Những doanh nghiệp Việt kiều nặng lòng cùng đất nước:

Những kiến nghị từ trái tim

Thứ Hai, 28/12/2009, 08:43
Cơ duyên khiến chúng tôi xuống Hải Phòng tìm gặp anh Tài Phương - một doanh nhân thành đạt ở bang California (Mỹ) bắt đầu từ tấm ảnh vợ anh - chị Nguyễn Thị Kim Dung chụp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tại Hà Nội.

Tìm người trong ảnh, lại gặp được cả  hai vợ chồng đó quả là một may mắn của cánh nhà báo chúng tôi, nhất là những ngày cuối tháng 12 này, anh chị đang bận túi bụi cùng Ban chủ nhiệm Hội Việt kiều ở đây gấp rút chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ xuống thành phố Cảng đón kiều bào về nước năm 1959. Câu chuyện tâm sự của đôi vợ chồng trở về từ nước Mỹ xa xôi diễn ra trong một ngôi nhà nhỏ nằm nép mình khiêm nhường trong một con ngõ nhỏ gợi bao kỷ niệm đáng nhớ.

Chưa đi đã hẹn ngày về

Dù đã cố né tránh một câu hỏi thông thường của một nhà báo, vì sao anh chị lại ra đi vào cái năm đầy khó khăn 1979 ấy! Nhưng loay hoay thế nào câu chuyện của chúng tôi  vẫn bị ám vào, buộc anh chị phải tâm sự trong cảm xúc khó tả. Anh bảo, vô cùng cám ơn cuộc sống này, cám ơn Đảng và các cấp chính quyền đã dang rộng vòng tay đón gia đình anh trở về sau nhiều năm rời bỏ đất nước. Tôi hiểu vì sao suốt tuần lễ này, anh Tài Phương cứ lăn lộn cùng bè bạn tíu tít bàn công việc kỷ niệm Ngày Bác Hồ về Hải Phòng cách đây 50 năm đón những kiều bào về nước. Phải chăng những cử chỉ nhân văn ấy của lãnh tụ đã thôi thúc anh ra đi rồi lại trở về từ nước Mỹ xa xôi, thôi thúc anh góp một điều gì đó…

Chị Kim Dung đã hoàn toàn có lý khi nhớ lại câu chuyện rời đất nước ra đi cách đây tròn 30 năm bằng một câu tục ngữ "Thuyền theo lái, gái theo chồng". Còn anh, kể lại câu chuyện ấy, vẫn còn có điều gì khó nói. Khó nói cũng là phải, vì anh vẫn còn lăn tăn chuyện vượt biển ngày xưa. Ngày ấy bỏ thành phố Cảng đang gian khổ mà đi, dẫu tủi hổ lắm mới có bát ăn bát để như bây giờ, nhưng nghĩ lại vẫn thấy có điều gì đó chưa phải đạo. Nhưng nhờ chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, những người con của truyền thuyết "bọc trăm trứng" lại quần tụ đi về. Điều đó đã giúp những Việt kiều như anh sớm xoá bỏ được mặc cảm.

Vốn là năm 1979 ấy, Hải Phòng cũng như cả nước găp muôn vàn khó khăn. Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, đau thương mất mát chưa thể nguôi ngoai, Việt Nam lại bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận về mọi mặt. Đã khó lại càng khó hơn, khó trăm bề. Trong khi đó, cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp từng phát huy hiệu quả trong chiến tranh thì bây giờ không còn phù hợp nữa. Nạn thiếu đói tràn lan… Khi ấy, vốn đã có 10 năm kinh nghiệm tay nghề kỹ thuật cơ khí ở Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Tài Phương tuy còn trẻ (sinh năm 1950), nhưng cũng là người đáng nể khi đã có xe máy và ti vi đen trắng trong số hàng ngàn công nhân ở Nhà máy.

Lãnh đạo TP Hải Phòng với ông bà Tài Phương - Kim Dung cùng bà con Việt kiều dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (2009).

Là người có trí tuệ, có tài năng, nhưng người "trội" thường như thế, ít khi bằng lòng với số phận mình. Vì thế mà cũng dễ hiểu khi lúc nào Tài Phương cũng canh cánh ước mình sẽ là một nhà kinh doanh thành đạt. Có tiền thì mới giúp được người thân, bè bạn, giống như cái tivi hiếm hoi của nhà anh không lúc nào vắng bà con khu phố đến xem nhờ. Vì thế, anh nung nấu ý định vượt biển ra đi. Quê hương ai mà chả yêu thương. Nhưng nghèo mãi thế này không chịu được. Khi ấy, vợ chồng anh đã có một cháu con trai 2 tuổi.

Cuộc ra đi ấy thật mạo hiểm xét theo nhiều nghĩa, nhất là nghĩ tới những ngày lênh đênh giữa đại dương. Thứ nữa là anh phải rất khó khăn để thuyết phục gia đình hai bên nội, ngoại.  Bố anh vốn là nhà giáo nghiêm khắc, còn bên ngoại cũng có nhiều người là cán bộ nhà nước. Quá nhiều những buổi họp gia đình. Nhưng rồi thấy anh quyết tâm và hứa không bao giờ làm hại quê hương, ra đi để làm kinh tế, sẽ có ngày trở về, mọi người buộc phải đồng ý.

Lênh đênh trên biển nhiều ngày, cuối cùng họ cũng đến được Hồng Kông. Một năm ở xứ người, sẩy nhà ra thất nghiệp, nhất là thời gian đó, chị Dung lại sinh con thứ 2, cuộc sống có lúc tưởng như bế tắc. Cũng may, năm 1980, trải qua cuộc phỏng vấn, gia đình anh đã đến miền Tây Bắc nước Mỹ xa xôi để định cư.

Ban đầu, ở xứ lạ, không biết tiếng, không có tay nghề, anh Phương đã phải làm những công việc khá nặng nhọc như quét rác, làm vườn vốn không hợp với một tay nghề tương đương kỹ sư… Chị Dung thì ban ngày sau 8 tiếng may thuê, buổi tối lại lao đến một công ty bên cạnh để làm thêm tạp vụ. Thứ bảy hay chủ nhật, ai cũng được nghỉ thì anh chị gửi con nhỏ cho hàng xóm mới quen để đi làm thêm những việc như rửa bát, quét dọn, bưng bê phục vụ nhà hàng… Hai vợ chồng, hai con nhỏ, họ đã làm bất cứ công việc gì miễn là có tiền để ổn định cuộc sống. Để giao tiếp được, ngoài thời gian lao động, anh thu tiếng cô giáo dạy ngoại ngữ vào băng catssette, mở đi mở lại, học kỳ thuộc. Học đến mức nằm mơ còn phát âm tiếng Anh. Vừa học vừa làm, cần mẫn hàng ngày. Cứ thế, cứ thế những đồng tiền nhỏ nhoi được cóp nhặt dần về trong căn nhà chật chội mồ hôi và đầy ắp ý chí.

Chúng tôi chú ý đến một chi tiết nhỏ trong dòng chảy câu chuyện anh chị kể: "Cứ làm được đồng nào vợ chồng tôi đều trích ra để hàng tháng mua quà gửi về cho hai bên bố mẹ ... Ở nhà nhận được thương chúng tôi đến chảy nước mắt!". Đó là những đồng tiền xương máu mà dù kiếm được ở bất cứ nơi đâu, người ta cũng phải đổi bằng mồ hôi, sức lực và nước mắt. Những đồng quà thời "một miếng khi đói…" ấy khi cập cảng quê hương đã nuôi dần ý chí của cặp vợ chồng bên kia đại dương mơ ước làm người giàu có để về làm ăn giúp nước…

Vậy là từ một người "tay không", quăng quật trong cuộc sống đầy bão táp, Tài Phương đã tự học để làm ông chủ, để khi có chút vốn liếng thì lập công ty riêng, mua tàu đánh bắt hải sản tại California  trở thành một nhà buôn kết nối được thị trường quốc tế. Tiền đã giúp anh thực hiện lời hứa sớm trở về quê hương.

Vẫn trăn trở trước con đường lớn

Một ngày đáng nhớ năm 1988, Việt Nam vẫn chưa được xoá bỏ chính sách bao vây cấm vận, Tài Phương quyết định trở về quê hương. Chuyến trở về sau 9 năm ấy, Tài Phương phải sang nước láng giềng Canada xin thị thực rồi qua Hồng Kông,  vòng về Thái Lan hạ cánh xuống Tân Sân Nhất. Bước xuống sân bay, cảm xúc tủi thân vẫn còn ám ảnh nhà doanh nhân Việt kiều này khi nhìn thấy quang cảnh sân bay quê nhà, nhìn thấy rõ cả chiếc lốp máy bay cũ mòn, mòn đến mức tòi cả lớp ta-long tội nghiệp mà chắc chưa có mới để thay. Anh lặng đi khi nghe đâu đó vọng tiếng gọi í ới của những cán bộ trong sân bay và những người thân đón tìm nhau… Không bộ đàm, không điện thoại di động. Tự nhiên thấy thương bà con mình quá. Cảm xúc đầu tiên ấy sau gần mười năm trở lại Tổ quốc đã bật lên ý nghĩ trong anh phải đầu tư nhập ngay thiết bị mạng thông tin liên lạc nội bộ. Chí ít là cho các sân bay, các cửa khẩu để anh em liên lạc, kết nối công việc…

Bây giờ thì đã hơn hai mươi năm Tài Phương đi lại đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Bắt đầu từ thiết bị thông tin, đến nhựa tái chế, máy vi tính, hệ thống ăng ten thu vệ tinh phát thanh truyền hình phủ sóng toàn quốc, sau đến xuất khẩu hàng hoá quý hiếm từ Việt Nam ra nước ngoài.  Anh là người đầu tiên nhập lô xe hộ tống của Cảnh sát 650cm3 giúp lực lượng Công an nước ta chuẩn bị đón vị nguyên thủ đầu tiên của các nước phương Tây thăm Việt Nam những năm cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước.

Công việc xuất nhập khẩu trong giao thương quốc tế luôn luôn là những bí quyết thương trường, chúng tôi xin sẽ không đi qúa sâu vào lĩnh vực tế nhị này. Chỉ biết rằng những đóng góp của doanh nhân Tài Phương xét cả trên góc độ kinh tế; xã hội và trí tuệ chất xám đã giúp anh xứng đáng đại diện cho các doanh nhân Việt kiều là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu cảnh, tình huống xảy ra với những nhà đầu tư như anh. Những trăn trở, những khúc mắc trên con đường làm ăn, cả những thành công và thất bại, nước mắt, mồ hôi đọng lại trên những đồng tiền thuế đóng góp cho đất nước. Khi được hỏi về nhưng điều còn trăn trở, Tài Phương dừng lại suy nghĩ rất lâu. Đó là sự cẩn trọng có trách nhiệm của một doanh nhân giàu kinh nghiệm trên trường quốc tế.

Theo anh khi phát hiện những bất cập, những trở ngại khi làm ăn ở quê nhà, anh thường tìm người có trách nhiệm để tế nhị trao đổi, bày tỏ chính kiến ở những diễn đàn, thời điểm dễ tiếp nhận. Anh cũng từng đã kiến nghị cần được đổi mới tích cực, nhanh hơn những chính sách cụ thể của Nhà nước, những cư xử của đội ngũ cán bộ công quyền cơ sở trong giao đãi với các nhà đầu tư người Việt. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là một bước ngoặt lớn trong chính sách đối với bà con Việt kiều, thế nhưng khi triển khai cụ thể phải thống nhất từ trên xuống tận cơ sở. Cần phải khởi động từ dưới lên trên vì nhiều khi chính cán bộ ở huyện và xã do chưa hiểu chính sách nên trở thành rào cản, thậm chí có lúc làm nản lòng bà con kiều bào.

Anh cũng từng kiến nghị đối với giới doanh nhân người Việt cần có sự ưu đãi về giá cả ưu đãi về cơ chế chính sách để họ đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Tài Phương, trên thế giới này thật khó tìm được sân chơi bình đẳng. Các nhà đầu tư người Việt thường yếu hơn về vốn và kinh nghiệm so với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu cùng đầu tư vào Việt Nam thì những doanh nhân như anh dễ nắm phần thua. Vì thế mà phải có sự ưu đãi cho bà con. Bởi ngẫm cho cùng và chắc chắn rằng, lãi của người Việt sẽ đầu tư trở lại đất nước, lịch sử đã minh chứng rằng người Việt dù sống ở đâu cũng đều mong muốn hướng về quê hương đất nước, nhưng lãi của những nhà đầu tư nước ngoài thì họ mang về nước họ...

Nhưng theo Tài Phương, điều quan trọng nhất trong tình hình hiện nay lại chính là cơ chế niềm tin. Hiện đang tồn tại một cơ chế khá bất hợp lý, đó là khi các nhà đầu tư nước ngoài ký kết một hợp đồng, họ được đại diện Đại sứ quán có mặt để bảo lãnh về pháp lý. Vì thế mà nhà đầu tư an tâm hơn trong hành trình làm ăn. Còn bà con ta, những dự án có thể nhiều tiền hơn nhưng chưa có cơ chế bảo lãnh. Nhà đầu tư người Việt thật khó an tâm trước những rủi ro.

Theo anh, làm ăn ở đâu cũng vậy, có niềm tin là có tất cả. Đã có lúc 2 người con của anh ở Mỹ còn lăn tăn việc đầu tư về Việt Nam của bố mẹ. Theo anh đó cũng là điều bình thường bởi các cháu thuần sống ở xã hội Mỹ, nhưng điều đó buộc anh phải suy nghĩ tới một vấn đề khá hệ trọng: tình cảm của thế hệ thứ hai con cháu người Việt ở nước ngoài đối với đất nước như thế nào.

Những doanh nhân như Tài Phương - Kim Dung với độ tuổi sống gắn bó với đất nước, bao cấp đã từng, đổi mới đã trải, sự hiểu biết và cảm thông trở thành máu thịt. Thế những thế hệ thứ hai sống trong một xã hội hiện đại, điều thuyết phục họ đầu tư về nước, gắn kết họ trở thành những sứ giả tin cậy cho quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với nước sở tại, ấy là cơ chế niềm tin. Bởi ngẫm cho cùng tương lai của đất nước, sức mạnh của dân tộc phụ thuộc vào thế hệ tương lai, cả sự đoàn kết, tụ về quê hương của cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống trên toàn thế giới này

Hồng Thái - Anh Hiếu
.
.
.