Những tấm gương vượt khó đi lên

Thứ Ba, 31/07/2007, 15:19
Đã có 2.776 đối tượng lang thang, người có hoàn cảnh nghèo khó... được Trung tâm bảo trợ xã hội I tạo điều kiện, tạo việc làm, có nghề sinh sống ổn định. Niềm vui của họ nhân lên khi thấy những em học sinh vượt khó thành đạt đến thăm sau mỗi buổi chiều.

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Thu Trang tại Trung tâm bảo trợ xã hội I đóng trên địa bàn xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trang là con thứ nhất trong gia đình 4 anh chị em.

Nhà em nghèo đến mức tài sản duy nhất chỉ là chiếc giường cá nhân ọp ẹp, còn lại “gió lùa vô tư” ở căn phòng trống hếch trống hoác. Hỏi ra mới biết bố Trang qua đời đã lâu, mẹ ngã bệnh nằm liệt giường bỏ mặc 4 chị em nheo nhóc đói khổ.

Ngày đó, là người chị cả, Trang như thấy trách nhiệm của mình có bổn phận phải làm lụng nuôi mẹ nuôi em. Nghĩ vậy nhưng em biết làm gì với thân hình còi cọc, hơn nữa chưa tốt nghiệp hệ Phổ thông làm sao đủ trình độ làm ra tiền nuôi nổi bản thân.

Thấy hoàn cảnh gia đình Trang đặc biệt khó khăn, anh Trần Văn Minh, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội I đưa em vào đây học tập, làm việc. Nhiều năm trôi qua, vừa học vừa làm nghề may, Trung tâm cho em học lớp may công nghiệp.

Khi thấy tay nghề của Trang đã vững, anh Minh giới thiệu Trang sang công ty may Đức Giang, nhưng em từ chối vì có ý mở xưởng may tại nhà ở Sóc Sơn, Hà Nôi.

Trang lập nghiệp từ buổi đầu gian nan ấy. Những ai đi qua nơi này đều nhận thấy ở cái xưởng bé nhỏ của cô gái chưa đầy 20 tuổi Nguyễn Thu Trang lúc nào cũng đông khách. Mọi người đều cảm phục về ý chí, nghị lực sống của em.

Các cháu lang thang được Trung tâm nuôi dạy trở về thăm "mái ấm".

Tiếng lành đồn xa, cơ quan từ thiện của chính quyền sở tại tặng Nguyễn Thu Trang chiếc máy khâu Trung Quốc làm phương tiện để em sinh sống. Với số tiền ít ỏi kiếm được bằng sức lao động của mình, dần dần cô gái trang trải hết nợ nần, tích cóp được đồng ra đồng vào lấy tiền thuốc thang cho mẹ và nuôi nấng các em ăn học đàng hoàng.

Tấm gương nghèo vượt khó ở em Nguyễn Thu Trang được mọi người chú ý và các bạn cùng trang lứa ở trong Trung tâm học tập.

Hiện tại Trung tâm tiếp nhận nuôi 20 cháu lang thang, nghèo khổ không nơi nương tựa, 27 cháu mồ côi sống vất vưởng ngoài xã hội cũng được Trung tâm đưa về đây giáo dục đào tạo từ 5 đến 18 tuổi.

Không riêng trường hợp Nguyễn Thu Trang là tấm gương điển hình vượt khó đi lên; em Nguyễn Thị Hải nhà ở Đông Anh, mẹ chết, bố bỏ gia đình lấy vợ mới. Không người nương tựa, được Trung tâm nuôi, dạy nghề chu đáo. Những năm học tại trường PTCS Hải liên tục là học sinh giỏi.

Vì nghị lực vượt khó vươn lên của em nên UBND huyện Đông Anh tặng Hải chiếc xe đạp để em có phương tiện đi lại học tập. Em mơ ước sau này tốt nghiệp hệ PTCS sẽ thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm, trở thành nhà giáo đứng trên bục giảng truyền đạt, dạy dỗ các em học sinh nghèo khó trở thành người có ích.

Vì quyết tâm đó Hải học ngày đêm, bà con láng giềng quanh xóm nói đến Hải đều hết sức ngợi khen, em là tấm gương trong để các bạn cùng trang lứa ở trong Trung tâm noi theo.

Linh – Thành - Văn là 3 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, được Trung tâm nuôi dạy từ tấm bé, sau đó các em học nghề nấu ăn ở trường Hoa Sữa, nay cả 3 người đều trở thành những đầu bếp giỏi, tay nghề khá, thu nhập hàng tháng từ 3 đến 4 triệu đồng.

Nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn được Trung tâm cưu mang nay đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định, hàng năm đều quay lại thăm cán bộ, công nhân viên Trung tâm mỗi khi có dịp.

Những mảnh đời bất hạnh, những con người khiếm khuyết không may mắn lang thang, cơ nhỡ ngày nào đã có mái ấm gia đình, tình thương cộng đồng dành cho họ là động lực thúc đẩy những em học sinh nghèo vượt khó đi lên.

Kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ, là dịp để uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Vào dịp này hàng năm Trung tâm đã cử cán bộ đến những gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách tặng sổ tiết kiệm 300 nghìn đồng. Anh Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh được nhận sổ tiết kiệm đó vì gia đình anh là gia đình liệt sĩ.

Đã có 2.776 đối tượng lang thang, người có hoàn cảnh nghèo khó... được Trung tâm tạo điều kiện, tạo việc làm, có nghề sinh sống ổn định. Điều đó nói lên lòng nhân ái của mỗi cán bộ nơi đây. Niềm vui của họ nhân lên khi thấy những em học sinh vượt khó thành đạt đến thăm sau mỗi buổi chiều

Hải Châu
.
.
.