Những người giữ mùa xuân xứ Lạng

Thứ Tư, 13/02/2013, 12:58
Màu trắng muốt tinh khôi của sở (một loài cây cho trái để ép dầu) hút hồn tôi ngay cái nhìn đầu tiên khi lên xứ Lạng. Mặc kệ đường dốc, mặc kệ những cái cua tay áo, đồng chí trinh sát hình sự mới ngoài 20 tuổi của Công an huyện Cao Lộc điều khiển “con chiến mã” hai bánh đưa tôi tiến sát khu du kích Ba Sơn - địa danh huyền thoại của vùng biên viễn này. Đến rồi, tôi lại bị mê hoặc trước những ngôi nhà trình tường cả trăm năm tuổi, của hoa hồi và những chén rượu cay nồng trong các cuộc “nhẩm tẩu” (uống rượu).

1. “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. Ai lên xứ Lạng cùng anh. Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”, tôi thuộc câu ca dao không chỉ liệt kê những kỳ danh của xứ Lạng mà còn thể hiện sự kiêu hãnh của con người nơi đây từ khi học Tiểu học. Ấy thế nhưng cứ mỗi lần lên Lạng Sơn, tôi lại nhẩm đọc nó. Và mỗi lần như vậy, lại càng thấy thấm thía giá trị của vùng đất này.

Ai lên xứ Lạng mà không ghé thị trấn Đồng Đăng, không đến thăm nàng Tô Thị, không đi lễ chùa Tam Thanh? Bởi đấy là những địa danh đáng để đến, để viếng thăm, để tự hào. Từ xa xưa, cha ông ta đã xây dựng nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng biên viễn này. Nó thể hiện chủ quyền lãnh thổ, quyền tự tôn dân tộc. Ngày này, cùng với sự phát triển chung của quốc tế, những giá trị ấy càng trường tồn và phát huy hiệu quả. Đến các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam, Chi Ma... ta càng thấy rõ điều này. Hàng hóa xuất nhập khẩu tấp nập, con người giao thương... tạo nên bức tranh hội nhập vô cùng sôi động.

Mẹ con chị Lăng Thị Mấu trong ngôi nhà trình tường cổ.

2. Tôi từng lên Lạng Sơn nhiều lần, từng khám phá ra rất nhiều điều thú vị ở những địa danh đã được liệt kê trong bài ca dao nổi tiếng nêu ở trên. Thế nhưng tôi lại vốn tham lam. Tôi muốn biết nhiều hơn nữa về con người và mảnh đất xứ Lạng. Tôi nói điều này với Đại tá Hà Đông Dương, Trưởng phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Lạng Sơn – người nắm “kỷ lục” trong lực lượng Công an về thâm niên làm Công tác chính trị. Anh cười và đọc cho tôi nghe mấy câu thơ do chính anh sáng tác: “Chiều xứ Lạng sương mù giăng giăng tỏa. Nghe đâu đây tiếng gọi của thời gian. Em có lên nơi biên thùy cửa ải. Lời hẹn xưa theo mây núi ngút ngàn...”. Vâng! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ biết, anh hiểu, yêu và tự hào như thế nào về vùng đất chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng tôi với nghề báo, tôi muốn biết, muốn viết một cái gì đó thật cụ thể. Một đồng nghiệp ở Phòng Công tác chính trị gợi ý tôi nên đến xã Hải Yến, nơi đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người Nùng. Đến đây, tôi có thể gặp các thành viên trong câu lạc bộ hát si, hát lượn. Đến đây, tôi sẽ thăm các cơ sở dệt thổ cẩm. Đúng là một gợi ý hay.

Thế nhưng, ngay trong buổi tối, tôi đã có quyết định khác. Đó là lúc tôi nghe đồng chí Nguyễn Bá Hanh, Phó trưởng Công an huyện Cao Lộc nhắc đến khu du kích Ba Sơn. Ban đầu, tôi còn nhầm Ba Sơn và Bắc Sơn là một. Khởi nghĩa Bắc Sơn trước Cách mạng Tháng Tám quá nổi tiếng trong lịch sử. Trong âm nhạc, ca khúc “Bắc Sơn” của nhạc sỹ Văn Cao đóng đinh trong lòng người nghe với giai điệu hào hùng. Nhưng Ba Sơn khác. Khu du kích Ba Sơn gồm các xã: Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn, Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến thuộc huyện Cao Lộc. Các xã này đều nằm trên quốc lộ 4, con đường độc đạo từ quốc lộ 1A chạy theo biên giới Việt - Trung sang Cao Bằng. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, khu du kích Ba Sơn là căn cứ hoạt động bí mật, bám đất, bám dân của quân ta. Chiến dịch biên giới thắng lợi năm 1950, bước đệm cho giải phóng thị xã Lạng Sơn (17/10/1950) có đóng góp to lớn của quân và dân Ba Sơn.

Mặc dù Ba Sơn là cái tên chung cho cả khu du kích nhưng địa danh Ba Sơn là một bản thuộc xã Xuất Lễ. Khi đến bản Ba Sơn, tôi đã gặp ông Hoàng Quý, Bí thư Chi bộ; ông Mạc Văn Báo, Trưởng bản và rất nhiều bà con. Tại đây, tôi đã tận mắt ngắm nhìn những ngôi nhà trình tường nằm kế bên nhau. Cách biệt giữa chúng là những vườn cải nhỏ và cách biệt giữa những ngôi nhà với con đường là những hàng rào đá. Đẹp. Một vẻ đẹp rất riêng biệt.

Ông Mặc Văn Báo cho tôi xem những bông hoa hồi mà gia đình thu hái từ lâu. Mùi hồi thơm, hương thơm đậm. Ông bảo, gia đình mình có mấy hécta trồng hồi. Hồi được trồng từ đời ông bà nên hồi ở đây là hồi lâu năm. Hộ nào có hồi, thường là có diện tích rất lớn. Vụ hồi vừa qua, hồi tươi bán tại chỗ 10.000đ/kg. Với mấy hécta hồi, nếu được mùa, có hộ thu cả trăm triệu. Chỉ ra cánh rừng trước nhà, ông Báo cho biết, những thân cây đang ánh lên màu trắng là cây hồi đấy. Ông Báo còn khoe, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng tượng đài du kích Ba Sơn. Sẽ có 2,5ha đất được thu hồi để xây dựng tượng đài và các hạng mục liên quan. Nơi xây dựng chính là cánh đồng nhỏ, nằm sát bản Ba Sơn. Khi đó, những ngôi nhà trình tường có những hàng rào đá bao quanh của bà con người Tày, người Nùng sẽ tạo nên hồn cốt cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.

Chị Mấu với tác giả bài viết.

Cuộc sống của người dân Ba Sơn ngày càng đổi thay. Trẻ em được đi học phổ thông, được học cao đẳng, đại học. Ông Hoàng Quý, Bí thư Chi bộ cho biết, hiện nay bản có 2 em đang là sinh viên đại học, 3 em là sinh viên cao đẳng. Chúng tôi đã đến nhà chị Lăng Thị Mấu, chủ nhân của 1 trong 2 ngôi nhà trình tường 100 tuổi của Ba Sơn và được biết, 2 con gái của chị đang là sinh viên. Một mình chị Mấu phải gánh vác nuôi 6 đứa con nhưng không ai nhìn thấy nét âu sầu trên mặt. Chị vui vẻ cho biết, hai con gái đang học ở Hà Nội, các cháu đều rất ngoan. Trừ đứa con gái đầu dị tật ở tay, trí tuệ kém phát triển, các con chị đứa nào cũng khôn ngoan, khỏe mạnh. Chị bảo, để có tiền cho các con đi học, chị phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính sách cho sinh viên nghèo vay tiền của Nhà nước thể hiện rõ tính ưu việt là ở đây. Nhờ có chính sách này, những sinh viên con nhà nghèo mới có cơ hội được đeo đuổi nghiệp đèn sách, gia đình mới bớt đi nỗi lo chạy tiền từng tháng cho con.

Tết không thể không có gà trống thiến để cúng ông bà tổ tiên. Tết cũng không thể thiếu món thịt gác bếp và lạp xưởng. Thế nên, cũng như các hộ gia đình khác trong bản, từ đầu năm chị Mấu đã nuôi một đàn gà. Chị chọn những con gà trống để thiến và nuôi đủ 1 năm để làm thịt vào đúng dịp Tết. Chị cũng nuôi được con lợn mấy chục cân, khoảng 20 tháng Chạp sẽ giết thịt. Thịt lợn sẽ cắt ra thành miếng dài theo bề ngang rồi treo lên sào, để ráo nước mới đem treo gác bếp. Còn món lạp xưởng cũng cầu kỳ không kém. Lòng non được thổi lên, để ráo, nhồi nhân vào rồi gác lên gác bếp. Khi nào ăn đem hấp hoặc rán. Người dân khu du kích Ba Sơn tục “nhẩm tẩu” (uống rượu).

Cứ mỗi khi Tết đến hay hội hè là người ta lại “nhẩm tẩu”. Khi hoa đào, hoa mận nở trắng những quả đồi, lúc đó Ba Sơn vào hội. Chỉ riêng xã Xuất Lễ thôi mà đã có lễ hội của người bản Danh (17 tháng Giêng); bản Pò Má (20 tháng Hai); Ba Sơn (6 tháng Hai). Mỗi lễ hội có một nét riêng. Ví như lễ hội ở bản Danh, bản Pò Má, bà con, họ hàng xa gần đến chúc sức khỏe, “nhẩm tẩu” với nhau và tổ chức văn nghệ. Còn lễ hội Ba Sơn là lễ hội lịch sử. Tại đây, người ta ôn lại truyền thống của du kích Ba Sơn, về phong trào cách mạng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác.

Khu du kích Ba Sơn tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Người dân các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh... ngoài giao lưu, hữu nghị với bà con nước bạn còn có tinh thần tự giác trong việc bảo vệ mốc giới, đường biên. Đó cũng chính là tinh thần cách mạng được hun đúc từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người dân sinh ra, sống và gắn bó với nơi này. Không chỉ thế, ý thức xây dựng, giữ gìn trật tự cho bản làng cũng được người dân thể hiện qua những việc làm rất cụ thể. Nhờ đó, bản làng luôn bình yên. Đại tá, Anh hùng LLVTND Nông Văn Định, Phó Giám đốc Công an Lạng Sơn tự hào cho biết, trong nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn sát cánh với các lực lượng vũ trang trong tỉnh trên mặt trận bảo vệ ANQG và TTATXH.

3.Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây...”, những câu hát trong bài “Chiều biên giới” cứ gieo vào tôi những giai điệu đẹp dù khi viết bài này, tôi đang ở Hà Nội. Xứ Lạng là thế. Mỗi khi đến, thêm một dịp khám phá... Thêm hiểu về những con người giữ mùa xuân biên giới

Tấn Minh (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.