Những nốt nhạc mùa xuân chiến thắng

Chủ Nhật, 01/05/2016, 15:23
Tôi hẹn gặp nhạc sỹ Văn Dung vào một ngày đầu tháng 4, khi hoa sưa đang bung trắng. Vị nhạc sỹ 82 tuổi từ chối gặp phóng viên tại nhà và cũng bảo, “tôi không biết uống cafe” nên không đồng ý gặp ở không gian quán xá. Ông hẹn, “hoặc tôi sẽ lên tòa soạn của báo, hoặc ở Hội Nhạc sỹ”. 


Và rồi, tôi đã gặp ông trong căn phòng nhỏ của Hội Nhạc sỹ  Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo). Cuộc trò chuyện với vị nhạc sỹ ngoại bát thập - đương kim Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội xoay quanh chủ đề mùa xuân.

Trước khi gắn bó với âm nhạc, nhạc sỹ Văn Dung là một nhà báo. Ông tốt nghiệp khóa I, trường Báo chí Trung ương (nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền), về Đài Tiếng nói Việt Nam và công tác tại Ban Công nghiệp. Ông đến với âm nhạc từ cái duyên trở thành biên tập viên âm nhạc của đài. Công việc này đòi hỏi phải có kiến thức về âm nhạc, có phông văn hóa rộng.

Với tâm thế của một người trẻ, ông say mê trong lãnh địa mới và chinh phục nó bằng cả trái tim. Rồi ông đã thành danh trong âm nhạc. Tôi nhắc đến nghề báo của nhạc sỹ Văn Dung cũng bởi bản thân đã đề nghị ông gợi ý đề tài cho số báo đặc biệt này. Với khi kiến thức âm nhạc, sự trải nghiệm của bản thân và đặc biệt là góc nhìn của nhà báo, vị nhạc sỹ cao niên không chỉ gợi ý chủ đề mà còn cung cấp cho tôi những chất liệu ngồn ngộn.

Những khúc hoan ca trong ngày đại thắng cách đây 41 năm không thể không kể đến “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên, “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sỹ Hoàng Hà, “Nối vòng tay lớn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn… Bản thân nhạc sỹ Văn Dung dịp này cũng cho ra đời hai tác phẩm: “Ta đã về đây Sài Gòn ơi”, “Chào các anh những người chiến thắng”.

Chia sẻ với tôi, nhạc sỹ cho biết: “Việc tôi sáng tác hai ca khúc này vào đúng dịp 30-4-1975 bởi đó là thời điểm cả dân tộc đang chung niềm vui lớn. Người nhạc sỹ biến niềm vui to lớn thành những cung bậc của âm nhạc, nói lên những điều mà người không nói được”.

Nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời và nhạc sĩ Văn Dung.

Nói rồi, ông ngân nga những câu hát gắn với 30-4-1975, gắn với nhiều thế hệ người Việt Nam như: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác này đã thành chiến thắng huy hoàng…”; “Ta đi trong ánh sao vàng rừng cờ tung bay…”.

Nghe nhạc sỹ Văn Dung hát những khúc hoan ca của nhạc sỹ Phạm Tuyên, Hoàng Hà và họ cũng chính là những người đồng nghiệp cùng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi càng trân trọng cái tình của ông. Ông kể, có một thời, Đài Tiếng nói Việt Nam là cái nôi hội tụ những nhà văn, nhạc sỹ, ca sỹ tên tuổi. Riêng nhạc sỹ phải kể đến những cái tên như: Hoàng Vân, Cao Việt Bách, Phạm Tuyên, Hoàng Hà…. Và có một điều đặc biệt là những nhạc sỹ này đã sống, gắn bó và hòa vào dòng chảy của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Khi nghe “Ta đã về đây Sài Gòn ơi” của vị nhạc sỹ Văn Dung qua tiếng hát của ca sỹ Trung Kiên – Quý Dương, âm hưởng hào sảng lan tỏa trong từng câu, từng chữ. Những câu hát reo vui chứa đựng cả một chặng đường kháng chiến chống Mỹ đầy bi tráng: “Từ núi rừng Trường Sơn ta về. Nghe biển Đông ào ào sóng dậy. Đồng bằng Cửu Long sục sôi bão táp… Sài Gòn đó tưng bừng vuu trong ánh mắt nụ cười…”.

Trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhạc sỹ Văn Dung đã “xách ba lô lên đường”. Ông đã hòa mình vào cuộc chiến tranh chính nghĩa ở những thời điểm khốc liệt. Ông từng có mặt ở chiến trường Khe Sanh, đường Chín… Nhiều tác phẩm âm nhạc của ông đã ra đời ngay tại chiến trường khốc liệt: “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca đường Chín chiến thắng”…

Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong qua những câu hát: “Ơi cô gái Trường Sơn bao đêm em đi mở đường, cho từng chuyến xe anh qua, vang giọng hát em ngân xa…” thật bình dị và đầy lạc quan. Những địa danh Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, Khe Sanh, Tân Lâm, Đồi Năm… được nhạc sỹ đưa vào “Bài ca đường Chín chiến thắng” rất tự nhiên.

“Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn. Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn. Nghe sấm dội cả non ngàn. Nghe bão nổi cả đôi miền. Anh giải phóng quân hôm nay ra đi…” nghe thật réo rắt, vui tươi. Hôm nay, nhạc sỹ Văn Dung bảo rằng, “em” trong ca khúc không phải là cô thanh niên xung phong mà là những người phụ nữ nói chung.

Trong chiến tranh, hình ảnh người mẹ, người chị, người nữ chiến sỹ được nhắc rất nhiều qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, phim ảnh. Bằng trái tim của một người viết nhạc, cộng với những trải nghiệm trong cuộc chiến, nên dịp 30-4-1975 ông đã đúc kết rằng: “Ngày ấy trùng trùng quân ta về. Khi bình minh xua tan bóng thù… Sài Gòn đó niềm say vui trong tiếng hát trong lời thề…Sài Gòn ơi ta đã về đây…”.

Cũng trong những ngày thành phố mang tên Bác rợp bóng cờ hoa, nhạc sỹ Văn Dung đã viết “Chào các anh những người chiến thắng” với những câu: “Đất nước vui đón các anh. Giữa một mùa hoa chiến thắng. Từ đồng quê tới đô thành… Từ Trường Sơn về miền Đông, trên đường về lẫy lững. Từ Trị Thiên về Cà Mau lũ giặc tan hoang…”.

Hình ảnh người chiến sỹ giải phóng quân được chào đón trong những ngày cả nước vỡ òa niềm vui đoàn tụ được thể hiện qua giọng hát trong vắt của ca sỹ Ngọc Bé trên sóng phát thanh đã khiến muôn triệu trái tim rạo rực. Những nhạc phẩm ra đời trong ngày chiến thắng, ghi lại thời khắc cả dân tộc thăng hoa trong niềm vui đoàn tụ đã tạo dấu ấn đậm nét trong nền âm nhạc nước nhà.

Bên cạnh đó, nhạc sỹ Văn Dung còn cho rằng, trong âm nhạc Việt còn có những tác phẩm nói về dự cảm ngày chiến thắng. Những tác phẩm đó được thể hiện qua các chủ đề: Đất nước, người lính, người phụ nữ, Bác Hồ, ca ngợi Đảng. Bằng dự cảm của mình, các nhạc sỹ đã viết lên những lời ca về ngày chiến thắng huy hoàng.

Nhắc đến điều này, Nhạc sỹ Văn Dung tâm tình: Trước năm 1975, Nguyễn Đình Thi viết “Lá đỏ” và nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc. Hai câu kết của nhạc phẩm: “Chào em, em gái Trường Sơn, ơi em tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” là dự cảm về ngày chiến thắng của hai tâm hồn thơ, nhạc. Thơ ca, hội họa, âm nhạc… đã truyền tải những tư tưởng lớn, những khát vọng lớn.

Trong hành trình vượt Trường Sơn, Nguyễn Đình Thi đã dự cảm được ngày chiến thắng bởi ông đã tận mắt nhìn thấy “Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa”. Chỉ với hai câu thơ, nhưng giúp chúng ta hình dung ra cuộc tổng tiến công để rồi dành đại thắng với điểm đến là Sài Gòn.

Cũng bằng dự cảm về ngày chiến thắng, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn viết: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Non nước mây trời lòng em mê say…” đúng vào hôm ông nghe tin Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết (29-1-1973). Mặc dù, phải hơn 2 năm sau chiến tranh mới chấm dứt nhưng những thông tin về thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao đã hối thúc người họa sỹ - nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn viết nên những lời ca trên.

Cũng trong dòng hồi tưởng về những nhạc phẩm mà người nhạc sỹ dự cảm về ngày chiến thắng, nhạc sỹ Văn Dung còn liệt kê những bài hát như: “Cỏ non thành cổ” của Tân Huyền,  “Ngọn đèn đứng gác” nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ thơ Chính Hữu … Trong “Ngọn đèn đứng gác” có những câu: “Trên đường ta đi đánh giặc. Dù về Nam hay ta lên Bắc. Trong gió, trong mưa, ngọn đèn đứng gác. Cho thắng lợi nối theo nhau. Đang hành quân đi lên phía trước…”.

Chính Hữu viết những câu này vào năm 1965, khi cuộc chiến đang dai dẳng nhưng với khát vọng chiến thắng, ông đã viết nên lời tiên đoán về những “thắng lợi nối theo nhau…”. Trước đó, năm 1947, trên đường cùng Trung đoàn Thủ đô lên Việt Bắc ông đã viết “Ngày về” với câu: “Có đoàn người lên đóng quân trên rừng sâu. Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội…”.

Và rồi, ngày 10-10-1954, Trung đoàn Thủ đô đã về lại Hà Nội. Hôm nay, nhạc sỹ Văn Dung còn cho biết, năm 1949, nhạc sỹ Văn Cao sáng tác “Tiến về Hà Nội”. Để rồi, 5 năm sau ngày 10-10-1954: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Nhạc sỹ Văn Cao đã linh cảm ngày chiến thắng bằng những lời ca hào sảng như vậy đó.

Còn rất nhiều, rất nhiều những nhạc phẩm Việt viết về ngày chiến thắng và dự báo về ngày này mà tôi không thể kể hết ra đây được. Trong dịp kỷ niệm đại thắng mùa xuân, nghe người nhạc sỹ gạo cội kể về ký ức cách đây hơn 4 thập kỷ, được ông “cho sống” trong những giai điệu âm nhạc hào sảng của các thế hệ nhạc sỹ Việt Nam, trong tôi trào dâng cảm xúc thật khó tả. Những tác phẩm âm nhạc ra đời từ trong kháng chiến, trong ngày vui đại thắng… mãi trường tồn với thời gian bởi tính lịch sử mà nó ghi lại.

Cũng trong những ngày thành phố mang tên Bác rợp bóng cờ hoa, nhạc sỹ Văn Dung đã viết “Chào các anh những người chiến thắng” với những câu: “Đất nước vui đón các anh. Giữa một mùa hoa chiến thắng. Từ đồng quê tới đô thành… Từ Trường Sơn về miền Đông, trên đường về lẫy lững. Từ Trị Thiên về Cà Mau lũ giặc tan hoang…”. Hình ảnh người chiến sỹ giải phóng quân được chào đón trong những ngày cả nước vỡ òa niềm vui đoàn tụ được thể hiện qua giọng hát trong vắt của ca sỹ Ngọc Bé trên sóng phát thanh đã khiến muôn triệu trái tim rạo rực.


Cao Hồng
.
.
.