Những nông dân kiên cường giữ Thành cổ Quảng Trị

Thứ Sáu, 25/04/2014, 09:28
“Đằng sau chị, hàng trăm người dân ào lên xô dạt bọn địch ra, mặc cho chúng dùng lê đâm họ tứa máu. Thậm chí, lúc bọn chúng thi nhau nã đạn vào người dân, bà con vẫn không lùi một bước. Trận đánh giằng co tới tối mịt, toán bộ binh địch cuối cùng đã phải tháo chạy…”. Đó chỉ là một trong hàng chục trận đánh của người dân bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, được chính những chiến sĩ Thành cổ thời bấy giờ kể lại.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Thu (người địa phương thường gọi o Thu), ở tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm sát bên bến đò làng Giang Hến xưa. Khi tôi đến, o Thu và một số cựu chiến binh Thành cổ đang chuẩn bị ra bờ sông Thạch Hãn để thắp nén nhang vái vọng đồng đội của mình đang nằm lại đâu đó dưới đáy sông này...

Ngày đó, khi chiến tranh bom đạn ngút trời, o Thu mới 17 tuổi, được biết đến là cô gái chèo đò, đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc vào Thành cổ đánh giặc. “Năm 1968, Mỹ và quân đội Sài Gòn lùa toàn bộ người dân ở làng Giang Hến đi nơi khác để xây dựng sân bay Ái Tử. Cả làng, từ trẻ tới già đều phải qua làng Tiền, cách làng cũ 5 cây số để lánh nạn. Bốn năm sau, vào cuối tháng 6, thì diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Sông Thạch Hãn, đoạn từ xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành trở thành huyết mạch quan trọng của quân giải phóng. Giữa lúc bom đạn kẻ thù đánh phá ác liệt, bà con dân làng phải đi sơ tán, việc tiếp tế cho chiến trường Thành cổ hết sức khó khăn. Thấy thương bộ đội vất vả, lại căm thù quân giặc tàn ác từ lâu nên ba tui hồi đó mặc dù đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn xung phong chèo đò chở bộ đội sang sông. Thấy ba tui chèo, tui cũng đòi đi theo để giúp ông một phần”, o Thu nhớ lại. Là dân sông nước nên o Thu chèo đò cũng rất cừ. Nhờ vào kinh nghiệm của hai cha con o nên có hôm mặc dù nước sông chảy rất xiết, hai cha con o vẫn đưa được hàng chục lượt đò chở bộ đội sang sông an toàn. Đến tận bây giờ, o Thu vẫn nhớ như in những kỷ niệm chèo đò ngày đó của hai cha con.

Cha con o Thu chèo đò đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn vào chiến trường Thành cổ Quảng Trị (ảnh tư liệu).

O Thu kể: “Một lần, khi hai cha con tui chèo đò ra đến giữa dòng thì bom B52 Mỹ thi nhau tấp xuống. Các chú bộ đội liền nằm đè lên bảo vệ hai cha con tui. Nhưng cha tui vùng dậy, nói oang oang: “Nằm yên đấy, da bố đen và bóng như thế này, bom đạn nó có nhắm trúng cũng văng trượt ra thôi!". “Một đận khác, thuyền trúng đạn chòng chành, tui cùng cha nhảy ùm xuống sông, trên vai dìu người chiến sĩ bị thương nặng, dòng nước xoáy sâu, tui kiệt sức... Tỉnh lại, thấy tay mình đang cầm lá thư viết bằng bút mực Hồng Hà đã bị nước làm nhòe hết nét chữ. Đó là kỉ vật duy nhất và cuối cùng của người chiến sĩ kịp gửi lại trước lúc vĩnh viễn nằm lại với dòng sông Thạch Hãn… ”.

Kỷ niệm vui với o Thu hồi đó là hôm tình cờ gặp được phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trên một chuyến vượt sông. Ngày đó, ông Tính hỏi o Thu: “O không sợ à?”. “Sợ chi, giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”, o Thu khẳng khái trả lời. 38 năm sau, vào năm 2010, cũng trên bến sông này, o Thu gặp lại ông Tính trong niềm vui khó tả. Cũng từ hôm đó, o Thu mới biết tấm hình của hai cha con o được treo trang trọng ở phòng khánh tiết của Thành cổ Quảng Trị.  Bom đạn đã “chừa” o Thu lại để làm nhân chứng cho cuộc chiến khốc liệt. Cuộc hội ngộ lịch sử ấy làm lòng o Thu ấm lại. Nhưng đâu đó trong giấc mơ, nụ cười hẹn gặp lại ngày chiến thắng, bức thư nhòe nước… của những chiến sĩ trên dòng Thạch Hãn 42 năm trước cứ hiện về mồn một trong kí ức người phụ nữ tuổi ngoài lục tuần. Đó cũng là nỗi niềm đau đáu mà sau ngày hòa bình và mãi cho đến hôm nay, dù đã có hơn 80% dân làng Giang Hến đổi kế mưu sinh, o Thu vẫn lặng lẽ với nghề cào hến nơi bến đò xưa, miệt mài ngụp lặn trong dòng nước bạc, nuôi hi vọng tìm thấy các anh!

Cựu chiến binh Lê Bá Dương thuộc Trung đoàn 27 bảo vệ Thành cổ ngày đó trầm ngâm kể, trong kí ức của những người trong cuộc, khúc tráng ca Thành cổ đã được viết nên bởi máu đỏ của hàng vạn người dân yêu nước chính nơi mảnh đất Quảng Trị yêu thương. Ai cũng nhớ một cậu bé 14 tuổi mang cái tên quê nhà mộc mạc, cu Hiên. Ngay những ngày đầu tiên diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm, cậu nằng nặc xin đi theo bộ đội để bám đất, giữ thành, làm xúc động biết bao tấm lòng người về Thành cổ. Số đạn vác trên vai nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, nhưng cậu vẫn dũng mãnh băng mình qua bom đạn, có mặt trong mọi trận đánh. Từ đó, cậu được đồng đội gọi bằng cái tên thân yêu, Nguyễn Xuất Hiện!

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ diễn ra, không chỉ những cậu, cô bé tuổi 14, 17 tham gia đánh giặc, hay những cụ già vẫn vững mái chèo đưa bộ đội sang sông, tiến lên vào mặt trận, mà còn có những người mẹ còn mang con nhỏ bên mình, lấy thân mình ra để ngăn làn đạn của địch cho bộ đội tiến lên. “Sáng 17/7/1972, địch tập trung 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 2 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép tiến về phía làng Ngô Xá Tây nằm ở phía Đông Thành cổ. Trước chúng là hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị địch bắt làm lá chắn đỡ đạn cho chúng. Đây quả là bài toán khó đối với các chiến sỹ quân giải phóng. “Bằng mọi cách bảo vệ dân”, đó là mệnh lệnh của trận đánh! Địch mỗi lúc càng áp sát nhưng ta không thể nổ súng. Bất ngờ, trong đoàn dân, một phụ nữ tầm 40 tuổi, xoay người ấn đứa con chưa đầy 10 tháng tuổi vào tay một phụ lão đứng sau mình rồi chạy vượt lên trước hô to, “Giải phóng ơi bắn đi, đừng cho chúng cướp làng…”. Một loạt AR15 cắt ngang tiếng thét của chị, chị lảo đảo gục xuống trong tư thế hai tay dang rộng chặn đường địch”. Người cựu binh già Lê Bá Dương, đôi mắt ông rưng rưng lệ, kể. “Đằng sau chị, hàng trăm người dân ào lên xô dạt bọn địch ra, mặc cho bọn chúng dùng lê đâm họ tứa máu. Thậm chí, lúc bọn chúng thi nhau nã đạn vào người dân, bà con vẫn không lùi một bước. Trận đánh giằng co tới tối mịt, toán bộ binh địch cuối cùng đã phải tháo chạy…”

Thanh Bình
.
.
.