Những ngày tháng làm việc trong phái đoàn quân sự Liên hiệp bốn bên

Chủ Nhật, 27/01/2013, 16:35
Hơn 40 năm trời trôi qua, lịch sử dân tộc Việt Nam còn trải qua biết bao sự kiện và biến cố vĩ đại khác; nhưng đối với tôi thì không bao giờ quên được những ngày công tác trong phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên và cho đến hôm nay, nhắc lại kỷ niệm xưa tôi càng yêu quý nghề Cơ yếu – bình dị, thầm lặng nhưng trong đó ẩn sâu bao nỗi vui, buồn; bao nhiêu chiến công mà mỗi chúng ta đã lập nên để càng trân trọng và tự hào.
>> Cố vấn Lê Đức Thọ và cuộc đàm phán lịch sử

Trung tuần tháng 12/1972, tôi đang công tác ở trại quân pháp thuộc Cục Bảo vệ quân đội (K32) thì có điện gọi về Hà Nội.

- Chắc việc gì gấp lắm đây? Tôi nghĩ.

Bàn giao công việc xong, tôi chuẩn bị “hành trang” trở về Hà Nội. Nói là “hành trang” cho nó có vẻ “oai hùng” một chút chứ thực ra chỉ có chiếc ba lô “con cóc” với hai bộ quần áo lính, thuốc đánh răng, khăn mặt – chấm hết! Về Hà Nội, tôi được bố trí làm việc ở ban 1, B96 (nay là Phòng mã dịch chuyển nhận điện mật, Cục Cơ yếu, Bộ Công an).

Lúc này, Cơ yếu đang chuyển từ KTB5 sang KTC5; trong thời kỳ “quá độ” của kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, tôi vừa học tại chức kỹ thuật mới, vừa được “ưu tiên” làm việc bằng kỹ thuật cũ. Ở các địa phương trên miền Bắc lúc này cũng phải áp dụng cả hai loại kỹ thuật nghiệp vụ này để bảo đảm công việc thông suốt và kịp thời.

Thời gian này, tin tức về tình hình Hội nghị Paris rất căng thẳng giữa ta và Mỹ, và có tin đế quốc Mỹ có thể sẽ đánh phá trở lại miền Bắc – Việt Nam. Trước tình hình đó, ta chủ trương đưa một số cơ quan và nhân dân ở Hà Nội đi sơ tán triệt để, chỉ để lại những đơn vị cần thiết bám trụ; các lực lượng vũ trang Thủ đô được lệnh sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 18/12/1972, đồng chí Lê Đức Thọ ở Paris mới về đến Hà Nội thì 18h, đế quốc Mỹ đã cho máy bay ném bom đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Tối đó, chúng tôi đang họp chi bộ, nghe phổ biến tình hình mới thì còi báo động rú lên; tiếng loa phóng thanh thông báo tình hình máy bay địch, yêu cầu đồng bào xuống hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu…

Trong suốt 12 ngày đêm, máy bay B52 ném bom rải thảm xuống các vùng dân cư nội, ngoại thành Hà Nội, làm hàng ngàn người ở xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm; khu An Dương; Bệnh viện Bạch Mai và khu vực phố Khâm Thiên chết và bị thương. Tội ác của đế quốc Mỹ chồng chất và phơi bày trước dư luận quốc tế. Cả Hà Nội sôi sục lòng căm thù, quyết tâm giáng trả chúng những đòn sấm sét.

Như có sức mạnh thần kỳ, ngay ngày đầu quân và dân ta đã bắn rơi những “pháo đài bay”, “thần sấm con ma” mà không lực Hoa Kỳ rêu rao hiện đại nhất ngay giữa bầu trời Thủ đô.

Chiến thắng oanh liệt của quân và dân Hà Nội làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” làm tiêu tan cuồng vọng của đế quốc Mỹ muốn biến Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá và để ngày 27/1/1973, buộc phải cầm bút ký vào Hiệp định “chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” tại Hội nghị Paris, chấp nhận sự thất bại của chúng trong ý đồ xâm lược Việt Nam.

Tôi nhận được lệnh tập trung về Nhổn (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) để tham gia Phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên, lên đường vào miền Nam thi hành Hiệp định. Chúng tôi được học chính trị, quán triệt nhiệm vụ, học từng điều khoản trong Hiệp định và các nghị định thư, học phong cách ngoại giao; tất cả chúng tôi đều mang quân hàm QĐND Việt Nam khi lên đường làm nhiệm vụ. Và lúc đó, ít người biết được rằng trong đội quân ấy có cán bộ, chiến sĩ Cơ yếu của lực lượng CAND…

Chuẩn bị xong thì Tết đến! Một cái Tết thanh bình sau bao nhiêu năm miền Bắc đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tiếng pháo giao thừa mừng xuân ở Hà Nội rộn rã hơn vì thắng lợi. Đúng 5h sáng ngày mùng 1 Tết Quý Sửu, chúng tôi lên đường.

Đoàn cán bộ Cơ yếu Bộ Công an chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ phục vụ Ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại miền Nam Việt Nam. (Hà Nội, 1/1973).

Đoàn xe của chúng tôi chạy qua các phố phường Hà Nội, ánh đèn đường tỏa sáng lung linh, chan hòa chiếu qua màn mưa xuân mỏng tang như làn khói nhẹ. Trong tôi thoáng một chút nhớ nhung xao xuyến; rồi đây chúng tôi sống, chiến đấu trong lòng địch chưa biết chừng nào mới trở lại Thủ đô Hà Nội thân yêu?

Xe vượt qua cầu Long Biên đưa chúng tôi sang tập kết tại sân bay Gia Lâm chờ máy bay của Mỹ ra đón. Và ở đây, Trung tướng Lê Quang Đạo (sau này là Chủ tịch Quốc hội), Thiếu tướng Nguyễn Đôn đến thăm, chúc Tết và căn dặn chúng tôi trước lúc lên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ.

8h sáng, hai chiếc máy bay C130 sơn màu đất thó loang lổ, thấp tè, bụng nó phình gần như chạm đất; đứng xa xa trông giống như một con cá chuối hoa khổng lồ hạ cánh xuống sân bay. Các phóng viên nhà báo quay phim, chụp ảnh… liên tiếp phỏng vấn chúng tôi từ lúc đến cho đến khi lên máy bay; nhiều người trong số họ còn tranh thủ lên cả máy bay để phỏng vấn chớp nhoáng trưởng đoàn. Khâu thủ tục làm rất nhanh. Máy bay cất cánh. Chúng tôi rời Hà Nội lên đường trong ngày đầu xuân nắng đẹp.

Ngồi trên máy bay, tôi quan sát phát hiện một người Mỹ ngồi bên cạnh nói tiếng Việt rất sõi, tôi liền chủ động “mời” điếu thuốc lá “Điện Biên”. Lúc mời thuốc, tôi cố tình quay bên vỏ bao thuốc lá có hình người chiến sĩ cắm lá cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ-cát. Tôi hỏi: “Anh có biết hình ảnh gì đây không? Anh ta cầm lấy bao thuốc lá nghiêng qua, nghiêng lại rồi lắc đầu. Tôi giải thích: “Điện Biên Phủ đấy! Đây là hầm bọc thép của tướng Đờ-cát và đây là lá cờ quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam cắm trên nóc hầm của Đờ-cát ngày 7/5/1954 đấy”. Anh ta chăm chú nhìn theo ngón tay tôi chỉ dẫn trên vỏ bao thuốc lá Điện Biên gật đầu, mỉm cười, ý chừng đã hiểu; rồi lấy một điếu thuốc đưa lên miệng và nói lảng sang chuyện khác…

Khoảng gần 4 giờ đồng hồ sau, máy bay hạ thấp độ cao, người Mỹ ngồi cạnh vội vã chào tôi và đi làm nhiệm vụ. Qua ô kính nhỏ, tôi nhìn thấy những mái nhà san sát với những tháp đỉnh cao vút của thành phố Sài Gòn – nơi được ca ngợi là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Thế rồi máy bay trườn trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và dừng hẳn nơi có rất nhiều sĩ quan của Mỹ và của chính quyền Sài Gòn ra đón. Khi ra khỏi máy bay, phía Mỹ và lính Sài Gòn yêu cầu chúng tôi phải khai trong mẫu giấy nhập cảnh như đối với người nước ngoài. Phía ta bác bỏ yêu cầu đó, đấu lý trực tiếp tại sân bay. Với lý lẽ và thái độ kiên quyết của ta là đồng ý khai trong thẻ nhập nội, chúng phải nhượng bộ.

Xong thủ tục thì trời đã về chiều. Suốt mấy tiếng đồng hồ ở sân bay dưới trời nắng nóng của mùa khô Sài Gòn và những căng thẳng về tinh thần nên ai cũng thấm mệt. Ăn cơm chiều xong, chúng tôi lại lên máy bay ra Đà Nẵng; đó là khu vực 2 mà đoàn chúng tôi đến để thi hành nhiệm vụ.

Đồng chí Phùng Thiện Đản (người đi cuối), cán bộ Cơ yếu Bộ Công an làm nhiệm vụ tại Ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại Tân Sơn Nhất (1/1973).

Nơi ở và làm việc của đoàn chúng tôi là phía trong trại lính Yên Thế, cách sân bay Đà Nẵng chừng 2km. Mới ổn định được nơi ở thì một xe Camnhông của Mỹ chở lương thực (bằng đồ hộp của Mỹ) đến. Hai người Mỹ mặc quân phục xin gặp đồng chí trưởng đoàn là đồng chí Thượng tá Nguyễn Lệnh. Anh ta nói bằng tiếng Việt:

- Chúng tôi xin tặng các ngài một chút quà nhỏ, xin các ngài đừng từ chối.

Đồng chí Trưởng đoàn của ta với thái độ lịch sự, cởi mở xin cảm ơn phía Mỹ và khéo léo từ chối.

Sớm hôm sau, mùng 2 Tết, chúng tôi triển khai công việc, dựng cột ăng-ten, thử đài thu phát, thử liên lạc. Đã bắt được liên lạc với Hà Nội, Sài Gòn, đồng thời các điểm ở Tam Kỳ, Chu Lai, Hội An cũng đã liên lạc được thông suốt. Phấn khởi lắm. Liên lạc được với cấp trên tức là cấp trên đã ở bên cạnh mình để chỉ đạo. Toàn đoàn rất vững tâm để vào cuộc chiến đấu mới.

Tài liệu cơ yếu tôi đem theo là loại kỹ thuật nghiệp vụ mới, nhỏ bằng lòng bàn tay có thể để trong túi áo đại cán 4 túi được. Loại này có ưu điểm là dễ bảo quản, cất giấu và độ an toàn cao nhưng có trở ngại là khi sử dụng tốn rất nhiều công sức, kiên nhẫn, bền bỉ. Số lượng tài liệu nghiệp vụ đem theo có thể dùng trong vài ba năm mới hết; vì lãnh đạo Bộ và Phòng Cơ yếu Bộ Công an đề phòng phía Mỹ, ngụy không nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định và có thể trắng trợn phá hoại Hiệp định thì chúng tôi phải rút lên “cứ”.

Bên Cơ yếu Quân đội có ba đồng chí Tiến, Tư, Vọng; bên Công an là tôi. Bốn anh em làm việc chuyên môn nhiều, vất vả lắm. Để có nội dung cho một hội nghị thì anh em chúng tôi hầu như phải làm việc cả ngày, cả đêm liên tục mã dịch các bức điện mật báo cáo mọi diễn biến tình hình hằng ngày, xin ý kiến chỉ đạo; ngoài ra còn mã và chuyển nhận những bài phóng sự của phóng viên trong đoàn gửi về Hà Nội. Hầu như chúng tôi chỉ được nghỉ ngơi những lúc quá căng thẳng hoặc quá mệt…

Trong bàn hội nghị, phái đoàn ta đấu tranh kiên quyết đòi chúng nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản của Hiệp định và tranh thủ sự ủng hộ của Ủy ban quốc tế, thì ở chỗ chúng tôi địch lại gây nhiều việc tạo sự căng thẳng, chúng phát sóng gây nhiễu ta gặp khó khăn trong thu, phát điện.

Đêm bọn chúng bắt dân quanh vùng đó họp, mắc loa phóng thanh chõ sang phía đoàn ta ở bày ra cái trò “hội thảo” để nói xấu, vu khống ta vi phạm Hiệp định; một số tên còn giở giọng côn đồ, nói những lời đe dọa. Trước tình hình đó, đoàn ta họp để nhận định về âm mưu và diễn biến thời gian tới. Đoàn nhận định có thể sẽ xảy ra 3 tình huống:

- Chúng có thể tổ chức ép dân đến biểu tình hô khẩu hiệu phía ngoài đường, gây sức ép làm chúng tôi bối rối không làm việc được.

- Chúng có thể cho một số tên lưu manh côn đồ núp bóng dưới hình thức biểu tình, tràn vào trụ sở của đoàn để đập phá, cướp tài liệu và hành hung cán bộ chiến sĩ của ta.

- Chúng có thể bố trí bọn cảnh sát đặc biệt và an ninh quân đội cải trang, cùng với bọn côn đồ có trang bị vũ khí, đột nhập đánh phá nhằm tiêu diệt ta, cướp tài liệu và công khai phá hoại Hiệp định.

Từ những nhận định trên, chúng tôi vạch sẵn các phương án đối phó. Với phương châm xử lý là: bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và phòng thủ là chính, tránh nổ súng. Tình huống thứ ba xảy ra buộc ta phải cầm súng chiến đấu, dù phải hy sinh tất cả.

Riêng tôi phải có phương án cất giấu, bảo vệ tài liệu mật mã, quyết không để lọt vào tay địch. Phương án của tôi là: toàn bộ tài liệu, tôi dùng dao găm rạch đệm trải giường đút hết vào đó và phủ ga lên; hòm xiểng, ba lô, xà cột… chỉ để tư trang cá nhân; vì nếu bọn chúng có xông vào cũng không thể ở lâu được và như vậy cũng chỉ cướp được xà cột, ba lô là cùng…

Tình huống thứ ba xảy ra, tôi sẽ dùng xăng đổ lên giường đốt hết tài liệu và cùng anh em chiến đấu. Phương án trình bày với đồng chí trưởng đoàn và được nhất trí. Lúc này tinh thần anh em chúng tôi vững lắm, không sợ hy sinh và thề quyết chiến đấu đến cùng. Trong lòng chúng tôi thấy nhẹ nhàng thanh thản, bình tĩnh và tự tin…

Đoàn chúng tôi báo cáo về Trung ương (cả ngoài Hà Nội và trong Sài Gòn) tình hình địch đã gây căng thẳng đe dọa khủng bố. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đều có điện chỉ đạo, động viên, khích lệ. Chúng tôi càng vững tâm hơn.

Đúng như nhận định của ta, địch tổ chức dân và bọn côn đồ thành một đoàn khoảng vài trăm người tràn vào khu vực của đoàn, bọn lính ngụy canh cổng giả vờ hoảng sợ bỏ chạy. Đến địa phận cảnh vệ của đoàn ta canh giữ, kiên quyết chặn lại, chúng tôi đều có mặt tất cả. Lúc ngoài đường chúng hùng hùng hổ hổ là vậy, nhưng khi giáp mặt và với thái độ kiên quyết vững vàng của cả đoàn khiến “dân tình” và bọn trà trộn phải dừng lại...

Sau vụ này, ta mời Ủy ban Quốc tế đến trụ sở của đoàn để chứng kiến, tố cáo hành động thiếu thiện chí của Mỹ và hành động vi phạm thô bạo Hiệp định của phía họ; kiên quyết đòi Mỹ phải cam kết bảo đảm an ninh và tính mạng cho đoàn. Đại diện Ủy ban quốc tế rất ủng hộ chúng tôi và ghi nhận tất cả; nhưng phía Mỹ cố tình biện bạch không thừa nhận những hành động do chúng gây ra, làm cho mấy phiên họp không đạt kết quả.

Trung ương của ta nắm rất vững tình hình nên điện vào quyết định rút chúng tôi khỏi khu vực 2 về Sài Gòn để phản đối. Dịch điện xong, chúng tôi trình lên đồng chí trưởng đoàn để thi hành và báo cho Ủy ban Quốc tế, phía Mỹ biết. Phía Mỹ có ý thanh minh đổ lỗi cho ngụy quyền; nhưng ta kiên quyết đòi chúng đưa về Sài Gòn. Cuối cùng chúng phải chấp nhận yêu cầu của ta.

Ở Sài Gòn khoảng hơn một tháng thì đoàn chúng tôi nhận được lệnh rút về Hà Nội. Như vậy nhiệm vụ của phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên đã chấm dứt. Trước lúc trở về Hà Nội tôi được lệnh tiêu hủy toàn bộ tài liệu mật mã mang theo, chỉ về người không. Máy bay Mỹ phải đưa đoàn chúng tôi ra Hà Nội, cả đoàn chúng tôi suy nghĩ “thế là chúng ta đã thắng!”...

Hơn 40 năm trời trôi qua, lịch sử dân tộc Việt Nam còn trải qua biết bao sự kiện và biến cố vĩ đại khác; nhưng đối với tôi thì không bao giờ quên được những ngày công tác trong phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên và cho đến hôm nay, nhắc lại kỷ niệm xưa tôi càng yêu quý nghề Cơ yếu – bình dị, thầm lặng nhưng trong đó ẩn sâu bao nỗi vui, buồn; bao nhiêu chiến công mà mỗi chúng ta đã lập nên để càng trân trọng và tự hào

L.X.H.
.
.
.