gì các huyện mà ngay cả trong TP Quảng Ngãi, gia cầm sống vẫn được bày bán một cách công khai ở các điểm chợ như Nghĩa Lộ, Gò Quán... mặc dù chính quyền địa phương chỉ cho phép bán gia cầm sống tại chợ Nghĩa Dũng.

Có thể nói, hiện nay công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở hầu hết các địa phương chưa tốt, việc vận chuyển, buôn bán ở các địa phương không được kiểm soát chặt chẽ, mặc dù đây là thời điểm rất nhạy cảm dễ xảy ra dịch CGC.

TP HCM

Ngày 9/1, Chi cục Thú y (CCTY) TP HCM vừa có công văn gửi tới Ban chỉ đạo phòng chống DCGC của 24 quận, huyện TP HCM với nội dung phát động "Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng chống CGC" từ nay đến hết tháng 1/2007.

Việc nuôi gia cầm như chỉ đạo của TP vẫn tạm ngưng tới hết tháng 2/2007, chỉ còn 2 cơ sở của bà Trần Thị Quang (Củ Chi) và bà Nguyễn Thị Lạc (Hóc Môn) được phép tồn tại do áp dụng hệ thống chăn nuôi khép kín đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Tuy nhiên, trước tình hình CGC tái phát phức tạp, 2 hộ này đã được lệnh tạm ngưng hoạt động, đồng thời làm vệ sinh khu vực xung quanh chuồng trại, khơi thông cống rãnh, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn. Đồng thời, phải thực hiện tiêu độc toàn bộ chuồng trại khu vực chăn nuôi và xung quanh 3 lần/tuần

Lạng Sơn: Bắt giữ nhiều gia cầm nhập lậu

Sáng 9/1, lực lượng QLTT số 2 (Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn) đã phục bắt tại đường mòn Nà Lộc (thuộc thôn Kéo Kham, Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc) một số "cửu vạn" đang vận chuyển trên 1 tấn gà có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Liên tục từ ngày 2 đến 9/1, Đội QLTT số 2 đã chặn bắt 17 vụ, thu giữ 2.785kg gà, 18.240 quả trứng cùng rất nhiều tim cật, mỡ lợn nhập lậu từ bên kia biên giới…

Theo ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội QLTT số 2 thì càng gần Tết, nhu cầu thịt gà càng lớn. Thêm nữa, giá gà trong nước càng lên cao, lợi nhuận lớn nên dù bị bắt "một phi vụ gà", chuyến sau bọn buôn lậu đi trót lọt lại "gỡ" được ngay. Cụ thể, một kilôgam gà mua từ Trung Quốc giá chỉ có hơn 10 ngàn đồng, nếu vận chuyển trót lọt về TP Lạng Sơn sẽ được 38.000- 40.000đ/kg.

Ông Hiệu nhận định: Cuộc chiến này chắc còn kéo dài và phải có những biện pháp cứng rắn như cần thiết phải xử lý hình sự thì mới đủ sức răn đe, giảm thiểu được gà "bay" qua biên giới.

Nam Giao - Thanh Việt - H.Nga - T.L.
.
.
.