Những ước mơ giản dị ở xã có 200 nạn nhân chất độc da cam

Thứ Ba, 10/05/2005, 07:30
Dọc theo quốc lộ Bắc Thăng Long - Nội Bài, men theo con đường rải nhựa, phải đi lòng vòng một đoạn đường dài, chúng tôi mới đến được xã Minh Trí  (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi mà hàng ngày có hơn 200 người phải sống cùng "nỗi đau da cam".

Cái nắng đầu hè nơi đây có gì đó khang khác so với những nơi chúng tôi đã từng đến. Nắng và gió cứ oà lên từng đợt, chẳng yên bình mà cũng không dữ dội. Ở nơi đây có những cô bé ngồi trên xe lăn nhưng trên môi vẫn tươi nụ cười mang hy vọng sống tốt, sống đẹp, có những cô gái mang trên mình di chứng của chất độc da cam nhưng vẫn luôn có những khát khao cháy bỏng với cuộc đời…

Đã từ nhiều năm nay, anh thương binh Nguyễn Ngọc Bình (53 tuổi, thôn Lập Trí, Minh Trí) phải hàng ngày đối mặt với những cơn đau dai dẳng do ảnh hưởng của chất độc da cam. Năm 1973, khi vừa tròn 21 tuổi, anh đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, Quảng Trị…

Năm 1977, anh Bình phục viên và lập gia đình với chị Nguyễn Thị Chung. Lúc sinh đứa con gái đầu lòng anh chị mừng lắm. Khi ấy, anh Bình vẫn chưa biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Một thời gian sau, anh chị sinh con thứ hai, nhưng chỉ là một hài nhi dị dạng và chết yểu. Chị Chung khóc như vỡ trời vỡ đất, chị không hiểu sao đứa con mình mang nặng đẻ đau lại thành ra như vậy. Cầm bản kết quả xét nghiệm trên tay, họ nghẹn ngào trong nước mắt. Anh chị đã biết vì sao đứa con chưa một ngày được làm người của mình lại ra đi như vậy.

Anh mang trong mình chất độc da cam, chất độc mà giặc Mỹ đã rải xuống nơi anh đóng quân hồi trước. Với hy vọng nhỏ nhoi, anh chị Bình sinh tiếp con thứ 3 và đặt tên là Nguyễn Thị Nhàn. Với cái tên ấy, biết đâu con bé Nhàn lại được an nhàn, hạnh phúc?! Nhưng được một năm tuổi, lưng bên phải của Nhàn cứ to dần lên và lệch.

Đứa trẻ một tuổi ấy cứ chập chững bước thấp, bước cao lệch hẳn về bên phải. Hai vợ chồng nhìn bước đi thơ ấu đầu tiên của con mà nước mắt chảy ngược vào trong. Cô bé Nhàn cũng dần trưởng thành như bao cô gái khác, duy chỉ có một điều: "Lưng em hay đau lắm. Lúc nào em cũng phải đi nghiêng, ngồi nghiêng, nằm nghiêng". Nói đến đây, Nhàn bật khóc.

Khi đã nguôi ngoai, Nhàn kể cho chúng tôi về những ngày đầu tiên đi học của em. Điều đầu tiên khi Nhàn bước vào lớp là những tiếng cười rúc rích, có bạn không tốt còn trêu Nhàn là "Tể tướng Lưu gù"  hoặc "con gù đi học"… Đi đến đâu Nhàn cũng bị mọi người nhìn chằm chằm rồi vô tình trêu ghẹo. Nhàn rất muốn học tiếp nhưng lại sợ những lời gièm pha độc địa. Học hết lớp 9, Nhàn nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ công việc gia đình, chăm sóc hai em.

Tiền ăn học của các em, tiền thuốc thang cho bố, tiền thuốc cho Nhàn, tất cả chỉ trông vào mấy sào ruộng và đàn gà mà Nhàn cất công nuôi nấng. Bước sang tuổi 22, lẽ ra Nhàn đang được vui vẻ như bao người khác, lẽ ra Nhàn cũng là sinh viên một trường  đại học nào đó, nhưng ước mơ ấy đối với Nhàn đã quá xa vời. Giờ đây, Nhàn chỉ có một mong muốn giản dị: "Bố Bình sẽ không bị đau ốm, bố sẽ không phải gãi đến chảy máu, xước da mỗi khi chất độc kia phát tác!"

Đôi vợ chồng già và 2 người con "da cam"

Khi mới bước vào, những gì chúng tôi thấy là hình ảnh của gian nhà ngang ọp ẹp, bừa bộn và 2 thanh niên đang ngơ ngác, sợ hãi khi nghe tiếng xe máy nổ. Thấy người lạ đến nhà, đứa em nhảy vọt lên thành giếng, trèo lên bờ tường rồi chạy trốn mất tăm, còn người anh thì ngơ ngác cười nói: "Quê hương đấy!", "Xấu hổ đấy!", "Khoái, khoái!"...

Đó là hai người con của ông Nghiêm Xuân Thưởng (62 tuổi, thôn Thắng Trí, xã Minh Trí, Sóc Sơn), là thương binh hạng 2/4. Cả thời thanh niên trai trẻ ông vào Nam, ra Bắc phục vụ cách mạng. Nhập ngũ năm 1966, đến năm 1968 đi chiến trường Quảng Nam, năm 1969 ở chiến trường Đông Dương...

Cũng như bao đồng đội không may mắn, khi phục viên trở về quê nhà, ông Thưởng đã bị nhiễm chất độc da cam mà sau này ông mới biết khi các con ông lần lượt bị tâm thần. Ông Thưởng có 5 người con trai nhưng không may, 2 trong số 5 người con ấy bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đó là Nghiêm Văn Thủy (28 tuổi, con trai thứ  ba), Nghiêm Văn Thành (22 tuổi, là con trai út). Bà Tính (vợ ông Thưởng) vừa lấy vạt áo lau nước mắt vừa kể: Lúc bà mang thai Thủy và Thành rất khác lạ. Cả hai lần sức khỏe đều bình thường, bụng cứ to lùm lùm nhưng lại không bao giờ thấy con đạp, không cảm nhận được nhịp thở của con.

Năm 1977, Thủy ra đời nhưng chẳng biết khóc, biết cười. Từ bé đến lớn cứ lầm lũi, đói không biết đòi ăn, khát không biết đòi uống. Thế rồi thằng Thành cũng giống như anh nó. Hai đứa giống hệt nhau về tính cách, hành vi. Tuổi thơ của Thủy và Thành khiến cho vợ chồng ông Thưởng rất đau xót. Hai đứa con mà ông bà dứt ruột sinh ra suốt ngày chỉ lang thang, không biết làm gì. 

Có ai hiểu được nỗi đau của người mẹ ấy khi hàng ngày chứng kiến con mình có lớn mà chẳng có khôn, có ai hiểu nỗi mệt nhọc mỗi lúc đêm xuống là hai đứa con của bà lại gào khóc, xé quần áo rồi đánh đập lẫn nhau... Những tưởng, tai họa sẽ dừng ở đó, nhưng ông bà Thưởng lại phải mang thêm gánh nặng khi người con trai cả bị tai nạn rồi mắc bệnh tâm thần. Khó khăn chồng chất khó khăn. Hai vợ chồng già với 3 người con trai lớn tuổi, ngây ngô đã khiến cho không khí gia đình ông chưa một ngày được êm ả. Hai vợ chồng ông chẳng có ước muốn gì cao hơn ngoài việc hàng ngày kiếm đủ gạo nuôi 3 người con tật nguyền.

Tạm biệt Minh Trí, chúng tôi quay lại thành phố. Khi bước đi, chúng tôi vẫn thấy hiển hiện trong tâm trí những nụ cười gắng gượng của những người cha, người mẹ như ông Thưởng - bà Tính, như anh Bình - chị Chung... Chúng tôi tin, nhưng liệu họ có đủ nghị lực để vượt lên số phận trớ trêu ấy không?

Lê Nhung
.
.
.