Những thông tin mới về vụ án PMU18

Thứ Hai, 17/04/2006, 07:46

- Người phát ngôn Bộ Công an bác bỏ thông tin của Báo Tuổi trẻ và Báo Pháp luật TP HCM về việc Bùi Tiến Dũng tặng con trai một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an xe ôtô.
- Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc khẳng định: "Không có việc con một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và con một đồng chí lãnh đạo UBND TP Hà Nội mượn xe của Bùi Tiến Dũng".
- Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao không liên quan đến việc chạy án.

Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ra ngày 12/4/2006 và Báo Tuổi trẻ ra ngày 13/4/2006 đăng tin về việc Bùi Tiến Dũng mua 3 chiếc ôtô để đi tặng, trong đó, 1 chiếc cho con trai một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an; 1 chiếc cho con trai một đồng chí lãnh đạo UBND TP Hà Nội... từ năm 2000.

Những thông tin này đã gây ra dư luận không tốt trong nhân dân, đặc biệt là vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

Để có được thông tin chính xác, chúng tôi đã gặp Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng C14.

Thiếu tướng Quắc cho biết: Ngay sau khi có những thông tin nêu trên xuất hiện trên báo, lãnh đạo Cục C14 đã chỉ đạo các điều tra viên đi xác minh ngay nguồn gốc của 3 chiếc xe. Và cho đến nay, C14 khẳng định những chiếc xe đó đều được đăng ký mới từ năm 2003 và 2004 với tất cả giấy tờ hợp lệ. Những người sử dụng xe không có quen biết gì với Bùi Tiến Dũng cũng như Ban Giám đốc PMU18. Và Cơ quan điều tra vụ án PMU18 chưa bao giờ thông tin với các cơ quan báo chí về việc này vì không phải như thế.

Ngày 13/4/2006, Thiếu tướng Đặng Văn Hiếu, người phát ngôn Bộ Công an, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã có thông báo gửi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Bộ Văn hóa - Thông tin; các cơ quan thông tấn báo chí.

Thông báo nêu rõ: “Gần đây, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh số ra ngày 12/4/2006 và Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh số ra ngày 13/4/2006 đã đưa tin có 3 chiếc xe ôtô nghi vấn do Bùi Tiến Dũng mua biếu tặng, trong đó có một chiếc cho con trai một đồng chí Lãnh đạo Bộ Công an sử dụng.

Về việc này, Bộ Công an đã chỉ đạo Ban Chuyên án 420B kiểm tra và kết luận: Không có con đồng chí lãnh đạo Bộ Công an nào sử dụng xe có nguồn gốc của PMU18 dưới bất kỳ hình thức nào. Các bị can trong vụ án PMU18 không có bất kỳ lời khai nào về việc cho mượn xe có liên quan đến nội dung các báo trên đưa. Cơ quan điều tra cũng không có tài liệu nào phản ánh việc này.

Vì vậy, thông tin các báo trên đưa ra là không chính xác.

Người phát ngôn Bộ Công an đề nghị Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí chấp hành đúng Luật Báo chí và cẩn trọng khi đưa tin lên phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị có đính chính khi đưa tin sai sự thật”.

Trong Công văn số 940/C14 báo cáo lãnh đạo Bộ Công an do Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc ký khẳng định: “Không có đồng chí lãnh đạo UBND TP có con mượn xe ôtô của PMU18”...

Cũng trong những ngày qua, đã có nhiều thông tin về ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có liên quan đến việc chạy án...

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cho biết: “Cơ quan điều tra đã thực hiện điều tra thông tin này với ý thức cẩn trọng, đồng thời có sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ khác do Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo.

Đến nay C14 khẳng định là không có căn cứ để xác định Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao có liên quan tới việc chạy án.

Thực chất thông tin này chỉ là từ việc ông Giao có dự bữa cơm trưa tại khách sạn Melia cùng với các ông Cao Ngọc Oánh, Nguyễn Văn Lâm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Hiếu Vinh, Phó Vụ trưởng thuộc Văn phòng Chính phủ và Tôn Anh Dũng (tức Dũng “Huế”).

Sau khi thẩm tra, xác minh các lời khai của Tôn Anh Dũng và tường trình của Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh cũng như những người có liên quan, Cơ quan điều tra xác định không có bàn bạc việc “chạy án” trong bữa cơm này.

Hai ông phó tổng giám đốc tai tiếng ở PMU18

Lật lại quá khứ của lãnh đạo PMU18, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trong khi các tổng giám đốc (TGĐ): Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng mắc bệnh càn quấy và thích đánh nhau (chọc ghẹo rồi đánh nhau với cả một đám cave ở quán phở trên đường Nguyễn Du đêm 11/2/1995; thậm chí định đánh cả Phó Công an quận Hai Bà Trưng khi bị đưa về trụ sở Công an phường khiến Công an phường Bùi Thị Xuân phải xích chân cả 2 vào gầm bàn 1 đêm) thì Phó TGĐ Nguyễn Đình Thoàn cũng mắc “bệnh” thích nói chuyện bằng... nắm đấm với nhân viên; còn Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Long lại từng bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng.

Phó TGĐ PMU18 Nguyễn Ngọc Long là cháu ruột của ông Nguyễn Việt Tiến. Ngày 19/10/1994, khi đang là cán bộ của PMU18, ông Long đã bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” xảy ra tại khu vực Đầm Hồng, xã Thượng Đình, Thanh Trì và cho tới cuối tháng 1/1995 mới được trả tự do.

Theo kết luận điều tra số 52/PC16-Đ4, ngày 24/1/1995 của Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội thì: “Anh Long trước đây là cán bộ của Xí nghiệp Đường bộ 124 đóng tại Thường Tín, Hà Tây. Trong thời gian đi tìm trụ sở và nhà ở cho cán bộ công nhân viên xí nghiệp, anh Long có gặp anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Quân chủng Phòng không. Thời gian đầu, anh Long mua đất cho một số cán bộ trong xí nghiệp. Nhưng sau đó thấy người mua đất nhiều nên anh Long và anh Hiếu thỏa thuận với nhau như sau: anh Hiếu đưa cho anh Long toàn bộ giấy tờ cấp đất. Anh Long sẽ trực tiếp thu tiền và đưa lại giấy tờ cho những người mua đất.

Việc thanh toán giữa anh Long và anh Hiếu, thống nhất với nhau: giá 1m2 từ 145.000 - 160.000đ/1m2. Quá trình điều tra đã xác định rõ anh Long bán 5.894m2 cho 37 người, thu được số tiền 1.281.833.000đ. Anh Long đã thanh toán số tiền cho anh Hiếu là 874.610.000đ; còn lại 427.223.000 đồng, anh Long được hưởng. Trong đó, anh Long chi phí san lấp đổ thêm đất hết 48 triệu đồng; đưa cho anh Thân 40 triệu đồng (anh Thân đã tự nguyện nộp lại số tiền này). Còn lại 319.223.000đ gia đình anh Long đã tự nguyện nộp lại cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả”.

Cơ quan CSĐT xác định hành vi của bị can Nguyễn Ngọc Long và các đồng phạm đã can tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, phạm vào điều 180 Bộ luật Hình sự. Vì vậy Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND Hà Nội đề nghị truy tố theo tội danh trên.--PageBreak--

Tuy nhiên, ngày 17/5/1995, Viện KSND TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can số 27 do kiểm sát viên Phạm Viết Hoan ký vì “xét thấy hành vi phạm tội có tính chất cơ hội; đã nộp lại số tiền chênh lệch sung công quỹ Nhà nước; nhân thân tốt, phạm pháp lần đầu, đang có việc làm ổn định tại Ban Quản lý dự án 18 - Bộ GT-VT”. Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Việt Tiến là TGĐ PMU18. Vì vậy sau khi được đình chỉ điều tra, ông Long lại lên như diều gặp gió và cuối cùng là yên vị ở ghế phó TGĐ PMU18. Điều đáng nói là trong hồ sơ đảng viên và lý lịch cán bộ của mình, ông Long đã không khai vụ việc này.

Trong các Phó TGĐ của PMU18, ông Nguyễn Đình Thoàn là người tai tiếng không kém “sếp” Tiến và “sếp” Dũng vì tật thích nói chuyện bằng... nắm đấm. Trong lá “đơn trình bày về việc đánh người” gửi Bộ GT-VT và TGĐ PMU18, tháng 8/1999, anh Nguyễn Văn Sức, Tổ trưởng Tổ bảo vệ PMU18 đã rất bức xúc trình bày việc anh bị ông Phó TGĐ Nguyễn Đình Thoàn đánh ngay giữa sân cơ quan như sau: “15h30 ngày 23/8/1999, khi đội bóng đá của Ban chuẩn bị đi thi đấu, xe 15 chỗ do anh Hùng lái đưa vào tiền sảnh để đón anh em. Vừa lúc đó xe chở ông Thoàn đi từ ngoài vào bị vướng xe anh Hùng.

Ông Thoàn xuống xe đi thẳng ra phòng bảo vệ, lúc đó anh Tú, nhân viên bảo vệ đang trực, ông Thoàn chửi bới lăng mạ anh Tú. Vừa lúc đó, tôi ở sân đi vào, ông Thoàn chửi tôi và hỏi ai trực. Tôi trả lời anh Tú trực ca này. Ông Thoàn túm luôn ngực áo anh Tú vừa chửi vừa đấm vào mặt anh Tú, xong ông Thoàn quay sang tôi túm ngực tôi vừa chửi vừa đấm vào mặt tôi. Trong lúc đó, tôi có nói với ông Thoàn là xe vào đón đội bóng đi thi đấu. Ông Thoàn quát tôi vứt hết các thứ đồ để phục vụ đội bóng và giải tán đội bóng. Lúc đó anh Lợi, lái xe và anh Liêm Đội trưởng Đội xe chạy ra can thì ông Thoàn đấm luôn vào mặt anh Liêm. Nếu không có anh Lợi và anh Liêm can ngăn thì ông Thoàn đã vác chiếc xe đạp dựng ngay đó để đánh tôi”.

Đơn khiếu nại của 3 nhân viên bị ông Thoàn đánh.

Còn theo anh Lê Xuân Liêm thì sau khi đã đấm vào mặt anh, ông Thoàn còn mở valy lấy súng định uy hiếp anh(?). Trong đơn gửi lãnh đạo Bộ GT-VT trình bày sự việc này, cả 3 nhân viên bị ông Thoàn đánh hôm đó đều có chung tâm trạng bức xúc khi chỉ vì lý do rất đơn giản mà họ bị thủ trưởng cơ quan vô cớ đánh, lăng mạ, xúc phạm danh dự ngay tại sân cơ quan trước sự chứng kiến của rất nhiều cán bộ, nhân viên PMU18 và cả những người đi đường. Việc làm này không những vi phạm tư cách đạo đức đảng viên mà còn là vi phạm pháp luật.

Vậy mà mới đây, trong cuộc làm việc với các phóng viên, khi nhắc lại vụ việc này, ông Nguyễn Đình Thoàn vẫn khẳng định lúc đó ông chỉ “vừa nói vừa khoa chân múa tay chứ không phải tôi đấm vào mặt họ” (?!). Chúng tôi trích nguyên văn cuộc phỏng vấn này:

Ông Thoàn: Hôm ấy, tôi và đồng chí trưởng phòng PID 3 đi công tác Hà Tây để triển khai dự án Cầu Giẽ đi Vân Đình. Khoảng 15h, chúng tôi về đến cơ quan thì thấy xe đạp, xe máy chắn hết lối vào. Tôi xuống xe đi bộ vào và hỏi: Hôm nay ai trực. Có lẽ sợ bị khiển trách nên một số bảo vệ tránh mặt. Chiều hôm đó, tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ vì vậy rất vội nên tôi có nổi nóng và nói to. Khi một số nhân viên bảo vệ chạy ra, tôi vừa nói vừa khoa chân múa tay chứ không phải tôi đấm vào mặt họ.

PV: Ngay ngày hôm sau, các nhân viên bảo vệ này đã làm đơn trình bày gửi lên lãnh đạo PMU 18 và Bộ GT-VT, chẳng lẽ họ đã vu cáo ông?

Ông Thoàn: Cuối giờ chiều hôm đó, PMU có tổ chức thi đấu bóng đá, buổi tối có liên hoan và tôi không thấy ai có ý kiến gì về việc này. Đến trưa hôm sau, một cán bộ nói với tôi rằng: anh làm gì mà để nhân viên bảo vệ làm đơn kiện. Nhân viên bảo vệ ở đây cũng thuộc loại con ông cháu cha vì thế tôi thấy sự việc này có màu sắc nội bộ.

PV: Sau khi nhận đơn, lãnh đạo Bộ GT-VT đã kỷ luật ông?

Ông Thoàn: Tôi bị đình chỉ công tác nửa tháng để làm kiểm điểm, Hội đồng kỷ luật của PMU18 đã bỏ phiếu để cách chức tôi nhưng cuối cùng tôi chỉ phải chịu hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Sau này tôi có hỏi một người đã bỏ phiếu cách chức tôi thì người ấy nói: làm việc ấy (bỏ phiếu đồng ý cách chức ông Thoàn) vì được phân công.

PV: Ông vừa nói, ông không đánh bảo vệ nhưng lại bị kỷ luật, có phải ông đã bị oan?

Ông Thoàn: Tôi cũng chẳng biết phải nói việc này với ai.

 PV: Trong vụ ẩu đả tại nhà hàng Thanh Hằng trên đường Bưởi, ông có phải nhận hình thức kỷ luật nào không?

Ông Thoàn: Hôm ấy chúng tôi có khoảng gần chục người gồm tôi, ông Nguyễn Việt Tiến, ông Bùi Tiến Dũng, ông Nguyễn Ngọc Long và một số người nữa đến ăn ở nhà hàng Thanh Hiền. Vì nhà hàng làm món ăn lâu nên hai bên cãi vã và ẩu đả. Tôi có nhìn thấy đánh nhau nhưng bản thân không tham gia.

PV: Vậy ai là người trực tiếp đánh nhau?

Ông Thoàn: Vì nhà hàng đông khách nên tôi không biết, trong bản kiểm điểm tôi đã nói hết rồi.

PV: Nhiều người nói rằng, PMU18 nhận rất nhiều “đầu gấu” về làm việc?

Ông Thoàn: Tôi không phải là người phát ngôn về việc này, anh nên hỏi người khác.

* * *

Tại buổi làm việc này, ông Thoàn đã có hành động rất... mờ ám khi lén dùng điện thoại di động để chụp ảnh các phóng viên. Khi bị các phóng viên phát hiện và yêu cầu xóa ngay những bức ảnh vừa chụp trộm thì ông này mới miễn cưỡng xóa và phân bua rằng: “Tôi chỉ muốn lưu hình ảnh để thỉnh thoảng anh em gặp nhau thôi(?!)”. Trước việc làm không bình thường này, các phóng viên đã phản ánh tới cơ quan chức năng.

Khi vụ ông Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng bị Công an phường Bùi Thị Xuân tạm giữ, xích chân một đêm vì gây rối trật tự công cộng lan truyền khắp Bộ GT-VT, nhiều cán bộ, nhân viên đã tưởng rằng hai người này sẽ bị kỷ luật. Nhưng cuối cùng cả hai thầy trò vẫn là “đôi bạn cùng tiến” trên con đường quan lộ. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi hai ông phó TGĐ mặc dù lắm “chiến tích” như vậy mà vẫn yên vị. Mới thấy lời dạy của người xưa “thượng bất chính, hạ tắc loạn” thật đúng lắm thay

Như Phong - Nguyễn Thiêm
.
.
.