Những "khoảnh khắc" về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng tinh thần nhân văn

Chủ Nhật, 26/12/2010, 09:50
Triển lãm "101 khoảnh khắc về Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp" ở 45 phố Tràng Tiền đã bước sang ngày thứ 5 rồi mà người đến tham quan, thưởng lãm vẫn đông chật. Đây là món quà vô giá mà nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn kính tặng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Ở bên ngoài kia, tiếng xe cộ vẫn rầm rập ồn ã, còn ở trong góc nhỏ này, nhà báo Trần Tuấn rủ rỉ kể cho tôi nghe lại những kỷ niệm về vị Đại tướng huyền thoại trong những năm tháng ông được may mắn chụp ảnh Đại tướng. Giọng nghệ sỹ trầm ấm, có lúc nghe rõ, nhưng có lúc lại như một thanh âm xa lắc dội về từ một vùng ký ức rất riêng mà ông cất giữ trong lòng với biết bao tình cảm thân thương, thiết tha trìu mến dành cho Anh Văn.

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn đến với nghề báo vào năm 1968, khi đó ông được phân công vào bộ phận kỹ thuật ảnh của TTXVN. Nhà báo Trần Tuấn bảo tôi, ông là "con trai" Hàng Đào (Hà Nội) chính hiệu, có phải vì thế chăng mà ở ông có một sự tinh tế, nhạy cảm hiếm thấy do được thừa hưởng, được hít thở một không gian văn hóa của Hà thành từ nhỏ, đã tạo nên ở ông những "tố chất" rất cần cho nghề báo, đặc biệt là nhà báo ảnh. Từ một cán bộ chuyên làm về kỹ thuật ảnh, rồi trở thành phóng viên nhiếp ảnh và bây giờ là nghệ sỹ nhiếp ảnh, đủ thấy ở ông một ý chí, ý thức làm nghề nghiêm túc đến chừng nào.

Nghệ sỹ Trần Tuấn cho hay, nhiều người gọi ông là phóng viên chuyên trách chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng thực ra đây là cái "duyên" may mắn mà cuộc đời mang đến cho ông. Năm 1975, nhà báo Trần Tuấn được phân công vào phân xã của TTXVN tại Huế thì cũng trong khoảng thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có trở vào thăm Huế, thăm lại vùng giải phóng sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Nhà báo Trần Tuấn được phân công chụp ảnh tướng Giáp. Đây cũng là lần đầu tiên ông "tiếp cận" Đại tướng với tư cách là một phóng viên ảnh. Đại tướng đi đến đâu, nhà báo Trần Tuấn cũng cố gắng ghi lại một cách chân thật mà dung dị nhất hình ảnh của Đại tướng. Bộ ảnh của nhà báo trẻ Trần Tuấn về tướng Giáp sau chuyến đầu tiên đó được lãnh đạo TTXVN đánh giá khá cao.

Năm 1978, nhà báo Trần Tuấn có quyết định trở ra Bắc làm việc. Rồi cũng trong khoảng thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại đi thăm khu kinh tế ở Quảng Ninh. Nhà báo Trần Tuấn lại được phân công đi theo "bác Giáp". Lại túi xách, máy ảnh lỉnh kỉnh, quần áo bộ đội, phóng viên Trần Tuấn lên đường. Lại một bộ ảnh phản ánh chuyến đi thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trần Tuấn thể hiện đầy chất báo chí và chất nghệ thuật, trong đó có bức ảnh Đại tướng trò chuyện với công nhân ngành thủy sản rất đẹp, mà hôm nay, nhà báo Trần Tuấn trang trọng triển lãm ngay ở lối vào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội. Ảnh: Trần Tuấn.

Cái duyên là như vậy. Không hẹn mà gặp, không sắp xếp mà cứ như có một sự sắp xếp, có lúc thật tình cờ, để rồi sau rất nhiều năm tháng, mỗi khi bác Giáp định đi đến đâu đó, bác lại báo Văn phòng rằng, gọi chú Tuấn đi. Năm 1984, nhà báo Trần Tuấn lại được phân công sang xây dựng bộ phận nghe nhìn cho TTXVN, thời gian này, nhà báo Trần Tuấn vừa đảm trách nhiệm vụ vừa quay phim, vừa chụp ảnh tướng Giáp. Đến nay, ông còn lưu giữ rất nhiều thước phim vô giá về Đại tướng.

Một câu hỏi rất quen thuộc với nhà báo Trần Tuấn: "Sau 30 năm đi theo chụp ảnh Đại tướng, giờ nhớ đến Đại tướng thì cảm xúc thường trực trong ông là gì?". Nhà báo Trần Tuấn như lặng đi, mái tóc nhiều sợi bạc rủ xuống vầng trán, ông lấy tay gỡ kính, hồi lâu mới cất giọng, vẫn giọng nói trầm ấm, nhưng nghe như có gì nghèn nghẹn: "Tôi chỉ cảm thấy một cái gì đó rất gần gũi của mình. Có nhiều khi tôi chụp ảnh Đại tướng để làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nhưng có lúc tôi rơi vào cảm xúc, ngỡ như người con chụp ảnh cho cha mình vậy. Đại tướng đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, nhiều kỷ niệm".

Những bức ảnh là một khoảnh khắc một đi không trở lại và người nghệ sỹ tài ba phải là người ghi lại được những khoảnh khắc đó một cách chân thực, sinh động và có hồn. Một bức ảnh đẹp còn chứa đầy tình cảm của người chụp. Nói điều đó để thấy được ngoài giá trị lịch sử lần đầu được công bố tại triển lãm "101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp", còn là giá trị nghệ thuật nhiếp ảnh đích thực, phía sau nó là tình cảm thân thương của nhà báo Trần Tuấn dành cho Anh Văn.

Trong số những bức ảnh tại triển lãm, tôi thật sự xúc động trước hình ảnh Đại tướng đến thăm Mê Linh, được một lão nông tặng đĩa bánh trôi, tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với những người có công với dân, với nước. Nhắc đến bức ảnh này, nhà báo Trần Tuấn lại xúc động: "Lúc đó, tôi nhìn thấy đôi mắt Đại tướng lệ như trực trào ra, đôi tay gầy guộc xương xương của bác đỡ lấy đĩa bánh trôi, một cái gì đó thật xúc động, thương mến cứ lan tỏa trong lòng tôi suốt chuyến đi".

Nhà báo Trần Tuấn nhớ lại: "Đại tướng là một người giản dị mà chu đáo vô cùng, quan tâm tới anh em từng cái nhỏ nhất. Năm 1996, Đại tướng vào thăm Bà Rịa - Vũng Tàu, thăm ngành dầu khí, tôi được phân công đi theo Đại tướng. Đại tướng bảo tôi, đừng gọi Đại tướng là bác, hãy gọi là Anh Văn cho thân tình.

Sáng nào hai anh em cũng chạy bộ tập thể dục. Một hôm, tôi bị đau bụng, Anh Văn hết sức lo lắng, bảo tôi phải quay về chỗ nghỉ báo ngay với bác sỹ, Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, bác sỹ riêng của Anh Văn. Bác sỹ Nhựa chẩn đoán tôi bị đau ruột thừa. Anh Văn càng lo lắng, bàn với tôi là: "Hay là để tôi điện thoại cho Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều trực thăng đến đưa anh về đó mổ". Nhưng sau đó, do bác sỹ Nhựa có thể mổ được ruột thừa nên tôi được đưa đến Bệnh viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. May mà kịp.

Vì bệnh tình của tôi mà chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh của Anh Văn bị chậm mất một tuần. Tôi áy náy lắm, nhưng Đại tướng hồn hậu bảo tôi, cậu cứ yên tâm tĩnh dưỡng, không việc gì phải lo. Đại tướng còn định cho đón vợ tôi vào chăm sóc chồng. Sau chuyến đi dài ngày đó, khi trở ra Bắc, hai vợ chồng tôi đến thăm Đại tướng, câu đầu tiên Đại tướng nói với tôi là "Vết mổ của cậu đã bình thường chưa, đừng đi lại nhiều".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng cây tại Trường Quốc học Huế. Ảnh: Trần Tuấn.

Kể đến đây, nhà báo Trần Tuấn lật giở cuốn album lưu giữ những bức ảnh ông chụp chung với Đại tướng và chỉ vào bức ảnh ông và Đại tướng chụp tại phòng chụp của TTXVN. Người tinh ý sẽ nhận ra chiếc áo sơ mi kẻ xanh trên người nhà báo Trần Tuấn ướt sũng mồ hôi. Lần đó, nhà báo Trần Tuấn mời Đại tướng đến TTXVN chụp ảnh kỷ niệm, do chính ông chụp. 5 cuộn phim với 150 kiểu ảnh được nhà báo Trần Tuấn thực hiện cẩn trọng đến từng chi tiết, nhưng quả thực lúc kết thúc thì ông thấm mệt, người ướt sũng vì nắng nóng. Lúc đó, Đại tướng đến bên nhà báo, hồn hậu: "Tôi với chú chụp kiểu cuối cùng".

Nhà báo Trần Tuấn cho hay, Đại tướng không bao giờ quên những điều nhỏ đó, ông rất quan tâm đến bác sỹ, thư ký riêng, anh lái xe. Những chuyến đi với Đại tướng, bao giờ Đại tướng cũng đề nghị được chụp ảnh với Nhà báo Trần Tuấn. Lại chỉ một bức ảnh Đại tướng đang nâng bông hoa trà trong khuôn viên nhà, nhà báo Trần Tuấn chợt nhớ đến câu nói quen thuộc mà Đại tướng như để dành riêng cho ông: "Anh Tuấn ơi, hoa trà nở rồi!".

Kể với tôi những kỷ niệm về Đại tướng đúng cái ngày mà Hà Nội đang se lạnh dần để đón Noel, nhà báo Trần Tuấn chợt nhớ đến một bức ảnh ông chụp Đại tướng cũng vào dịp Noel. Hôm đó, Hà Nội vừa kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Đại tướng bất chợt muốn xuống thăm hồ Hữu Tiệp ở làng Ngọc Hà. Nhà báo Trần Tuấn chỉ kịp chuẩn bị vài phút rồi đi theo Đại tướng. Đến hồ, Đại tướng lại xúc động khôn nguôi, nhưng vì Đài truyền hình đã chiếm hết vị trí đẹp nên nhà báo Trần Tuấn phải chạy bộ nửa vòng hồ. Cuối cùng, ông đã "chộp" được một khoảnh khắc độc nhất vô nhị: Phía xa là hình ảnh Đại tướng đang đứng trước cổng Trường Tiểu học Ngọc Hà, còn phía trước là xác máy bay B52 nằm ngổn ngang, như lưu giữ dấu tích của những ngày chiến đấu hào hùng của quân dân Thủ đô phá tan trận chiến trên không của giặc Mỹ. Rõ ràng, ngoài một con mắt "nhà nghề" chuyên nghiệp, nhà báo Trần Tuấn còn có một ý thức làm nghề bài bản, từ việc lưu giữ tư liệu, đến việc thể hiện ý tưởng bức ảnh.

"Có những bức ảnh chụp xong tôi thấy lòng mình cũng thăng hoa lạ kỳ. Ví như bức ảnh Đại tướng chụp chung với đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an TW giai đoạn 1946 - 1954, hai người tay trong tay cười rạng rỡ ấm tình đồng chí, đồng đội. Rồi bức ảnh Đại tướng chụp chung với Giáo sư Trần Văn Giàu, cả hai nụ cười tỏa sáng như hai bậc "vĩ nhân". Còn những bức ảnh Đại tướng khóc thì luôn ám ảnh tôi vô cùng, thân thương lắm". Có lẽ nhà báo muốn nhắc tôi tới chiêm ngưỡng bức ảnh Đại tướng lấy khăn chấm mắt khi Đại tướng dự mít tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của cựu chiến binh Hà Nội. Đó là lúc vị Đại tướng nhớ về những liệt sỹ đã hy sinh tất cả tuổi thanh xuân, hy sinh vợ con mình để vào chiến trường, đấu tranh vì một nền độc lập dân tộc. Những "khoảnh khắc" rất đời thường này càng làm cho nhà báo Trần Tuấn và chúng ta thêm hiểu về tấm lòng bao dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Câu chuyện của tôi và nhà báo Trần Tuấn bị ngắt quãng. Một vị tướng quân đội đến tham quan triển lãm, ông đã dừng lại rất lâu bên bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp giơ hai tay như một nhạc trưởng. Khoảnh khắc này nhà báo Trần Tuấn ghi lại khi Đại tướng dự kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ở Điện Biên. Ông bảo với chúng tôi rằng: "Hồi ra lệnh đánh trận Điện Biên Phủ, Đại tướng cũng giơ hai tay kiên cường như vậy". Nói rồi, vị tướng kia nước mắt giàn giụa sau cặp kính trắng.

Còn tôi trước khi tạm biệt triển lãm tranh "101 khoảnh khắc về Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp", tạm biệt nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn, tôi chỉ kịp ghi lại một vài "khoảnh khắc" xúc động mà những người đến xem đã ghi lại trong một cuốn sổ, trong đó có nhiều bạn sinh viết rằng: "Cảm ơn nhà báo Trần Tuấn. Qua triển lãm, bỗng nhiên chúng em cảm thấy yêu tha thiết những vị tướng của Việt Nam, không chỉ riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp"…

Thu Phương
.
.
.