Giáo dục người lầm lỗi hướng thiện:

Những người bị gia đình chối bỏ

Thứ Sáu, 27/11/2009, 10:47
Họ là những người trưởng thành, mỗi người trong số đó đều có đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình... Nhưng lối sống buông thả, thói quen hưởng thụ đã biến họ thành những người bị chính gia đình mình chối bỏ. Khi đưa vào cơ sở giáo dục, họ được uốn nắn, rèn rũa trở thành những con người có ích cho xã hội, ngăn chặn mầm mống của tội phạm. 

Chuyện những mảnh đời lầm lỗi...

Trong Cơ sở giáo dục Thanh Hà, chúng tôi gặp Hoàng Kim Phượng, 27 tuổi, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), là một trong 3 trại viên nữ hiếm hoi của cơ sở. Trên gương mặt cô gái ngoài hai mươi tuổi đầy những vết sẹo thâm nám, dấu vết của những tháng ngày ăn chơi vô định.

Trước khi bị đưa vào Cơ sở giáo dục Thanh Hà, Phượng từng thụ án 7 năm tù về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Phượng là con út trong một gia đình có 3 chị em, Phượng chỉ học hết lớp 5 rồi ở nhà. Khi bé, Phượng còn quanh quẩn giúp mẹ nhưng ở tuổi 17 tuổi, phổng phao thì Phượng cặp với một thằng nghiện, thuê nhà sinh sống như vợ chồng. Mẹ rồi các chị gái của Phượng khóc hết nước mắt, Phượng cũng không thay đổi...

Khi thấy bạn trai lên cơn vật vã vì thiếu thuốc, Phượng bán ma túy ở khu vực phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng rồi lĩnh án 7 năm tù, còn người tình thì cũng vào trại. Ra tù, Phượng đã nhiều lần bị Công an phường sở tại gọi, hỏi giáo dục răn đe nhưng lại chứng nào tật nấy... rồi phải vào cơ sở giáo dục Thanh Hà.

Ở đây, còn có những người đã là cha, là ông nhưng vì nhiều lý do vẫn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội...

Ông Triệu Phúc Hồng, trú tại huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã 49 tuổi, có đủ cả cháu nội và cháu ngoại. Ở tuổi này, đáng nhẽ ông phải được vui vầy bên con cháu và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Thế nhưng, ông vẫn đang phải học tập tại Cơ sở giáo dục Thanh Hà để hoàn thiện về nhân cách.

Những ngày đầu vào Cơ sở giáo dục Thanh Hà, ông Hồng lúc nào cũng ngây ngây vì cảm giác "nhớ rượu"... Khi ở nhà, mỗi bữa làm vài chén là ông chửi vợ, đập phá đồ đạc trong gia đình. Tuổi 49 nhưng trông vẻ bề ngoài hom hem như ông lão 60 tuổi.

Ở Cơ sở giáo dục Thanh Hà, thật đau xót khi chúng tôi còn gặp những trường hợp có trình độ văn hóa như Trần Thanh C, trú tại TP Điện Biên (Điện Biên), C đã tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải. Bố của C. khi tâm sự về con đã nói: "Ở nhà tôi vất vả với nó lắm. Nó nói dẻo lắm.... tôi bị nó lừa nhiều lần rồi, các anh giúp tôi giáo dục cháu".

Ngày C. thi đỗ đại học rồi khăn áo về Hà Nội, cậu ta cũng mang theo bao hy vọng của gia đình... Nhưng C. đua đòi theo đám bạn bè xấu rồi nghiện ma túy. Bố mẹ C. đã nhiều lần giúp con cai nghiện ở nhà nhưng đành bó tay. C. trộm cắp tài sản của gia đình rồi gây rối trật tự... Cuối cùng, họ phải đưa con vào Cơ sở giáo dục Thanh Hà.

Xin hãy cho con tôi đi vào cơ sở giáo dục!

Trong căn nhà xơ xác, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, ông Vũ Văn N., trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) ngồi thẫn thờ, ánh mắt mệt mỏi lộ rõ sự chán chường, còn mẹ của V. thì lặng lẽ viết đơn xin cho con được miễn giảm tiền xử phạt hành chính. Khi gặp CSKV - Phạm Văn Vy - bà nói trong nước mắt: "Xin các anh cho cháu đi cơ sở giáo dục, tôi đã bất lực không chịu được nó nữa rồi".

Từ nhỏ, V. là đứa trẻ ngỗ ngược. Ban đầu là bỏ học, sau đó là trộm cắp tài sản của gia đình. V. được đưa vào trường giáo dưỡng. Trải qua ngày tháng học tập, V trở về nhà... Nhưng chỉ được thời gian ngắn, V. lại bị đám bạn bè lôi kéo lao vào con đường cờ bạc.

Những lúc tức giận, mẹ V. tìm đến tận Công an phường muốn cho con đi bằng được, thế nhưng khi có quyết định đưa đi cơ sở giáo dục thì gia đình lại băn khoăn, không muốn cho con đi.

Đồng chí Vũ Đức Long, Phó trưởng Công an phường Hoàng Liệt không giấu được trăn trở: Lập được một hồ sơ đi cơ sở giáo dục thật chẳng dễ dàng. Cái khó nhất có lẽ vẫn là khâu thu thập tài liệu. Trước khi lập hồ sơ đi vào các cơ sở giáo dục, người vi phạm đều phải có thời gian được giáo dục tại xã, phường...

Lúc ấy, người Cảnh sát khu vực đã trở thành "người thân" trong gia đình người vi phạm, vừa gần gũi lại vừa tìm cách động viên. Có những  đứa con trộm cắp tài sản của bố mẹ nó, khi ấy theo quy định lực lượng Công an phải lập biên bản xử phạt hành chính. Thế nhưng, người thân của họ cũng nghèo, họ có tiền đâu để nộp phạt tiền xử phạt hành chính.

Vậy là lúc đó, CSKV phải hướng dẫn họ làm đơn xin miễn giảm. Song vất vả nhất có lẽ là trường hợp bắt các đối tượng lang thang đi cơ sở giáo dục. Việc thu thập tài liệu với các đối tượng này rất vất vả bởi chúng nay đây mai đó. Có đối tượng thì dùng tên giả để khai báo với cơ quan chức năng. Vậy là lực lượng Công an cơ sở phải mất thời gian đi xác minh...

Thế rồi trong thời gian chờ có quyết định đi cơ sở giáo dục cũng phải thường xuyên nắm bắt mối quan hệ của đối tượng, bởi chúng có thể lại bỏ đi nơi khác

Xuân Mai
.
.
.