Những người con đất Quảng với ký ức ngày chiến thắng

Thứ Hai, 23/03/2015, 09:20
Ngày 24/3/1975, tỉnh Quảng Nam được giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, góp phần to lớn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 40 năm qua, ký ức ngày chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim những người con đất Quảng của một thời đạn bom, khói lửa…

Một ngày đầu tháng 3 lịch sử, chúng tôi gặp lại Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Nam cách đây đã 40 năm về trước. Ông Lý bắt đầu câu chuyện trong ký ức từ bức điện tối khẩn mà ông vẫn nhớ như in từng chữ.

Đó là chiều 20/3/1975, đồng chí Chủ nhiệm Thông tin đến đưa cho ông một bức điện tối khẩn của đồng chí Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam.

Bức điện được gửi từ Hà Nội vào với nội dung: “Điện tối khẩn cho đồng chí Lê Hải Lý - Tỉnh đội trưởng Quảng Nam chuẩn bị tấn công thần tốc, chỉ đồng chí và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết. Ký tên Văn”.

Cầm bức điện trong tay, ông đã trào nước mắt vì xúc động, bởi cái ngày ông và nhân dân cả nước mong chờ đã đến…

Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý.

Để thuận lợi cho việc chỉ huy thần tốc, ông chỉ đạo di chuyển Sở Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam về xã Bình Sa, huyện Thăng Bình.

Lúc này, trên mặt trận của quân khu cũng chuyển biến mau lẹ. 5h30’ ngày 21/3/1975, Sư đoàn 2 Quân khu 5 nổ súng tiến công, đến trưa 21/3/1975, quân ta đánh bại Trung đoàn 5 của ngụy và tiêu diệt 1 tiểu đoàn biệt động quân, phá vỡ tuyến phòng ngự của địch, uy hiếp thị xã Tam Kỳ.

Chiều 21/3/1975, địch điều Trung đoàn 4 ở Quảng Ngãi ra lập tuyến phòng ngự mới từ Chóp Chài ra Chà Gó, đến Cẩm Khê, nhằm bảo vệ thị xã.

Đêm 21 và ngày 22/3, các đơn vị của tỉnh, huyện phối hợp với du kích xã đánh vào các khu dồn, các chốt đóng quân của địch ở các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc… đánh tan, hoặc làm khuấy đảo quân địch…

Theo lời kể của ông Lý, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hạ quyết tâm giải phóng địa bàn quân khu trong thời gian sớm nhất. Mục tiêu chủ yếu ở mặt trận Quảng Nam, Quảng Đà là thị xã Tam Kỳ và thành phố Đà Nẵng.

Rạng sáng 23/3/1975, toàn bộ lực lượng tác chiến ở vùng Đông gấp rút quay vào đánh địch ở phía Đông Tam Kỳ, sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực giải phóng thị xã.

Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam họp triển khai kế hoạch giải phóng Quảng Nam.

Một ngày khẩn trương “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, từ Bình Dương, Bình Đào các đơn vị vượt sông Trường Giang về Bình Sa, cấp tốc hành quân vào xã Kỳ Anh Tây.

Đêm 23/3, ta đánh sập cầu Kỳ Phú và đánh chiếm Núi Cấm. 5h sáng 24/3, hai trung đoàn pháo binh 368 và 572 bắn phá các mục tiêu sân bay Ngọc Bích, ngã 3 Trường Xuân, Núi Lân, Khánh Thọ, Cẩm Khê. Sau đó pháo chuyển làn bắn vào tỉnh đường Quảng Tín, Quán Rường, Tuần Dưỡng...

Trung đoàn 1 của Sư đoàn 2 chia làm ba mũi tiến công: Mũi thứ nhất qua Kỳ Bích, đánh chiếm cầu Tam Kỳ, sau đó tiếp tục phát triển ra hướng quốc lộ; mũi thứ hai đánh qua sân bay Ngọc Bích rồi đánh xuống trung tâm thị xã, mũi thứ 3 đánh dọc đường Tiên Phước-Tam Kỳ xuống trung tâm thị xã.

Các Trung đoàn 36, 37, 38, 39 đồng loạt đánh vào các khu đồn trú và phòng ngự của địch vùng ven thị xã.

Ở hướng Đông, Tiểu đoàn 70 của tỉnh tiến công dọc theo ven biển đánh chiếm khu biệt lập Mụ Đợi tại thôn 3 xã Kỳ Trung, phát triển vào đến Cửa Lở.

Tiểu đoàn 72 vượt cầu Kỳ Phú đánh chiếm ngã 3 Duy Tân, phát triển ra ngã 3 Nam Ngãi. Đúng 10h30 ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ hoàn toàn được giải phóng.

Nhớ lại thời khắc lịch sử giải phóng thị xã Tam Kỳ, ông Trần Phú Ninh (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) cho biết, thời điểm đó, ông là cán bộ của Đội công tác phường 4, khu I (Trường Xuân, Kỳ Hương).

Vào lúc 4h30 ngày 24/3/1975, ông được Đội trưởng Phan Bá Cung giao nhiệm vụ dẫn đường một đơn vị bộ đội chủ lực của Sư đoàn 2 tiến đánh khu đầu não tỉnh lỵ Quảng Tín.

Ông Trần Phú Ninh.

“Đúng 5h, chúng tôi vượt sông Trường Cửu, hành quân qua cầu Bà Ngôn, Trường Xuân và dần tiến thẳng vào nội ô thị xã. 10h30, tôi mang lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng cắm trên nóc tiền sảnh tỉnh đường Quảng Tín, báo hiệu tỉnh lỵ đã được giải phóng. Đó là giây phút hạnh phúc, vinh dự nhất của đời tôi”, ông Ninh bồi hồi nhớ lại.

Để có chiến thắng 24/3/1975, giải phóng tỉnh Quảng Nam, không thể không nói đến vai trò quan trọng của lực lượng Công an, lúc đó gọi là Ban An ninh. Chúng tôi được Trung tá Vũ Thiên Hoàng (nguyên Trưởng Công an huyện Trà My, Quảng Nam) chia sẻ những ký ức oai hùng một thời.

Ông Hoàng tham gia cách mạng từ thời niên thiếu. Năm 1962, ông gia nhập nghĩa quân địa phương, đứng trong hàng ngũ ngụy quân, nhưng bí mật hoạt động cho cách mạng.

Khởi nghĩa tháng 2/1965, ông Hoàng rút ra vùng giải phóng và được bổ sung vào đơn vị trinh sát đặc công 75A. Năm 1968, ông Hoàng được điều về Ban An ninh Quảng Nam, phụ trách đại đội trinh sát vũ trang.

Đại đội của ông có nhiệm vụ diệt ác phá kìm, xâm nhập sâu trong lòng địch để nắm bắt tình hình, âm mưu, thủ đoạn của bọn địch.

Từ tháng 12/1969, ông Hoàng là Thị ủy viên thị xã Tam Kỳ, Phó ban An ninh thị xã kiêm Đội trưởng Đội công tác phường 1.

Ban An ninh phân công 3 tiểu đội làm nhiệm vụ đi trước lót sẵn trong các vùng ven Tam Kỳ, chờ khi quân đội đánh vào thì an ninh từ bên trong hiệp đồng đánh ra tiêu diệt địch.

Sáng 23/3/1975, nhận được lệnh tổng tiến công, ông Hoàng cùng Đội công tác phường 1 dẫn đường quân chủ lực đi từ Kỳ Trà đánh chiếm đồn Chóp Chài và sân bay Ngọc Bích. Từ đây, các lực lượng tiếp tục tiến xuống đánh vào trung tâm thị xã và tỉnh lỵ Quảng Tín.

Khoảng 9h30, cánh quân của ông Hoàng đã chiếm được Chi Cảnh sát Tam Kỳ, treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tại đây. Sau đó, cánh quân đánh chiếm tỉnh đường Quảng Tín cũng chiếm trụ sở Ty Cảnh sát ngụy.

Để giành được chiến thắng có ý nghĩa chiến lược ngày 24/3, lực lượng an ninh phải trải qua một quá trình gian khổ hy sinh.

Ban An ninh đã cài cắm người hoạt động hợp pháp trong vùng địch, có người giữ chức vụ cao trong bộ máy ngụy quyền tại địa phương, từ đó giúp Ban chỉ huy tiền phương đề ra kế hoạch tác chiến…

40 năm trôi qua, ký ức oai hùng vẫn in sâu trong tâm khảm các cựu binh. Họ đã góp một phần xương máu làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phước Hiệp
.
.
.