Từ tai nạn nghiêm trọng tại công trường xây dựng Dự án Nam Đại Cồ Việt:

Những khuất tất về một bản quy hoạch

Chủ Nhật, 24/04/2005, 07:23

Cái chết của anh Nguyễn Quang Minh là giọt nước làm tràn ly bởi suốt 2 năm qua, gần 300 hộ dân sinh sống tại khu tập thể của 3 trường đại học: Xây dựng, Mỏ - Địa chất, Bách khoa và tập thể Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn bức xúc, khiếu kiện nhiều nơi vì  điểm không bình thường của dự án này.

Một ngày sau cái chết bất ngờ của anh Nguyễn Quang Minh, chúng tôi tìm tới căn nhà nằm trong ngõ 22, tổ 26, đường Tạ Quang Bửu và chứng kiến cảnh đổ nát ngổn ngang trước cửa nhà, toàn bộ phần mái vẩy của căn nhà bị kéo sập xuống sân. Trước cửa là chiếc bàn con đặt bát hương, khói nghi ngút. Một cọc khoan nhồi dài chừng 20m nặng cỡ 1 tấn đè bẹp cả một đoạn hàng rào đổ giữa cửa.

Cái chết từ trên trời rơi xuống!

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Đinh Hòa Bình, người may mắn thoát chết bởi khi đó ngồi bên cạnh anh Minh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại buổi sáng khủng khiếp ấy: “8 giờ sáng ngày 13/4, tôi với chú Minh đang ngồi trước cửa, vừa cầm chén nước chè lên uống thì thấy rầm một cái, cả cọc sắt bay từ chiếc máy đóng cọc sang, đánh sập mái vẩy rơi xuống chiếc bàn con. Tôi ngã ra, vừa bò dậy được thì thấy cả thân người chú Minh bị chiếc cọc sắt đè bẹp gí. Tôi hét mọi người cấp cứu. Nếu không có mái vẩy bằng sắt thì chắc cả bốn người đang ngồi trong nhà lúc ấy chẳng ai còn sống sót”.

May mắn thoát chết nhưng chị Bình bị thương khá nặng ở đầu gối trái. Anh Minh chết, để lại một gia đình tới 5 người, hai bố mẹ già ngoài 80 tuổi ốm đau quanh năm, vợ không nghề nghiệp chỉ buôn bán vặt và hai đứa con một lên 7, một mới 6 tháng tuổi. Theo những người dân ở đây, đã nhiều lần bà con phản ánh đơn vị thi công ẩu nhưng không ai để ý. Tuy nhiên, điều bất ngờ của chúng tôi khi tiếp xúc với những người dân ở đây là sự bức xúc về thái độ của chủ đầu tư trong việc giải quyết vụ việc. Bởi đơn vị thi công đã không đảm bảo các quy định về an toàn để người dân vạ lây. Sau khi sự việc xảy ra, người lái chiếc máy cẩu đã bỏ trốn.

Những khuất tất về một bản quy hoạch

Tháng 4/2002, UBND Tp. Hà Nội ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình trên dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt. Đơn vị chủ đầu tư là Công ty Tu tạo và phát triển nhà thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội.

Sự không minh bạch của dự án thể hiện rõ nhất ở chỗ chủ đầu tư có tới 2 tấm bản đồ quy hoạch. Ông Nguyễn Đức Thảo, tổ trưởng tổ 26, cụm 5, phường Bách Khoa, đưa cho tôi tấm bản đồ QH 04 mà ông và những người dân trong tổ khẳng định là bản đồ rởm. Quả thực, là bản đồ quy hoạch (tài liệu có giá trị pháp lý) nhưng trên tấm bản đồ QH 04 (ông nhận từ chủ đầu tư vào khoảng tháng 10/2002) không hề có bất cứ một con dấu và chữ ký nào. Phát hiện ra điểm bất thường này, bà con đến hỏi chủ đầu tư thì được trả lời: “Chúng tôi chỉ là người xây dựng và chỉ biết làm theo bản đồ”. Nhưng khi thấy bà con phản đối kịch liệt, ba ngày sau, chủ đầu tư lại... đưa ra tấm bản đồ khác, đó là bản đồ QH03 do ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó kiến trúc sư trưởng thành phố (nay là Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) ký ngày 30/7/2002. Khi so sánh hai tấm bản đồ, bà con phát hiện ra một sự thật "chết người", trong khi bản đồ QH 03 quy hoạch đúng theo Quyết định 58/2002/ QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, tức là không có dãy VIII D; chỉ có 1 lô 1A và toàn bộ 18 hộ dân dãy số lẻ của ngõ 22 được phép tự chỉnh trang, thì trong tấm bản đồ rởm, toàn bộ 18 hộ này bị giải tỏa để làm bãi cỏ và vườn hoa. Tuy nhiên, điều khó hiểu là dường như bất chấp tất cả, phía chủ đầu tư vẫn cho người đi đo diện tích của 18 hộ dân không nằm trong quy hoạch, thậm chí trong Công văn số 712, ngày 8-9-2004 gửi UBND phường Bách Khoa, Giám đốc Công ty Tu tạo phát triển nhà Thân Thế Sơn vẫn khẳng định: “Diện tích thảm cỏ cây xanh nằm trong diện tích 2.000m2 dùng để xây dựng nhà chung cư (thuộc diện tích của các hộ dân dãy nhà số lẻ của ngõ 22, phố Tạ Quang Bửu)” và vẫn cho người đến 18 hộ dân này đề nghị cho đo đạc diện tích, tuy nhiên tất cả các hộ đều từ chối.

Tháng 12/2004, đại diện các hộ dân đã trực tiếp lên gặp lãnh đạo Ban Chỉ đạo GPMB thành phố. Ông Thảo cho biết: “Trong cuộc gặp này, ông Cao Xuân Minh, Phó ban nói với chúng tôi rằng bản đồ QH 04 là không thật, không phải gốc và không dùng được. Ông Minh cũng khẳng định chỉ thừa nhận bản đồ QH 03, nếu không có quyết định bổ sung của UBND thành phố hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì dãy nhà 18 hộ của các bác không phải dọn đi đâu cả”. Như vậy có thể hiểu rằng đã có sự không minh bạch của chủ đầu tư trong việc tìm cách “quy hoạch” diện tích của 18 hộ dãy số lẻ ngõ 22!

Nhưng nỗi khổ của 18 hộ dân chưa dừng lại ở đó. Suốt 2 năm xây dựng tòa nhà chung cư cao tầng ở lô VIII C, do thi công không đảm bảo an toàn nên 18 hộ dân liền kề không chỉ phải cam chịu tiếng ồn, bụi bặm mà hầu hết nhà cửa đều bị ảnh hưởng, khu phụ nhà ông Thảo bị một gầu bêtông rơi vào đánh sập toàn bộ phần mái; một số hộ khác thì bị vỡ kính, nứt trần.

Việc xây dựng khu chung cư này cũng có nhiều điểm không bình thường. Theo Quyết định 58/QĐ-UB ngày 18/4/2002 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết điều chỉnh dải đất phía nam ven đường Đại Cồ Việt tỉ lệ 1/500, tại mục 4 đã ghi: Lô đất VIII C hiện là khu nhà ở của giáo viên các trường đại học: Bách khoa, Xây dựng, Mỏ - Địa chất được chia làm 3 lô VIII A, VIII B, VIII C. Lô VIII C có 2 phần, một phần là nhà ở tập thể sẽ tái định cư như lô VIII A và VIII B; phần còn lại hiện là trụ sở của Tổ chức Phát triển giáo dục (HEDO) và kho sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ xây mới một nhà cao tầng (6-12 tầng). Tầng 1 và 2 xây dựng trụ sở văn phòng, các tầng trên làm nhà ở phục vụ di dân tại chỗ. Trong thiết kế ban đầu, diện tích sàn xây dựng khu nhà này chỉ có 400m2 và cao 12 tầng. Tuy nhiên, tới khi hoàn thành, khu chung cư này là tòa nhà cao tới 16 tầng đặt trên diện tích gần 1.050m2 khiến cho móng của tòa nhà này lấn ra cả vỉa hè và chỉ cách lòng đường Tạ Quang Bửu chưa tới 1m, không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà rất mất mỹ quan đô thị. Theo chúng tôi được biết, người dân ở đây đã từng tập hợp 90 ý kiến xung quanh việc quy hoạch, giá đền bù đất, chính sách tái định cư không hợp lý... gửi lên các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, tuy nhiên cho tới lúc này vẫn chưa có cơ quan nào trả lời

Nguyễn Thiêm
.
.
.