Chuyện ghi ở Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Hoà Bình:

Những nấc thang làm lại cuộc đời

Thứ Năm, 07/04/2011, 08:54
Ánh nắng rót mật trải vàng lên Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, LĐXH Hoà Bình làm bừng sáng không gian vốn ẩm ướt của những trận mưa phùn kéo dài. Tiếng máy mài đá kêu sè sè, các học viên đang cặm cụi xâu hạt, mài đá để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Sự cần mẫn, trật tự ở khu lao động giống như một công trường thu nhỏ, ít ai nghĩ rằng các "công nhân" ở đây đều là những người nghiện ma tuý, mang nhiều tiền án, tiền sự.

Làm lại cuộc đời sau 22 năm nghiện ma tuý

Đã nhiều tháng nay, ngày nào học viên Trịnh Ngọc Long cũng ngóng ra cánh cổng sắt im lìm để mong cậu con trai tới thăm. Nói về cái sự "nhất" của những người đang cai nghiện ma tuý ở Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, LĐXH Hoà Bình (Trung tâm) thì học viên Trịnh Ngọc Long được xếp vào hàng "top ten": học viên "già" nhất; có thâm niên nghiện ma tuý lâu năm nhất; vào Trung tâm cai nghiện nhiều lần nhất; mang nhiều tiền án nhất.

Tóc đã điểm bạc quá nửa, ở tuổi 56, sức khoẻ sa sút vì ma tuý tàn phá, anh Long cho biết: "Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều nấc thang, nhưng lần này là nấc thang cuối cùng để tôi làm lại cuộc đời". Cách đây 22 năm, anh Long vốn là lái xe của công trình thuỷ điện Sông Đà. Khi cơn lốc "hàng nâu" chạm tới thị trấn heo hút thì Long là một trong số thanh niên ít ỏi bị cuốn vào vòng xoáy nghiện ngập.

Ma tuý như một thứ nam châm, có sức hút cực kỳ khủng khiếp. Hàng ngày cứ hết ca làm việc, Long lại theo bạn lê la khắp các bàn đèn trong huyện. Cho đến một ngày, tinh thần anh mụ mị, cả ngày chỉ mơ màng đến "nàng tiên nâu" thì cũng là lúc vợ anh bắt được cảnh chồng đang ôm bàn đèn với cơn phê thuốc. Không như nhiều người phụ nữ khác, vợ Long bảo chồng: "Bằng mọi giá em sẽ giúp anh bỏ được thuốc phiện". Chị chạy ngược xuôi tìm điểm cai nghiện cho chồng.

Cán bộ Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, LĐXH Hòa Bình đang hướng dẫn học viên gia công đá mỹ nghệ.

Thời ấy, tìm điểm cai nghiện khó như mò kim đáy bể. Cuối cùng chị đưa anh đi cai ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Sau 5 ngày cắt cơn, tuy không còn thấy thèm thuốc, nhưng niềm vui chợt đến đã vụt tắt khi Long lại tái nghiện ngay sau đó. Nghỉ chế độ 176, lang thang vạ vật với cơn nghiện triền miên, cuối cùng Long cũng không thoát khỏi tù tội khi năm 1996 bị bắt vì tàng trữ ma tuý, án phạt 3 năm tù. Mãn hạn trở về, nhìn thấy bạn nghiện, Long lại thèm thuốc.

Không còn cách nào khuyên bảo được chồng, cuối cùng vợ Long bất lực bảo: "Em đã hết sức níu kéo để giữ anh, nhưng em không làm gì được nữa. Chúng ta phải chia tay nhau thôi". Sau khi ly hôn, vợ anh đưa con về Hà Nội sinh sống, Long tiếp tục lao vào vũng bùn với việc chuyển từ thuốc phiện sang chích heroin. Vài năm sau, anh tiếp tục lĩnh thêm án 3 năm tù về tội tàng trữ ma tuý.  

"Tính đến nay, Long đã 7 lần vào Trung tâm cai nghiện. Lúc mới vào, tư tưởng của học viên cũng hoang mang, nhưng được sự động viên, giáo dục của cán bộ, giờ đây, học viên này chấp hành nề nếp kỷ luật tốt, tinh thần và sức khoẻ cũng ổn định"- ông Đỗ Ngọc Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Hoà Bình cho biết.

Gặp Long lần này, chúng tôi thấy nét mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Anh khoe: "Con trai tôi giờ đã trưởng thành, cháu rất ngoan và thành đạt". Dù muộn mằn, nhưng chúng tôi cũng đọc được sự ân hận của Long trong từng câu nói. "Nghiện ma tuý làm cho tôi mất hết lý trí, danh dự…Những lúc tỉnh, tôi vẫn tự hỏi sao mình có học mà lại ra nông nỗi thế này. Thế hệ trẻ tuyệt đối phải tránh xa ma tuý".

Nằm trong "top" nhất nữa phải kể tới học viên Phạm Trọng Hữu, ở phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình. Hữu có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản và 6 lần đi cai nghiện ma tuý. Hữu cũng đứng trong top nghiện ma tuý lâu năm nhất (gần 20 năm).

Mắt ngân ngấn nghĩ về những ngày tháng trôi qua một cách vô ích, Hữu chua xót nhận ra: "Các bạn trẻ chưa biết đến ma tuý thì đừng bao giờ tìm hiểu, kể cả các loại biệt dược như tôi". Ngoài giờ lao động, Hữu về phòng còn tỉ mẩn làm các dụng cụ bằng gỗ rất khéo tay. "Đây là cách để tôi quên đi quá khứ tội lỗi của mình"- Hữu tâm sự.

Giúp họ làm lại cuộc đời

Đã hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm, đồng chí Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý giáo dục chứng kiến hàng nghìn lượt học viên vào đây cai nghiện, giáo dục, có những người chào anh ra về rồi không gặp lại nữa, nhưng cũng có những học viên anh đã "nhẵn" mặt.

Ngoài chữa bệnh, giáo dục cho số đối tượng nghiện ma tuý, Trung tâm còn là nơi tiếp nhận và giáo dục cả đối tượng mại dâm. Trung bình mỗi năm Trung tâm tiếp nhận gần 300 học viên, trong đó có 70-75% học viên có tiền án, tiền sự, nhận thức kém, bất cần đời, việc giáo dục không hề đơn giản. Chứng kiến không biết bao nhiêu số phận khi họ vào đây cai nghiện, nhưng anh Tuấn thấy đáng tiếc nhất là số học viên trí thức, nhiều người là cán bộ nhà nước như thầy giáo dạy ngoại ngữ ở huyện Lương Sơn, hay một nữ cán bộ của Công ty Xăng dầu…

Nhưng với anh, đã vào đây cai nghiện thì ai cũng như nhau, kể cả người đó có bị bệnh nan y, Trung tâm đều dành cho họ những chế độ đặc biệt. Hiện nay, Trung tâm quản lý 30-40% học viên bị nhiễm HIV/AIDS, nhiều học viên nghiện lâu năm, sức khoẻ yếu sẵn sàng có hành vi liều lĩnh, gây rối, hành hung, đe doạ cán bộ… Vì vậy, Trung tâm luôn bố trí 50% cán bộ trực 24/24h để quản lý và kịp thời xử lý sự cố xảy ra.

Hơn 10 năm thành lập, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội Hoà Bình đã chữa bệnh và cai nghiện cho hàng nghìn học viên, trong đó có những học viên khi trở về đã thành chủ trang trại làm kinh tế giỏi.

Hiện nay, ở Trung tâm có hai khu sản xuất là khu vực gia công đá mỹ nghệ và đan rọ tôm (một nghề truyền thống của Hoà Bình). Những học viên ngày ngày chỉ vùi đầu vào ma tuý, trộm cắp, thậm chí buôn ma tuý để lấy tiền hút chích thì nay đang tự mình làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.

Đây chính là thành quả của các cán bộ xưởng sản xuất đã dày công hướng dẫn, giáo dục họ trở thành những người thợ có tay nghề. "Phải cho họ biết yêu lao động, cho họ cái cần câu thì khi ra ngoài xã hội họ mới có cái để kiếm ăn, có thể tự đứng lên làm lại cuộc đời"- ông Đỗ Ngọc Chiến đúc kết

Trần Hằng
.
.
.