Những người sám hối với rừng

Thứ Tư, 16/11/2005, 07:08

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt"..., câu chuyện về những gã thợ săn đi trả nợ rừng già mà chúng tôi đã ghi lại được tại Khu Bảo tồn rừng và sinh cảnh ở xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chính là câu chuyện khó tin nhưng có thật về những nhân vật từng "mang nợ với rừng"...

Nếu có thể dùng từ nào đó để nhận xét về người thợ săn một thời khét tiếng ở bản Chế Tạo này, tôi chỉ có một từ rằng, đó chính là thợ săn có lương tri nhất mà tôi từng gặp. Thoạt nghe có vẻ hơi chua chát và mỉa mai nhưng đó lại là sự thật. Ngày còn trẻ, anh đã từng vác súng vào rừng giết bất kỳ con thú nào mà anh bắt gặp, dẫu biết, những con thú ấy đôi khi chẳng đem lại một lợi lộc gì. Thế mà giờ đây, trông thấy một con thú bị sập bẫy, anh đã rớt nước mắt vì xót thương, đau đớn. Người thợ săn đang ngồi trước mặt tôi ấy là Sùng Bua Sào. Bây giờ Sùng Bua Sào còn là một trưởng bản, trưởng nhóm giữ rừng đầy uy tín trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo. Kể cũng thật lạ.

Theo lời kể của Sùng Bua Sào, thì vào những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, ở xã Chế Tạo, từng đàn vượn, đàn voọc vẫn kéo đến nô đùa và kiếm ăn trên những tán rừng ngay trước sân nhà. Đến tận đầu những năm 90, dân bản vẫn thường xuyên phải tổ chức người đi đuổi gấu và lợn rừng về tàn phá nương rẫy, mùa màng. Trai bản khi ấy hầu hết đều trở thành những người thợ săn thú trước khi đủ tuổi trưởng thành. Chẳng một thợ săn nào ngày ấy lại chưa từng săn được gấu, được lợn rừng, được khỉ, được vượn. Vừa kể, vẻ mặt của Sào cứ đờ đẫn nhìn ra những tán rừng trước nhà. Ở đó, trước kia đều là rừng già, là những cây gỗ pơmu có đường kính hàng mét trở lên, nay chỉ còn lại những cây gỗ còi cọc.

Sùng Bua Sào (người thứ hai từ trái sang) và nhóm bảo vệ rừng tại bản Chế Tạo.

Bây giờ Sùng Bua Sào cũng không nhớ hết đã giết hại biết bao con thú. Ngay từ khi mới 10 tuổi, anh ta đã theo bố vào rừng, trở thành một thợ săn trước khi đủ tuổi trưởng thành. Nhưng lạ thật, cả đời anh ta chỉ săn được toàn những lợn rừng và... khỉ. Chỉ có một lần duy nhất anh ta săn được gấu. Đó là năm 27 tuổi. Theo Sùng Bua Sào, thì săn lợn rừng là điều anh ta thích nhất. Cái giống lợn rừng sinh sản rất nhanh, lại rất hay về phá nương rẫy. Thế nhưng, săn lợn rừng cũng nguy hiểm chẳng kém việc săn gấu. Lợn rừng thường rất độc ác, và cũng thật... ngốc. Khi bị bắn, lợn rừng thường chạy thẳng về phía trước hất tung bất kỳ vật gì nó gặp phải, cho dù đó là một tảng đá. Không ít thợ săn mới tập tạnh vào nghề, không biết tập tính của lợn rừng, đã bị con vật này đâm cho gãy chân và dùng miệng xé tung bắp thịt, phải mang tật suốt đời.

Hiện nay, ngoài cương vị là một trưởng bản, Sùng Bua Sào còn là trưởng nhóm giữ rừng trong Khu Bảo tồn rừng và sinh cảnh Chế Tạo. Anh lý giải việc mình bỏ nghề đi săn thú để trở thành một người giữ rừng thế này: "Trước đây, tôi đã giết hại quá nhiều thú rừng mà chẳng một chút nao lòng. Đến lúc thú rừng còn ít đến nỗi, nhiều khi đi săn, đi cả nửa ngày mà không gặp bóng một con thú thì tôi cảm thấy sợ hãi, cô đơn".

Khu Bảo tồn rừng và sinh cảnh Chế Tạo nằm ở khu vực có độ cao trung bình từ 1.800 đến 2.500 m. Từ năm 1999 đến 2001, sau nhiều cuộc khảo sát (có cả chụp ảnh) của Tổ chức FFI - Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế phối hợp với Cục Kiểm lâm Việt Nam, người ta mới bàng hoàng bởi phát hiện: Khu rừng Chế Tạo còn có cả một quần thể động, thực vật vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài đặc hữu, đang có nguy cơ diệt chủng rất cao, như: niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen tuyền, voọc xám. Một Khu Bảo tồn rừng và sinh cảnh đã được thành lập sau đó không lâu với diện tích lên đến 28.000 ha nhằm bảo vệ khu rừng nguyên sinh và các loài thú quý hiếm đang sinh sống trong đó.

Sùng Bua Sào cũng không thể lý giải được nỗi sợ hãi ấy của mình. Chỉ đến khi được bầu làm trưởng bản, được đi đây đi đó, được dự các hội thảo, nghe người ta bàn về ý nghĩa sống còn gì đó của rừng, của thú rừng và về những loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao thì Sào mới thêm hiểu vì sao lại có nỗi sợ hãi. Những con thú mà các thợ săn trong bản Chế Tạo và các bản khác trong xã không còn nữa, mặc dù Sào và nhiều thợ săn khác vẫn hằng ngày lùng sục trong các cánh rừng già. Từ đó, Sào không đi rừng săn thú nữa, ngược lại, anh lại đi vận động các thợ săn trong bản không đi vào khu rừng già săn bắn. Khi Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải có ý định thành lập một nhóm bảo vệ rừng theo đề xuất của Tổ chức FFI ở ngay bản Chế Tạo, anh đã tình nguyện xin làm một thành viên của nhóm.

Từ khi trở thành thành viên của nhóm bảo vệ rừng, tháng nào Sùng Bua Sào cũng cùng nhóm bảo vệ gồm 5 người – những người mà anh đã vận động được – cơm nắm muối vừng, rồi lều bạt, xoong nồi, gạo... ròng rã 15, 16 ngày trong rừng. Công việc của nhóm bảo vệ là ngăn chặn và thuyết phục tất cả những thợ săn trong rừng không được giết thú, bóc gỡ những bẫy thú thợ săn đã đặt và bảo vệ cho sự an toàn của những máy bẫy ảnh. Đặc biệt, họ phải ghi chép tỉ mỉ từng tác động, dù nhỏ nhất của con người đối với cuộc sống muông thú, để rồi cuối tháng, cũng chính Sùng Bua Sào lại phải đem những ghi chép ấy ra cho cán bộ phụ trách khu bảo tồn.--PageBreak--

Công việc nghe có vẻ đơn giản vậy, nhưng vì thường phải ở trong rừng già lâu ngày với độ ẩm rất cao, với vắt và muỗi rừng nên anh em rất dễ bị cảm và ốm bất ngờ. Những lúc ấy cũng chẳng có thuốc, thường phải chữa quấy quá bằng lá cây rừng. Lương của mỗi thành viên trong nhóm mỗi tháng được 300 nghìn đồng, chỉ đủ trang trải những chi phí cho nửa tháng đi rừng. Có người thậm chí chỉ được trả lương theo mùa vụ 6 tháng mùa khô, nhưng đợt đi tuần tra trong rừng nào cũng có mặt, các anh tham gia rất tích cực.

Ở xã Chế Tạo còn không ít người thợ săn có lương tri như Sùng Bua Sào. Tại bản Nả Háng, bản cách trung tâm xã đúng 6 giờ đi bộ, tôi đã có cái may mắn được gặp Trưởng bản Sùng Vảng Phà. Sùng Vảng Phà cũng là trưởng một nhóm giữ rừng gồm 5 thành viên, với những công việc và những chế độ được hưởng tương tự với nhóm bảo vệ rừng của Trưởng bản Sùng Bua Sào. Chỉ khác một điều là nhóm của Sùng Vảng Phà phụ trách tuần tra đầu bên kia của khu bảo tồn, khu vực được coi là còn nhiều thú rừng nên trách nhiệm càng nặng nề hơn.

Cũng giống Sùng Bua Sào, trước kia Sùng Vảng Phà cũng là một thợ săn có hạng. Không biết anh ta đã sát hại bao nhiêu khỉ, bao nhiêu lợn rừng và gấu rừng. Từ khi còn nhỏ, Sùng Vảng Phà đã theo bố là Sùng Tráng Chu, một sát thủ gấu rừng, vào rừng già săn gấu. Đã có một số lời đồn cho rằng, hơn chục năm nay ông Sùng Tráng Chu đã săn được không dưới 20 con gấu. Những loài thú khác ông đã săn được có lẽ là không thể thống kê hết. Ngay cả khi ông Chu đã ngoài 60 tuổi, người ta vẫn thấy ông vào rừng săn gấu.

Theo Sùng Vảng Phà, hiện cái bản Nả Háng nhỏ bé chỉ có 15 hộ gia đình, với 97 nhân khẩu, nhưng đã có hàng chục thợ săn. Trước đây, người ta đi săn thú rừng là để cải thiện cuộc sống. Còn bây giờ, săn thú rừng là để bán lấy tiền. Khi thú rừng ngày càng khan hiếm thì giá của nó càng đắt. Mà giá càng đắt, càng thúc giục những thợ săn đi rừng. Vì thế thú rừng cứ ngày một ít đi.

Ông Giàng Bảng Hua.

Trong nhóm giữ rừng có một thành viên rất đặc biệt và còn khá trẻ là Giàng A Chinh. Giàng A Chinh năm nay 22 tuổi. Có lẽ anh là thành viên duy nhất trong nhóm giữ rừng có quá khứ... không giết rừng, bởi ngay sau khi học hết lớp 12, anh đã gia nhập nhóm giữ rừng. Câu chuyện trở thành một thành viên trong nhóm bảo vệ Khu Bảo tồn rừng và sinh cảnh Chế Tạo của Giàng A Chinh nó lắt léo thế này: Ông ngoại của Giàng A Chinh, ông Giàng Bua Lềnh ở bản Chế Tạo trước kia, từng là một tay săn gấu lão luyện. Thế nhưng có lần vào rừng, Giàng Bua Lềnh đã bị gấu cắn cho sây xước mặt và liệt cả cánh tay. Đúng 4 năm sau, con trai của Giàng Bua Lềnh là Giàng Bảng Hua, cậu của Giàng A Chinh cũng bị gấu cắn rách cằm và rách mắt cá chân khiến ông phải đi tập tễnh. Sau đận ấy, nhiều người tưởng ông phải thù gấu và thù rừng già lắm. Nhiều người còn nghĩ sau khi bình phục, Giàng Bảng Hua sẽ vào rừng săn thú như điên để trả thù. Thế nhưng, khi khỏi bệnh, ông lại làm cái điều ngược lại, không vào rừng săn thú nữa. Ông còn làm một điều "trái khoáy" khác nữa là đi khuyên con cháu “nên... bớt vào rừng săn bắn thôi, vì thú ít lắm rồi”. Sau khi nhóm bảo vệ rừng ở bản Chế Tạo được thành lập, ông Hua đã có thành tích thuyết phục được đứa cháu là Giàng A Chinh gia nhập nhóm. Ở đây tôi cũng muốn mở ngoặc thêm rằng, thanh niên trong các bản ở xã Chế Tạo không phải ai cũng muốn tham gia nhóm bảo vệ rừng. Bởi tham gia nhóm bảo vệ cũng đồng nghĩa với việc, họ sẽ không được vào rừng săn bắn nữa. Vì vậy, một số thợ săn ôm mộng “đổi đời”, ngày ngày vẫn lén lút vào rừng săn trộm thú.

Không phải cuộc đi săn nào cũng bị nhóm bảo vệ phát hiện, ngăn chặn. Đó là câu trả lời thẳng thắn và rất thành thật của Trưởng nhóm Sùng Bua Sào. Hầu hết thợ săn đều là người địa phương, rất thông thuộc đường rừng và có rất nhiều mánh đi rừng, nên tình trạng săn bắn trộm thú vẫn tiếp tục tái diễn. Điều đó giải thích vì sao, quanh thị trấn Mù Cang Chải, người ta vẫn thường xuyên nghe được tin có kẻ rao bán tay gấu, mật gấu, cao gấu và một số loài thú khác. Không biết những kẻ giết rừng không chút lương tâm ấy khi nào mới thức tỉnh để tìm cách đi trả nợ rừng già?

Nguyễn Trọng Tuyến
.
.
.