Chuyện ghi ở khu đô thị “bùng nổ” dân số:

Những kinh nghiệm giải quyết “điểm nóng” (Bài cuối)

Thứ Hai, 23/05/2016, 09:30
Dân số “bùng nổ” nhưng cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, tất yếu dẫn đến hàng loạt thứ quá tải: Quá tải trường học, quá tải chỗ để xe, quá tải các dịch vụ… Rồi chuyện tranh chấp diễn ra như một lẽ đương nhiên. Những “điểm nóng” mới xuất hiện ở địa bàn cũ buộc các cán bộ, chiến sỹ Công an phường phải có biện pháp ứng phó kịp thời mới mong giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn phức tạp.

Đã có những câu chuyện hay về cách giải quyết tình hình, đã có mô hình quản lý tốt và cả vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, quy hoạch đô thị.

Công an phường - nghìn lẻ vụ việc

Nằm ở phía Tây thành phố, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng là một trong những phường có số lượng nhà chung cư tập trung tương đối nhiều với 23 tòa nhà. Điều thuận lợi trong công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự là hầu hết các chung cư đều đã thành lập chính quyền khu dân cư. Hiện, khoảng 80% chung cư thành lập được Ban quản trị với các trưởng tòa nhà, trưởng tầng. Tuy nhiên, một vấn đề bất cập đang diễn ra hiện nay là tình trạng thiếu trầm trọng bãi trông giữ xe cho các cư dân chung cư. 

Thiếu tá Đinh Văn Thanh, Trưởng Công an phường Mỹ Đình 2 cho biết, phần lớn chung cư trên địa bàn phường được xây dựng từ năm 2002 trở về trước nên không có tầng hầm để xe. Hiện chỉ có một số chung cư mới xây dựng như chung cư FLC, chung cư Cland, chung cư Mỹ Đình Plaza, chung cư Dolphin… có tầng hầm. Vì lẽ đó, xe máy, đặc biệt là ôtô của cư dân phải để tràn ra vỉa hè, đỗ đậu tự do xung quanh các tòa chung cư dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp về chỗ để xe, đơn vị trông giữ… 

Bãi trông giữ xe máy ngay trên vỉa hè tại một chung cư trong Khu đô thị Linh Đàm.

Thiếu tá Đinh Văn Thanh dẫn ra sự việc diễn ra cách đây chưa lâu. Vào tháng 3-2016, tại chung cư CT5, đơn nguyên 3, thuộc tổ dân phố 13, Khu đô thị Mỹ Đình 2, để đáp ứng nhu cầu trông giữ xe cho cư dân, Ban quản trị tòa nhà đã quyết định thuê Hợp tác xã (HTX) Thụy Điển làm đơn vị đảm nhiệm công tác trông giữ. Tuy nhiên, theo quy hoạch, UBND quận Nam Từ Liêm lại cấp phép trông giữ xe cho HTX Tuấn Thành. Cùng một lúc có 2 đơn vị đảm nhận nhiệm vụ trông giữ xe cho cư dân của chung cư CT5 khiến cho mâu thuẫn xảy ra. 

Thông qua công tác nắm bắt tình hình, Công an phường đã nhanh chóng trực tiếp xuống địa bàn giải thích cho nhân dân hiểu đơn vị được cấp giấy phép trông giữ xe theo đúng quy định của Nhà nước là HTX Tuấn Thành. Chính vì vậy, nếu cư dân chung cư muốn thuê HTX Thụy Điển trông giữ xe thì đơn vị này phải xin giấy phép cũng như chính quyền địa phương sẽ rút giấy phép của HTX Tuấn Thành. 

“Nhân dân hiểu nhưng lại không thực hiện theo đúng các bước theo quy định của pháp luật khiến cho mâu thuẫn, tranh chấp diễn ra”. Đến nay, sự việc đã được giải quyết vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa ổn định an ninh trật tự địa bàn.

Quá trình tìm hiểu tại khu dân cư cụm 2 bán đảo Linh Đàm, người dân đã kể cho tôi nghe câu chuyện giải quyết điểm phức tạp ở khu chung cư của Đại úy Phạm Năm Hải phường Hoàng Liệt. Ở một khu chung cư cao tầng, trong suốt một thời gian dài người dân khổ sở bởi một căn hộ luôn tụ tập đông người hoạt động cúng bái. Chủ nhà còn dùng loa tạo tiếng ồn, gây khó chịu cho người dân sinh sống cùng tầng. 

Sự việc diễn ra lâu ngày gây bức xúc, người dân đã đề nghị lên Công an phường. Cũng đã có CSKV trước Đại úy Hải không giải quyết được. Thế rồi, kết hợp biện pháp nghiệp vụ cùng sự khéo léo tác động, anh đã giải quyết được điểm gây bức xúc đó, giúp ổn định môi trường sống cho cư dân trên địa bàn.

Quy định giờ làm việc của CSKV vào buổi tối ở Hà Nội chính là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân để không ảnh hưởng đến công việc của họ trong giờ hành chính. Với mỗi công dân, công tác tiếp dân giải quyết thủ tục để xin cấp sổ tạm trú thường kéo dài trung bình khoảng 30 phút, thế nên công việc của các CSKV luôn trong tình trạng quá tải. 

Đại úy Hải kể: “Tôi phụ trách 7 tổ dân phố. Trung bình mỗi tối tôi đến 1 tổ dân phố thì phải 7 ngày sau mới quay lại được. Đấy là lý do mà người dân ít thấy CSKV xuất hiện ở khu dân cư”.

Những bài học từ thực tế

Việc “bùng nổ” dân số do có nhiều nhà chung cư được xây mới và đưa vào sử dụng kéo theo vô vàn khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội. 

Đại úy Phạm Hoài Nam, Phó trưởng Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: “Ở phường tôi, trung bình mỗi CSKV phụ trách từ 1.200 - 1.300 hộ dân. Cả phường có 42 nghìn dân nhưng chỉ có 14 CSKV. Có những CSKV phải phụ trách địa bàn lên đến hơn 2.000 dân”. 

Hiện nay, nhiều tòa chung cư tại phường Hoàng Liệt chưa thành lập được Ban quản trị, chính quyền khu dân cư, mới chỉ có các ban quản lý tòa nhà do chủ đầu tư phụ trách. Do số lượng cư dân quá đông dẫn đến những khó khăn khi hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cư dân trong công tác khai báo tạm trú, tạm vắng. 

“Trung bình tiếp nhận 1 bộ hồ sơ để hướng dẫn khai báo tạm trú, CSKV phải mất khoảng 30 phút. Mỗi ngày, số lượng người dân đến phường đã làm các thủ tục này là 30-40 người, ngày cao điểm 50 người. Rồi CSKV còn phải xuống địa bàn… Đó là chưa kể đến hàng ngàn lẻ một vụ việc mà người dân gọi cho CSKV”, Đại úy Nam cho biết. 

Xác định mục tiêu phục vụ đến người dân cuối cùng, chính vì vậy, công tác tiếp dân mỗi buổi tối tại Công an phường Hoàng Liệt thường hiếm khi kết thúc trước 23h. Cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, Công an phường cũng liên tục tổ chức các buổi hướng dẫn, tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân tại ngay chân cầu thang của hầu hết các tòa nhà khi mới đưa vào vận hành, sử dụng. 

Không chỉ khó khăn, áp lực trong công tác quản lý dân cư, với việc dân số ồ ạt tăng lên thì hệ quả trước mắt chính là việc thiếu trầm trọng các bãi trông giữ xe phục vụ cư dân của chính các tòa nhà. Bãi trông xe trong tòa nhà bị quá tải dẫn đến dẫn đến việc ôtô đỗ ngổn ngang xung quanh vườn hoa, bãi đất trống trong Khu đô thị Linh Đàm. Phần lớn vỉa hè trong khu đô thị cũng bị “xẻ” ra để làm bãi trông giữ xe khiến cho cảnh quan chung như bị “băm nát”. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Phạm Hoài Nam không nguôi trăn trở: “Với dân số của phường tăng nhanh như hiện nay thì việc đáp ứng nhu cầu học tập cho các cháu nhất là con em của các cư dân là điều rất khó khăn trong khi phường hiện chỉ có 1 trường tiểu học, 1 trường cấp 2 và 1 trường cấp 3”.

Như vậy, với việc nhà chung cư mọc lên theo cấp số nhân dẫn tới “bùng nổ” dân số như tại một số phường hiện nay trong khi cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng kịp đã dẫn tới hàng loạt thứ bị “quá tải”, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân là điều tất yếu tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải xem xét trong tổng thể chung các vấn đề về hạ tầng xây dựng, giao thông cũng như xã hội. Không thể để tình trạng giải quyết được “áp lực” về nhà ở nhưng lại đổ “gánh nặng” sang công tác quản lý, trường học, trật tự đô thị, giao thông…

Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.
.