Những tình nguyện viên ham chơi

Thứ Sáu, 06/01/2006, 07:00

Một cô học sinh cấp ba xin đi theo một nhóm tình nguyện tuyên truyền về sức khỏe sinh sản hẳn hoi. Chả biết "tương truyền" được cho bao nhiêu người, chỉ biết sau mấy tháng hoạt động, cái bụng cô đã "sưng" lên trông thấy.

1. Cô gái tên Vân, mình dày thân ngắn nhưng có mái tóc đen thật óng mượt, cúi xuống hấp háy mắt thì thầm: "DG (DG là dòng chữ viết tắt tên nhãn hiệu thời trang in trên áo một cậu bé) kết em, mấy hôm họp chuẩn bị đi cứ đòi đưa đón em, đến khi chia nhóm thì DG xung phong ngay vào nhóm có em. Nhưng mà em không, em kết anh Hiếu. Anh Hiếu với em thì "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Mấy hôm nữa vào rừng rồi, chắc là sẽ mạnh dạn hơn".

Vân đã tốt nghiệp phổ thông nhưng thi trượt đại học, tham gia vào một đội tình nguyện đi khảo sát số lượng cá thể động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Cùng với Hiếu, cô bé sẽ có hơn mười tối ngủ cả nhóm trong lán trại, ngày chỉ riêng hai đứa leo lên điểm khảo sát, mắc võng ngồi chờ thú rừng đi qua. Tất nhiên là trước khi cho đi, bố mẹ đã gửi gắm em với một cô chị cùng đoàn, nhưng không hề biết rằng cô chị đó cũng bận rộn tít mù trong một câu chuyện tương tự. Và có trời mới biết những chuyện gì đã xảy ra.

Nếu tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của một số thanh niên tình nguyện, bạn có thể thấy các câu đại loại như: "Con bé kia ngon nhỉ, để phần tao!" hoặc "Đi mấy tuần rồi, mày đã thịt được nó chưa?", cả người nói và đối tượng được nhắc đến đều là thành viên chung của một nhóm tình nguyện nào đó. Bạn đừng cho rằng đó là chuyện trẻ con chỉ dừng lại ở câu nói.

Người điều hành một câu lạc bộ tình nguyện kể cho tôi chuyện một cô học sinh cấp ba xin anh cho đi theo một nhóm tình nguyện. Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản hẳn hoi, chả biết nói được cho những ai, chỉ thấy sau mấy tháng hoạt động, cái bụng cô đã "sưng" lên trông thấy. Đấy là để giải thích vì sao anh này không muốn cho một số cá nhân nào đó tham gia vào câu lạc bộ của mình, khi mà "chúng làm ít chơi nhiều, lỡ có chuyện gì xảy ra thì sao".

Ngoài những tình huống khó lường kiểu như trên trong nội bộ các tình nguyện viên, hậu quả tương tự hoàn toàn có thể xảy ra cho các bé gái tham gia vào. Ví dụ các lớp học buổi tối hay sinh hoạt văn nghệ với những tình nguyện viên kiểu này, đặc biệt ở khu vực nông thôn khi mà bờ ruộng, bụi tre cũng có thể là nơi chốn của những bất trắc vốn luôn tiềm ẩn cạnh các em.

2. Vũ là đương kim chủ tịch một câu lạc bộ tình nguyện đứng vào hàng lớn nhất ở Hà Nội với hơn 100 thành viên, tóc dài, da tái, môi thâm đúng tướng một người nghiện thuốc lá nặng. Vũ đã có thâm niên hoạt động tình nguyện gần 3 năm, chỉ gián đoạn mấy tháng khi cậu đến công ty rượu và nước giải khát tư nhân của ông chú để thực tập tốt nghiệp ĐH DL Quản lý và kinh doanh. Nhưng, chỉ sau mấy ngày phải dậy sớm đến làm đúng giờ và thường xuyên đội mưa nắng đi thị trường, Vũ đã oải ngay, xin chú được... tự thực tập ở nhà.

Ra trường, cậu bảo cứ dành thời gian mà làm tình nguyện thôi vì chờ đến gần năm sau công ty nói trên mới có "biên chế" (???), nếu đến trước cũng chỉ để thử việc chả được gì, vì cái khoản này cậu là người nhà nên được miễn. Lại có lúc Vũ bảo, bố mẹ vẫn chu cấp để cậu được làm gì tùy thích thêm mấy năm nữa. Và mối lo duy nhất hiện nay của Vũ là các hoạt động của câu lạc bộ tình nguyện, hy vọng biến nó thành một tổ chức xã hội lớn để nhận tài trợ của nước ngoài.

3. Vì "làm tình nguyện là không tiêu tiền nhà" nên phải kiếm "trung ương cho tiền để ta đi tình nguyện", như lời một bài hát quen thuộc của các tình nguyện trẻ. Thế nên các tình nguyện viên hầu hết tham gia vào một câu lạc bộ đã được tài trợ bởi một tổ chức nào đó, hoặc năng động hơn thì tự thành lập các câu lạc bộ và đi xin tài trợ. Có thể bạn cũng từng biết đến một vài hoạt động kiểu này, ví dụ tình cờ nhận được e-mail mời tài trợ cho một chương trình tình nguyện, hoặc tận tai nghe thuyết giảng về uy tín, hiệu quả hoạt động... của một nhóm tình nguyện.--PageBreak--

Với các nhóm do tình nguyện viên tự tổ chức, vẫn chưa có những khoản tiền lớn được gửi gắm và chẳng lo chuyện thất thoát nếu có cũng không đáng là bao, ví dụ khoản tiền lớn nhất mà một câu lạc bộ tình nguyện khá có tiếng nhận được trước nay là cho dự án lớp học buổi tối của trẻ em lang thang: 500.000 đồng/lớp/tháng, hết 6 tháng thì... đi xin nơi khác.

Công bằng mà nói thì mỗi khoản tiền dăm trăm, một triệu đến những nơi này đã được sử dụng hiệu quả hơn ở bất kì tổ chức phi chính phủ nào tôi biết. Nhưng chưa hình dung ra các cô cậu này sẽ xoay xở như thế nào với một khoản tiền gần chục triệu, mặc dù các nhóm tình nguyện đều có những ước mong cao vời hơn thế nhiều.

4. Tôi viết bài này vào một đêm gió bấc thấu da. Phòng dưới của gian nhà nơi tôi nghỉ lại có một nhóm tình nguyện viên. Giữa khuya, một cậu bé lẩn ra sau nhà, trở vào cầm theo một cây nứa lớn. Những tiếng bước chân đuổi mau, tiếng kêu "Đóng cửa lại!", tiếng la hét "Buông ra, hôm nay không đánh được nó thì tao đ. ngủ được!". Cậu bé này, cũng như rất nhiều người trong nhóm tình nguyện đó, không vào đại học cũng chưa làm gì ngoài các công việc tình nguyện, đến ngày tổng kết chia tay thì mượn rượu làm cớ cãi cọ rồi vác gậy đánh nhau. Đêm ấy tôi không ngủ nữa.

Chỉ nhớ lại quãng bảy năm trước, có một đêm cũng đã gần thức trắng như thế này. Đó là đêm hội bên hồ Thiền Quang tổng kết mùa hè sinh viên tình nguyện đầu tiên của Thành đoàn Hà Nội, hàng trăm cánh tay sinh viên đã nắm lấy nhau, cùng ca hát để ôn lại một mùa hè đầy ý nghĩa. Cậu sinh viên báo chí là tôi đã lò dò đi với các nhóm tình nguyện, thấy cánh tay vừa dọn sạch ngõ phố đưa lên lau giọt mồ hôi, thấy mái đầu cặm cụi dưới ánh đèn vàng tìm sách dạy nuôi trồng chăm bón, thấy ánh nhìn bịn rịn của em nhỏ vùng quê mặc áo mới tiễn các anh chị sinh viên ngày về.

Và tôi đã gặp lại nhiều cánh tay như thế, gặp nụ cười thật trong sáng khi giương cao biểu ngữ kêu gọi bảo vệ môi trường và cùng đẩy chiếc xe lăn cho người tàn tật lên bục của ngày Tình nguyện viên quốc tế vừa tổ chức đầu tháng 12 tại Công viên Thống Nhất. Rất nhiều người đã đến, chia sẻ cùng những hoạt động thật hữu ích với xã hội này, và chúc mừng các bạn trẻ sớm biết góp tay làm việc cộng đồng hơn là chỉ căng mắt dùi mài sách vở…

An Hảo
.
.
.