Những phụ nữ đan ‘võng trị phong’ giữa biển khơi

Thứ Tư, 23/09/2015, 06:33
Vùng đất Cù Lao Chàm, thuộc xã đảo Tân Hiệp (Hội An, Quảng Nam) không chỉ được biết đến là nơi có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, cuộc sống thanh bình, mà còn là cái nôi của một làng nghề độc đáo. Đó là nghề đan võng từ cây ngô đồng để nhằm chữa các bệnh phong nên nhiều người còn quen gọi với cái tên là võng trị phong…

Ghé thăm gia đình bà Trần Thị Thệ (78 tuổi) tại thôn Cấm, xã Tân Hiệp, chúng tôi không khỏi bất ngờ và thích thú trước tài đan võng của bà. Những sợi ngô đồng mảnh mai, trắng muốt đang được bà tỉ mỉ “se” thành từng lưới võng rất đồng đều. Bà kể, chẳng ai biết cái nghề đan võng này có từ thời gian nào, chỉ nhớ rằng từ lúc bà còn nhỏ đã được ba mẹ truyền dạy cho. Rồi từ đó, hễ có thời gian là vợ chồng bà chia nhau, chồng thì lên núi đốn cây tìm nguyên liệu, vợ ở nhà phơi sợi và chuẩn bị dụng cụ để tiến hành đan…

Các bậc cao niên vùng kể rằng, ông bà ngày trước lên núi thấy con nhện giăng tơ bắt mồi nên nghĩ ra cách đan võng bằng cây ngô đồng để tựa lưng. Điều kỳ lạ là nhiều người mắc bệnh phong, chân tay ghẻ lở khi nằm lên chiếc võng đan bằng thân cây ngô đồng thì cảm thấy như phong đã bị võng hút hết, cơ thể dần dần tươi tắn, khỏe mạnh hơn. Từ đó chuyện về chiếc võng “trị phong” được loan truyền nhiều trong vùng...

Thoạt nhìn thì cứ tưởng võng cây ngô đồng cũng giống như các loại võng bình thường khác, song thực ra để tạo ra một chiếc thực sự là rất công phu, cần phải qua 5 công đoạn chính: Đốn cây, đập vỏ cây, ngâm nước và đánh trắng, phơi sợi rồi cuối cùng là đan võng. Về nguồn nguyên liệu, cây ngô đồng ở trên đảo có rất nhiều, nhưng muốn đan võng chỉ được lựa chọn những cây còn non, thân vừa đủ độ lớn thì khi đập ra sợi ở trong lớp lụa của cây mới bền và đẹp. Tiếp đến là ngâm cây dưới ruộng lúa 10 ngày sau và mang vào đánh trắng rồi mang phơi.

Bà Trần Thị Thệ tỉ mỉ chuốt từng sợi ngô đồng với mong muốn cho ra những chiếc võng hoàn hảo.

Bà Thệ nhấn mạnh, chỉ được phơi sợi ngô đồng sao cho vừa đủ nắng, đồng thời phải đánh cho sạch và cho cây trắng đều để khi đan võng sợi cây không bị đen, cứng thì rất khó đan và cũng mất đi sự bền đẹp.  “Làm nghề ni cực lắm, tiền lãi cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng được cái là cũng có được một ít thu nhập. Để làm ra một cái võng nhanh nhất cũng phải một tháng, trong điều kiện chỉ làm vào buổi chiều tối khi có thời gian rảnh rỗi.

Ban ngày, họ đều bận rộn với công việc gia đình và nhiều công việc mưu sinh khác. Thế nhưng nhiều năm qua vợ chồng bà Thệ vẫn cần mẫn cho ra những chiếc võng ngô đồng đẹp mắt, độ bền có thể lên đến gần 20 năm… Chị Ngô Thị Lê, trú tại thôn Bãi Làng là người trẻ nhất đan võng ngô đồng trong vùng thì năm nay tuổi cũng đã ngoài năm mươi. Chị kể, từ nhỏ các chị em trong làng đều được các bậc tiền bối chỉ dạy cho cái nghề này, song vì khó khăn và thu nhập cũng không thỏa mãn được công sức đổ ra nên nhiều người bỏ ngang không làm nữa. 

 Nhìn những cánh hoa ngô đồng đỏ rực từ phía núi mỗi độ thu sang như gợi nhớ cho những bậc cao niên trên đảo Cù Lao Chàm về một thời đã xa, cái thời cùng mẹ cha lên núi đốn cây ngô đồng về đan võng. Dẫu cuộc sống nơi đất đảo giữa trùng khơi còn nhiều vất vả, nhưng ngày ngày trôi qua, có những người phụ nữ vẫn miệt mài đan, se từng lưới võng. Hàng trăm chiếc võng ngô đồng ngô đồng được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, từ khiếu thẩm mỹ và từ cái tâm của những người làm nghề nơi đảo xa…

Hà Ngọc
.
.
.