Những ngôi làng “chết”

Thứ Năm, 14/09/2006, 08:03

Ở Nghệ An, có những ngôi làng có hàng chục trường hợp đã mất vì ung thư và hàng chục người khác đang chống chọi với căn bệnh quái ác này.

Tại xóm Hồng Sơn, xã Đức Thành, huyện Yên Thành 3 năm trở lại đây đã có hơn 30 trường hợp mắc phải căn bệnh K, 23 người đã chết. Căn bệnh này bắt đầu lộ rõ từ năm 2004. Người đầu tiên bị K là anh Trần Văn Sơn, sau đó là anh Nguyễn Văn Quyến, nhà liền cạnh. Sau một năm đổ bệnh, gia sản khánh kiệt, anh cũng rời khỏi cõi trần thế.

Hiện xã vẫn chưa thể thống kê hết tất cả các trường hợp bị bệnh K ở Hồng Sơn đã chết. Bởi con số và danh sách bệnh nhân K ngày càng tăng. Chủ tịch xã Đức Thành, ông Nguyễn Quang Hòa buồn bã: “Liên tiếp thời gian gần đây đã có 6 trường hợp chết vì bệnh K”.  

Ở làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, bệnh K đã cướp đi hàng chục sinh mạng. Có khi trong một tuần lễ mà người làng tiễn đưa 3 người xấu số ra đi vì căn bệnh quái ác này. Nhiều người dân đặt cho tên gọi làng chẳng mấy tốt đẹp: “Làng chết”.

Cũng đúng thôi, bởi bệnh K mấy năm trở lại đây đang mặc sức hoành hành, trở thành nỗi ám ảnh. Điển hình như gia đình ông Ngô Minh, có 8 người thì 3 người mắc bệnh K. Vài tháng nay một không khí não nề bao trùm lên căn nhà nằm sâu hun hút trong ngõ vắng, dột nát, nghèo nàn này. Năm 1997 là năm khởi nguồn thương đau với gia đình người nông dân này. Bố bị K gan, con gái đầu lòng Ngô Thị Ngân mới 18 tuổi cũng bị bệnh K, hai ông cháu mất cách nhau 5 ngày.

Tiếp đó, nỗi đau trong gia đình này lại  ập đến. Lần lượt vợ anh, chị Trần Thị Thuân (49 tuổi) từ năm 2003 bị mắc bệnh K vú; con trai Ngô Văn Thuấn bị thấp khớp, suy tim độ 3; đứa con út Ngô Văn Tuấn năm nay vừa học hết lớp 12 không có tiền khám chữa bệnh. Riêng ông Minh bị căn bệnh K dạ dày. Mẹ ông đã ngoài 80 tuổi, 10 năm mù lòa nằm một chỗ. Với gia cảnh nhà ông vốn đã nghèo, nay càng thêm túng quẫn vì tích cóp được đồng nào, đều “đội nón ra đi” theo tiền thuốc thang. Mới đây, gia đình lại phải chứng kiến sự ra đi của con gái Ngô Thị Nga cũng vì bệnh K.

Gần nhà ông Ngô Minh là gia đình anh Nguyễn Tất Thắng. Thắng 25 tuổi, bố mẹ cũng sớm ra đi vì bệnh K, để lại 3 anh em côi cút. Họ phải bám vào nhau mà chống chọi với cuộc sống. Hiện Thắng đang bị căn bệnh viêm gan B. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng 5 năm nay, làng Cờ Đỏ có khoảng trên 40 trường hợp chết vì căn bệnh K, chủ yếu là K gan, dạ dày,... đa số đều chết trẻ.

Có chung số phận với làng Cờ Đỏ, Hồng Sơn, tại 2 xóm 6, 7 xã Nam Sơn, Đô Lương được người dân gắn với tên gọi “Làng virút hủy diệt” cũng có mức độ khủng khiếp không kém. Đầu tháng 5/2006, UBND xã Nam Sơn thống kê có 21 người chết bởi căn bệnh K. Trong đó: xóm 6 có 14 người; 7 người còn lại thuộc xóm 7. K gan: 6; K phổi: 5; K vú: 3... Ở xóm 6, nhiều gia đình sát cạnh nhau có người chết vì ung thư, như hộ anh Thân, bà Hiển, bà Nghĩa. Cá biệt, 3 gia đình có 6 người mắc căn bệnh hiểm nghèo này.

 Mới đây, tại Nghệ An lại phát hiện thêm một làng ung thư mới: làng Phong Yên, xã Hưng Hòa, TP Vinh. Con số thống kê ban đầu cho thấy, sau 3 năm “phát bệnh” đã có gần 20 trường hợp chết vì căn bệnh quái ác này.

Lay lắt những làng ung thư

Nguyên nhân nào khiến các xóm, làng xuất hiện nhiều trường hợp bị mắc bệnh K đến vậy? Theo nhiều người dân nằm trong diện “phủ sóng” của căn bệnh K thì nguyên nhân chủ yếu chính từ nguồn nước bị ô nhiễm.

Tại xã Nam Sơn, Đô Lương, nhiều người dân nhận định có thể do ảnh hưởng của 2 kho thuốc trừ sâu cũ nằm trên địa phận xóm 6, xóm 7, gây ô nhiễm nguồn nước. Dân dùng nước bẩn sinh hoạt hằng ngày, hóa chất tích tụ lại trong cơ thể sinh ra bệnh K. 2 kho thuốc trừ sâu (loại DDT) đã được phá bỏ, san phẳng, nhưng nhiều khả năng chất độc ngấm sâu vào lòng đất, thẩm thấu vào giếng nước của người dân khu vực xóm 6, xóm 7.

Thực tế, nhân dân xóm 6, xóm 7 hầu hết có giếng nước nhưng ô nhiễm nặng; riêng tại xóm 7 nước giếng có màu vàng. Khá nhiều hộ dân đang phải dùng nước bị ô nhiễm để ăn uống. Tương tự như xã Nam Sơn, làng Hồng Sơn, xã Đức Thành, Yên Thành nhiều người dân phản ánh, đưa ra cơ sở dự báo nguồn nước đã bị nhiễm thuốc trừ sâu, vì 2 kho thuốc này nằm phía mé đồi, cao hơn nhiều so với khu vực phần lớn dân sinh sống. 2 kho này trước đây chứa rất nhiều loại thuốc cực độc, thế nhưng khi giải tán HTX thì lượng thuốc còn tồn lại trong kho không được xử lý mà bị chôn xuống đất.

Một căn cứ khác là những hộ sống cách xa và ở phía ngang hoặc cao hơn vị trí kho thuốc lại chưa có ai bị căn bệnh này. Đó là nhận định của người dân. Và mặc dù, biết nguồn nước ngầm đã bị nhiễm thuốc trừ sâu nhưng cả xóm 107 hộ dân này mới chỉ có 7 nhà xây được bể hứng nước mưa. Còn lại vẫn phải dùng nước giếng. Nhiều người dân cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy cơ quan nào về kiểm tra cả. Hoảng quá, nhiều gia đình định mang mẫu nước đi nhờ xét nghiệm nhưng không biết mang đi đâu, nhờ ai!...  

Ở làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, cán bộ huyện, tỉnh về kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể. Theo phản ánh của người dân thì sở dĩ tại làng xuất hiện nhiều người mắc chứng bệnh K bởi năm 1987, người ta cho xây dựng ngay đầu làng Cờ Đỏ đập tràn ngăn mặn. Đây là đoạn kênh bắt nguồn từ sông Sơn Tịnh (huyện Quỳnh Lưu), với nhiệm vụ chính là giữ nước ngọt cho 6 xã của huyện Diễn Châu. Chính từ khi có đập tràn này nên nhiều người cho rằng tai họa ung thư ở làng Cờ Đỏ là do ô nhiễm nguồn nước.

Lâu nay có bao nhiêu rác thải, xác chết động vật, bao bì đựng thuốc sâu thải xuống lòng sông. Làng Cờ Đỏ như cái “túi” đựng rác. Vào mùa mưa tại làng Cờ Đỏ thật kinh khủng, rác rưởi, xác động vật đổ dồn về mắc kẹt ở 3 miệng cống, nước đổi màu đen tràn vào làng, vào vườn, vào sân, thẩm thấu xuống giếng nước sinh hoạt. Khi nước rút cả khu vực đập tràn biến thành một bãi rác khổng lồ.

Nhiều hộ dân sống cạnh cho biết vào những hôm nắng nóng, có gió thì lập tức mùi hôi thối nồng nặc bay thốc vào tận nhà, không thể chịu đựng được. Hơn nữa, tại nhiều cánh đồng của làng, nếu lội xuống dòng nước bị ô nhiễm, về sinh chứng ngứa, lở loét, thân thể nổi mẩn. Đáng sợ hơn, tại nước giếng của nhiều hộ dân làng Cờ Đỏ xuất hiện màu rêu cua vàng, váng nổi lềnh bềnh. Thế nhưng, người dân nơi đây bao năm qua vẫn sử dụng nguồn nước giếng bị ô nhiễm này. Một số hộ do lo sợ nước bị ô nhiễm nên xây bể cạn, mua thùng phuy, hoặc sang làng bên lấy nước về sinh hoạt.

Để khắc phục tình trạng nguồn nước ô nhiễm, làng Cờ Đỏ tạm thời đưa ra phương án dọn vệ sinh ở các khu vực đập tràn và dọc kênh mương nhà Lê, thu gom xác động vật, rác thải, đem chôn. Nhưng người dân vẫn khẳng định: “Rác thì có thể xử lý được, nhưng nguồn nước ô nhiễm tràn vào làng thì không biết tính mần răng cả”

Ngọc Bình
.
.
.