Ninh Thuận trong cơn đại hạn

Thứ Ba, 08/03/2005, 16:22

Từ tháng 9/2004 đến nay, Ninh Thuận không hề có mưa. Trước đó, mưa cũng chỉ lác đác, lượng mưa chưa đầy 400mm trong suốt năm 2004 - thấp hơn nhiều so với một cơn mưa gây lũ quét một năm trước đó. Chưa bao giờ Ninh Thuận phải đối mặt với một trận hạn hán khốc liệt và dai dẳng đến thế.

Tất cả các hồ chứa  nước trên toàn tỉnh như hồ Tân Giang, Suối Lớn, Ông Kinh, CK7, hồ số 8... đều đã cạn tới đáy, xuống thấp dưới mực nước chết từ nhiều tháng nay. Hồ Tân Giang có cao trình 37m, dung tích thiết kế 13 triệu m3, nay đã tụt dưới mực nước chết những 19m, lượng nước còn lại trong hồ chỉ còn 400.000m3, trong khi lượng nước bổ sung về hồ hoàn toàn không còn.

Anh Châu Tấn Lo, cán bộ kỹ thuật của hồ Tân Giang trình bày bằng giọng lo lắng: “Hiện nay, chúng tôi chỉ dám xả, bơm nước sinh hoạt cho dân các xã Nhị Hà, Phước Hà (huyện Ninh Phước) một cách cầm chừng vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thì ngay cả việc bơm cầm chừng như thế, giỏi lắm cũng chỉ cầm cự thêm được 10 ngày. Sau đó, nước đâu cho dân dùng vẫn là bài toán đau đầu.

Nguồn nước chính cung cấp cho Ninh Thuận là nước hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) - hồ đầu nguồn của công trình thủy điện Đa Nhim cũng chỉ còn 64 triệu m3 nước, hiện chỉ được xả với lưu lượng 9-10m3/s so với mức 13,3m3/s cùng kỳ năm trước. Cá biệt, trong những ngày 8 đến 10/2/2005, lượng nước xả chỉ đạt 5-6m3/s. Nước quá ít khiến tất cả các cánh đồng thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước đều nứt nẻ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã buộc phải điều chỉnh bằng cách hoãn kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân trên một phần diện tích của toàn tỉnh. Nông dân tiếc việc, vẫn gieo 800ha ngoài kế hoạch, hiện đang cực kỳ khó khăn về mặt thủy lợi. Trong số này, có tới 150ha lúa sẽ chết trắng vì không thể có nước tưới.

Múc nước cho cừu uống.

Do nước hồ Đơn Dương xuống quá thấp, không đủ xả nên hiện tại đập Nha Trinh - Lâm Cấm, mực nước phía đầu nguồn đã thấp hơn mặt đập 0,7m. Hạ nguồn sông Dinh đã cạn kiệt, tạo cơ hội cho nước biển xâm thực sâu theo lòng sông 3km, vào tới tận chân cầu Đạo Long 2 trên quốc lộ 1. Những năm trước, dịp cận tết, những người buôn bán hoa mai thường đem cành mai xuống ủ dưới bờ cát cạnh cầu Đạo Long 1. Năm nay, mai buộc phải đem lên bờ, vì nước sông đã nhiễm mặn không thể ủ được.

Khô hạn gay gắt đã khiến tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra sớm hơn nhiều so với thời điểm năm 2003-2004. Chỉ trong nửa đầu tháng 2/2005, toàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ cháy rừng, thiêu rụi 89,7ha. Tỉnh đã phải huy động gần 2.000  lượt người tham gia dập lửa. Thiệt hại tuy không lớn (vì chủ yếu chỉ cháy rừng chồi, trảng cỏ) nhưng mối nguy thì vẫn còn lơ lửng. Nếu trong vòng nửa tháng tới vẫn không có mưa, gần như chắc chắn 550ha/1.150ha rừng trồng mới năm 2004 của tỉnh sẽ bị chết khô 100%. Thiệt hại do hạn hán trên toàn tỉnh, tính đến thời điểm này là 111,052 tỉ đồng, trong đó sản xuất trồng trọt thiệt hại 89,752 tỉ và chăn nuôi thiệt hại 20 tỉ đồng. Hạn hán khả năng còn kéo dài, nhưng thiệt hại hiện tại đã xấp xỉ tổng số tiền nộp ngân sách trung bình/năm của toàn tỉnh. Mùa giáp hạt sắp đến, nguy cơ phải cứu đói trên diện rộng ở Ninh Thuận đã hiện ra trước mắt.

Con người khốn khổ, vật nuôi lao đao

Tại huyện Bác Ái, tất cả những con suối đều đã hết nước suốt 7 tháng nay. Những giếng nước do nhân dân tự đào chính giữa lòng sông, suối cũng đã khô nẻ đáy. Toàn bộ nước sinh hoạt, người dân chỉ trông chờ vào xe tiếp tế do tỉnh điều động. Tại các thôn Vụ Bổn (Phước Nam), Hậu Sanh (Phước Hữu, Ninh Phước), lao động chính trong các gia đình đều phải thức dậy từ 2 giờ sáng để đi tìm nước hoặc để xếp hàng nhận nước từ xe bồn tiếp tế, gần trưa mới có thể có nước mang về.--PageBreak--

Toàn huyện Ninh Hải và xã Văn Hải nằm ngay bên cạnh thị xã Phan Rang, nguồn nước sinh hoạt của dân cũng chỉ trông chờ vào xe tiếp tế của tỉnh, đang được huy động từ mọi nguồn lực và chạy hết công suất suốt ngày đêm. Nước sông cạn mà nước nguồn cũng kiệt. Nhà máy nước Phú Quý vốn được thiết kế chỉ để cấp nước cho riêng thị trấn Phước Dân, nay phải tăng cường bơm để “giải khát” cho nhiều địa phương lân cận nên đã hụt nghiêm trọng, trữ lượng nước ngầm giảm khoảng 20-40%.

Để khẩn cấp “cứu cháy”, nhà máy đã phải thuê cán bộ của Liên đoàn địa chất về khảo sát lại trữ lượng nước ngầm, đồng thời chuẩn bị khoan thêm hàng chục giếng mới. Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc nhà máy, cho biết: “Thậm chí chúng tôi đã phải mua... giếng của dân”. Cụ thể ngày 24/2/2005, Nhà máy đã phải ký hợp đồng khai thác giếng của gia đình ông Phú Minh Thánh ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam với giá 5 triệu đồng/năm trong vòng 5 năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Giang gãi tai: "Không còn cách nào khác".

Theo chủ trương của tỉnh, nguồn nước sạch xuất từ nhà máy chở đến từng thôn, xóm, nhà máy chỉ thu 4.000đ/m3 – bằng tiền chi phí khai thác – do Nhà nước trả, nước được cấp phát miễn phí cho dân. Tuy nhiên, nguồn này vẫn không đủ, 748 hộ ở xã Phước Minh, Phước Nam, dân vẫn phải xếp hàng để mua nước từ nguồn do tư nhân chở đến với giá từ 17.000đ-30.000đ/m3, dù chất lượng nguồn nước không lấy gì làm đảm bảo.

Huy động xe bồn cấp nước cho dân.

Ngay cả những địa phương nằm ngay bên bờ sông Dinh (sông Cái - lớn nhất toàn tỉnh) nước ngầm cũng tụt và ô nhiễm nặng. Khoảng 50 giếng ở Thuận Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước) nước đều cạn. Nhân dân tự tổ chức nạo vét sâu thêm, nhưng nước đưa lên không thể dùng được vì nổi váng và có mùi trứng thối (H2S). Đào giếng dưới sông cũng không ăn thua vì chỉ có nước mặn. Do đó, cứ 3, 4 giờ sáng, hàng trăm hộ gia đình ở đây lại phải rồng rắn tập trung chờ mua nước máy tại một gia đình ở sát chân cầu Đạo Long 2.

Đúng thời điểm này năm trước, nước sông Lu ở thôn Nho Lâm, xã Phước Nam luôn đầy ắp khoảng 3-4m. Hiện nay, ngay cả các giếng đào giữa lòng sông cũng cạn kiệt. Mỗi  ngày, có tới hàng ngàn trâu, bò, dê, cừu tập trung về vũng nước duy nhất còn sót lại ở đây để giải khát, gây ô nhiễm nặng cho lòng sông.

Không có nước uống, gánh nước ra đồng, lên núi cho gia súc uống không xuể, các hộ chăn thả gia súc đã phải lùa hết vật nuôi từ trên rừng, ruộng băng đồng về tập trung quanh thị xã, thị trấn để có thể giải khát cho chúng. Một hình ảnh hy hữu, ngược chiều đã xảy ra tại Ninh Thuận: người... xuống giếng (để nạo vét) và trâu, bò, dê về phố.

Tổng đàn gia súc của tỉnh gần 200.000 con gồm 99.000 trâu bò và 109.000 dê, cừu được tập trung hết về gần thị xã Phan Rang và một vài thị trấn của các huyện. Hình ảnh đàn gia súc hàng trăm con nghễu nghện đi giữa đường phố, sau lưng chúng là những nông dân đen cháy, với bó cỏ lặc lè chất trên xe máy không còn là điều hiếm hoi ở Ninh Thuận.

Đồng khô cỏ cháy, nước thiếu nên thức ăn cho gia súc cũng đã cạn kiệt, đe dọa nghiêm trọng đàn vật nuôi tỉnh này. Hiện nay, trồng cỏ thu nhập cao hơn trồng lúa. Cỏ voi cho bò ăn có giá từ  800-1.000 đ/kg. Rau muống chạc  (loại già cỗi), giá cũng 800đ/kg, đắt hơn cả rau ăn cho người. Nguồn rơm, rạ trước đây sau thu hoạch, nông dân bỏ lại ruộng, rồi đốt bỏ, nay cũng được tận dụng triệt để: mỗi xe bò rơm giá  200.000đ. Trước, cành nho, lá nho cắt xong, chủ rẫy còn phải thuê người dọn đổ, không dám cho gia súc ăn (vì sợ dư lượng thuốc trừ sâu quá lớn) nay thì chưa kịp cắt đã có người đến tranh giành xin mua. Xô xát trong việc tranh mua rơm, cành nho và khai thác nguồn nước đã xảy ra ở một vài nơi và nguy cơ sẽ ngày càng gay gắt, nếu hạn hán  còn kéo dài (và chắc chắn sẽ kéo dài).

Trong cái khó ló cái khôn, những hộ chăn  nuôi ở thôn Lương Tri, Phước Nhơn, huyện Ninh Sơn đã nghĩ ra cách đốn cây xương rồng về ủ rơm đốt cho rụng bớt gai và thả cho dê, cừu ăn. Đáng ngạc nhiên, chúng ăn tất, và có vẻ như khá... khoái khẩu. Dù sao xương rồng vẫn còn dễ nuốt hơn nhiều so với chiếu cũ, giấy báo, tranh lá buông... những thứ mà cừu dê xứ hạn đã tự lấy làm... quen miệng. Chỉ ngặt một nỗi, hiện rơm rạ đã không còn, người chăn nuôi chưa nghĩ ra cách gì để đốt gai xương rồng cho gia súc.

"Để có nước cho dân, bằng giá nào cũng phải làm"

Đó vừa là chủ trương, vừa là quyết tâm của UBND và các ban ngành đoàn thể tỉnh Ninh Thuận. Ngày 18/2/2005, Phó Chủ tịch tỉnh Trương Xuân Thìn đã có chỉ thị yêu cầu tất cả các địa phương, ban ngành trong tỉnh phải huy động mọi nguồn lực để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân và nước cho chăn nuôi gia súc, hai vấn đề cấp bách  nhất – theo phương châm địa phương và nhân dân cùng làm, kinh phí do Nhà nước cấp.--PageBreak--

Trên thực tế, các biện pháp nói trên đã được địa phương thực hiện từ lâu. Cụ thể, tỉnh đã cho đào, nạo, vét 55 ao, hồ; chi kinh phí đào mới 376 giếng. Từ tết đến nay, 30 xe bồn của Tỉnh đội và xe cứu hỏa của Công an đã được tỉnh điều động để chở nước sinh hoạt cho dân 24/24 giờ. Tại các xã vùng xa, vùng cao, tỉnh đã cho lắp đặt  45 xìtẹc loại lớn, biến chúng thành điểm cấp nước miễn phí. Tại các địa phương, xe bò, xe công nông, ôtô, máy bơm của tư nhân cũng được huy động tối đa cho việc chở nước. Xăng xe, kinh phí tỉnh cấp đầy đủ và kịp thời.

Tính đến thời điểm 26/2/2005, số tiền hỗ trợ để khắc phục hạn hán đã lên tới  3,1 tỉ đồng. Gạo cứu đói cũng đã được cấp phát cho dân gồm huyện Ninh Phước 200 tấn, Ninh Hải 220 tấn, Ninh Sơn 210 tấn và Phan Rang 60 Tấn. Trước mắt, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai kế hoạch hỗ trợ khẩn trương cấp đợt hai 5 tỉ đồng cứu hạn và 2.964 tấn gạo cứu đói (49.389 khẩu x 10 kg/khẩu x 6 tháng) cho dân các vùng không sản xuất được vụ Đông Xuân. Tổng cộng, hơn 11 tỉ đồng sắp được xuất khỏi ngân sách, trong đó riêng hỗ trợ nước sinh hoạt đã lên tới 1 tỉ đồng.

Dù Ninh Thuận đã hết sức cố gắng, hạn hán vẫn đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân, cây trồng vật nuôi trên diện rộng của toàn tỉnh. Không còn thức ăn, đàn gia súc đang giảm rất nhanh giá trị, khả năng phát triển đàn lẫn mức tăng trọng và khả năng sinh sản; khả năng chết hàng loạt do suy kiệt là điều khó tránh khỏi, nếu hạn vẫn kéo dài.  Tuy nhiên đến nay, do sự kiên trì và kịp thời hỗ trợ của chính quyền, điều đó vẫn chưa xảy ra. Gần đây, hộ ông Thiên Sanh Tấn ở thôn Phước Lập (Phước Nam, Ninh Phước) chết  23 con dê một lúc gây hoang mang cho người chăn nuôi. Chi cục thú y địa phương đã cho lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Chưa có kết luận, nhưng nhiều khả năng dê chết là do sự nhầm lẫn đáng tiếc của người chăn nuôi. Do uống phải nước bẩn, đàn dê 58 con của ông Tấn bị đau bụng. Ông Tấn đã dùng thuốc vệ sinh, sát trùng chuồng trại đề phòng dịch cúm gà, pha nước cho dê uống với suy nghĩ giản đơn là thuốc này có thể... diệt khuẩn cho dê dẫn đến việc dê chết hàng loạt, hoàn toàn không phải vì nguyên nhân suy kiệt, thiếu nước, từng khiến nhiều người lo lắng.

Một trường hợp khác, một chủ trại lớn là ông Thành Tầm ở thôn Lương Tri, xã Phước Nhơn đã lùa đàn bò 500 con và đàn dê 200 con từ núi Ninh Sơn về tránh hạn tại thôn Phước Khánh, ngay bên sông Dinh gần thị xã Phan Rang. Một con bê trong đàn yếu sức, không chịu nổi đoạn đường di chuyển khá xa. Không bán, ông Thành Tầm đã xẻ thịt bê, phơi khô chia cho người làm công. Thông tin này đã được phản ánh hơi quá đáng thành “bò chết, thịt phơi đỏ lều...” cũng khiến tạo ra cái nhìn về hạn hán và nỗ lực chống hạn của người dân Ninh Thuận, trở nên thiếu khách quan và chính xác.

Chủ tịch xã Phước Hữu Nguyễn Thanh Tâm (Ninh Phước) cho biết: “Chưa đầy nửa tháng sau tết, tôi đã phải ký giấy đăng ký tạm vắng cho hơn 1.000 lao động (trong tổng số 6.000 lao động/16.000 dân toàn xã) ở Phước Hữu. Hạn không có việc làm, họ bỏ làng, bỏ ruộng rẫy vào Tp.HCM tìm việc cầu âu”. Điều đó có nghĩa là sắp tới, địa phương này (cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh) sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng khi tới vụ. Chưa hết, ông Thanh còn tỏ ý lo ngại: Nếu ngành giáo dục không miễn giảm học phí và các khoản đóng góp thời gian tới, số lượng học sinh bỏ học sẽ không nhỏ. Sau đó, Nhà nước lại phải mất kinh phí tổ chức các lớp phổ cập, tốn kém mà chất lượng chắc chắn sẽ không khả quan”. Ẩn sau mối lo của một nhà hoạt động thực tiễn nặng trách nhiệm với người dân là một nguy cơ lớn, cũng xuất phát từ hạn hán.

Theo dự báo, hạn hán ở Ninh Thuận sẽ còn kéo dài ít nhất đến tận cuối tháng  3 âm lịch. Hiện nay, hạn hán đã lan sang tận các huyện Tuy Phong, Bắc Bình Thuận, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận với mức độ gay gắt không kém. Dải đồng bằng Tam Phan đang đứng trước một nguy cơ và đang hết sức cần được quan tâm giúp đỡ

Nguyễn Hồng Lam
.
.
.