Nỗ lực kéo điện thắp sáng và đưa nước sạch đến vùng núi bị sạt lở chia cắt

Chủ Nhật, 12/11/2017, 08:54
Đợt mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở núi cô lập hoàn toàn huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Người dân nơi đây chưa có điện để sinh hoạt, không có nước sạch sử dụng, do hệ thống điện, nước đã bị hư hỏng, nếu khắc phục cũng sẽ mất nhiều ngày nữa. Cũng vì thế, cuộc sống các hộ gia đình hiện rất chật vật, tối đốt lửa để có ánh sáng, hứng nước mưa nấu cơm, tắm bằng nước suối đục ngầu…

Ngày 10-11, sau bao vất vả vượt núi, băng rừng, chúng tôi đã đến được huyện miền núi Nam Trà My, địa phương đã hơn một tuần bị cô lập hoàn toàn do đường sá tắc nghẽn vì sạt lở núi. 

Tuyến quốc lộ 40B nối huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My cơ bản mới thông xe bước 1, nhưng cũng chỉ đủ cho xe tải cỡ nhỏ đi được. Con đường lầy lội như ruộng mới bừa xong, đất đỏ tràn khắp các mặt đường. Nhiều nơi điểm sạt lở “nuốt chửng” gần hết một con đường, chỉ đủ chỗ cho 4 bánh xe ôtô qua lọt. 

Lúc chúng tôi vào tới khu trung tâm hành chính huyện trời đã tối mịt, màn đêm buông xuống khắp núi rừng, bốn bề tối đen do không có ánh điện. 

Kể từ khi bão số 12 đổ bộ vào nước ta, tỉnh Quảng Nam tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại là tỉnh bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hoàn lưu bão khiến xảy ra lũ lụt trên diện rộng và sạt lở núi nhiều nơi. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 30 người chết, mất tích, hàng chục người bị thương do mưa bão.

Riêng huyện miền núi Nam Trà My đã có 6 người chết, hàng chục ngôi nhà bị đổ sụp, đất đá vùi lấp, chia cắt hoàn toàn tuyến quốc lộ 40B, khiến cho địa phương này bị cô lập nhiều ngày liền…

Bước sang ngày 11-11, chiếc xe bán tải chở chuyến hàng đầu tiên đã lò dò về đến trung tâm huyện, khiến nhiều người dân vui mừng khôn xiết, vì đã có cá tươi, có rau củ cho bữa ăn. 

Bà Phan Thị Bạn (53 tuổi, trú xã Trà Mai) thổ lộ rằng, các hộ dân đã nhiều ngày ăn cơm với cá khô, trứng, hoặc mì tôm. Mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt. Vì vậy, khi chiếc xe bán tải chở hàng rau củ, thức ăn từ miền xuôi lên, bà đã tranh thủ chen chân vào lựa cho mình vài con cá biển, vài củ cà rốt để “đổi vị”. 

Anh Võ Văn Hưng (39 tuổi, Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam) đã nhiều ngày liền cứ phải ngóng ra, ngóng vào thông tin từ tuyến đường 40B. Anh cho hay, anh thuê trọ trên Nam Trà My để ở, hằng ngày anh đều dùng chiếc xe bán tải chạy xuống vùng xuôi mua các loại rau, củ quả, nhu yếu phẩm lên để bán cho đồng bào vùng cao. 

Công nhân ngành Điện đang nỗ lực khắc phục sự cố mất điện tại huyện Nam Trà My.

Đồng thời, anh cũng nhận cung cấp lương thực cho các trường bán trú. Do đó, khi tuyến đường 40B bị chia cắt, anh rất lo lắng, ngóng trông từng ngày thông đường. 

“Ngày nào cũng ngóng. Cứ thậm thò thậm thụt rồi lại chạy đi xem đường. Tôi muốn đem thức ăn lên cho bà con mà không có cách nào đi được. May quá, giờ đường thông rồi, tuy còn vất vả nhưng mà không sợ các em học sinh bị đói”, anh Hưng chia sẻ.

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc cho biết, khi xảy ra mưa lũ, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Nhưng vì các em đã tới trường, nhà lại xa, sạt lở núi xảy ra ở khắp các nơi nên nhà trường đã giữ các em ở lại và bố trí giáo viên chăm sóc cho các em trong những ngày mưa bão. 

Do đường sạt lở bị cô lập nên nhiều giáo viên cũng không thể đến trường. Nhà trường chỉ sử dụng lực lượng giáo viên cơ động tại chỗ để dạy cho các em trong những ngày này. Bữa ăn của các em chủ yếu dựa vào những lương thực, thực phẩm có sẵn như mì tôm, trứng gà… 

“Các em đã ở lại trường gần 10 ngày rồi. Trong khi đó, đường ống dẫn nước của trường cũng bị hư hỏng, điện lại bị cắt nên chúng tôi chỉ có thể tận dụng nước mưa để nấu ăn và dùng đường ống dẫn nước từ các suối trên núi để cho các em tắm. Ban đêm trường cũng cúp điện nên các thầy cô giáo đã đưa các em về nhà mình ăn, ngủ để tiện bề chăm sóc”, thầy Ngọc bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói rằng, khi xảy ra mưa lũ, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã cùng với lực lượng Công an và các ban, ngành liên quan đã đến để giúp người dân di tản; tiến hành cứu hộ, cứu nạn tại các điểm bị sạt lở, đồng thời chăm sóc cho người dân. 

Sau mưa lũ, với phương châm “4 tại chỗ”, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đồng thời phối hợp với đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 40B triển khai san ủi đất đá, thông đường và thông các tuyến đường liên xã, giúp người dân sửa chữa tạm thời các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi đảm bảo phục vụ đời sống và sản xuất.

Huyện cũng cắt cử các đoàn công tác xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn cho nhân dân làm chuồng trại, dự trữ thức ăn gia súc, tránh tình trạng gia súc bị chết do đói, rét; vận động sử dụng các vật liệu tại chỗ và hỗ trợ lẫn nhau khắc phục tạm thời nhà cửa bị tốc mái, ngã đổ; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực và giải quyết trợ cấp đột xuất cho các gia đình có người bị nạn… 

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả nhanh nhất có thể, để bà con sớm ổn định đời sống và sản xuất”, ông Bửu nói.

Vinamilk hỗ trợ 3 tỷ đồng cho người dân vùng lũ

Nhằm giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ trao tặng 3 tỷ đồng, tương đương 30 căn nhà cho người dân 3 tỉnh Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa, đồng thời tổ chức khám, tư vấn dinh dưỡng và phát sữa cho khoảng 1.000 học sinh, phụ huynh và giáo viên tại đây. 

Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, Vinamilk đã ủng hộ 116 ngàn hộp sữa tương đương 1 tỷ đồng cho trẻ em ở những nơi chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bão tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An, nhằm giúp các em bổ sung nguồn dinh dưỡng, phục hồi thể chất. Ngoài ra, công ty còn trao tặng 400 triệu đồng cho các hộ nghèo bị ảnh hưởng do bão lũ tại hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức (Hà Nội).                     

H. Ly

Hà Vy
.
.
.