Niềm vui xuân mới nơi “ốc đảo” vùng biên

Thứ Sáu, 12/02/2016, 07:59
Tết này dường như là cái Tết vui nhất từ trước đến nay với người dân thôn Atu 1 và Atu 2, xã Chơm, huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam), khi có thông tin, làng sẽ được di dời đến nơi ở mới, thoát được cảnh “ốc đảo”.

Bao đời nay, làng Atu 1 và Atu 2 nằm cách biên giới Việt – Lào chưa đầy 800m, những ngôi nhà của người dân Cơ tu nơi đây nằm chênh vênh dọc theo các sườn đồi. Có nhiều người chưa một lần ra khỏi thôn để xuống trung tâm xã. Đường sá đi lại khó khăn, cách trở, ai cũng mong được di dời đến nơi ở tập trung, ổn định…

Chơm là 1 trong 4 xã biên giới thuộc khu 7 của huyện Tây Giang, cách trung tâm huyện hơn 50km. Thôn Atu 1 và Atu 2 cách trung tâm xã Chơm chừng 7km, song đường sá đi lại rất khó khăn nên bao đời nay, nơi đây được mệnh danh như “ốc đảo”  giữa vùng biên viễn xa xôi này. 

Người dân Atu 1 bên hồ chứa nước tự chảy duy nhất của thôn để chuẩn bị mâm cơm ngày Tết cổ truyền.

Một ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, khi mặt trời lên, sương bắt đầu tan dần, anh Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch UBND xã Chơm, bảo tôi để xe lại trụ sở xã và lên xe anh chở vào các thôn Atu vì “đường khó đi lắm, anh đi không quen rất nguy hiểm”. Con đường dẫn vào thôn Atu 1 và Atu 2 nhầy nhụa, dốc đứng quanh co, vượt qua nhiều khe nước nhỏ. Sau gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy, khi chỉ còn 1km nữa là vào đến các thôn, anh Vinh dừng xe, chỉ cho tôi những ngôi nhà nằm men theo sườn núi: “Điểm mình cần đến ở đó, song giờ không đi xe được nữa. Còn 1km nữa, chúng ta phải đi bộ thôi đồng chí nhé”.  

Anh Vinh bảo tôi, thôn Atu 1 có 61 hộ với 324 nhân khẩu; thôn Atu 2 có 26 hộ với 127 nhân khẩu. Trừ cán bộ thôn và một số cán bộ xã ở 2 thôn này thì 100% người dân nơi đây là hộ nghèo. Bao đời nay, người Cơ tu ở 2 thôn này sống rải rác trên các sườn núi. Có cụm dân cư chỉ 2 hộ, có cụm 5 hộ...

Những ngày Tết, chúng tôi đến các bản làng vùng biên này, đâu đâu cũng bắt gặp nụ cười vui vẻ của người dân trong năm mới. Vì không có mặt bằng rộng nên cả 2 thôn Atu 1 và Atu 2 đều không có nhà Gươl, nơi sinh hoạt cộng đồng của người Cơ tu. Bên bếp lửa nhà sàn, lãnh đại các thôn đều có mặt. 

Thay mặt bà con, ông Bríu Nhâng, Trưởng thôn Atu 1, bày tỏ mong muốn lãnh đạo cấp trên sớm tạo điều kiện để họ di dời đến nơi ở mới, gần đường xe thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán. “Ước mơ lớn nhất của bà con là sớm được di dời thôi. Có như vậy mới mong cuộc sống người dân phát triển được, chứ không thì cứ nghèo mãi thôi. Nhiều người có ý định sửa lại nhà nên đã đi tìm gỗ về trữ, song nghe có thông tin di dời nên mấy năm nay gỗ để trong mưa nắng cũng mục dần hết. Tôi mong sao trong năm mới, kế hoạch di dời sẽ được sớm thực hiện để người dân chúng tôi được đến nơi ở mới có thuận tiện hơn”, ông Nhâng bộc bạch. Điều đáng mừng, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song mấy năm gần đây, ở Atu luôn có những em học sinh hiếu học, thi đậu vào các trường danh tiếng. Và đó chính là nguồn lực đổi thay ở nơi này… 

Chia tay bà con vùng biên, mang theo những nguyện vọng của người dân miền biên viễn, chúng tôi về trung tâm huyện gặp ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, thì được ông chia sẻ lãnh đạo huyện rất quan tâm đến việc di dời người dân ở thôn Atu 1 và Atu 2 nên đã sớm triển khai tìm mặt bằng. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương phê duyệt đầu tư dự án di dời này. “Quý I-2016 sẽ tiến hành san ủi mặt bằng với diện tích 2ha/thôn với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng mỗi mặt bằng để thực hiện việc di dời, dự kiến đến quý III-2016, công tác san ủi mặt bằng sẽ hoàn thành”, ông Bhling Mia chia sẻ. Và như thế, người dân “ốc đảo” vùng biên năm nay đã có một cái Tết thật ấm áp, đầy hy vọng cho sự đổi thay trong tương lai…

Ngọc Thi
.
.
.