Những người hoàn lương đón Tết: Ấm áp ngày trở về

Thứ Sáu, 27/01/2006, 07:10

Theo chân các đồng chí công an huyện Thanh Trì, Hà Nội tới thăm các gia đình được đặc xá trong năm 2005, chúng tôi cảm nhận được một không khí đầm ấm và tràn đầy niềm tin trên gương mặt của những người từng có một thời lầm lỗi.

Địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi "xông đất" là gia đình anh Nguyễn Mạnh Đức ở thôn 4 xã Vạn Phúc. Tiếp chúng tôi trong tiếng cưa, đục, tiếng xè xè của máy tiện gỗ, ông chủ của xưởng gỗ với hơn 10 nhân công tâm sự: "Anh em trong xưởng đang cố gắng hoàn thiện nốt đơn hàng của một nhà máy ở Hoà Bình để được nghỉ sớm còn về sắm Tết cùng gia đình".

Từ đầu năm đến giờ, xưởng gỗ của anh "đánh vật" với hàng chục đơn vị lớn ở cả Hà Nội, Bắc Giang, Hoà Bình nên ông chủ Đức lúc nào cũng tất bật, vừa lo đi các tỉnh tiếp thị, ký hợp đồng để đảm bảo thu nhập từ 1 đến 1, 5 triệu đồng người/tháng, vừa lo chỉ đạo, đốc thúc công việc để hoàn thành sản phẩm đúng tiến độ và chất lượng. Chẳng thế mà, theo như lời của anh Sáu, trưởng Công an xã Vạn Phúc thì bây giờ trông anh Đức còn "ốm" hơn ngày mới được đặc xá trở về địa phương.

Nhưng có một điều đổi thay lớn nhất mà hàng xóm và những người gần gũi với gia đình anh Đức nhận ra là cái tính khí nóng nảy, bộc trực của anh đã giảm đi nhiều. 3 năm trước, chính vì tính cách ấy đã khiến anh cùng 6 người đàn ông khác trong thôn phải hầu toà và phải trả giá với mức án 9 năm tù giam.

Anh Đức nhẩm tính 29 tháng 25 ngày trong trại giam, anh đã lỡ hẹn với nhiều đối tác, mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng đó cũng là khoảng thời gian giúp anh tĩnh tâm nhìn lại mình và rồi tự nhủ phải đứng lên. Tay nghề của một thợ cả lại được phát huy trong môi trường cải tạo nghiêm ngặt của trại giam ở Thanh Hoá. Anh được lãnh đạo trại tin tưởng giao cho chức đội trưởng cả một xưởng học nghề mộc của các phạm nhân.

Niềm vui lao động đã giúp anh thêm vững tin, cải tạo tốt để sớm trở về với tổ ấm của mình, nơi có người vợ tần tảo và hai cậu con trai ngoan, liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Một cơ ngơi bề thế trên 200 m2 gồm nhà ở và xưởng sản xuất đang bừng lên một sức sống, sức sống lan toả từ những tiếng đục đẽo của những người thợ đang trần mình chuẩn bị cho gia đình một cái tết sung túc.

Chúng tôi tin người đàn ông có gương mặt rắn rỏi, vững chãi với nụ cười thật tươi kia chắc chắn sẽ thực hiện được ước nguyện của mình "làm giàu cho gia đình và giúp nhiều người làm được như mình".

Rời gia đình anh Đức, chúng tôi tới nhà chị Dương Thị Lương (thôn 6, xã Tân Triều) vào đúng bữa cơm chiều. Nhìn cảnh cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm trò chuyện vui vẻ, ít ai lại nghĩ, gia đình ấy có một thời đứng bên bờ vực. Cả hai vợ chồng chị bị bắt cùng ngày về tội buôn bán trái phép ma tuý.

Khi nhắc lại quá khứ, chị Lương nói như khóc: "có những lúc trong nhà không có nổi 10.000 đồng". Hai vợ chồng chị xoay đủ các nghề, từ làm dép nhựa thủ công tới buôn lông vịt vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống, 2 con lại đang tuổi ăn học. Nghèo quá đâm ra nghĩ quẩn, hai vợ chồng liều buôn bán ma tuý và bị công an phát hiện.

Cái án 4 năm tù cho cả hai người, gánh nặng gia đình dồn lên vai cô con gái lớn mới 16 tuổi. Đang học lớp 10, cô bé phải nghỉ học, đi bán trứng vịt lộn kiếm tiền nuôi em, tích cóp góp được ít tiền lại để dành đi thăm bố mẹ. Nhìn con như già đi hàng chục tuổi vì sớm phải lăn lộn với cuộc sống, chị càng quyết tâm cải tạo tốt để sớm được về bù đắp thiệt thòi cho các con.

Những nỗ lực của chị đã được chính sách khoan hồng của nhà nước đền đáp xứng đáng bằng tin mừng: chị được đặc xá trước thời hạn. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của địa phương, anh được nhận làm bảo vệ của một công ty gần nhà. Mức lương ổn định hơn một triệu đồng cộng với tiền chị buôn bán, dù chưa giàu có nhưng cũng đủ để anh chị trang trải mọi chi tiêu trong gia đình.

Anh chị vui mừng báo tin, cô con gái lớn chịu nhiều thiệt thòi đã vừa lập gia đình. Ban ngày đi làm, tối đến lại tranh thủ tới lớp học bổ túc buổi tối. Cả hai anh chị cùng bảo, những ngày trong trại cải tạo dạy anh chị nhiều điều nhưng có lẽ chân lý bây giờ chị mới thấm thía: Chỉ có lao động chân chính mới tạo nên hạnh phúc đích thực.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những tấm gương cải tạo tốt của huyện Thanh Trì. Theo Trung tá Trần Thị Khải, Đội trưởng đội QLHC về TTXH công an huyện thì năm 2005, huyện Thanh Trì có 123 trường hợp được đặc xá thì gần như 100% không tái phạm

Thảo Duyên - Tố Quyên
.
.
.